Với làn sóng nhập tịch ồ ạt, liệu Trung Quốc có thể hiện thực hoá giấc mơ World Cup trong tương lai ngắn hạn?
Xsbandinh.com xin giới thiệu đến quý độc giả góc nhìn của cây viết Mandy Zuo trên tờ South China Morning Post liên quan đến vấn đề ĐT bóng đá Trung Quốc sử dụng những cầu thủ nhập tịch.
“Với tham vọng giành suất dự World Cup 2022 của Trung Quốc, chàng trai gốc Anh - Nico Yennaris đã trở thành cầu thủ nước ngoài đầu tiên được lên ĐTQG với tư cách công dân nhập tịch.
Thẻ công dân của cầu thủ này có tên là Han.
|
Nico Yennaris là cầu thủ nhập tịch đầu tiên được gọi lên ĐTQG Trung Quốc. |
Một số cầu thủ bóng đá nước ngoài, cũng như trong nhiều môn thể thao khác trở thành công dân Trung Quốc trong vài năm qua, phần nhiều trong số họ đến đây bởi sự thu hút về mức thu nhập cao.
Người nhập tịch là vấn đề mang tính lịch sử lâu dài ở nhiều quốc gia nhưng là hình mẫu mới ở Trung Quốc, khi LĐBĐ chính thức tuyên bố chính sách này sẽ giúp tăng cường sức mạnh đội tuyển vào cuối năm ngoái. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình có niềm đam mê lớn với bóng đá khi đặt mục tiêu đăng cai World Cup.
John Hou Saeter có cha người Na Uy, mẹ người Trung Quốc trở thành cầu thủ đầu tiên chuyển sang thành công dân Trung Hoa hồi tháng Hai. Cầu thủ 21 tuổi giờ được gọi với cái tên Hou Yongyong đang khoác áo Beijing Sinobo Guoan, một trong những CLB hàng đầu tại giải VĐQG Trung Quốc.
Một cầu thủ người Anh khác, Tyias Browning gia nhập Guangzhou Evergrande sẽ trở thành công dân Trung Hoa trong thời gian tới, theo Reuters đưa tin vào tháng trước.
Giáo sư Chen Xiyao của Đại học Thể thao Thượng Hải cho rằng đây là điều không thể ngờ được trong quá khứ: “Đây là xu hướng mới ở Trung Quốc. Trong quá khứ, chúng tôi chỉ thấy những vận động viên nước mình nhập tịch vào quốc gia khác, chẳng có vận động viên nước ngoài nào đến đây thi đấu cho Trung Quốc”.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất quan tâm phát triển bóng đá. |
Với xu thế được thúc đẩy bởi tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, GS Chen đánh giá điều này cũng có liên kết với sự phát triển kinh tế.
“Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện được biết đến nhiều hơn ở phạm vi toàn cầu. Mọi người đang nghĩ Trung Quốc giàu có, các CLB thể thao sẵn sàng chi những khoản lớn để thu hút các vận động viên hàng đầu”.
Mark Dreyer, người sáng lập của trang ‘China Sports Insider’, cho rằng động lực nhập tịch của các cầu thủ không phải chỉ vì tiền. Ông lập luận rằng việc trở thành công dân Trung Quốc giúp tăng cơ hội ra sân ở giải VĐQG, nơi suất thi đấu cho các cầu thủ nước ngoài bị hạn chế.
“Lợi thế cho cầu thủ có thể thấy rõ ràng: thu nhập tốt hơn, nhiều cơ hội ra sân, có cơ hội thi đấu tại giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới cùng ĐT Trung Quốc, điều họ không thể có được nếu ở quốc gia gốc của mình” - Mark Dreyer nhìn nhận.
Không chỉ là bóng đá, việc nhập tịch cũng diễn ra với các môn thể thao khác. Beverly Zhu sinh ra ở Hoa Kỳ, giành chiến thắng tại Giải vô địch Trượt băng nghệ thuật Mỹ 2018 gây ra cuộc tranh luận lớn ở Trung Quốc khi quyết định thi đấu cho đội tuyển nước này hồi năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa với việc cô có thể thi đấu tại Thế vận hội mùa đông tổ chức tại Bắc Kinh năm 2022.
|
Không chỉ bóng đá, nền thể thao Trung Quốc cũng có xu hướng nhập tịch mà tiêu biểu là Zach Yuen. |
Khúc côn cầu trên băng cũng có một số VĐV nhập tịch như Zach Yuen từ Canada, người cũng sẽ có cơ hội lớn dự Thế vận hội 2022.
Roy Chu, một luật sư đang công tác tại Thượng Hải cho biết Trung Quốc không đồng ý chuyện một công dân hai quốc tịch. Thế nên nếu muốn có hộ chiếu Trung Quốc, người nước ngoài phải chấp nhận từ bỏ quốc tịch gốc.
“Các vận động viên nhập tịch phải sẵn sàng chỉ có hộ chiếu Trung Quốc, mặt khác nếu có bối cảnh gia đình gốc Hoa, các thủ tục pháp lý cũng sẽ đơn giản hơn” – Chu cho biết.
Như trường hợp của Browning có ông là người gốc Hoa, còn với Yennaris là mẹ.
Theo luật pháp sở tại, chỉ những người nước ngoài gốc Hoa, hoặc sống ở Trung Quốc từ 5 năm trở lên mới được xem xét nhập tịch. Tuy nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt, các vận động viên sẽ có cơ hội nhập tịch mà không cần đủ điều kiện trên.
|
ĐTQG Trung Quốc đang lên kế hoạch để giành vé dự World Cup 2022. |
Tiêu biểu như Pedro Delgado, cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Bồ Đào Nha đang thi đấu cho Shandong Luneng. Cầu thủ này nhập tịch Trung Quốc vào tháng trước và theo CLB, đây là cầu thủ nước ngoài đầu tiên không phải gốc Hoa được phép nhập tịch.
Cầu thủ nhập tịch cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt nếu họ không thạo tiếng Hoa và hiểu biết ít về văn hoá bản địa.
Mark Dreyer cho biết: “Bên cạnh việc phải thích nghi với môi trường hoàn toàn mới, họ cũng phải đối mặt với thái độ thiếu thiện cảm từ những đồng đội, đặc biệt từ những cầu thủ mất vị trí vào tay những người mới đến”.
“Nếu sở hữu một số cầu thủ nhập tịch trong ĐTQG, những mâu thuẫn có thể sẽ nảy mầm. Chúng tôi thấy được điều đó qua ĐTQG Hoa Kỳ, khi một số cầu thủ gốc Đức gây ra những rạn nứt nội bộ”.
Một vấn đề khác là nếu những cầu thủ nhập tịch không có được phong độ tốt, nhiều CĐV có thể lôi họ ra làm “kẻ tế thần”.
Dreyer cũng nhận xét rằng các cầu thủ nhập tịch không thể giúp cải thiện quá nhiều về thành tích của ĐT bóng đá Trung Quốc.
“Thực ra, lý do các cầu thủ nhập tịch không thi đấu cho quốc gia gốc của họ đơn giản vì chuyên môn không đáp ứng được” – Dreyer đánh giá thẳng thắn: “Thế nên họ không thể ngay lập tức biến ĐT Trung Quốc thành một thế lực cạnh tranh tầm cỡ thế giới được”.
“Tôi nghĩ đó chỉ là biện pháp ngắn hạn, không thể thay đổi thành tích chung của bóng đá hay các môn thể thao khác. Sau tất cả, bóng đá là môn thể thao của 11 người” – Giáo sư Chen Xiyao khẳng định.