Quyết định của Prandelli để Italia chuyển sang chơi 4-3-1-2 trong trận gặp Ireland, rốt cục, cũng đã mang tới chiến thắng cần thiết trong tình cảnh ngặt nghèo. Nhưng với sơ đồ ấy, cách chơi của đội Thiên Thanh vẫn vướng phải không ít vấn đề.
4-3-1-2 hay 3-5-2?
Italia mở đầu EURO năm nay với Tây Ban Nha trong một trận đấu chứa đựng rất nhiều nét độc đáo về chiến thuật, khi đội Bò Tót quyết định sử dụng công thức 4-6-0, vốn rất hiếm gặp trong làng túc cầu thế giới, còn Italia “quay ngược thời gian” cùng 3-5-2 với libero De Rossi. Đội Thiên Thanh đã thành công mỹ mãn với chiến thuật của mình, nhờ một hàng tiền vệ chiếm số lượng đông đảo rất tích cực tranh chấp, hạn chế được khả năng đan lát của các siêu tiền vệ bên kia chiến tuyến. Phía trên, các tiền đạo di chuyển hợp lý, Pirlo chơi thăng hoa, trong khi phía dưới, 3 hậu vệ cùng thủ môn Buffon đã phô diễn được hết những gì tinh túy nhất của mình.
Nhưng trước Croatia, đối thủ sở hữu lối đá chân phương với kiểu nhồi bóng xuống biên và tạt bổng rất khó chịu (cũng là lối đá sở trưởng của Tuyển Anh, đối thủ của Italia ở tứ kết), 3-5-2 bắt đầu xuất hiện những bất cập. Đó là sự thiếu ổn định trong vận hành, khả năng phòng thủ hai cánh kém và khoảng cách các tuyến không hợp lý.
Italia cần một chiến thuật phù hợp để tận dụng tốt nhất năng lực của Pirlo
Chuyển sang chơi 4-3-1-2 trong trận gặp Ireland là quyết định khôn ngoan của Prandelli, bởi đây là sơ đồ Italia đã sử dụng trong một thời gian rất dài và cũng mang đến những thành công nhất định, minh chứng là thành tích bất bại suốt 10 trận vòng loại (thắng 8). Với nó, Italia thể hiện được sự ổn định, cân bằng, cự ly đội hình đảm bảo và hai biên an toàn hơn hẳn.
Nhưng họ cũng đã phải trả giá, bởi lối chơi lúc này không còn trơn tru và nhuần nhuyễn như trước, khi gần như 1 nửa đội hình chính đã quá quen với 3-5-2 ở cấp CLB, trong một mùa giải mà sơ đồ này trở thành một trào lưu ở Calcio. Điểm cộng dễ thấy nhất của 4-3-1-2 là biên trái của Balzaretti quá tuyệt, trong khi Abate phòng ngự rất đáng khen. Điểm trừ là các tiền vệ đôi lúc giẫm chân nhau, Pirlo tỏ ra không thoải mái, và một điều quan trọng nữa, Italia hiện giờ không có một hộ công giỏi.
Tất cả vì Pirlo!
Trước Ireland, dù trực tiếp kiến tạo 1 bàn cho Cassano từ pha đá phạt góc, nhưng nhìn chung, đó là trận đấu kém thuyết phục nhất của Pirlo ở vòng bảng. Anh tỏ ra khó thích ứng với sơ đồ mới, mất bóng rất nhiều và uể oải. Sự mệt mỏi của Pirlo là điều không khó lý giải, vì regista này đã phải trải qua tới 53 trận đấu và 4722 phút thi đấu từ đầu mùa đến giờ, mật độ đáng kinh ngạc với một cầu thủ đã bước sang tuổi 33.
Nhưng dù có thế nào, gạt bỏ Pirlo chắc chắn là ý nghĩ chưa bao giờ xuất hiện trong đầu Prandelli, bởi đơn giản, anh là bộ óc của cả đội, và không thể thay thế. Do đó, thay vì tìm một nhân tố khác để xoay vòng và tạo ra điều gì đó mới mẻ, Prandelli chỉ còn cách duy nhất: tìm ra một công thức để che chở cho anh.
Việc chơi 4-3-1-2 với 1 hộ công ngay phía trên đã khiến Pirlo bị hạn chế tầm hoạt động, nên dù có thể vẫn được bao bọc từ các đồng đội, không gian chật hẹp vẫn triệt tiêu phần nào những ý tưởng từ “Maestro”. Hãy nhớ đến bàn thắng duy nhất từ bóng sống của Italia cho đến lúc này của giải đấu: Pirlo bất thần băng lên, loại bỏ 2 cầu thủ Tây Ban Nha rồi chọc khe sắc lẹm để Di Natale cứa lòng, một minh chứng cho thấy sự nguy hiểm của Pirlo khi anh được chơi bóng tự do.
3-5-2 là sơ đồ yêu thích của Pirlo và nó có thể mang đến cho anh sự thoải mái, nhưng như đã nói, lại rất phiêu lưu trước một đội Anh đá biên rất giỏi. Do đó, Prandelli sẽ phải cân nhắc thật sự kĩ càng, để bộ não của đội bóng được giải phóng, lối chơi nhuần nhuyễn và đa dạng, nhưng vẫn tạo được sự yên tâm cần thiết.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)