Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt: Nền tảng và ngộ nhận

Thứ Năm 29/11/2012 14:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mặc định trong nhận thức của người Việt Nam, kể cả với giới lãnh đạo bóng đá, giới truyền thông lẫn chính người hâm mộ, là "người Việt Nam yêu bóng đá không kém một dân tộc nào trên thế giới". Một sự ngộ nhận lớn.

Yêu mà không dấn thân!

Những tài năng bóng đá Nam Mỹ lớn lên trong một môi trường mà trẻ con chưa biết đi đã được ôm trái bóng, chưa biết chạy đã được dạy sút bóng. Chúng chơi bóng ở mọi nơi, mọi lúc có thể, và đó chính là cái mà người ta gọi là bóng đá đường phố. Từ khi chưa cắp sách đến trường, chúng đã cố gắng thực hiện những động tác khó, và theo đuổi cho đến khi trưởng thành, mà sau này chúng ta gọi đó là "ma thuật" và tác giả của chúng là "nghệ sĩ".

Cái được gọi là tình yêu bóng đá Việt được thể hiện trên sân bóng
Cái được gọi là tình yêu bóng đá Việt được thể hiện trên sân bóng

Trẻ con Âu, Mỹ từ rất bé và suốt thời phổ thông thì được dạy thể thao bài bản, với thời lượng vượt xa bất kỳ môn học nào khác. Nếu muốn, chúng sẽ được cha mẹ cho tập luyện và sinh hoạt tại các CLB thể thao. Chúng ta hãy nhìn lại quanh mình, xem con cháu chúng ta, con bạn bè chúng ta, có bao nhiêu đứa trẻ có thể được gọi là biết đá bóng? Đừng nghĩ rằng co chân đá vào quả bóng thì gọi là biết đá bóng. Chơi bóng đá đòi hỏi những kỹ năng tổng hợp về kỹ - chiến thuật.

Các kỹ thuật cơ bản gồm có khống chế bóng, giữ bóng (kiểm soát bóng), lừa bóng, chuyền bóng, sút bóng, đánh đầu. Chỉ mỗi việc khống chế bóng (người không biết đá bóng thì gọi là "đỡ bóng"), kỹ năng cơ bản đầu tiên cũng đòi hỏi đầy sự tinh xảo. Bạn phải biết khống chế bóng bằng mọi bộ phận của cơ thể (riêng dùng tay chỉ dành cho thủ môn, và dùng đầu thì quá khó). Phải giữ được trái bóng ở gần với mình, hơn thế, là đến đúng điểm mình mong muốn để thực hiện được động tác tiếp theo mà không bị đối thủ can thiệp.

Nói thì đơn giản, nhưng có lẽ cả đời bạn không thể một lần đưa chân lên cao mà "kéo" trái bóng rơi nhẹ nhàng xuống mặt cỏ, đúng vị trí để bạn thực hiện đường chuyền bằng chân thuận! Chỉ có thể thực hiện thuần thục khi tập luyện và chơi bóng thường xuyên từ nhỏ, không phải chỉ hằng tuần mà một tuần vài ba buổi trở lên. Tất cả các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp đều bắt đầu đào tạo cầu thủ chậm nhất là từ 11 tuổi, và thực tế thì đều được lựa chọn khi đã biết chơi bóng và thể hiện năng khiếu đặc biệt.

Nhưng ở tuổi đó tại nước ta, chỉ có những đứa trẻ nông thôn không phải đến trường cả ngày mới có thời gian chơi bóng. Hoặc những gia đình thể thao "nòi" mới cho con chơi bóng để chuẩn bị cho con nối nghiệp. Những đứa trẻ khác đều phải đến trường (hoặc lớp học thêm) cả ngày để lo nhồi nhét thứ tri thức học vẹt. Trường học từ cấp mầm non đến bậc đại học tuyệt đối không có sân bóng đá, và chương trình giáo dục chỉ coi thể dục (chứ không có thể thao) là môn có vị trí thấp nhất, với một tuần 2 tiết học kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết thể dục và vài động tác khua chân múa tay.

Nếu những đứa trẻ có hứng thú đặc biệt với chơi thể thao, phần lớn sẽ đối diện với câu "răn dạy" của các bậc cha mẹ: "mày đá bóng có ra tiền không?", chẳng hạn. Sự nghèo đói còn chưa xa đã khiến chúng ta quá quan tâm đến việc duy trì sự sống, thay vì phải nghĩ đến sống khỏe, sống vui, và sống có ích - mà chơi thể thao mang lại cho chúng ta ít nhất hai điều trong số đó.

