Vài tuần lắp ghép các vị trí, 2 trận để thử nghiệm, 90 phút để khẳng định, và Roy Hodgson đã lập tức khiến các CĐV Tam sư cảm thấy an lòng. Người đàn ông 64 tuổi với vẻ lịch lãm trầm ngâm cùng một phong cách huấn luyện không lẫn vào đâu được đã làm được cái điều mà ông đã hứa. Đó chính là hình ảnh của một tuyển Anh rất khó bị đánh bại!
Không có gì ngạc nhiên khi Hodgson muốn xây dựng đội bóng dựa trên khả năng phòng ngự để bảo toàn tính mạng. Sự thật, ông có quá ít thời gian để tìm ra những phương án hợp mốt theo kiểu lãng mạn hay bùng nổ cho những ngôi sao xứ sương mù. Thêm vào đó, việc Rooney vắng mặt cũng đã tạo áp lực không nhỏ lên sức ép thành tích của người Anh. Ở phương diện nào đó, báo chí phương Tây đã đúng khi nhận định về một tuyển Anh khó lường ở thế cửa dưới. Sức mạnh của họ càng được nhân lên, khi phong cách thi đấu và chiến thuật được đặt dưới tay một HLV cực kỳ tôn trọng tính kỷ luật và nền tảng phòng thủ. Trong 18 đội bóng mà Hodgson từng dẫn dắt, không phải bao giờ sự lựa chọn ấy cũng đúng. Giống như khi Fulham vào chung kết Cúp châu Âu chỉ một năm trước khi Liverpool xuống dốc dưới tay ông. Tuy thế, có một điều không thể phủ nhận rằng, ở thời điểm này, FA đã chứng tỏ sự lựa chọn của mình là rất có cơ sở.
Cách mà người Anh chơi trước Pháp không phải là cách chơi khiến tất cả hài lòng. Bên cạnh sự tổ chức rất tốt về đội ngũ và những pha đánh biên chất lượng, tuyển Anh hầu như không thể hiện được cá tính hay sức cuốn hút về lối chơi như những gì người ta từng hình dung. Tuy nhiên, trước một đội Pháp vượt trội về kỹ thuật cũng như khả năng kiểm soát không gian, tuyển Anh đã không chỉ đứng vững mà còn thể hiện được sự phản kháng đầy cứng cỏi. Chỉ cầm bóng vẻn vẹn 40% trong cả trận, Tam sư rõ ràng đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sau khi bị thủng lưới, các học trò của Hodgson cũng đã nhanh chóng khép kín mọi đường vào khung thành Joe Hart. Sự tập trung cao độ trong phòng ngự là điều rất đáng ghi nhận. Không như những màn trình diễn cẩu thả ở các giải đấu lớn trong quá khứ, lúc này, Anh đã trở nên vững vàng và bản lĩnh một cách đáng ngạc nhiên. Chính điều đó đã giúp họ luôn chủ động về thế trận trước một đối thủ đá kỹ thuật và chơi rất đa dạng như Les Bleus.
Đội bóng của tương lai?
Rốt cuộc "canh bạc Chamberlain" đã được Hodgson sử dụng mà không hề ngần ngại. Dù tiền vệ của Arsenal không nhiều lần đánh bại được Debuchy trong hơn 70 phút trên sân, nhưng chắc chắn hậu vệ phải của Lille cũng đã luôn cảm thấy sức ép từ tốc độ của anh. Ở Donetsk, màn trình diễn của chàng trai 18 tuổi đã trả lời cho những hoài nghi về khả năng chơi cho tuyển QG ở một giải đấu lớn. Hơn thế nữa, Chamberlain còn khẳng định bản thân không phải là một "canh bạc" như người ta nghĩ, mà là một nhân tố xứng đáng cho suất đá chính ở các trận quan trọng.
Sử dụng Chamberlain thay vì Defoe hay Walcott, ông chủ của tuyển Anh có vẻ đã muốn tặng cho Blanc một món quà bất ngờ. Nhưng mặt khác, quyết định này đã gián tiếp nói lên tư tưởng dám thay đổi của Hodgson ở giai đoạn chuyển giao thế hệ tại Tam sư. Sự thật, đã có khá nhiều tranh cãi khi cựu HLV của West Brom triệu tập hàng loạt những cái tên không quá gây ấn tượng với người hâm mộ. Hoặc cũng đã có những ý kiến cho rằng ông đang "Liverpool hóa" đội tuyển. Nhưng đúng như lời Hodgson đã tuyên bố, "những người xứng đáng và phù hợp sẽ có cơ hội". Đội bóng của ông, thay vì sự bóng bẩy và vô hại của một gánh xiếc rong, đã trở nên đoàn kết và giàu ý chí hơn hẳn những suy diễn từ giới truyền thông.
Có thể vẫn còn quá sớm để nói về thành công của người Anh dưới thời Roy Hodgson. Nhưng lúc này, các CĐV xứ sương mù đã nhận ra những đổi thay có tính bước ngoặt đối với đội bóng của họ. Quên "thế hệ vàng" đi! Quên những nàng Wags và những ngôi sao chói lóa dưới ánh flash đi! Bây giờ sẽ là một Tam sư khó xem hơn, khó "yêu" hơn, nhưng cũng khó đánh bại hơn bao giờ hết.
Một Tam sư của tương lai, giản dị mà đầy chiều sâu như chính Hodgson vậy.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)