Trong số 8 ĐT tham dự VCK AFF Cup 2012, Việt Nam, Malaysia và Indonesia là 3 đội bóng hiếm hoi sử dụng thầy nội, và tới vòng bán kết thì chỉ còn lại duy nhất một ông thầy nội là HLV Rajagopal với ĐKVĐ Malaysia.
Căn cứ vào màn thể hiện của 4 đội bóng tham dự vòng bán kết là Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore thì cơ hội đăng quang lớn nhất đang nghiêng về phía Thái Lan, đội bóng dù chưa cần bung hết sức nhưng cũng dễ dàng đứng nhất bảng A với 9 điểm trọn vẹn sau 3 trận thắng, mà người dẫn dắt ĐT Thái Lan cũng là một HLV ngoại, ông Winfried Schaefer.
Cộng với những màn trình diễn hứa hẹn của 2 đội bóng không vào được bán kết nhưng đều đặt dưới sự dẫn dắt của các HLV ngoại như Myanmar (bảng A) hay Lào (bảng B), người ta có quyền kết luận rằng thời điểm mà bóng đá Đông Nam Á nói không với thầy ngoại vẫn còn ở rất xa, và muốn nâng tầm của ĐTQG thì không có cách nào tốt hơn và nhanh hơn việc sử dụng HLV nước ngoài.
Sự bất lực và thất vọng của HLV Phan Thanh Hùng ở AFF Cup 2012
Tất nhiên thầy ngoại không phải là phù thuỷ để có thể biến một ĐT từ yếu ớt thành mạnh mẽ chỉ sau một thời gian ngắn, mà thành công của một ĐTQG phải là thành quả từ nhiều năm đầu tư và chăm sóc kỹ càng. Song có một thực tế không thể phủ nhận là HLV đến từ những nền bóng đá phát triển hơn khu vực Đông Nam Á ít nhiều đều thể hiện được sự khác biệt so với đồng nghiệp bản địa, đặc biệt là tại bóng đá Việt Nam, khi là một HLV ngoại thì đồng nghĩa với việc miễn nhiễm với rất nhiều công đoạn nặng về thủ tục nhiêu khê, lằng nhằng mà nếu là một HLV nội thì bắt buộc phải tuân thủ.
Một điểm rất khác giữa nhiệm kỳ hiện tại của HLV Phan Thanh Hùng với các đời thầy ngoại gần đây là không có chuyện cầu thủ vùng vằng hoặc phản ứng khi bị thay ra như trường hợp của Việt Thắng (VFF Cup 2012) và Công Vinh (AFF Cup 2012). Dưới thời HLV Alfred Riedl hay HLV Henrique Calisto, luôn có một số cầu thủ được 2 ông thầy này xây dựng làm đội ngũ cốt cán của ĐT Việt Nam, nhưng dù được cưng chiều tới cỡ nào thì trước mặt 2 HLV nước ngoài này các cầu thủ cũng đều không dám công khai hành động như Việt Thắng hay Công Vinh.
Hay như việc Công Vinh (lại là Công Vinh) không thèm xỏ giày và mang bảo vệ ống đồng, không thèm ra sân khởi động trong giờ nghỉ giữa hiệp trận Thái Lan-Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy sự lỏng lẻo về mặt kỷ luật của một bộ phận không nhỏ tuyển thủ Việt Nam.
Phải chăng vì thế mà tại AFF Cup 2012, không ít lần HLV Phan Thanh Hùng đã phải hoang mang tự đặt câu hỏi cho mình và cho các phóng viên, rằng: “Tôi không hiểu vì sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa màn thể hiện của các tuyển thủ trên sân tập với lúc thi đấu chính thức. Chẳng hạn như khi đá với những đối thủ chơi phòng ngự co cụm như Myanmar hay Philippines, tôi yêu cầu các cầu thủ đá mở rộng ra 2 biên để kéo dãn hàng thủ đối phương rồi từ đó triển khai các đường chuyền xẻ nách hoặc thọc khe để tạo đột biến thì họ lại cứ dồn quân vào giữa sân, để rồi vấp phải bức tường phòng thủ dày đặc của đối phương và bị phản đòn”.
Là người trực tiếp lựa chọn danh sách ĐT, lại cùng ăn cùng ở với các học trò suốt 3 tháng trời mà HLV Phan Thanh Hùng còn không lý giải được điều đó, thế thì ai có thể làm thay ông Hùng việc này?! Vậy mà người ta cứ bảo nếu là thầy nội thì sẽ am hiểu tâm lý và cách thức cư xử của cầu thủ, nên giữa thầy và trò sẽ không có nhiều khác biệt, song những gì diễn ra trong thực tế thì lại chẳng hề giống vậy.
Có lẽ, ĐT Việt Nam chưa thể nói không với thầy ngoại.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)