Vì sao RB Leipzig là đội bóng bị ghét nhất nước Đức (P2)

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 09/02/2020 20:06(GMT+7)

Zalo

Khi Red Bull bắt đầu chú ý đến thành phố Leipzig vào năm 2009, nền bóng đá ở vùng Đông Đức cũ đã xuống cấp đến mức mà một vài câu lạc bộ tại đây thậm chí còn gần như vô vọng trong việc vươn mình lên hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của nước Đức. Các trận đấu ở đây đều chỉ thu hút được nhiều nhất là vài ngàn cổ động viên đến sân.

Phần 1: Vì sao RB Leipzig là đội bóng bị ghét nhất nước Đức (P1)

Phần 2:

Từ tận ngày xửa ngày xưa, Leipzig cũng đã từng là một thành phố bóng đá. Vào những năm 1950, các đám đông hơn 10.000 người thường tụ tập lại để theo dõi các trận đấu diễn ra ở Zentralstadion cũ, nơi mà hiện tại đã được đổi tên thành Red Bull Arena. Cuối năm 1988, một năm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, một trận đấu thuộc khuôn khổ UEFA Cup giữa Lokomotive Leipzig và Napoli của Diego Maradona đã thu hút tận 90.000 khán giả đến sân. Sau khi nước Đức thống nhất, nền bóng đá khắp vùng Đông Đức cũ đã rơi vào tình trạng sa sút trầm trọng và cực kì khốn đốn.

RB Leipzig va cau chuyen ve niem tu hao cua bong da Duc4
 
Đôi khi, sẽ có một vài đội bóng tại “đất nước” này xuất hiện ở Bundesliga trong một hoặc hai mùa giải, nhưng không một cái tên nào trong số họ đủ sức tạo ra một sự thách thức thật sự tại giải đấu hàng đầu nước Đức. Trước khi RB Leipzig có thể chiếm được ngôi đầu bảng ở tuần thứ 11 của Bundesliga mùa giải 2016/2017 – đó cũng chính là lần đầu tiên họ được góp mặt ở Bundesliga – đội bóng cuối cùng của Đông Đức cũ được đứng ở vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng của giải đấu này là Hansa Rostock, vào đầu mùa giải 1992/1993. Mãi cho đến tận những kì tích của Leipzig, không một cái tên nào trong số họ giành được chiếc vé tham dự Champions League, và tất nhiên, là cũng chưa bao giờ được ngồi lên ngai vàng Bundesliga.
 
Khi Red Bull bắt đầu chú ý đến thành phố Leipzig vào năm 2009, nền bóng đá ở vùng Đông Đức cũ đã xuống cấp đến mức mà một vài câu lạc bộ tại đây thậm chí còn gần như vô vọng trong việc vươn mình lên hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của nước Đức. Các trận đấu ở đây đều chỉ thu hút được nhiều nhất là vài ngàn cổ động viên đến sân. 
 
“Bạn có thể thấy là ở miền đông của nước Đức có đủ đất để phát triển một đội bóng đá chuyên nghiệp,” Oliver Mintzlaff, giám đốc bóng đá toàn cầu của Red Bull, nói. Tuy nhiên, sự thành công đã đến chậm hơn so với dự kiến của công ty này. Với việc không được sử dụng logo của Red Bull, câu lạc bộ này đã phải thi đấu mà không có bất kì logo nào trong mùa giải đầu tiên. Số lượng cổ động viên đến sân luôn rất thấp. Sau khi thăng hạng một cách nhanh chóng từ giải hạng 5, họ đã phải chơi đến 3 mùa ở giải hạng bốn, trước khi có thể tiếp tục lên chơi ở giải hạng ba. 
 
Đến thời điểm đó, một nhà cầm quân mang tên Ralf Rangnick đã được bổ nhiệm vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của RB Leipzig. Trước đây, Rangnick đã từng hai lần thành công trong việc đưa những đội bóng mà ông dẫn dắt là Hannover 96 và Hoffenheim thăng hạng lên chơi ở Bundesliga. Với sự chống lưng của đế chế Red Bull, vị chiến lược gia này đã được trao vào tay một ngân sách gần như vô hạn. Nhưng thay vì tiêu tiền vào những cầu thủ đã thành danh, ông đã tập trung vào việc chiêu mộ những tài năng trẻ, phần lớn trong số đó là được lôi kéo về từ các học viện của những câu lạc bộ nhỏ hơn ở miền đông nước Đức. Chiếc “hòm chiến tranh” của Red Bull đã cho phép công tác trinh sát của họ có thể hoạt động với một tầm bao phủ lớn hơn hẳn so với tại các câu lạc bộ có tầm vóc tương tự khác. 
 
