Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Nắm ĐT Việt Nam, HLV Hữu Thắng đã “phá” những gì?

Thứ Năm 19/05/2016 21:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Dưới thời HLV Hữu Thắng, có thể thấy rõ những di sản từ nhân sự đến lối chơi của HLV tiền nhiệm Toshiya Miura đã bị biến mất hoàn toàn.

⇒ Theo dõi thông tin kết quả Eurobảng xếp hạng Euro 2016

Thấy gì qua một lời nhờ vả

Những ngày qua, dư luận bàn tán xôn xao về bản danh sách mà HLV Nguyễn Hữu Thắng công bố cho đợt triệu tập ĐT Việt Nam lần thứ hai dưới triều đại của ông. Sự chú ý đổ dồn vào việc nên hay không nên gọi ai, cầu thủ nào xứng đáng hoặc cầu thủ nào được “ưu ái”...

Tuy nhiên, dường như tất cả đã quên mất một chi tiết rất quan trọng khác trong buổi họp báo hôm ấy, đó là việc chiến lược gia xứ Nghệ nhờ vả báo chí truyền thông tiến cử cho ông các gương mặt trẻ sinh năm 1995 đủ năng lực lên tuyển.

Nam DT Viet Nam, HLV Huu Thang da pha nhung gi hinh anh
HLV Hữu Thắng muốn xây một triều đại mới

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao HLV Hữu Thắng phải có sự nhờ vả như vậy? Hiện tại, nếu nói không quá thì chất lượng cầu thủ trẻ ở Việt Nam đang thuộc vào diện nhất nhì Đông Nam Á. Trong năm vừa qua, chúng ta vào chung kết cả ba giải trẻ cấp độ Châu Á là U16, U19 và U23.

Bên cạnh đó, trong quãng thời gian làm việc ở Việt Nam, HLV Toshiya Miura đã giới thiệu một loạt những gương mặt đều sinh năm 1995 hoặc thậm chí còn trẻ hơn nhưng chơi rất tốt như tiền vệ Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Hữu Dũng hay tiền đạo Lê Thanh Bình. Có lẽ nào chừng ấy nhân sự vẫn là thiếu thốn đến mức cựu HLV SLNA phải nhờ vả truyền thông giới thiệu người cho ông.

ĐT Việt Nam và bóng đá tình cảm
Bao năm qua, bóng đá Việt Nam không ngóc đầu lên nổi vì thứ bóng đá tình cảm. Và giờ thì nó đã len lỏi lên Đội tuyển Quốc gia Nam, hình ảnh đại diện cho một...

 

Nhìn cách vị HLV này sử dụng nhân sự và lối chơi sau hai trận đầu tiên nắm đội tuyển, có lẽ nhiều người phần nào hiểu được lí do vì sao ông lại “khát” nhân sự mới đến vậy. Thứ bóng đá “tiki-taka” mà ông tuyên bố sẽ áp dụng cho Việt Nam hoàn toàn khác hẳn với phong cách phòng ngự phản công thực dụng của người tiền nhiệm Nhật Bản. Vì lẽ đó, những đòi hỏi về mội đội ngũ nhân sự mới là dễ hiểu. Tuy nhiên, việc HLV Hữu Thắng tuyển Việt Nam bỏ quên hầu hết những gì mà trong hai năm qua các cấp đội tuyển của Việt Nam đã xây dựng thật sự là một dấu hỏi.

Liệu có nên đập đi xây mới?

Dư luận và khán giả Việt Nam, những người vốn xem bóng đá theo cảm tính khá nhiều, đã từng ghét cay ghét đắng ông Miura vì lối chơi phòng ngự có phần bảo thủ của HLV này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những đóng góp cực kỳ quan trọng của vị chiến lược gia 52 tuổi này cho bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ làm việc đầy bão táp của ông.

Đầu tiên, nền tảng thể lực của các cầu thủ đội tuyển được cải thiện một cách rõ rệt sau những lần được nhồi rất nặng. Mỗi lần báo chí và CĐV ca thán, nhiếc móc HLV Miura khiến cầu thủ chấn thương nhiều, họ đâu hiểu được rằng đó là lúc chúng ta đủ khả năng chơi trọn vẹn 90 phút với sức khỏe và sự tập trung cao nhất.

Nam DT Viet Nam, HLV Huu Thang da pha nhung gi hinh anh 2
Ông Miura bị ghét vì... rèn thể lực?

Thước đo điển hình về vấn đề thể lực chính là Iraq. Ở trận lượt đi tại Mỹ Đình, tuyển Việt Nam của ông Miura phòng ngự kín kẽ và không hề đuối so với đối thủ khỏe hơn suốt cả trận và chỉ chịu hòa vì vận đen đúng phút cuối. Đúng 5 tháng sau, đoàn quân của Hữu Thắng hụt hơi trước chính đối thủ này chỉ sau... 15 phút đầu trận bất chấp Iraq chơi dở chẳng kém lượt đi.

Tiếp đến, tính kỷ luật trong lối chơi là một điều tương đối xa xỉ ở ĐT Việt Nam vào lúc này. Nếu như dưới thời Miura, ông không ngần ngại quát vào mặt các “ngôi sao” nếu như họ không chịu lui về phòng ngự, thì dưới thời Nguyễn Hữu Thắng dường như phòng ngự không phải vấn đề bắt buộc. Cụ thể, đôi cánh của tuyển Việt Nam trước đây là những tiền vệ bám biên kiểu mẫu, rất chịu khó lùi về tham gia phòng ngự. Tuy nhiên, HLV Hữu Thắng lại ưa thích kiểu tiền đạo cánh hơn là những công nhân. Điều này dẫn đến hình ảnh là trong trận gặp Đài Loan, Văn Toàn khi ấy chơi tiền đạo phải, đã thản nhiên đứng nhìn đồng đội tuyến dưới là hậu vệ Đình Hoàng vất vả xoay xở trước sự áp sát của hai cầu thủ to khỏe đối phương.

Nam DT Viet Nam, HLV Huu Thang da pha nhung gi hinh anh 3
Trận thắng trước Đài Loan cũng chỉ ra nhiều vấn đề

Thực tế đã chứng minh ông Miura rồi cũng mắc sai lầm. Sau thất bại đen đủi ở Sea Games 28, ông thầy người Nhật đánh mất mình trước sức ép dư luận để rồi từ đó, lối đá phản công mẫu mực những ngày đầu không còn mà thay vào đó là phòng ngự hết sức tiêu cực. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu HLV Hữu Thắng ĐT Việt Nam có đi vào vết xe đổ này hay không?

Ông đã mạnh dạn gạt bỏ hết di sản của người tiền nhiệm, cả hay lẫn dở, để quyết tâm xây cho mình một triều đại hoàn toàn mới. Thế nhưng, ông sẽ đi đến đâu với giấc mộng tiki-taka xa vời, hay nó chỉ nửa chừng như hình ảnh đội tuyển co cụm trước Iraq, để rồi mỗi khi nhìn lại, các CĐV Thái Lan hay Malaysia lại được dịp chế nhạo “Việt Nam học đòi đá tiki-taka”.

Tường Minh

Có thể bạn quan tâm

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

Xem thêm
top-arrow
X