Nhiều khả năng sẽ lại có người từ chức sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup năm nay, nhưng có lẽ điều đó chẳng thể giúp cho bóng đá Việt Nam thay đổi được gì. Điều mà người hâm mộ chờ đợi, là liệu các nhà quản lý nhìn nhận thất bại này như thế nào để có chiến lược cả tổ của cả nền bóng đá tới đây.
Sau thất bại nặng nề tại SEA Games 26, VFF đã cho từ chức cả TTK Trần Quốc Tuấn và HLV Falko Goetz. Thế nhưng năm nay, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) lại đi vào vết xe đổ, thậm chí thất bại còn đau đớn hơn nhiều khi không vào đến bán kết. Như vậy là việc cứ đè một ai đó ra để “trảm” chỉ là “tốt thí”, chẳng giải quyết được bản chất của vấn đề. Chính vì thế, mà sau khi một số thông tin cho rằng VFF khả năng sẽ sa thải HLV Phan Thanh Hùng, nhiều người đã cười tủm: “Đúng là cách làm quen thuộc của VFF”.
Thực tế, để có một đội tuyển mạnh, sẽ cần có nhiều yếu tố và phải có quá trình. Nhìn lại lực lượng của ĐTVN năm nay, chúng ta quá trông chờ vào những cựu binh như Hồng Sơn, Công Vinh, Minh Đức..., những người đã bước qua thời kỳ đỉnh cao của mình. Cuối cùng thì tất cả đã thấy, tại AFF Cup năm nay, ngoài Tấn Tài vẫn thể hiện được sự xông xáo, thì đa phần còn lại đều thi đấu nhạt nhòa, không dấu ấn.
Bóng đá Việt Nam đã có một kỳ AFF Cup đầy thất vọng
Suốt 4 năm qua kể từ khi ĐTVN lên ngôi vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam đã sống bằng ánh hào quang quá khứ mà quên đi nhiệm vụ sống còn là tạo ra một thế hệ cầu thủ mới, có khát vọng. Những người hiểu rõ về bóng đá Việt Nam quá hiểu, chuyện những cầu thủ có nhiều năm ăn cơm tuyển như Công Vinh, sẽ thi đấu vì nhiều mục đích, chứ không phải đặt màu cờ sắc áo lên hàng đầu. Biết là vậy, nhưng 4 năm qua, VFF vẫn thờ ơ với công tác đào tạo trẻ, hy vọng vào điều gì đó từ những cầu thủ chỉ đặt lợi ích cá nhân lên trên hết.
Nhìn thấy rõ nhất, chính là quy định sử dụng quá nhiều ngoại binh và cầu thủ nhập tịch ở sân chơi V.League, khiến cho các cầu thủ trẻ không có cơ hộ thử lửa. Bệnh thành tích ăn sâu tới cả các CLB, khi vẫn có những đội phản đối chuyện cho phép số lượng nhất định cầu thủ trẻ được vào sân ở mỗi mùa bóng.
Không được cọ xát, một mặt các tài năng trẻ sẽ bị thui chột, một mặt họ cũng mất hào hứng. Hậu quả là ĐT U23 không có nhiều cầu thủ chất lượng, giàu khát vọng, còn ĐTQG thì thiếu hẳn những nhân tố trẻ, mang tới sự tươi mới trong lối chơi.
Nhìn sang Malaysia, đội này sử dụng cầu thủ trẻ từ rất lâu ở giải quốc nội. Thậm chí trong một thời gian dài, Malaysia không thuê cầu thủ ngoại. Thành công tại 2 kỳ SEA Games và AFF Cup liên tiếp đã cho thấy cách làm đúng hướng trong việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ.
Ngay cả đến Myanmar, cũng tiến hành trẻ hóa mạnh mẽ. Tại AFF Cup năm nay, đội bóng này chỉ mang tới đội hình gồm toàn những cầu thủ U22, cũng khiến ĐTVN phải toát mồ hôi mới có được 1 điểm trong trận ra quân.
Chuẩn bị lực lượng là một chiến lược lâu dài, nhưng nó luôn giúp cho mỗi nền bóng đá một sự phát triển bền vững. Chỉ khi nào bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp từ cấp CLB, thì khi đó các đội tuyển mới có sự yên tâm về mọi mặt.
Thất bại của ĐTVN dù có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng chung quy lại vẫn là yếu tố con người. Nhiều người nói rằng, nếu có nhiều tài năng trẻ khát khao cống hiến, thì chắc chắn trong đội tuyển sẽ có sự cạnh tranh cao. Như vậy, những cầu thủ nào không thể hiện mình, sẽ bị đào thải, kể cả đó là những ngôi sao như Công Vinh hay Thành Lương đi nữa.
Nói dài dòng như thế để thấy, ĐTVN đã thất bại ngay từ khi bóng chưa lăn vì mang tới một đội tuyển già nua, yếu chuyên môn, thiếu khát vọng. Đây chính là lỗi của các nhà quản lý bóng đá nước nhà, những người chịu trách nhiệm vạch hướng cho bóng đá Việt Nam phát triển.
Ngoài vấn đề cốt lõi lực lượng, thì những nguyên nhân như kế hoạch chuẩn bị, sử dụng HLV nội-ngoại, tâm lý, chấn thương...cũng cần phải được VFF nhìn nhận lại để rút kinh nghiệm.
Cuối cùng, trong bài viết này, một lần nữa chúng tôi khẳng định, việc VFF cho từ chức một ai đó không làm thay đổi bản chất hiện tại của bóng đá Việt Nam. Nếu như sau thất bại này, bóng đá Việt Nam không tiến hành cải tổ, nhìn thấy mình đang đứng ở đâu, chắc chắn sẽ lại có những mổ xẻ thất bại trong tương lai, gần nhất là SEA Games 27 tới đây.
(Theo Dân Trí)