Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này, Arsenal đã chiêu mộ xong Kai Havertz và dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ Declan Rice trong vài ngày tới, hai vụ chuyển nhượng này sẽ tiêu tốn của họ khoảng 170 triệu bảng (215 triệu USD). Với hai thương vụ này, chúng ta có thể thấy rõ Arsenal nhìn nhận như thế nào về mùa giải trước của mình. Họ nghĩ rằng mình thực sự đã ở rất gần chức vô địch.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Arsenal đã ở rất gần chức vô địch Premier League mùa trước – nhưng chính xác là gần đến mức nào?
Theo một cách nhìn nhận, họ đã ở gần chức vô địch hơn bất kỳ đội bóng đứng thứ hai nào trước đây. Mặc dù đã phải kết thúc mùa giải với tư cách những kẻ về nhì (xếp sau Manchester City), nhưng đoàn quân của Mikel Arteta đã chiếm đóng ngôi đầu bảng tận 248 ngày. Tuy mùa giải chỉ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 5, nhưng The Gunners đã đứng ở vị trí cao nhất bảng xếp hạng trong hơn 2/3 năm – và cuối cùng họ vẫn chẳng giành được chức vô địch.
Tuy nhiên, đừng để những con số rút ra từ số ngày trong năm đánh lừa. Trong xuyên suốt 38 trận đấu của mùa giải, thực ra Arsenal gần với các đội đứng ở vị trí thứ tư và thứ năm hơn là nhà vô địch. Hiệu số bàn thắng bại của họ (+45) gần với Newcastle United (+35) hơn là Manchester City (+61). Chưa hết, hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng của họ (+29,9) thậm chí kém hơn Newcastle (+32,4), và gần với cả Liverpool (+21,7) lẫn Brighton & Hove Albion (+23,1) hơn là Manchester City (tận +46,6).
Có lẽ một lịch thi đấu đầy khắc nghiệt – cả về số trận đấu lẫn trình độ của các đối thủ – và vài tình huống ghi bàn có yếu tố may mắn góp sức (Arsenal ghi được 88 bàn trong khi dữ liệu bàn thắng kỳ vọng của họ chỉ là 71,9 xG) đã tạo ra cảm giác về một cuộc đua vô địch cực kỳ, cực kỳ gay cấn mặc dù thực tế là nó chẳng đến mức đó.
Tuy nhiên, việc những kẻ ngoài cuộc như chúng ta nghĩ gì về cuộc đua vô địch của mùa giải trước, từ đó rút ra cảm nhận ra sao về tiềm năng của The Gunners trong mùa giải sau, đều chẳng thực sự quan trọng cho lắm. Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này, Arsenal đã chiêu mộ xong Kai Havertz và dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ Declan Rice trong vài ngày tới, hai vụ chuyển nhượng này sẽ tiêu tốn của họ khoảng 170 triệu bảng (215 triệu USD). Với hai thương vụ này, chúng ta có thể thấy rõ Arsenal nhìn nhận như thế nào về mùa giải trước của mình. Họ nghĩ rằng mình thực sự đã ở rất gần chức vô địch.
MỘT CHIẾN LƯỢC MỚI?
Một trong những yếu tố dẫn đến việc Arsenal bất ngờ trở thành một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch – và cả sự sụp đổ sau đó của họ – là sự nhất quán trong dàn nhân sự “xung trận” hàng tuần. Trong 38 trận đấu của mình, The Gunners đã sử dụng 22 đội hình xuất phát khác nhau, đây là con số thấp nhất giải đấu. Có 11 cầu thủ đã góp mặt trong ít nhất 60% số phút thi đấu mà CLB này đã chơi ở Premier League 2022-23, nhưng những người còn lại thậm chí còn chẳng được góp mặt tới 1/3 số phút thi đấu của họ. Theo chỉ số “ỔN ĐỊNH” do Ryan Best của FiveThirtyEight cung cấp (mang công dụng định lượng “mức độ tương đồng của các đội hình mà một đội bóng sử dụng mỗi khi ra sân”) thì Arsenal là đội bóng “ổn định” nhất giải đấu trong năm 2023.
Arsenal có thể trình diễn một phong độ vượt mức kỳ vọng trước mùa giải một phần là nhờ sự lành lặn và sung sức của các cầu thủ chủ chốt trong phần lớn cuộc hành trình. Và sự sụp đổ của họ vào cuối mùa giải – chỉ giành được 3 chiến thắng trong 9 trận cuối – một phần là do Arteta không còn dựa dẫm vào nhóm cầu thủ đó được nữa khi tình trạng hao mòn sức lực bắt đầu mang đến những hậu quả. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhóm nòng cốt này đã giúp cho việc xác định những cầu thủ chủ chốt của Arsenal trở nên tương đối dễ dàng; chính là 11 con người đã đề cập.