Khi Rangnick đến Bồ Đào Nha để tham dự một giải đấu giành cho lứa tuổi U-19, Yussef Poulsen lúc ấy chỉ mới 17 tuổi và đang chơi tại giải hạng 2 của Đan Mạch. “Đã có một kế hoạch lớn được vạch ra – và tiến độ phát triển của nó cũng đã được xác định rất rõ ràng,” Poulsen hồi tưởng lại. “Ông ấy đã nói với tôi rằng họ sẽ thăng hạng lên chơi ở giải hạng ba vào mùa giải tới, và nếu gia nhập đội bóng này, tôi sẽ trở thành một phần quan trọng của cái kế hoạch ấy. Sau đó, họ sẽ lên chơi ở giải hạng hai trong mùa giải tiếp theo. ‘Chúng ta sẽ có một năm để tìm hiểu về đẳng cấp của giải hạng hai,’ Ông ấy khẳng định. ‘Và sau đó, chúng ta sẽ tiến lên Bundesliga.’”
 
Một sự tự tin đến vô lý về việc hiện thực hóa cái quy trình đi lên đó, cũng như việc viết ra cả một kịch bản cực kì rõ ràng cho nó, thật sự là một chuyện rất khó tin. Nhưng Poulsen càng lắng nghe, nó lại càng trở nên chân thật hơn. “Hãy nhìn vào bảng thành tích của ông ấy,” Anh nói về Rangnick. “Ông ấy đâu chỉ mới làm được điều đó một lần. Đây đã lần thứ ba rồi đấy. Ông ấy biết chính xác nên làm gì để thành công trong cái nhiệm vụ đó.” Khi Poulsen đặt chân đến sân tập của Leipzig lần đầu tiên, cái kế hoạch ấy đã được tiến hành một cách rất hăng hái và mạnh mẽ. “Họ không hề giống như một đội bóng chơi ở giải hạng ba chút nào,” Anh nhận xét. “Họ đã hoàn toàn sẵn sàng cho Bundesliga.”
 
Những cầu thủ trẻ mà Rangnick đã mang về, như Poulsen, Werner, và các tiền vệ Marcel Sabitzer và Diego Demme, đã được rèn giũa cẩn thận để trở nên phù hợp với hệ thống của ông. Dĩ nhiên, họ cũng rẻ hơn rất nhiều so với các ngôi sao đã thành danh. “Nếu anh nhìn vào đội hình của chúng tôi, rất nhiều người trong số đó đã cập bến câu lạc bộ này khi chúng tôi vẫn còn đang chơi ở giải hạng hai, hay thậm chí là hạng ba,” Poulsen cho biết. “Họ đã gia nhập câu lạc bộ với những mức phí chuyển nhượng rất, rất rẻ. Chúng tôi có đến 5 hoặc 6 cầu thủ mà tổng giá trị chuyển nhượng của họ thậm chí còn chưa đến 10 triệu Euro.”

Vì sao RB Leipzig là đội bóng bị ghét nhất nước Đức (P2) hình ảnh gốc 2
 
Giờ đây, Leipzig đã lọt vào đến tận vòng 16 đội của đấu trường Champions League, và đối thủ mà họ sẽ chạm trán vào tháng Hai chính là Tottenham Hotspurs. Tuy nhiên, cho đến tận lúc này, vẫn chưa hề có một thương vụ chuyển nhượng nào khiến họ chi ra một mức phí nhiều hơn con số 20 triệu Euro mà họ từng trả cho Bayer Leverkusen để có được Kevin Kampl vào năm 2017. “Chúng tôi đã không làm việc như những gì mà người ta từng dự đoán,” Mintzlaff khẳng định.

‘Ối giời ơi, bọn Red Bull đến rồi kìa, bọn nó sẽ chi phối cả Bundesliga, bọn nó sẽ tiêu tiền không tiếc tay, bọn nó sẽ dùng tiền để mua về cho mình những gì tốt-tốt-tốt- nhất.’ Không. Chúng tôi chưa bao giờ mua về bất kì một ngôi sao lớn nào cả. Chúng tôi chỉ chiêu mộ về những cầu thủ trẻ. Vào thời điểm trước khi gia nhập Leipzig, tất cả mọi đội bóng khác ở Bundesliga đều thừa sức mua những con người này về với họ. Thậm chí, có rất nhiều đội bóng chơi ở 2. Bundesliga cũng dư sức mang họ về. Chúng tôi đã thực hiện công tác trinh sát một cách vô cùng tuyệt vời, với một triết lý rất rõ ràng. Và cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn đang bám vào cái triết lý đó.”
 