Chúng ta cũng không tồn tại những CLB bóng đá thực sự, nơi thu hút người dân tập luyện và chơi bóng đá có tổ chức và được hướng dẫn. Cái gọi là câu lạc bộ của chúng ta chỉ là nơi tập luyện và thi đấu của các đội bóng chuyên nghiệp, và trung tâm đào tạo trẻ của họ chỉ dạy bóng đá cho những đứa trẻ đã xác định theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Chơi bóng đá phong trào ở Việt Nam hiện nay là môn thể thao không dành cho trẻ con, mà chỉ dành cho những người trưởng thành, đã kiếm được tiền để có tiền rủ nhau thuê sân đá bóng. Vậy các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp tìm "cầu thủ năng khiếu" từ đâu?

Nếu nói người Việt Nam yêu bóng đá thì đó là "tình yêu" không dấn thân!

Yêu mà không quan tâm!

Chúng ta ưỡn ngực tự hào V-League là giải đấu số 1 trong khu vực, với những ngôi sao tiền tỷ. Nhưng các khán đài thì vắng tanh như chùa bà Đanh. Ngoài sân Vinh, sân Chi Lăng và sân Lạch Tray đôi khi còn có tới một vạn khán giả, các sân khác chỉ lèo tèo vài ngàn hoặc vài trăm, kể cả là trên sân của Hà Nội T&T, một đội bóng hàng đầu.

Mà sân Vinh, Chi Lăng hay Lạch Tray cũng chỉ chạm tới con số hàng vạn khi đội bóng của họ đang chơi tốt, ở vị trí đua tranh chức vô địch. Nó khác hẳn với các sân cỏ phương Tây, như giải Ngoại hạng Anh hay Bundesliga, khán đài luôn chật kín dù đội bóng đang ở vị trí nào trên bảng xếp hạng. Và những đội bóng giàu truyền thống, khán đài của họ thậm chí vẫn chật kín khi họ xuống hạng.

Đó là sự khác biệt về bản chất. Khán giả Việt Nam xem bóng đá theo kiểu "khi vui thì vỗ tay vào". Chỉ khi đội nhà chơi tốt, có vị trí cao, có khả năng mang lại những chiến thắng làm khán giả vui lây thì họ tới sân, không thì đội bóng chỉ là kẻ xa lạ.

Không ít người say sưa nói về bóng đá quốc tế, nhưng khi nói về bóng đá Việt Nam thì bĩu môi "tôi không thèm xem V-League", như là cách thể hiện thị hiếu của mình không thấp kém như bóng đá nước nhà. Tất nhiên, rất nhiều trong số đó vẫn xem khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu. Nhưng chúng ta sẽ nhầm to nếu nói rằng đó là tình yêu bóng đá, nó chỉ là cách thể hiện của tình cảm dân tộc.

Kỹ năng cổ vũ của khán giả Việt Nam cũng rất hạn chế. Ở V-League, cùng lắm là đánh trống thổi kèn. Có thể chúng ta "hơn" các nền bóng đá khác là cổ vũ đội nhà bằng cách... chửi đối phương, chửi trọng tài khi thổi phạt đội nhà. Khi đội tuyển đá thì có thể khá hơn, với việc tạo thành làn sóng người, và thỉnh thoảng hát vài bài kiểu "Như có Bác Hồ" hay "Việt Nam - Hồ Chí Minh" mỗi khi đội nhà chơi hứng khởi. Không có cảnh hát hò, nhảy múa như chuyên nghiệp của các cổ động viên suốt cả trận, bằng những bài hát hay điệu nhảy dành riêng để cổ động đội bóng. Không có chuyện cổ động viên chỉ biết cổ động mà không quan tâm đến tỷ số hoặc diễn biến trên sân, như vẫn thường xảy ra ở châu Âu, Nam Mỹ, hay thậm chí ở cả Indonesia.

Nếu tình yêu bóng đá của người châu Âu và Nam Mỹ là tình yêu vô điều kiện, tình yêu dâng hiến, thì khán giả của chúng ta chỉ có "tình yêu" với đội bóng khi được dâng hiến.

Tất cả có nền tảng từ đời sống thể thao hạn chế của chúng ta. Vì không được chơi thể thao thường xuyên, tình yêu với thể thao không ngấm vào máu của chúng ta. Vì không sinh hoạt thể thao có tổ chức từ bé, chúng ta không có một câu lạc bộ thể thao nào để gắn bó, để yêu mến, và để dâng hiến. Các đội bóng đá thời bao cấp là đội bóng của các sở, các ngành. Các đội bóng thời V-League là đội bóng của các ông bầu. Chỉ đội tuyển có vẻ là của khán giả.

Thiếu người chơi bóng đá, thiếu cổ động viên đích thực, và cũng thiếu kiến trúc sư tái tạo lại cả nền bóng đá, ước vọng cất cánh của bóng đá Việt Nam chỉ là ảo vọng!

(Theo Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X