Khi scandal “Quốc Long và những người bạn” chưa kịp lắng xuống, thì cựu trung vệ đội trưởng ĐTVN, Nguyễn Huy Hoàng, dính “phốt” quá chén (hay quá “liều” cũng đại loại thế, khi điều khiển ôtô trong tình trạng mất kiểm soát rồi gây tai nạn), đến lượt hậu vệ Việt Cường viện lý do rất mơ hồ để xin rút lui khỏi ĐT bằng… tin nhắn. Điều gì đã, đang và sẽ xảy ra trong lòng ĐT Việt Nam?
“Vụ Huy Hoàng “bể”, khiến không ít người (cầu thủ) phải giật mình, để rồi đã có những động thái thu mình lại. Chắc chắn anh Hoàng không phải là trường hợp duy nhất, và thời gian tới sẽ còn nhiều vụ “đổ bể” khác nữa”, một tuyển thủ QG (xin giấu tên) khẳng định.
Một mất mười ngờ
Quốc Long chủ động xin về (sau khi ban Kỷ luật đề nghị Tổng cục TDTT và VFF gạch tên cầu thủ này khỏi danh sách ĐT) được xem là lựa chọn thấu tình đạt lý, cho mình và cho cả người thầy Phan Thanh Hùng, xa hơn là để “bầu không khi ĐT bớt căng thẳng”. Rất dễ hiểu! Cũng với quyết định xin rút (chủ động), nhưng trường hợp của Việt Cường có chút bất thường. Cường chấn thương nặng? Không phải! “Cậu ấy muốn dành thời gian giải quyết vài vấn đề cá nhân”, thoạt nghe nó cũng không khác mấy so với Chí Công, Duy Nam (trước đợt tập trung này), hay Huy Hoàng, Anh Đức, Thế Anh… (năm 2008). Nhưng thực tế, chúng khác nhau về bản chất.
Việc Việt Cường rút lui đột ngột để lại không ít điều tiếng
Thế Anh có vết hằn khó phai với HLV Henrique Calisto từ lần đầu tập trung ĐT năm 2002; Huy Hoàng hẳn vẫn còn lấn cấn các quyết định từ giã ĐT trước đó, bên cạnh những mối bận tâm gia đình (vừa lấy vợ), cũng như sắp xếp công việc của một trợ lý cấp CLB; với Chí Công, ngoài khó khăn (được dự báo trước) trong việc cạnh tranh vị trí trên ĐT, bản thân “tay chơi” Chí Công cũng có một lý lịch đầy “tì vết” sau 4 năm thi đấu trong màu áo B.BD. Hết tung chưởng tung cước trên sân, triệt hạ đối thủ, đến việc chạm mặt giới anh chị ngoài xã hội, bị chém và bị săn lùng…
Như TT&VH từng đề cập, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến bóng đá, việc săn lùng những bản hợp đồng tiền tỷ lúc này là cực khó. Dù không muốn suy luận theo hướng tiêu cực, nhưng rõ ràng chiếc áo ĐTQG được xem như “cái phao” để giúp cầu thủ khẳng định đẳng cấp, cũng như chân giá trị (còn lại). Việc đưa ra các quyết định rút lui là không hề đơn giản. Và nói như tuyển thủ nọ: “Chúng ta mới chỉ thấy được bề nổi của tảng băng”.
Và giấc mơ bầu không khí trong lành trên ĐT
Xin nói luôn, khái niệm “ĐT sạch sẽ” ở đây là bầu không khí cởi mở, không bè phái, là sự cạnh tranh công bằng giữa những con người giàu khát vọng. Không ai dám nói các ĐT Việt Nam được tập trung trước đây không “sạch sẽ”, nhưng rõ ràng “sạn” thời nào cũng có. Từ “thế hệ vàng” lẫy lừng, đến một ĐT thất bại cay đắng ở AFF Suzuki Cup 2010 và gần nhất là U23 Việt Nam trắng tay ở xứ vạn đảo…, để lại không ít điều tiếng. Tất cả những hệ lụy ấy bắt đầu từ nhân thân cầu thủ (và cả HLV) có tì vết, hoặc không thức thời. Thế nên khẳng định: “ĐTQG là những tinh túy của nền bóng đá” của TTK VFF Ngô Lê Bằng cũng chỉ đúng một nửa.
Để ý sẽ thấy, có khá nhiều những cái tên từng góp mặt trong đợt tập trung đầu (đá giao hữu với Trung Quốc, Hong Kong Trung Quốc và Mozambique), hiện không còn (hoặc rất ít) được bảo lưu trong trí nhớ của HLV Phan Thanh Hùng. Trong các trường hợp này, có thể thấy Phước Vĩnh và Duy Nam là những ngoại lệ, với lý do chấn thương và quá tải nên cần có thời gian hồi phục.
HLV Phan Thanh Hùng và cộng sự đang được bật đèn xanh để làm sạch bầu không khí ĐT. Tất nhiên, sẽ phải có những hy sinh, mất mát trong mối quan hệ công việc, thầy trò, nhưng nó là lựa chọn tất yếu, nếu chúng ta còn hy vọng có thành tích tại AFF Suzuki Cup 2012 sắp tới đây. Xa hơn, SEA Games 27, chắc chắn vị tướng họ Phan sẽ tiếp tục chiến dịch “bàn tay sắt”. Ông Hùng không lụy tình như nhiều người nghĩ và cũng không thể làm như thế, khi trên vai là sứ mệnh với màu cờ sắc áo QG.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)