Đức đã đánh bại Hà Lan bằng hai bàn thắng đẹp, nhưng không chỉ có thế. Quan trọng hơn, chiến thắng đã đi kèm với những công cụ bảo vệ chiến thắng: Sự hiệu quả, kiểm soát cực tốt trạng thái tâm lý, và biết cách thực dụng khi cần thiết.
Đội tuyển Đức của rạng sáng qua dường như là kết tinh từ những bài học lịch sử. Bài học của một thập kỷ toàn về nhì và ba từ cấp đội tuyển cho đến CLB (thậm chí “văn hóa về nhì” còn lây lan ra cả bóng đá nữ và độ tuổi thiếu niên). Bài học rút ra từ lời cảnh báo ở trận chung kết Champions League, một trận đấu mà biểu tượng cấp CLB của bóng đá Đức là Bayern đã chịu thua Chelsea vì yếu kém về mặt bản lĩnh. Họ đã đánh bại Hà Lan vẫn theo phong cách tấn công quen thuộc, nhưng là tấn công với một sự kiểm soát chừng mực và thực dụng khi cần thiết.
Đội Đức phiên bản 2012 cũng khác nhiều so với World Cup 2010 dù đang vận hành với cùng công thức 4-2-3-1 và hầu hết các gương mặt từng chinh chiến hai năm trước. Họ tỏ ra hiệu quả hơn, biết vận dụng rất linh hoạt mọi phương án để có thể đưa trận đấu về đích theo kịch bản mình mong muốn.
Đức thi đấu thực dụng hơn để giành chiến thắn
Như trong trận đầu tiên với Bồ Đào Nha, khi các cầu thủ chưa thật sự nóng máy, chưa triển khai được lối chơi một chạm tinh tế, “Die Mannschaft” lập tức chuyển sang phương án lật cánh đánh đầu truyền thống và có được bàn thắng nhờ công của “oanh tạc cơ” Mario Gomez. Hay trong màn so tài với Hà Lan, khi bị đối thủ vùng lên, Đức vẫn kiểm soát được thế trận rất tốt (bàn rút ngắn tỷ số của Robin van Persie đến từ khoảnh khắc thiên tài của cầu thủ này chứ không phải lỗi hệ thống của Đức), không hề có dấu hiệu nao núng. Trong những phút cuối trận, các học trò của ông Loew thậm chí cũng biết sử dụng tiểu xảo, dùng các chiêu câu giờ (và thực hiện nó khá thuần thục) để bảo toàn chiến thắng.
Còn nhớ tại World Cup 2010, đội bóng của HLV Loew vùi dập Australia ở trận mở màn tới bốn bàn không gỡ nhưng chỉ ngay trận sau đã bị Serbia đánh bại 1-0 do bế tắc trước hàng thủ dày đặc của đối thủ. Trong khi đó, tại EURO 2012, hai đối thủ của Đức mạnh hơn hẳn nhưng đội bóng này vẫn giành được hai chiến thắng. Những người duy mỹ có thể bớt yêu Đức hiện nay nhưng cần nhớ đây là bảng tử thần và chiến thắng mới là điều quan trọng nhất chứ không phải những đợt tấn công đẹp như trong sách giáo khoa.
HLV Loew là một người yêu bóng đá đẹp. Ngay từ những năm 1996-1997, khi lối chơi thực dụng kiểu cũ vẫn đang thống trị, chiến lược gia này đã tiến hành một cuộc cách mạng tại Stuttgart, giúp “Thiên nga trắng” ghi tới 78 bàn, nhiều hơn đội vô địch Bayern tới 10 bàn! Tuy nhiên, chắc hẳn không nhiều người nhớ tới chiến tích này bởi mùa đó, Stuttgart chỉ xếp thứ tư, danh hiệu duy nhất giành được là chiếc cúp Quốc gia. Lối chơi đầy hoa mỹ của tuyển Đức trong những năm qua đã được ngợi khen hết lời nhưng nếu không giành được một danh hiệu lớn, có lẽ cũng không nhiều người còn nhớ công lao của ông Loew.
Cú đúp của Mario Gomez là những bàn thắng đẹp, nhưng nó chưa hẳn là sản phẩm của sự bay bướm và hoa mỹ. Chúng ta thấy tiền đạo của Bayern xoay người như một vũ công trước khi mở tỉ số, nhưng đó không phải là một động tác chỉ để cho đẹp, mà đơn giản là vì động tác ấy là phù hợp nhất để anh loại được các hậu vệ trong hoàn cảnh ấy. Tính thời điểm là điểm nhấn ở bàn thứ hai: Chỉ sút chậm một nhịp thôi, anh không còn khiến thủ môn của Hà Lan bất ngờ nữa. Đó là một cái đẹp ngẫu nhiên được sinh ra từ tư duy thực dụng của Gomez, người chỉ nghĩ đến những bàn thắng và làm mọi cách để đạt được nó.
Nếu coi 2006 là cột mốc của cuộc cách mạng bóng đá tấn công, từ đó tới nay người Đức đã thất bại quá nhiều, từ cấp độ ĐTQG tới CLB. Bây giờ, hai trận toàn thắng vừa qua cho chúng ta thấy người Đức vẫn có thể “nêm” một chút gia vị thực dụng vào lối chơi của họ, để cái đẹp mà họ hướng đến không phải cái đẹp mong manh.