28 năm “xài” đến 8 ông thầy ngoại, trong đó có người “quay đi, quay lại” đến tận 3 lần! Vậy nên trong bối cảnh vị trí huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia đang bị bỏ trống vì nhiều lý do, thì khả năng ông Henrique Calisto cùng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lần nữa có “cưới lại”, âu cũng chẳng phải là cái chuyện ghê gớm gì.
Cả đời “ăn đong”!
Năm nay SEA Games, sang năm AFF Cup - cái vòng “kim cô” đã kéo dài hàng thập niên kể từ ngày tìm được vị thế trên đấu trường khu vực ấy cùng với sức ép luôn phải thắng đã khiến bóng đá Việt Nam lâm vào cảnh “ăn đong” lúc nào thì chẳng ai rõ. “Ăn đong” không chỉ từ lực lượng, thành tích, với sự nguội lạnh của danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam hôm nay là minh chứng, mà còn qua vòng xoay chóng mặt của chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. 28 năm “xài” đến 8 ông thầy ngoại - đúng hơn là mỗi năm “xài” 1 ông với những lần “tái sử dụng” - một kỷ lục thuộc vào hàng Guinness của bóng đá thế giới - nhưng “giấc mơ con” mang tên SEA Games thì vẫn cứ “đè nát” cả hàng triệu trái tim hâm mộ.
Ông Henrique Calisto sẽ có lần thứ ba dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Nam
Và lời nói “không” với thầy ngoại sau thất bại tại SEA Games 26 cùng cuộc hành trình đầy thất vọng với ông Falko Goetz, những tưởng bóng đá Việt đã biết trân trọng hơn nguồn nội lực của mình thay vì trông vào ngoại lực “ảo” thông qua tuyên bố “đã tới lúc đặt niềm tin vào huấn luyện viên trong nước”. Niềm tin được chính vị Chủ tịch VFF giải thích rất chuyên môn rằng huấn luyện viên nội có lợi thế hơn với các nhà cầm quân ngoại vì am hiểu môi trường bóng đá và lối chơi của từng cầu thủ Việt Nam. Hơn nữa, trong những mùa giải V-League vùa qua, huấn luyện viên nội còn thành công hơn cả huấn luyện viên ngoại và còn nguyên do nữa từ người Malaysia, khi họ vượt qua chính chúng ta để bước lên ngôi số 1 Đông Nam Á nhờ đặt niềm tin vào thầy nội.
Một bước chuyển mang tính nền tảng với sự phát triển của cả nền bóng đá, thế nhưng, nếu nhìn vào những gì đã và đang diễn ra trong cuộc tìm kiếm ông thầy nội ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia thì cái cảnh “ăn đong” kia chỉ là chuyển từ dạng này sang dạng khác. VFF và sau này là Tổng cục Thể dục Thể thao muốn tìm một ông thầy nội chuyên trách dành cho đội tuyển và ít nhất 3 gương mặt sáng giá nhất đã được điểm chỉ: Phan Thanh Hùng (Hà Nội. T&T), Lê Huỳnh Đức (SHB.Đà Nẵng) và Nguyễn Hữu Thắng (Sông Lam Nghệ An). Chỉ có điều, thứ áp lực thành tích quá lớn cùng chiếc ghế huấn luyện viên ở CLB ổn định hơn, nhiều tiền hơn và cũng nhiều quyền lực hơn khiến chưa ai trong số 3 người trên nhận lời. Mới đây, cả 3 ứng viên này đều đã chính thức từ chối lời mời dẫn dắt đội tuyển quốc gia vì những lý do khác nhau.
“Ăn đong” chính là ở chỗ này. Rất nhiều khả năng trong tháng 6 tới, khi mùa giải nội tạm nghỉ “nhường sân” cho EURO 2012, 2 trận giao hữu của đội tuyển quốc gia với tuyển Trung Quốc và Hong Kong theo kế hoạch sẽ phải dùng huấn luyện viên tạm quyền, nếu các cuộc đàm phán của VFF với 3 huấn luyện viên chưa mang đến kết quả như ý. Rồi tới cuối tháng 8, khi đội tuyển chính thức tập trung cho AFC và quan trọng hơn là AFF Cup, khả năng về 1 ông thầy chuyên trách không nhiều và nếu một bản hợp đồng chuyên trách thời vụ kiểu “ăn đong” theo phương án VFF dự kiến sẽ thuyết phục Tổng cục Thể dục Thể thao (huấn luyện viên nội sẽ lên tuyển từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay sau đó lại về CLB) vào tuần tới nếu không được chấp nhận, thì...
... thầy ngoại sẽ trở lại?
Không sai nếu nói trong thời điểm hiện tại bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng và thành công với các ông thầy nội. Nhưng rõ ràng, hướng đi này chỉ đúng nếu mục tiêu của cả nền bóng đá trong tương lai vẫn chỉ đặt quanh quẩn cái “ao làng khu vực”, còn nếu muốn tiến xa hơn, thầy nội e là chưa đủ tầm. Đó là chưa nói đến cái sự lạ khi chẳng có nơi nào trên thế giới giống như Việt Nam ký hợp đồng với huấn luyện viên thời vụ... vài tháng cho đội tuyển quốc gia đá 1 giải đấu duy nhất!
Thực tế với nhiều nền bóng đá phát triển trên thế giới và cả với bóng đá Việt Nam trong nhiều thập niên qua đã thu được thành công đáng kể là nhờ vào nguồn “ngoại lực” mang tính đột phá này. Hơn nữa, nếu chỉ lấy tiêu chí “hiểu biết và thành công hơn tại V-League” để làm cơ sở cho việc dùng thầy nội thì e rằng VFF “duy ý chí”, bởi trong số 8 ông thầy ngoại đã “qua sử dụng”, có người thừa tiêu chuẩn này mà cụ thể chính là ông Calisto - huấn luyện viên người Bồ Đào Nha có 10 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, thừa cả sự thấu hiểu lẫn các danh hiệu trên mọi cấp độ. Nếu so với 3 huấn luyện viên nội đang dự kiến được chọn, thì gương mặt sáng giá nhất là Phan Thanh Hùng cũng chính là “cậu học trò” giỏi nhất của ông “Tô”.
Cuối cùng, theo những thông tin có được, nếu đến tháng 8 này, không tìm được huấn luyện viên nội chuyên trách, phương án dùng thầy ngoại trở lại sẽ được VFF tính tới và rõ ràng vào lúc này, với việc ông “Tô” để ngỏ cửa trở lại Việt Nam, thì khả năng “cưới lại” lần thứ ba là rất có thể. Tất nhiên, để có màn tái hôn, liên đoàn sẽ không còn thế thượng phong kiểu “chú rể” như 2 lần trước đó, khi chính Calisto đã nói lời “ly dị” và nó cũng lý giải tại sao VFF từ chối đưa ra lời bình luận về khả năng này, hoặc tỏ ra “không hay biết gì”, “chẳng quan tâm như thế” đến sự trở lại của ông thầy người Bồ.
Nếu coi cuộc ra đi của Calisto cách đây 2 năm là sai lầm thì hơn lúc nào hết VFF đang có cơ hội sửa lại khi nguồn nội lực tưởng nhiều hóa ít. Còn với Calisto, nếu chỉ quay lại để gắn mình với 1 CLB giàu có ở Việt Nam, thì ông thầy được mệnh danh là phù thủy này cũng chẳng được chờ đợi nhiều. Vậy tại sao không là màn... cưới lại nhỉ?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)