Dưới đây là số tiền mà Arsenal đã chi ra để mua họ về và số tuổi của họ khi gia nhập CLB chủ sân Emirates.
Độ tuổi trung bình của nhóm này là 22,1, và có mức phí chuyển nhượng trung bình là 34 triệu Euro. Phí chuyển nhượng chưa phải là toàn bộ chi phí mà một CLB phải trả để có được sự phục vụ của một cầu thủ – tuy Bukayo Saka có xuất thân từ chính học viện của Arsenal, nhưng không có nghĩa là họ chẳng phải tốn xu nào để sở hữu anh – nhưng những con số này vẫn sẽ mang đến cho chúng ta một bức tranh tuyệt đẹp về chiến lược của The Gunners. Có thể thấy, đoàn quân Arsenal xuất sắc nhất kể từ năm 2016 đã được xây dựng bằng cách chiêu mộ những cầu thủ trẻ có mức phí chuyển nhượng tầm trung. Tuy Granit Xhaka đã gia nhập CLB từ thời Arsene Wenger, nhưng Thomas Partey mới thực sự là trường hợp ngoại lệ duy nhất, bởi chàng trai này đã đến Arsenal vào độ tuổi cuối giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của mình, với mức phí chuyển nhượng chỉ kém hơn 2 người trong nhóm, và được hưởng một mức lương cao ngất ngưởng.
Khó có thể nói rằng Arsenal đã thu được kết quả như ý; Partey đã góp mặt chưa đến 60% số phút thi đấu của The Gunners tại Premier League trong 3 mùa giải đã trải qua với CLB này, và đang có nhiều nguồn tin khẳng định rằng họ đang cố gắng bán anh trong mùa hè này. Còn Xhaka đã cùng Arsenal trải qua 7 mùa giải – góp mặt trong 78% số phút thi đấu của họ ở Premier League trong khoảng thời gian đó – nhưng cũng giống như Partey, anh đã 30 tuổi và hiện đã chia tay The Gunners để chuyển đến Bayer Leverkusen.
Còn 9 người còn lại thì sao? Tất cả bọn họ sẽ vẫn chỉ từ 26 tuổi trở xuống vào đầu mùa giải tới. Và mặc dù cả Havertz và Rice cũng chỉ mới 24 tuổi, nhưng họ vẫn sẽ là những sự khác biệt lớn so với đường lối tuyển dụng thường thấy của Arsenal. Theo như mức phí chuyển nhượng mà giới truyền thông đưa tin, họ sẽ là 2 trong số 3 cầu thủ đắt giá nhất lịch sử The Gunners.
HỌ CÓ ĐÁNG ĐỂ ARSENAL ĐẶT NIỀM TIN NHƯ VẬY?
Mọi khoản phí được chi cho một vụ chuyển nhượng đều được tạo thành bởi nhiều yếu tố, nhưng chúng cũng đại diện cho mức độ tin tưởng của bên mua. Giả sử bạn đang bỏ ra một số tiền chỉ để khiến một cầu thủ phá vỡ bản hợp đồng đã ký với đội bóng cũ và ký kết một bản hợp đồng mới với bạn, con số mà bạn sẵn sàng chi càng nhiều tức là bạn càng tự tin về việc cầu thủ đó sẽ mang đến một giá trị nhất định cho đội của bạn.
Dĩ nhiên, đời chẳng mấy khi được như mơ.
“Trung bình, các bản hợp đồng kỷ lục chỉ góp mặt trong 50% số phút thi đấu tại CLB của họ,” Omar Chaudhuri, trưởng bộ phận phân tích của công ty tư vấn 21st Group, chia sẻ. “Một nửa trong số họ trở thành những cầu thủ dự bị. Thật đáng kinh ngạc.”
Arsenal không phải ngoại lệ. 4 thương vụ mua người kỷ lục trước đây của họ là Mesut Ozil vào năm 2013, Alexandre Lacazette vào năm 2017, Pierre-Emerick Aubameyang vào năm 2018 và Nicolas Pepe vào năm 2019. Nhìn chung, Ozil là một bản hợp đồng thành công; anh là một trong những cầu thủ sáng tạo xuất sắc nhất lịch sử Premier League. Nhưng Lacazette và Aubameyang chỉ góp mặt trong khoảng 60% số phút thi đấu của Arsenal tại Premier League trong khoảng thời gian gắn bó với CLB này, và Pepe – hiện vẫn đang là bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử CLB cho đến khi thương vụ Rice được hoàn tất – thậm chí chẳng góp mặt trong 1/3 thời lượng thi đấu của The Gunners ở giải VĐQG Anh.