Một nguồn đầu tư tài chính khủng lồ từ Red Bull cho tất cả mọi khía cạnh, từ phòng xông hơi đến công tác chăm sóc y tế, đã mang lại một lợi thế rất rõ ràng cho Leipzig. Cùng với đó chính là khả năng sử dụng những câu lạc bộ bóng đá khác thuộc sở hữu của Red Bull – ngoài ở Austria và New York, còn có ở Nam Mĩ (Red Bull Brasil), và châu Phi (Red Bull Ghana) – như những bàn đạp, theo một cách thức tương tự như City Football Group (Bao gồm Manchester City ở Anh, NYCFC của MLS, và 5 câu lạc bộ khác, từ Uruguay cho đến Ấn Độ) và một vài tổ chức cá nhân khác. Ngoài ra, còn có một sự hữu ích rất lớn đến từ bộ máy tổ chức tập quyền của họ, cho phép các quyết định được đưa ra một cách nhanh chóng hơn nhiều so với các câu lạc bộ khác ở Đức. 
 
“Anh có thể nói, ‘Tôi muốn có một video wall trên sân tập’, và không cần phải được thông qua bởi tận 20 người để được đáp ứng yêu cầu đó,” Julian Nagelsmann, người đang có mùa giải đầu tiên dẫn dắt câu lạc bộ này, nhận định. “Và sẽ không phải tổ chức một cuộc họp ban lãnh đạo đến 20 người chỉ để có một cuộc thảo luận kiểu, ‘việc này có tốt không?’ ‘Nó sẽ mang lại cho chúng ta một lợi thế trong tương lai chứ?’” Đối với các đối thủ của Leipzig, theo như Nagelsmann lưu ý, quá trình đó phức tạp hơn ở đội bóng này rất nhiều. “Họ sẽ hội họp với nhau rất lâu,” Ông nói và lắc đầu. “Kết quả là, sự phát triển có thể sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng. Ở đây, anh có thể đạt được sự cải thiện ở tất cả mọi mặt chỉ trong một thời gian ngắn.”
 
Mintzlaff đã khẳng định rằng, đó cũng là cái cách mà các câu lạc bộ bóng đá đang được vận hành ở hầu hết những nơi khác trên thế giới. Ông không hề che giấu cái sự thật rằng, Leipzig có một tham vọng khủng lồ, vượt ra cả ngoài Bundesliga để vươn đến tận Champions League, đấu trường sẽ mang đến cho họ nhiều vinh quang và tiền bạc nhất. “Đó chính là nơi mà các câu lạc bộ cần phải hướng đến ở ‘bước tiếp theo’ của họ, để có thể thật sự tranh đấu với Serie A và Premier League,” Ông nói. “Những thành quả mà chúng tôi đạt được là rất tuyệt vời, nhưng các giải đấu khác cũng đang có những sự phát triển nhanh đến chóng mặt. Thêm nữa, mọi người đều muốn được chiêm ngưỡng những cầu thủ xuất sắc nhất. Và những cầu thủ xuất sắc nhất thì đều rất đắt đỏ.”
 
Theo quan điểm của ông, bất kì câu lạc bộ nào không có ý sẵn sàng tranh đấu trên đấu trường quốc tế, thì cũng đừng có cản trở những người sẵn sàng làm điều đó. “Chúng tôi không phàn nàn về bất cứ đối tượng nào cả,” ông nói. “Chúng tôi chẳng bao giờ phàn nàn rằng mình không có nhiều tiền như Bayern Munich. Trong cách tư duy của chúng tôi còn có thêm một chút hơi hướng của người Mĩ – Hãy làm việc chăm chỉ hơn, hãy hoàn thành nó, hãy giúp nó thậm chí còn trở nên tốt hơn nữa.”
 
Vào mỗi ngày, giám đốc điều hành Carsten Cramer đều đến một văn phòng nằm trong tòa nhà tổng hành dinh đầy hiện đại của Borrussia Dortmund. Sàn nhà làm bằng gỗ cứng. Đồ nội thất tuyệt đẹp, tất cả đều mang màu trắng và có một màn hình tivi lớn treo trên tường. Nhìn từ bề ngoài, có vẻ như ông đang đảm nhận nhiệm vụ điều hành công việc thương mại, quảng bá của câu lạc bộ. 
 
