Khác với Veron, Heinze gần như trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho công cuộc xây dựng lại Man United. Tuy vậy, cần phải nhắc rằng cả hai chơi ở những vị trí rất khác nhau, đòi hỏi những yêu cầu rất khác. Nhưng không vì thế mà những rắc rối không xảy ra. Sau một mùa giải 2005/2006 không thành công vì phải ngồi ngoài do chấn thương đầu gối, vị trí của Heinze chính thức bị đe dọa bởi một cái tên "mới toanh" tới từ chính mảnh đất Ligue 1: Patrice Evra. Xuyên suốt mùa giải 2006-2007, cả hai luôn tranh giành vị trí đá chính, nhưng chính Evra là người giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Vì vậy, Heinze phải rời khỏi Old Trafford.
Sau 3 mùa, Heinze đã chiếm trọn con tim NHM Man United bởi lối chơi lăn xả của mình, thậm chí được nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League cho những nỗ lực của mình. Có thể nói, không ai ở Man United muốn thấy hậu vệ trái mà họ yêu mến nhất này rời khỏi Man United.
Tuy vậy, việc Heinze đòi chuyển đến Liverpool ở đầu mùa 2007-2008, một thương vụ đầy tai tiếng, đã chính thức dập tắt hình ảnh lung linh của anh trong mắt NHM Man United suốt những năm qua. Chưa từng có một cầu thủ nào trong lịch sử Man United chuyển trực tiếp qua nửa đỏ thành Merseyside trong hơn 40 năm qua. Dù cố gắng hết mức có thể, Heinze vẫn bị Sir Alex không cho phép chuyển tới Liverpool. "Hắn ta có máu "đánh thuê"," Sir Alex sau đó chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình. Cái máu đánh thuê này của anh có lẽ được thể hiện rõ nhất qua việc anh kiện chính CLB của mình vì ngăn không cho anh chuyển đến Liverpool.
Dù đã rời Man United từ lâu, nhưng vết thương lòng mà Heinze để lại cho NHM Man United vẫn còn dai dẳng, kể cả khi Keane đã tuyên bố rằng anh rất vui khi được thi đấu bên cạnh Gabriel Heinze.
Với Man United, khoảng thời gian Heinze thi đấu ở Old Trafford một lần nữa cho thấy sự "kém duyên" của họ với các cầu thủ Argentina. Mọi thứ luôn đi theo một kịch bản chung: ban đầu êm đẹp, sau đó dần trở nên xấu và cuối cùng là tan vỡ. Tuy vậy, Man United vẫn không bỏ cuộc, lần này là một cái tên đang nổi danh trong màu áo West Ham thời điểm đó: Carlos Tevez.
Nếu Heinze khiến họ đau một, thì Tevez khiến họ đau mười. Đau vì trong khoảng thời gian thi đấu cho Man United, Tevez cùng với Cristiano Ronaldo và Rooney đã trở thành bộ tam tấu hủy diệt mọi đội bóng Châu Âu mà họ đối mặt, trở thành một trong những đội hình thành công nhất Châu Âu với đỉnh cao là danh hiệu Champions League ở mùa giải 2007-2008. Có thể nói, Tevez là một phần không thể thiếu của Man Đỏ khi đó.
Tevez thực sự đã đóng góp rất nhiều cho Man United thời điểm đó. Anh có thể hoạt động ở bất cứ đâu trên hàng tiền đạo, ghi được 19 bàn và 7 pha kiến tạo ở mọi đấu trường, trong đó phải kể đến những bàn thắng quan trọng trước Chelsea, Liverpool, Lyon và Roma. Mỗi khi Tevez có bóng, anh lập tức khiến hàng hậu vệ đối phương run sợ trước những pha bứt tốc đẳng cấp cũng những cú sút ngoài vòng cấm trái phá.
Cũng vì sự táo bạo và hoang dã này của anh, vốn khá tương đồng với Rooney, mà anh thường xuyên gặp vấn đề với người đồng đội thứ 3, Cristiano Ronaldo, một biểu tượng của sự hiệu quả và thể lực bền bỉ. Lối chơi của Tevez dựa quá nhiều vào bản năng trong các pha di chuyển, khiến anh thường nhiều lần phải lao vào tìm bóng một cách khó nhọc.
Trái ngược với vết sẹo trên cổ của anh, lối chơi của Tevez thực sự đẹp, một vẻ đẹp hoang dã và đầy chất Tango. Một vẻ đẹp mà NHM Man United được chứng kiến xuyên suốt 2 mùa giải anh thi đấu cho Man United. Tuy vậy, mối lương duyên này không kéo dài lâu sau khi anh khước từ lời đề nghị "mua đứt" anh để chuyển đến gã hàng xóm Manchester City.