Sẽ có rất nhiều kỳ vọng vào cả Havertz lẫn Rice trong tham vọng của Arsenal ở mùa tới
|
Liệu Rice và Havertz có nguy cơ lâm vào tình cảnh tương tự hay không? Khác với Lacazette và Aubameyang, cả hai đều được mua về ở độ tuổi đầu giai đoạn sự nghiệp đạt độ chín. Một điểm khác biệt nữa so với bộ ba Lacazette, Aubameyang và Pepe là 2 người họ đều đã có nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến ở Premier League khi gia nhập The Gunners. Nhưng những điểm khác biệt đó không đồng nghĩa với việc hai bản hợp đồng này chắc chắn sẽ toả sáng tại Arsenal.
Hãy bắt đầu với Kai Havertz – một cầu thủ kỳ lạ và khó dùng. Tại Chelsea, anh là một tiền đạo trung tâm có thể làm hầu hết mọi thứ ngoại trừ việc ghi bàn. Đặc điểm này sẽ chẳng có vấn đề gì cả khi ngôi sao người Đức được kết hợp với những cầu thủ chạy cánh cực giỏi săn bàn và hoạt động cực hiệu quả - điều mà The Blues đã không có ở mùa giải vừa qua.
Dưới đây là biểu đồ so sánh các số liệu thống kê của Havertz với các tiền đạo khác ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu trong 365 ngày qua, xếp hạng theo “bách phân vị” (ví dụ, con số 94 ở mục “pass compietion %” nghĩa là tỷ lệ chuyền bóng thành công của Havertz tốt hơn 94% tiền đạo chơi bóng tại Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu).
Nếu bạn đang nhìn vào những con số trên và nghĩ, “Không có nhiều bàn thắng hay kiến tạo, nhưng lại có rất nhiều đường chuyền về phía trước và các pha đoạt bóng – có khác gì một tiền vệ đâu cơ chứ,” thì có thể bạn đang thực sự bước vào lối suy nghĩ của Mikel Arteta. Có vẻ như vị HLV trưởng của Arsenal đang xem Havertz là một sự thay thế trực tiếp cho Xhaka, mặc dù cũng có thể anh sẽ có những lúc đảm nhận vai trò tiền đạo trung tâm.
Hồi tháng Hai, chuyên gia phân tích dữ liệu bóng đá Ryan O’Hanlon của ESPN đã viết về những lợi ích mà các nhà cầm quân có thể đạt được khi mạnh dạn thử nghiệm các cầu thủ của mình tại những vị trí mới, và đây có thể là một cách để thu lợi – về mặt chuyên môn – từ thị trường chuyển nhượng. Về mặt lý thuyết, chẳng có gì sai khi bạn ký hợp đồng với một cầu thủ để giao cho anh ta đảm nhận một vị trí hoàn toàn khác tại đội bóng của bạn; chỉ có điều Arsenal vẫn sẽ không nhận được bất kỳ hình thức giảm giá nào khi làm vậy cả.
Trước khi Rice chính thức gia nhập The Gunners, Havertz chính là cầu thủ đắt giá thứ hai trong lịch sử CLB này. Chỉ có Aurelien Tchouameni, Jude Bellingham, Enzo Fernandez và Paul Pogba là những tiền vệ có mức phí chuyển nhượng cao hơn ngôi sao người Đức. Có thể bạn đã nghĩ rằng với tình trạng “rối loạn chức năng” đã trải qua tại Chelsea – và với bộ kỹ năng kỳ lạ của Havertz – đáng lẽ ra CLB chủ sân Emirates nên được giảm giá sâu trong thương vụ này. Nhưng Arsenal đã sẵn sàng chi ra một số tiền cho thấy họ rất tự tin về việc anh sẽ tỏa sáng, dù cho họ sẽ để ngôi sao người Đức thi đấu ở một vị trí mà trước đây anh chưa từng chơi.
Quả bom tấn Declan Rice cũng có những nét tương đồng với thương vụ Havertz. The Gunners đã lên kế hoạch biến anh thành tiền vệ đắt giá thứ hai mọi thời đại và đắt giá thứ 7 so với các bom tấn khác trong lịch sử bóng đá. Những con số đó đã cho thấy một sự tự tin thậm chí còn lớn hơn nữa của Arsenal về khả năng tỏa sáng của Rice, bởi vì trong lịch sử, vai trò này (tiền vệ lùi sâu) thường chẳng khiến các đội bóng phải bỏ ra nhiều tiền đến vậy.
