Chấn hưng bóng đá Việt và hiệu ứng rắn hổ mang
Thứ Sáu 29/09/2017 11:17(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Cuộc "chấn hưng" được bắt đầu bằng cách lợi dụng một HLV 46 tuổi, một lứa cầu thủ tài năng để tìm cách hạ bệ nhau thì chẳng ai tin chiến dịch này sẽ mang đến điều tốt đẹp hơn cho bóng đá Việt Nam.
Thuật ngữ "Hiệu ứng rắn hổ mang" do nhà kinh tế học Horst Siebert đặt dựa trên sự kiện có thật. Khi người Anh cai trị Ấn Độ, những viên chức ở thành phố Delhi quan ngại về sự sinh trưởng mạnh mẽ của rắn hổ mang trong thành phố. Chính quyền treo thưởng cho mỗi bộ da rắn nhằm kiểm soát vấn đề. Ban đầu, chương trình này tỏ ra khá hiệu quả.
|
Thất bại của U22 và phát ngôn của HLV Hữu Thắng bị người ta đem ra làm công cụ đấu đá giành quyền lực tại thượng tầng bóng đá Việt Nam. |
Sau một thời gian, các tay buôn Ấn Độ "ngửi" thấy cơ hội kiếm tiền từ chương trình rồi quay sang nuôi rắn hổ mang để giết lấy da. Thu được quá nhiều bộ da rắn, viên chức chính phủ phát hiện ra trò lừa đảo rồi lập tức hủy chương trình treo thưởng. Khi đó, một lượng lớn người nuôi rắn hổ mang ở Dehli không tìm được đầu ra nên thả bầy rắn ra tự nhiên. Một lần nữa, Dehli chìm trong thảm họa rắn độc và còn tồi tệ hơn so với thời điểm trước khi chương trình treo thưởng diễn ra.
"Hiệu ứng rắn hổ mang" nhằm ám chỉ việc dùng một biện pháp kích thích nào đó để giải quyết vấn đề nhưng chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Người viết chợt nghĩ đến phong trào "chấn hưng bóng đá Việt" được bàn luận sôi nổi trong thời gian gần đây, mà thực chất manh nha từ sau thất bại ở AFF Cup 2016.
Thoạt đầu mới nghe, rất nhiều người sẽ có suy nghĩ ủng hộ cho hai từ "chấn hưng" do một nhóm doanh nhân, nhà báo đưa ra. Nhưng xét lại, khẩu hiệu này tuy vô cùng đẹp đẽ nhưng trên thực tế lại chẳng có kế hoạch mang tính thực tiễn nào. Và với những gì xảy ra gần đây, người ta tin đây chỉ là tấm bình phong đẹp đẽ để che đậy cho một cuộc tranh đấu nội bộ ở thời điểm nhiệm kỳ VII của VFF sắp kết thúc.
Bao năm qua, bóng đá Việt không có bước tiến đáng kể nào ngoài yếu tố về chuyên môn đơn thuần, còn một yếu tố lớn khác nằm ở sự thiếu đoàn kết nội bộ. Jurgen Gede - một chuyên gia nước ngoài - cảm thấy kỳ lạ khi không phải ai trong Liên đoàn cũng muốn tuyển U22 hay U18 gặt hái thành công. Người ta còn lôi thất bại ra trở thành một công cụ cho cuộc chiến tranh giành quyền lực ở hậu trường. Nói như Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông, ông Nguyễn Xuân Gụ thì các thành viên của Liên đoàn chỉ "đoàn kết chưa cao" chứ không phải là "thiếu đoàn kết".
Dù bao biện thế nào thì ai cũng thấy VFF đang trong thời điểm rối ren bởi cuộc chiến trong chính nội bộ được ẩn đằng sau tấm bình phong mang tên "chấn hưng bóng đá Việt". Khẩu hiệu tô hồng cho "chiến dịch" là để giúp bóng đá nước nhà thoát khỏi vùng trũng nhưng sau một thời gian, ai cũng nhận thấy nhóm này đẩy cả một nền bóng đá vào tình cảnh tồi tệ hơn trước đó. Thay vì tìm cách đưa bóng đá Việt đi lên sau bài học rút ra từ những thất bại, người ta dùng chính thất bại đó để đả kích người này, bêu xấu người kia vì động cơ cá nhân.
|
Ông Jurgen Gede nói thẳng rằng bóng đá Việt Nam thất bại vì thiếu đoàn kết trong nội bộ. |
Tất nhiên bộ máy hiện tại của VFF phải chịu trách nhiệm về những thất bại, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng liệu những người kêu gọi "chấn hưng" có tốt hơn không, hay chỉ làm vấn đề thêm tệ hơn? Nếu họ thực hiện chiến dịch một cách "vô tư", đưa ra những phương án cụ thể rồi xắn tay vào làm, những câu hỏi sẽ không đặt ra nhiều đến thế. Nhưng cuộc "chấn hưng" ấy được bắt đầu bằng cách lợi dụng một HLV 46 tuổi, một lứa cầu thủ tài năng để tìm cách hạ bệ nhau thì chẳng ai tin chiến dịch này sẽ mang đến điều tốt đẹp hơn cho bóng đá Việt Nam.
Thậm chí mọi chuyện sẽ trở thành một tiền lệ xấu: Cứ vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ, người ta sẽ tìm cách để bóng đá nước nhà chịu cảnh bẽ bàng rồi lấy cớ đó để hạ bệ nhau, để tranh giành với nhau.
Như Đạt (TTVN)