Một nỗi đau có lẽ NHM Man United không bao giờ quên, thậm chí còn đau đớn hơn Heinze trước đó. Theo lời của chính Tevez, sự chần chừ của Sir Alex và David Gill trong việc thương thuyết với tay đại diện Kia Joorabchian của anh đã khiến mối lương duyên đổ bể, nhất là khi anh cảm thấy CLB không trân trọng anh. Cách duy nhất để chữa lành vết thương này đó là trừng phạt Man United theo cách tàn độc nhất có thể.
Dù giành được rất nhiều thành công trong màu áo đỏ thành Manchester, Tevez vẫn quyết định gia nhập nửa Xanh thành Manchester, khi đó đang trên đường trở thành "đại gia" bằng những đồng tiền của những ông chủ Ả Rập. Tuy vậy, phải đến mùa giải 2011-2012, anh mới chính thức trở thành kẻ thù không đội trời chung với đội bóng cũ khi giơ cao tấm bảng ghi dòng chữ: "RIP Ferguson" (An nghỉ nhé Ferguson-ND) khi cùng các đồng đội ăn mừng chức vô địch Premier League năm đó. Không thể phủ nhận hành động đó của Tevez có phần quá đáng, nhưng nó cũng một phần xuất phát từ nỗi đau bị bội phản bởi chính nơi mà anh yêu thương nhất, Man United.
Sau 3 lần đau vì người Argentina, Man United thời hậu Sir Alex vẫn không hề buông xuôi nỗ lực đem về một cầu thủ đẳng cấp từ xứ sở Tango.
Angel Di Maria, cái tên Argentina đầu tiên thời hậu Sir Alex chỉ ra sân 20 trận, nhưng vẫn kịp để lại hận thù trong lòng CĐV Man United. Sau một khởi đầu không mấy suôn sẻ vì không thể chịu nổi sự cứng nhắc của hệ thống chiến thuật do Louis Van Gaal đề ra, Di Maria nhanh chóng "đào tẩu" san Paris Saint Germain, một thương vụ chóng vánh và nhanh gọn. Cũng vì sự nhanh chóng của thương vụ này mà Di Maria nhanh chóng bị cho là đã "trốn chạy" khỏi Man United, khiến anh bị cho là "kẻ hèn nhát" trong mắt NHM Man United.
Di Maria không hề dè dặt trong việc bộc lộ những cảm xúc của mình khi gặp lại đội bóng cũ, thậm chí còn ăn mừng khi ghi bàn trong trận thắng lượt đi trên sân Old Trafford ở Champions League mùa giải 2018-2019, một hành động rất khó chấp nhận với NHM Man United.
Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có Marcos Rojo và Sergio Romero là gắn bó lâu dài với Man United. Tuy vậy, hầu hết đều xuất phát từ việc họ khá "ngoan" nếu so với các trường hợp trước. Với Rojo, scandal duy nhất anh gặp phải đó là việc anh từng lãnh án, khiến anh chậm trễ trong việc xin giấy phép lao động, làm Man United một phen điêu đứng khi phải trả số tiền phạt 140,000 Bảng vì chậm trễ trong việc báo cáo khi đang thực hiện tour du đấu ở Bắc Mỹ cùng đội nhà. Trong khi đó, Sergio Romero lại khá bình lặng, thậm chí có phần "sạch" hơn Rojo rất nhiều.
Xuyên suốt lịch sử của mình, nền bóng đá xứ sở Tango đã sản sinh không ít những biểu tượng bền vững cho các đội bóng ở các giải đấu khác nhau. Ở Serie A, đó là Maradona của Napoli, Zanetti của Inter hay Batistuta của Fiorentina và Roma, ở La Liga đó là Lionel Messi của Barca, là Redondo của Real Madrid, còn ở NHA đó là Sergio Aguero của Manchester City. Tuy vậy, ở Man United, mọi chuyện lại không được lung linh như thế.
Có lẽ, một phần nguyên do xuất phát từ việc cả hai không hề hiểu nhau, thậm chí chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ lâu dài. Hay nói cách khác, họ quá khác nhau, như nước với lửa vậy.
Tuy vậy, NHM Man United vẫn cảm thấy được chút gì đó an ủi khi những tên tuổi Argentina từng thi đấu ở sân Old Trafford đã đem về không ít thành công cho họ. Với Veron và Heinze, đó là những danh hiệu Premier League, với Tevez, đó là danh hiệu Champions League, còn với Rojo và Romero, đó là danh hiệu Europa League. Có lẽ, chừng đó thôi cũng đủ để khiến NHM Man United sẵn sàng đau thêm một lần nữa rồi.
Dịch từ bài viết: "From Verón and Heinze to Tevez and Di María: the story of Argentine players at Manchester United" của tác giả Josh Butler đăng trên These Football Times.