Union Berlin và Hertha Berlin là 2 đội bóng cùng nằm trên 1 thành phố, tuy nhiên họ lại đi những cuộc hành trình khác nhau gắn liền với những biến thiên của lịch sử nước Đức.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Berlin là một trong những thành phố biểu tượng cho cuộc đối đầu Đông - Tây kéo dài suốt nhiều thập kỷ này. Bức tường Berlin giống như biểu tượng cho một sự đối nghịch về ý thức hệ, đồng thời là đại diện cho sự chia cắt của một đất nước thống nhất cũng như một thành phố. Nằm ở hai bên bức tường, có những đội bóng cùng của thành Berlin nhưng có hai số phận khác nhau, để rồi lúc này họ đang cùng hiện diện tại Bundesliga - giải VĐQG Đức. Họ là Hertha Berlin và Union Berlin.
Ngày nay, nếu đi từ khu tập luyện Haemmerlingstrasse của Union Berlin đến khu tập luyện Schenckendorffplatz của Hertha Berlin bạn sẽ mất quãng đường di chuyển khoảng 34 km (theo Google Maps). Nhưng rất nhiều năm về trước, đi từ đại bản doanh của một trong hai đội đến đội bóng còn lại không đơn thuần chỉ là đơn vị km mà thực sự bạn đã bước qua biên giới giữa hai quốc gia.
Ở hai bên bức tường
Hertha Berlin thành lập năm 1892, Union Berlin thành lập năm 1966 với tiền thân là một đội bóng có tên FC Olympia Oberschoneweide được ra đời từ đầu thế kỷ 20. Giữa hai mốc thời gian 1892 và 1966 đó là một cột mốc khác diễn ra năm 1961 khi Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) quyết định xây dựng một bức tường dài 155 km cắt Berlin thành 2 phần để ngăn dòng người từ Đông Đức tới Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức). Rất nhiều người đã bị chia cắt với người thân, gia đình của họ bởi một bức tường rào thép gai kiên cố.
Hertha Berlin và Union Berlin vốn đã thuộc quyền quản lý của 2 quốc gia thì nay sự xa cách của họ lại càng lớn hơn nữa, dẫu cả 2 cùng chỉ nằm trên thành Berlin. Tất nhiên, cổ động viên của đội này biết đến sự tồn tại của đội bóng còn lại. Và thông qua bóng đá, họ có những niềm mong mỏi lớn lao.
Ông Gerald Karpa - sử gia của Union Berlin – chia sẻ với FourFourTwo: “Trong suốt quãng thời gian bức tường tồn tại, rất nhiều người ở cả 2 phía đều mong thống nhất nước Đức. Họ thể hiện sự cổ vũ nhiệt thành với phía bên kia thông qua bóng đá. Trong ngày diễn ra trận đấu trên sân Stadion An der Alten Forsterei của Union, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy tiếng gầm trong trận đấu. Sau đó ở một góc của sân sẽ vang lên bài hát: ‘Ha Ho He, Hertha BSC’.
Có những cổ động viên Union sẽ nghe những trận đấu của Hertha thông qua những chiếc radio bán dẫn và sau đó ăn mừng bất cứ khi nào đội ghi được bàn thắng. Điều này khá thú vị. Có khi Union thua trong một trận đấu khó khăn nhưng đột nhiên cả sân vận động lại ăn mừng vỡ òa”.
Suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, tại Đông Đức, Union Berlin phải sống dưới cái bóng của một CLB cùng thành phố khác là Berliner FC Dynamo - đội bóng thuộc quyền quản lý của Bộ An ninh Quốc gia. Trong suốt quãng thời gian DDR-Oberliga (giải VĐQG Đông Đức) tồn tại, Union Berlin không giành chức vô địch quốc gia nào trong khi Berliner FC Dynamo có 10 lần liên tiếp lên ngôi từ 1978 đến 1988.
Phía bên kia bức tường, khi Bundesliga được thành lập vào năm 1963, Hertha Berlin là một trong những thành viên sáng lập giải đấu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng như quãng thời gian Bức tường Berlin tồn tại, Hertha Berlin có vào lần phải xuống hạng, dính líu tới dàn xếp tỷ số cũng như gặp khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên đội bóng cũng có một vài điểm sáng như 1 lần giành ngôi á quân Bundesliga, lọt vào chung kết Cúp Quốc gia các năm 1977, 1979 hay đi tới bán kết UEFA Cup mùa giải 1978/79 (để thua Red Star Belgrade).
