Khi bóng đá ngày một thực dụng hơn thì việc ĐT Hà Lan thay đổi chiến thuật từ lối đá tận hiến sang phòng thủ tiêu cực là điều có thể hiểu.
Tinh tế vứt ra ngoài cửa sổ
ĐT Hà Lan được thế giới biết đến và suy tôn như một nền bóng đá đã sản sinh ra một trường phái tấn công vĩ đại là bóng đá tổng lực, và những cầu thủ tấn công hào hoa. Họ vẫn thường được gọi với cái tên mĩ miều “kẻ thất bại vĩ đại nhất lịch sử”. Ngay cả thế hệ của những Cruyff, Neeskens… cũng không một lần vươn đến đỉnh cao đã khiến cho bóng đá Hà Lan có những thay đổi về tư duy chiến thuật.
Từ Euro 2008 đến World 2010 và bây giờ là Euro 2012, câu hỏi: “Bản sắc hay không bản sắc” vẫn đau đáu trong suy nghĩ của mỗi trái tim yêu màu da cam nhức nhối ấy. Đi cùng với đó, những thay đổi muộn mằn trong thời gian gần đây của ĐT Hà Lan khiến những người yêu màu da cam nguyên bản cảm thấy bị xúc phạm.
Hà Lan sẽ trả lời cho câu hỏi "bản sắc" ở Euro 2012
Ở Euro 2008, Van Basten và các học trò bị một người Hà Lan khác là Guus Hiddink loại ở bán kết nhưng trong tư thế ngẩng cao đầu. Đơn giản vì Hà Lan năm ấy đã tận hiến! Thế nhưng lối chơi thô bạo đến man rợ của chính họ ở World Cup 2010 đã mang đến một 'cơn bão' chỉ trích kịch liệt. Dư luận Hà Lan cũng lên án đội quân HLV Bert van Marwijk không đơn giản vì tính chất phản bóng đá mà vì họ quá quen với một Hà Lan hào hoa và đẹp đẽ của bóng đá tổng lực.
Sau World Cup 2010, những người yêu mến Hà Lan đã phải thất vọng và thốt lên rằng: “Hà Lan đã vứt bốn thập kỷ truyền thống hào hoa và tinh tế ra ngoài cửa sổ. Cơn lốc chẳng còn sự quyến rũ theo cách riêng của mình mà đi vào một công thức chung của những chiến thắng xấu xí nhằm tiếp cận danh hiệu ở những giải đấu lớn”.
Danh hiệu trước, phong cách sau
Đừng vội trách oán thầy trò Bert van Marwijk bởi những kết quả giành được từ những phương pháp tiếp cận của ông vẫn khiến người Hà Lan tự hào. Hà Lan đã hoàn thành chiến dịch vòng loại một cách xuất sắc, với 9 trận đầu thắng liên tiếp, và ghi đến 37 bàn trong 10 trận, nhưng 25 bàn trong số đó được ghi vào lưới… San Marino và Hungary.
Tại Euro lần này, HLV Bert van Marwijk sẽ phải trả lời cho câu hỏi: Robin van Persie và Wesley Sneijder, ai sẽ là nhân vật trung tâm trong chiến thuật? Chiến thuật 4-4-2 mà Bert van Marwijk kế thừa có phát huy từ Van Basten vẫn được bảo lưu ở kỳ Euro này. Theo đó, 4 hậu vệ, 2 tiền vệ phòng ngự, 1 tiền vệ tổ chức hoạt động như một “số 10” thực thụ trong khi 1 tiền vệ đá dạt cánh và có xu hướng như một tiền đạo ảo thứ 3. Và như thế, trên hàng công sẽ là một trung phong đích thực trong khi tiền đạo thứ 2 như một tiền vệ thứ 5 của đội bóng hoạt động con thoi bên hành lang trái hoặc phải.
Bóng đá ngày càng thực dụng và triết lý tấn công, tấn công và tấn công vì lối đá tận hiến trong suốt 4 thập kỷ qua của người Hà Lan đã phải nghĩ lại. Dân tộc ấy sẽ phải làm quen với một hình ảnh “màu cam” thực dụng trên sân cỏ nếu không muốn mình mãi là kẻ vĩ đại khi về nhì. Hà Lan đang trải qua một giai đoạn đấu tranh nội tại dữ dội giữa hai thái cực ấy. HLV Bert van Marwijk đã từng khởi xướng một cuộc cách mạng “thực dụng hóa” màu da cam và chắc chắn ông vẫn sẽ theo đuổi nó.
Trước báo giới cách đây ít ngày, HLV Bert van Marwijk vẫn bảo: Hà Lan sẽ chơi tấn công tận hiến…
(Theo VTC)