Thứ Hai, 11/11/2024 Mới nhất
Zalo

Cầu thủ nhập tịch liệu có tốt cho bóng đá Việt Nam?

Thứ Năm 22/06/2017 16:05(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Câu chuyện cầu thủ nhập tịch vẫn là chủ đề nóng được bàn thảo từ cả những nhà quản lý, các chuyên gia lẫn người hâm mộ. Vậy bóng đá Việt Nam có nên đi theo xu thế toàn cầu hóa để mở rào cho những "ông Tây"?

 
Trở lại câu chuyện năm 2008 trong trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với Olympic Brazil, Phan Văn Santos - một cầu thủ nhập tịch gốc Brazil - điềm nhiên mấp máy môi hát quốc ca Brazil dù là đại diện cho tuyển Việt Nam. Hình ảnh đó khiến không chỉ các cổ động viên mà chính quan chức VFF cũng sôi máu. 
 
Cau thu nhap tich lieu co tot cho bong da Viet Nam hinh anh
Bài học cầu thủ nhập tịch từ Phan Văn Santos vẫn còn nguyên giá trị.

Một loạt những vấn đề của cầu thủ nhập tịch sau đó càng khiến VFF quyết định "cạch mặt" cầu thủ nhập tịch trong màu áo đội tuyển quốc gia. Trên thực tế, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Singapore hay Philippines cũng sử dụng cầu thủ nhập tịch nhưng nền bóng đá của cả hai quốc gia này vẫn chưa thực sự nổi trội. Hơn nữa, cả hai quốc gia trên đều có những lý do rất riêng liên quan đến văn hóa cũng như yếu tố dân cư để sẵn sàng chấp nhận những cầu thủ đa quốc tịch.
 
Ở Việt Nam hay đa phần các quốc gia Đông Á lại là chuyện khác. Đầu tiên là ở yếu tố văn hóa. Các quốc gia Đông Á đa phần chịu ảnh hưởng từ văn hóa gốc nông nghiệp nên có cộng đồng khép kín, mang tư tưởng bài ngoại mà cấu trúc làng xã ở Việt Nam là minh chứng rõ rệt nhất. Điều đó khác với nền văn hóa phương Tây gốc du mục hướng ngoại. Điều đó là một trong những nguyên nhân khiến đa phần các quốc gia Đông Á đều khó chấp nhận một cầu thủ khác màu da đại diện cho hình ảnh của một quốc gia. 
 
Cần tính toán kỹ
 
Hoàng Vũ Samson hay Đỗ Merlo đều khẳng định muốn thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Xét về mặt chuyên môn nếu HLV Hữu Thắng được phép gọi hai cầu thủ này lên tuyển, vấn đề hàng công của ĐT Việt Nam chắc chắn sẽ được giải quyết. Xét một cách ngắn hạn, một số vấn đề của ĐT Việt Nam sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn nhưng về dài hạn thì không.
 
Xét về mặt tuổi tác, Hoàng Vũ Samson đã 28 trong khi Đỗ Merlo là 32. Thời gian để hai cầu thủ này cống hiến cho đội tuyển với phong độ tốt nhất chắc chắn là không nhiều. Vậy sau họ, ai sẽ là người thay thế? Một cầu thủ nhập tịch khác hay những cầu thủ nội chắc chắn sẽ lại là vấn đề.
 
Điều đáng bàn thứ hai là tư duy chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam sẽ lại giống V-League, đó là tư bóng dài kiểu phó mặc. Phần đa các đội bóng tại V-League trong những thời điểm "bí" đều sử dụng những quả tạt hay các quả phất bóng dài lên cho tiền đạo mà chủ yếu là ngoại binh với thể hình, thể lực tốt hơn ghi bàn bằng những tình huống không chiến hoặc bứt tốc. 
 
Cau thu nhap tich lieu co tot cho bong da Viet Nam hinh anh 2
Việc gọi những cầu thủ nhập tịch như Hoàng Vũ Samson chỉ giải quyết được vấn đề nhất thời.

Việc chơi bóng theo kiểu phó mặc đó lâu ngày sẽ "giết" chết tư duy chơi bóng của các cầu thủ nội và khiến các đội bóng phụ thuộc vào ngoại binh nhiều hơn. Đáng ngại hơn, các cầu thủ vốn đã quen với môi trường V-League sẽ mang nguyên tư duy chơi bóng đó lên tuyển trong khi phần đa các chân sút nội đều khó chạy theo lối chơi này.
 
Điều thứ ba cần cân nhắc là nếu gỡ rào cho cầu thủ nhập tịch, đặc biệt ở vị trí tiền đạo có khiến các chân sút nội càng có ít cơ hội cọ xát hay không? Bởi lẽ ai cũng thấy khi chưa gỡ rào mà các CLB ở V-League đã ưu ái các chân sút ngoại thì đến khi không còn rào cản, ai dám chắc các chân sút nội sẽ được trao cơ hội.

Bởi lẽ người ta sẽ nghĩ hàng công của ĐT Việt Nam nếu cầu thủ nội không đáp ứng được thì đã có cầu thủ nhập tịch lo. Nếu điều đó xảy ra, bóng đá Việt Nam mãi mãi thiếu tài năng ở vị trí trung phong.

Vậy nên nếu có sử dụng cầu thủ nhập tịch, VFF cần sử dụng một cách có chọn lọc để tránh những hệ quả từ "con dao hai lưỡi".
 
Như Đạt (TTVN)
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X