Gọi cầu thủ nhập tịch vào ĐT Việt Nam: Nên hay không?
Thứ Ba 20/06/2017 19:30(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Ở Italy, những cầu thủ có gốc gác nước ngoài hay cầu thủ nhập tịch được gọi là "Oriundo". Trong thời đại thế giới phẳng ngày nay, việc một "Oriundo" thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia chẳng có gì xa lạ tại các nước có nền bóng đá phát triển.
HLV huyền thoại Vittorio Pozzo - người giúp ĐT Italy vô địch World Cup ở hai kỳ liên tiếp 1934, 1938 - đưa ra câu nói nổi tiếng về những cầu thủ có gốc gác nước ngoài: "Nếu họ có thể chết cho Italy, họ có thể khoác áo Italy". Nhờ tư tưởng ấy, ngôi vô địch World Cup 1934 mang nặng dấu ấn của những Oriundo như Luis Monti, Raimundo Orsi, Enrique Guaita và Attilio De Maria đến từ Argentina, còn tiền vệ Anfilogino Guarisi sinh ra tại Brazil.
|
Zinedine Zidane - huyền thoại bóng đá Pháp - vốn có gốc Algeria. |
Ngay tại châu Âu, vấn đề có hay không sử dụng những cầu thủ có gốc gác nước ngoài trong màu áo đội tuyển quốc gia vẫn gây nên nhiều tranh cãi. Nhưng từ đầu thập niên đến nay, quá nhiều ví dụ chứng minh việc trọng dụng những tài năng không xuất xứ từ bản địa một cách đúng chừng mực hoàn toàn có thể đem lại thành công cho một nền bóng đá.
ĐT Pháp vô địch World Cup 1998 và Euro 2000 với tư tưởng "black-blanc-beur" (dịch nghĩa đen là đen - trắng Ả rập) nổi tiếng. Zinedine Zidane - huyền thoại bóng đá Pháp - vốn có gốc gác Algeria. Tại Euro 2016, Les Bleus chỉ có 7 cầu thủ chính gốc Pháp, 11 trong số 23 người gốc Phi, bao gồm cả Dimitri Payet - một trong những cầu thủ chơi nổi bật nhất đội - có xuất xứ từ đảo Reunion.
Người Đức cũng đang phát triển bóng đá mà không dựa vào khái niệm phân biệt xuất thân của các cầu thủ. Mannschaft vô địch World Cup 2014 với đội hình gồm 6 cái tên có gốc gác "ngoại quốc" gồm Sami Khedira, Mesut Ozil, Lukas Podolski, Miroslav Klose, Jerome Boateng, Shkodran Mustafi. Phần đa trong số này là trụ cột của ĐT Đức khi đó.
Tại Euro 2016, Miroslav Klose vắng mặt nhưng HLV Joachim Loew vẫn bổ sung thêm một loạt cái tên khác có xuất thân ngoài nước Đức gồm Bernd Leno, Jonathan Tah, Leroy Sane, Emre Can , Mario Gomez. Thành công của người Đức thì ai cũng thấy.
Ngay cả Italy, nơi kỳ thị "Oriundo" thì thành công của Azzurri ở đấu trường quốc tế đều ít nhiều có công của những cầu thủ gốc gác nước ngoài. Đó là World Cup 2006 với Camoranesi, Euro 2012 ghi đậm dấu ấn của Balotelli hay gần nhất là pha solo làm bàn tại Euro 2016 giúp Italy vượt qua vòng bảng của Eder.
Một Eder khác, cũng là một cầu thủ "ngoại lai" để lại khoảnh khắc ấn tượng bậc nhất tại Euro 2016. Cú sút căng như kẻ chỉ của Eder trong trận chung kết giúp Bồ Đào Nha đánh bại Pháp để lên ngôi vô địch Euro 2016. Những cầu thủ khác ghi đậm dấu ấn trong ngôi vô địch của Seleccao đều thuộc nhóm "Oriundo" gồm Pepe, William Carvalho, Nani.
Người Việt cần bao dung hơn
Vì nhiều lý do, những cầu thủ nhập tịch hay thậm chí là Việt kiều đều khó có cơ hội lên tuyển. Hoài nghi về động lực thi đấu cũng có, e ngại về mất bản sắc đội tuyển cũng có mà xuất phát từ yếu tố văn hóa cũng có. Người Việt Nam sau hàng thế kỷ sống trong hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến, với tư tưởng cục bộ sống sau lũy tre làng bị đánh giá khó tiếp thu những sự thay đổi.
|
Đỗ Merlo là một trong số những cầu thủ nhập tịch bày tỏ nguyện vọng được thi đấu cho ĐT Việt Nam. |
Người Việt vẫn chưa quen với việc có những "ông Tây" lên tuyển. Đa phần người hâm mộ vẫn muốn thấy những cầu thủ tóc đen da vàng chiến đấu vì màu cờ sắc áo hơn là có những cầu thủ da trắng, da màu. Nhiều người có chung cảm xúc rằng dường như đó không phải ĐT Việt Nam mà là một đội bóng xa lạ.
Vấn đề là trong xu hướng toàn cầu hóa, sớm hay muộn người Việt Nam sẽ phải chấp nhận điều này khi xã hội xuất hiện nhiều hơn những cư dân ngoại quốc nhập cư.Việc những cầu thủ nhập cư được trao cơ hội cống hiến như bao công dân khác không chỉ giúp cải thiện sức mạnh đội tuyển quốc gia mà sẽ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng nhập cư.
Những người nước ngoài nhập cư sẽ có thêm lý do để phấn đấu khi cảm thấy mình không bị kỳ thị. Thế hệ sau của những người nhập cư cũng có động lực để gắn bó hơn, để có lý do cống hiến cho mảnh đất hình chữ S. Đó là chuyện về sau này, còn trước mắt, việc gọi cầu thủ nhập cư một cách có chọn lọc sẽ giải quyết được những vấn đề trước mắt cho đội tuyển Việt Nam.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là ai thay Lê Công Vinh tại đội tuyển? Công Phượng hay Văn Quyết không thể chơi ở vị trí trung phong cắm trái sở trường, chờ đợi những Văn Toàn, Đức Chinh hay Tuấn Tài thì quá lâu khi cơ hội dự Asian Cup 2019 đang ở trước mắt. Trong khi đó, Đỗ Merlo hay Hoàng Vũ Samson hoàn toàn có thể là lời giải cho câu trả lời này.
Cả hai tiền đạo này đều là mẫu cầu thủ có thể hoạt động độc lập với nhiều ưu điểm hơn các cầu thủ nội như tì đè, chơi bóng bổng, thể lực,... Nếu họ sẵn sàng cống hiến cho đội tuyển, đây là một phương án khả dĩ. Cả hai có thể thi đấu cho ĐT Việt Nam trong một đến hai năm tới trong khi chờ những trung phong nội "cứng cáp" hơn. Đã đến lúc VFF và người hâm mộ bóng đá Việt Nam cần bao dung hơn khi nhìn nhận về những cầu thủ nhập tịch.
Nếu họ sẵn sàng chiến đấu vô điều kiện, họ có thể khoác áo đội tuyển Việt Nam!
Trận hòa Jordan đã phơi bày vấn đề lớn nhất của ĐT Việt Nam Hòa không bàn thắng trước một đội bóng đẳng cấp châu lục như ĐT Jordan là một kết quả tốt với đoàn quân Hữu Thắng, nhưng cũng cho thấy bài toán không có lời...
Như Đạt (TTVN)