Thật vậy, khía cạnh mà Cramer đảm nhận chính là mảng Marketing, và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Dortmund lại có thể thu được những nguồn lợi khủng lồ trong suốt khoảng thời gian ông điều hành công tác này cho họ, tiêu biểu nhất chính là việc sử dụng sự nổi tiếng của Christian Pulisic ở Mỹ để mở rộng tên tuổi, tầm ảnh hưởng của Dortmund ra tận Đại Tây Dương và đưa họ vươn mình thành câu lạc bộ nổi tiếng thứ hai của Đức, chỉ đứng sau Bayern Munich. (Mức doanh thu 600 triệu Euro hàng năm của họ nhiều hơn gấp đôi so với của Leipzig.) Tuy nhiên, theo quan điểm của Cramer, vai trò của ông mang nhiều tính “truyền giáo” hơn là “thương mại”. “Chúng tôi nghĩ rằng bóng đá thuộc về tất cả mọi người,” Ông nói. Cramer giơ một ngón tay lên. “Đó là một cách tiếp cận rất khác biệt.”
 
Cramer tin rằng, mối liên kết giữa các cộng đồng, tổ chức tại nước Đức và những “tín độ” của họ đã bị phai mờ đi rất nhiều. Tôn giáo đang dần biến mất khỏi cuộc sống hàng ngày; chính vì vậy, đã xuất hiện rất nhiều những buổi diễn ngôn công cộng. Bóng đá là tất cả những gì còn lại, và sự bành trướng một cách công khai của chủ nghĩa thương mại đã tạo nên một mối đe dọa cực kì đáng lo ngại. “Liệu chuyện gì sẽ xảy ra với những câu lạc bộ được liên kết với các nhà đầu tư Qatar sau khi World Cup 2022 kết thúc?” Ông đặt ra câu hỏi. “Liệu đó có phải là một đường lối có thể tạo ra sự ổn định? Hết năm này qua năm khác, các câu lạc bộ sẽ luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ về việc các Sheikh, các nhà đầu tư, hoặc các chủ sở hữu sẽ không còn đầu tư tiền bạc mạnh tay vào cho họ nữa.” Ông đã đề cập đến Leicester City, đội bóng đã được Vichai Srivaddhanaprabha đầu tư vào hàng chục triệu bảng, nhưng sau đó, ông chủ người Thái Lan đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng vào mùa thu năm 2018. “Nếu bạn là Leicester City hoặc fan của họ, bạn sẽ phải cầu nguyện rằng gia đình đó sẽ tiếp tục quan tâm đến câu lạc bộ như trước,” Ông nói. 
 
Cramer đã tham dự rất nhiều trận đấu diễn ra trên khắp thế giới, và sự thất vọng luôn hiện hữu trong tâm trí ông khi quan sát chúng. Người Anh có những sân vận động tuyệt vời, ông thừa nhận. “Nhưng ngay cả bầu không khí tại Anfield cũng không thể so sánh được với bầu không khí tại các sân vận động ở Đức.” Nỗi thất vọng lớn nhất của ông là dành cho Camp Nou, nơi mà ông đã mô tả là “một sân vận động chứa đầy những người không hề quan tâm đến bóng đá, mà chỉ dành trọn điều đó đến một ngôi sao người Argentina.” Cramer tin rằng, đang có quá nhiều câu lạc bộ chỉ tồn tại như một loại hình đầu tư cho các chủ sở hữu, hoặc để phục vụ cho mục đích chính trị, hoặc xã hội. “Tôi sẽ không đời nào làm việc cho một câu lạc bộ như Paris,” Ông nói, với ngụ ý ám chỉ PSG như một công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của chính phủ Qatari.
Không một câu lạc bộ nào tại Bundesliga khinh thường, thù ghét sự thành công của Leipzig hơn Dortmund.

rb leipzig
 
Một phần nguyên nhân có thể là vì họ cảm thấy vị thế của mình bị đe dọa bởi sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh mới, không chỉ với vinh quang ở Bundesliga, mà còn là với các suất tham dự đấu trường Champions League và sức hút trên thị trường quốc tế. Nhưng nguyên nhân sâu xa và chủ yếu hơn thế, chính là về khía cạnh “xung đột văn hóa”. Dortmund, Pittsburgh của nước Đức, đã xuống dốc trầm trọng sau Thế Chiến Thứ 2. Ngành công nghiệp than và thép của họ đã sa sút đến thảm hại. Các nhà máy bia tại đây cũng vậy. Dân số của họ đã giảm mạnh. Chỉ có đội bóng đá nổi tiếng nhất nơi đây là tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ.

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Why RB Leipzig is the most hated soccer team in the Bundesliga” của tác giả Bruce Schoenfeld, đăng tải trên ESPN.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?

X
top-arrow