Đông Timor hòa sốc Hàn Quốc: U22 Việt Nam thêm nỗi lo
Chủ Nhật 23/07/2017 08:17(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên U22 Việt Nam đã có trận thắng đậm trước U22 Macau với những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn đó những nỗi lo bởi nguyên nhân khách quan.
Những tín hiệu vui
Trước một đối thủ yếu như Macau, điều HLV Nguyễn Hữu Thắng muốn không phải là các học trò thắng với tỉ số ra sao, mà cách các cầu thủ trả bài cho ông thấy người xứ Nghệ. Trong cả hai trận đầu tiên gặp Đông Timor và Macau, các bài tấn công của HLV Hữu Thắng rèn cho học trò đều phát huy tác dụng.
|
Công Phượng rực sáng ở trận thắng Macau 8-1. |
Đó là những pha tấn công dựa trên tốc độ của những cầu thủ chạy cánh phối hợp cùng trung lộ. Ở trận gặp Đông Timor, đó là những pha phối hợp bên phía cánh trái giữa Quang Hải và Công Phượng. Đến trận gặp Macau là Công Phượng cùng Văn Toàn. Trong cả hai trận đấu, dấu ấn của những cầu thủ chạy cánh khôn ngoan được thể hiện rõ rệt.
Chỉ ít phút vào sân trong trận gặp Đông Timor, Quang Hải góp công vào bàn thắng trên chấm phạt đền của Công Phượng bằng những pha phối hợp ở tốc độ cao đánh vào khu vực "nách" đối thủ. Ở trận đấu thứ hai, dấu ấn đó càng rõ ràng. Trong những bàn thắng của Văn Toàn (nâng tỉ số lên 2-0), Thanh Bình (4-0) hay Hồng Duy (7-0) đều là những pha di chuyển xộc thẳng vào trung lộ từ khu vực liên kết giữa trung vệ với hậu vệ cánh bằng những pha bứt tốc cự ly ngắn rồi dứt điểm.
Trong các buổi tập trước đó, HLV Hữu Thắng đều rèn cho các cầu thủ những pha phối hợp chồng biên với sự ăn ý của cặp Văn Toàn - Văn Thanh bên cánh phải và Quang Hải - Văn Hậu bên cánh trái. Sau khi xuống biên, bóng sẽ được trả vào giữa trước khi được bấm vào vòng cấm để cầu thủ chạy cánh di chuyển vào trong dứt điểm nhanh. Còn một bài khác là cầu thủ chạy cánh dựa vào sự di chuyển thông minh thoát xuống sát đường biên ngang nhận bóng rồi căng ngang vào trong, hoặc trả lại cho tuyến hai dứt điểm.
Sau hai trận đầu, các cầu thủ đã "trả bài" rất tốt cho HLV Hữu Thắng. Đặc biệt, Công Phượng sau khi giải tỏa áp lực từ chiếc băng đội trưởng đã thi đấu thanh thoát hơn, góp công lớn vào hai chiến thắng của U22 Việt Nam bằng 3 bàn thắng cùng 2 đường kiến tạo. Ngoài ra, cặp Xuân Trường và Tuấn Anh đã có màn trình diễn tốt. Bộ đôi trưởng thành từ khóa 1 lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG được kỳ vọng đủ sức "cân" tuyến giữa giúp U22 Việt Nam tạo được thế trận ngang cơ với Hàn Quốc ở lượt trận cuối cùng.
