Người hâm mộ tin rằng một đội tuyển đi lên từ gian khó sẽ trưởng thành, bản lĩnh hơn và tất nhiên sẽ hiểu hơn về những giá trị cuộc sống.
Hôm qua, một cầu thủ U23 khoe cả đội mới được bồi dưỡng thêm món cháo gà trước khi đi ngủ. Đó thực sự là điều bất ngờ bởi U23 luôn là đội bóng được nâng như nâng trứng giờ như lâm vào cảnh thiếu thốn tới mức phải "bồi dưỡng".
Tinh thần tập luyện của U23 đáng khen ngợi.
Ở lần tập trung này, VFF không bố trí cho các tuyển thủ ở khách sạn, mà chuyển về ở ngay trong trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, nằm trong khuôn viên của VFF. Ở đây, tiện việc đi ra sân tập, chỉ mất hai phút đi bộ. Điều đó cũng có nghĩa các cầu thủ sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Tất nhiên, các điều kiện khác tại trung tâm vẫn còn thua kém so với ở khách sạn.
Đáng quan tâm nhất là bữa ăn của đội tuyển không còn hoành tráng như trước. Các cầu thủ giờ được ăn với suất như một VĐV bình thường, cụ thể sẽ ăn với mức theo quy định của ngành thể thao là 200.000 đồng một ngày. Với mức tiền ăn như vậy trong thời điểm bão giá, đương nhiên không thể đòi hỏi những món ngon. Để cầu thủ không bị nhàm chán bởi những món ăn “truyền thống”, trung tâm mời một số đầu bếp có nghề về phục vụ ngày 3 bữa.
Sau buổi tập chiều qua, HLV Hoàng Văn Phúc một lần nữa khẳng định bữa ăn của các cầu thủ cũng đã được cải thiện tốt, đảm bảo dinh dưỡng để tập luyện. “Các bạn cứ nhìn tinh thần, trạng thái tâm lý của các cầu thủ thì sẽ rõ. Theo tôi cũng không nên quá đặt nặng những vấn đề này, làm sao để cầu thủ thoải mái tâm lý và đảm bảo sức khỏe để tập luyện là tốt rồi. Tất nhiên chúng tôi sẽ có ý kiến với lãnh đạo VFF nếu như vấn đề ăn uống không được đảm bảo”, ông Phúc nói. Còn về phòng nghỉ, ông Phúc cho biết mỗi phòng có tới 4 giường và hai khu vệ sinh, nên việc bố trí 3 cầu thủ ở một phòng rất thoải mái. “Kinh tế khó khăn đang là tình hình chung, nên các cầu thủ sẽ hiểu và chia sẻ với VFF”, ông Phúc khẳng định.
Quả thực, U23 lần này thiệt thòi hơn nhiều so với những đợt tập trung trước, nhưng bù lại, các cầu thủ lại nhận thấy những giá tri thực của cuộc sống. Họ phải làm quen với những hoàn cảnh khó khăn, hơn là “sống trong nhung lụa”, để rồi tự huyễn hoặc mình. Thất bại tại SEA Games 26 và AFF Cup 2012 cho thấy rõ điều ấy, khi các cầu thủ được VFF quan tâm đến tận… răng. Không phải cầu thủ nào cũng có khả năng ứng xử với sự giàu có, sung sướng, nên đã đánh mất mình.
Người hâm mộ tin rằng, một đội tuyển đi lên từ gian khó sẽ trưởng thành, bản lĩnh hơn và tất nhiên, sẽ hiểu hơn về những giá trị cuộc sống. Vì vậy, nếu cứ than nghèo kể khổ thay cho các cầu thủ lúc này, chẳng khác nào làm hại họ. Các cầu thủ nam giờ không còn như những ông hoàng và có thể họ sẽ không chịu nhiều áp lực khi được chiều chuộng hết mức như trước. Và biết đâu đi lên từ gian khó, U23 sẽ là một tập thể biết chiến đấu, biết hy sinh.
(Theo Vnexpress)