Ví dụ, số tiền mà Chelsea đã chi ra cho Enzo chỉ cao hơn một chút so với con số mà Arsenal sẵn sàng bỏ ra cho thương vụ Rice, và ngôi sao trẻ người Argentina đã thực sự tạo nên những màn trình diễn tuyệt vời. Anh đã làm tất cả những gì mà mọi người muốn ở một cầu thủ chơi trong vai trò này: Thu hồi bóng tốt, không bao giờ làm mất nó, và giỏi phát triển bóng. Dẫu vậy, Chelsea vẫn chỉ thu về được những kết quả tệ hại ngay cả khi Enzo bắt đầu góp mặt trong mọi phút của mọi trận đấu cho đội bóng này. Và Rice cũng có một hồ sơ năng lực tương tự như Enzo.
Mặc dù chúng ta đã được chứng kiến sự tiến bộ không ngừng nghỉ của Rice trong 17.000 phút thi đấu đã trải qua ở West Ham, nhưng tại Arsenal, anh sẽ phải học cách thích nghi với một môi trường hoàn toàn khác biệt so với đội bóng cũ. Tại The Hammers, Rice đã có được rất nhiều khoảng trống khi cầm bóng và không cần phải bao quát nhiều khoảng trống khi không bóng nhờ lối đá tốc độ cao của đội bóng này. Còn tại Arsenal, mọi chuyện sẽ hoàn toàn ngược lại: Ít khoảng trống khi cầm bóng, rất nhiều khoảng trống cần phải phòng ngự khi không có bóng. Biểu đồ dưới đây, biểu thị mức độ quyết liệt trong việc pressing của các đội bóng (dựa trên số đường chuyền mà các đối thủ có thể thực hiện trước khi bị mất bóng bởi một hành động phòng ngự, viết tắt là PPDA) đối chiếu với tốc độ lên bóng của họ (tính theo mét / giây), cho thấy hai đội bóng này có lối đá khác xa nhau đến mức nào trong mùa giải trước.
Vấn đề của việc cố gắng trở nên mạnh hơn là nó đòi hỏi những cầu thủ giỏi hơn để cải thiện đội hình của bạn, và những cầu thủ giỏi hơn thường khiến bạn phải chi ra nhiều tiền hơn. Rice và Havertz sẽ giúp cho đội chủ sân Emirates trẻ trung hơn đáng kể và cũng hoàn toàn phù hợp với độ tuổi chiêu mộ yêu thích của họ, nhưng đồng thời cũng tồn tại khả năng hai người họ đều chẳng thể mang đến những màn trình diễn tốt hơn những gì mà Xhaka hoặc Partey – cả hai đều đã có những mùa giải hay nhất sự nghiệp trong màu áo Arsenal – đã thể hiện ở mùa giải trước.
Không có gì để đảm bảo rằng ít nhất một trong hai người sẽ giỏi hơn, hay thậm chí là giỏi bằng, cầu thủ mà Arsenal đưa anh ta về để thay thế. Ngoài ra, việc chi quá nhiều tiền cho 2 cầu thủ sẽ hạn chế khả năng xây dựng chiều sâu đội hình của bạn, đây chính là điều mà The Gunners đã thiếu đi ở mùa giải trước và thậm chí sẽ càng trở nên cần thiết hơn nữa ở mùa giải tiếp theo vì họ còn phải chinh chiến ở đấu trường Champions League nữa.
Tuy nhiên, triển vọng về 2 bom tấn thành công rực rỡ cũng không hề nhỏ. Rice có thể sẽ một tay giải quyết các vấn đề trong khâu phòng ngự mà Arsenal đã gặp phải vào nửa sau của mùa giải trước, và nhờ đó họ sẽ chẳng cần phải thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh, thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến sức mạnh tấn công, còn Havertz có thể sẽ trở thành Ilkay Gundogan mới, và cả hai người họ sẽ làm những điều đó trong 5 năm tới, trong khi những người như Saka, William Saliba và Gabriel Martinelli tiếp tục tiến bộ. Nếu tất cả những kịch bản tươi đẹp ấy trở thành sự thật, Arsenal sẽ tiếp tục góp mặt trong cuộc đua vô địch vào mùa giải tới, và cả mùa giải sau đó nữa…
Trong khi lịch sử của thị trường chuyển nhượng sẽ đưa ra cho chúng ta lời khuyên rằng việc mơ mộng tất cả những kỳ vọng trên đều trở thành sự thật là quá phi thực tế, thì The Gunners đã tự thuyết phục bản thân đặt ra một câu hỏi hấp dẫn hơn: Nhưng nếu giấc mơ đó thực sự xảy ra thì sao?
Theo Ryan O’Hanlon, ESPN