Những khó khăn khách quan
Dù vậy, những tín hiệu đáng mừng ấy không làm mờ đi nỗi lo đến từ những vấn đề khách quan. Việc U22 Sri Lanka xin rút khỏi giải khiến cơ chế tại vòng loại U23 châu Á có chút thay đổi. Các đội nhất bảng vẫn giành suất trực tiếp, 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất cũng giành suất đi tiếp nhưng cách tính có sự thay đổi.
|
U22 Đông Timor bất ngờ cầm hòa U22 Hàn Quốc khiến trận đấu cuối cùng của U22 Việt Nam mang tính chất quyết định rất lớn. Ảnh: Zing.vn |
Do Sri Lanka rời giải nên bảng A chỉ còn 3 đội. Do vậy, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) thay đổi luật về việc tính thành tích các đội nhì ở 9 bảng còn lại gồm đầy đủ 4 đội. Theo đó, kết quả của trận đấu giữa đội nhì bảng và đội bét bảng (thứ 4) sẽ không được tính khi lựa chọn ra 5 (hoặc 6 đội) nhì bảng có thành tích tốt nhất vòng loại. Lấy ví dụ tại bảng I có sự tham dự của U22 Việt Nam. Trong trường hợp U22 Macau bét bảng thì nếu U22 Hàn Quốc nhì bảng, họ sẽ chỉ được tính kết quả trận đấu gặp đội nhất bảng (Việt Nam) và đội thứ ba (Đông Timor) khi so sánh với 9 đội nhì bảng còn lại. Như vậy, U22 Hàn Quốc chỉ giành được từ 1-2 điểm ở bảng I, gần như chắc chắn không có cửa lọt vào nhóm 5/6 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.
Giả sử Việt Nam nhì bảng thì thành tích ở trận thắng 8-1 với Macau cũng không được tính (trong trường hợp đối thủ này đứng bét bảng). Rõ ràng việc Sri Lanka bỏ giải đã vô tình mang đến bất lợi cho chúng ta. Bởi nếu Sri Lankan vẫn tham dự thì tính đến thời điểm này, khi so sánh với các đội nhì bảng khác, chắc chắn chúng ta đã sở hữu trong tay 6 điểm cùng hiệu số bàn thắng bại +11, điều kiện gần như đảm bảo cho suất tham dự VCK mà không phải bận tâm quá nhiều đến trận cuối gặp Hàn Quốc.
Khó khăn khách quan thứ hai là việc U22 Hàn Quốc để U22 Đông Timor cầm hòa không bàn thắng. Điều đó khiến U22 Hàn Quốc buộc phải đánh bại U22 Việt Nam nếu muốn giành vé dự VCK U23 châu Á 2018 do khả năng U22 Macau bét bảng là rất cao, đồng nghĩa với việc nếu không thắng Việt Nam, U22 Hàn Quốc chỉ giành được ngôi nhì bảng cùng 1-2 điểm như đã nói ở trên.
Điều đó khiến U22 Hàn Quốc chắc chắn bung hết sức để đá với U22 Việt Nam. So về mặt đẳng cấp, U22 Hàn Quốc rõ ràng được đánh giá cao hơn các học trò của HLV Hữu Thắng. Vì vậy, việc Đông Timor gây nên cú sốc khi cầm hòa Hàn Quốc không phải là điều tốt cho U22 Việt Nam.
Giả sử nếu U22 Hàn Quốc đánh bại Đông Timor thì sao? Với 6 điểm trong tay, U22 Hàn Quốc không cần dồn sức để cố gắng đánh bại U22 Việt Nam bởi một kết quả hòa ở trận cuối cùng cũng đủ để cả hai đội dắt tay nhau đi tiếp, bởi đội nhì bảng khi đó cũng có 4 điểm (khi so sánh với các đội nhì bảng khác chứ không phải tính trong phạm vi bảng I), số điểm rất cao đủ để lọt vào nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, thay vì đưa nhau vào thế buộc phải chiến đấu hết mình.
Dù vậy, các khán giả chắc chắn không muốn chứng kiến một trận đấu mà hai đội không nỗ lực hết mình, không tôn trọng khán giả và hai đội bóng còn lại của bảng. Đây là thử thách thực sự cho cả hai đội mà chỉ người nào bản lĩnh hơn mới có thể vượt qua.
Như Đạt (TTVN)