Người Anh chấp nhận vị thế của một kẻ chiếu dưới ở VCK lần này, và đó là một sự “biết mình, biết người” có toan tính. Nhưng có thật là khi tính thực dụng được đưa thành tiêu chí hàng đầu, thì thành công sẽ đến với họ?
Ít nhất thì dưới thời Roy Hodgson, ĐT Anh cũng đã duy trì được thói quen chiến thắng ngay cả vào những hoàn cảnh họ bị nghi ngờ nhất. Nhưng thật ra, đó chỉ là những kết quả trên bảng tỷ số, và không tạo được cảm giác yên tâm. Và nên nhớ rằng áp lực ở những trận đấu chính thức bao giờ cũng cao hơn rất nhiều khi đá giao hữu. Chuyện “thử kêu, đốt xịt” đối với các ĐTQG vốn chẳng có gì lạ.
Chính Hodgson cũng hiểu rõ những điểm hạn chế của Tam sư hiện tại. Dù chiến thắng trước ĐT Bỉ, nhưng cái cách mà đội chủ nhà phải đối phó vất vả với Hazard và Fellaini cho thấy họ vẫn gặp vấn đề trong khâu triển khai bóng, thiếu những tình huống di chuyển dâng cao và xâm nhập vòng cấm địa đối phương theo ý đồ chiến thuật. Âu đó cũng là điều không ngạc nhiên với một đội bóng đã phải chia tay hai tiền vệ trụ cột (Bary, Lampard) vì chấn thương, cũng như không thể có chân sút xuất sắc nhất ở hai trận đầu vòng bảng (Rooney) do thẻ phạt. Bản thân Hodgson chưa bao giờ được xem là HLV ngang tầm với Capello cả. Thậm chí, ông chỉ là lựa chọn thứ hai, sau Redknapp.
Khi nhắc đến vấn đề chấn thương của đội tuyển, Hodgson cố gắng tránh từ “lời nguyền”. Nhưng có lẽ ông sẽ tự mình “phạm húy” nếu như Cahill theo gót Lampad và Barry tạm biệt EURO. Có lẽ sau khi trở về, ông sẽ phải ngồi lại với các quan chức FA, và cả lãnh đạo các CLB để thảo luận xem tại sao, ĐT Anh hay dính chấn thương trước thềm các giải đấu lớn như thế. Thật ra, câu trả lời thì ai cũng biết cả, khi theo dõi một giải đấu căng thẳng, giàu thể lực và bất chấp ngày nghỉ như Premier League.
Chấn thương chỉ là một nguyên nhân khách quan khiến ĐT Anh của Hodgson không thể chủ động áp đặt thế trận trước các đội bóng từng được xem là đồng cân đồng lạng với họ, nhưng bây giờ được đánh giá nhỉnh hơn (Pháp, Thụy Điển). Chiến thắng trước Bỉ chưa đủ mang đến một bằng chứng thuyết phục về một lối chơi giàu toan tính, biết mình biết người. Lý do: Gerrard, Parker và Milner vẫn chưa thể tạo nên sự gắn kết trên hàng tiền vệ, và sự rời rạc ấy khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai bóng. Kế hoạch Chelsea hóa hàng thủ đang gặp khó khăn lớn với chấn thương của Cahill (và cả Terry). Nên nhớ, ĐT Bỉ không thể gỡ hòa không phải vì họ không tạo đủ áp lực lên hệ thống phòng ngự Tam sư, mà vì thiếu một chân sút thực thụ trên hàng tấn công.
Về mặt này, người Anh đang nuôi hy vọng Carroll hoặc Welbeck có thể thay thế được Rooney trước khi anh trở lại ở trận đấu cuối cùng vòng bảng, gặp Ukraina. Màn trình diễn tương đối ấn tượng của hai chân sút này vừa qua là một cơ sở để tin rằng họ sẽ là mũi nhọn lý tưởng để phục vụ cho triết lý thực dụng của Roy Hodgson. Nhưng nên nhớ, cả hai còn rất trẻ, ít kinh nghiệm quốc tế, và các trận ở những giải đấu chính thức dĩ nhiên sẽ khó khăn hơn khi đá giao hữu nhiều.
Nói tóm lại, Roy Hodgson không có lựa chọn nào khả dĩ hơn lối chơi đặt kết quả lên hàng đầu, nhưng để thực hiện được ý đồ của mình, ông cũng cần phải có những “nguyên liệu” cần thiết, chứ không thể chỉ là mớ lý thuyết suông.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)