Biết đến sự tồn tại của nhau, nhưng khác biệt giữa Union và Hertha khi ấy không đến từ trái bóng mà là đời sống, thái độ đối với bóng đá. Tại Đông Đức, các cầu thủ không được gọi mình là các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và tất nhiên họ cũng không phải những người nổi tiếng.
Lutz Hovest - cầu thủ của Union Berlin từ 1979 đến 1987 – chia sẻ: “Mọi đội bóng ở Oberliga đều được tài trợ bởi một đơn vị nhà nước, họ trả lương cho cầu thủ và trao cho chúng tôi những công việc giả. Union thuộc sở hữu của Kabelwerk Oberspree (công ty chuyên sản xuất dây và cáp điện ở Berlin) có nhà máy ở gần sân vận động. Tôi được ‘thuê’ là kỹ sư kim loại nhưng chẳng làm công việc này một ngày nào cả. Tôi chỉ đến và ghi danh vào mỗi buổi sáng rồi sau đó đi tập. Chính quyền áp dụng điều đó cho tất cả cầu thủ”.
Theo FourFourTwo, thời điểm đó, mức lương mỗi tháng của Hovest là khoảng 1.300 DDM (tiền Đông Đức), trong khi mức thu nhập trung bình của người dân tại Đông Đức rơi vào khoảng 800-1000 DDM. Tuy vậy Hovest cảm thấy đời sống của ông vẫn không thể nào bằng với các đồng nghiệp tại Tây Đức.
“Chúng tôi khá ghen tỵ với các cầu thủ Hertha. Thời điểm đó, chúng tôi xem Bundesliga trên TV và thấy các đồng nghiệp ngồi trên những chiếc Porsches của họ mỗi khi hết trận. Trong khi đó, chúng tôi về nhà bằng xe buýt công cộng. Các cầu thủ Hertha không danh tiếng giống những ngôi sao như Uli Hoeness hay Karl Heinz-Rummenigge, tuy nhiên họ vẫn kiếm nhiều tiền hơn chúng tôi”, Lutz Hovest chia sẻ.
Dịp kỉ niệm ngày Bức tường sụp đổ |
Bức tường sụp đổ
Như đã nói ở trên, các cổ động viên Union Berlin và Hertha vẫn dành những sự cổ vũ cho nhau dù họ phải sống ở hai bên của bức tường Berlin. Trong thời gian ấy, người dân hai phía vẫn có thể đi sang bên kia nếu họ có đủ giấy tờ cần thiết và đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt.
Vì thế có những thời điểm cổ động viên Hertha đã tới sân Stadion An der Alten Forsterei của Union để cổ vũ, trong khi các cổ động viên Union cũng có những lúc sẽ tới sân ủng hộ Hertha khi đội bóng có biệt danh “Die Alte Dame” (Bà đầm già) tham dự các trận đấu tại cúp châu Âu được diễn ra ở quốc gia thuộc khối Đông Âu.
Ngày 9/11/1989, Bức tường Berlin sụp đổ, qua đó đánh dấu một chương mới trong lịch sử nước Đức. 79 ngày sau, một trận giao hữu giữa Hertha Berlin và Union Berlin được tổ chức trên sân Olympiastadion trước sự chứng kiến của hơn 50.000 khán giả. Dù trận đấu kết thúc với tỷ số 2-1 nghiêng về phía đội chủ nhà Hertha Berlin, nhưng điều quan trọng vượt trên cả kết quả thắng thua chính là tình đoàn kết, là biểu tượng về một Berlin hay một nước Đức thống nhất.
Sau khi nước Đức thống nhất, hệ thống bóng đá Đông Đức và Tây Đức cũng được sáp nhập lại. 2 đội bóng dẫn đầu của Oberliga sẽ được tham dự Bundesliga, trong khi Union Berlin - đội bóng xếp cuối bảng trong mùa giải cuối cùng của Oberliga - phải tham dự từ giải hạng Ba. Sự chênh lệch giữa các đội bóng Đông Đức và Tây Đức được bộc lộ rõ, đặc biệt ở khía cạnh tài chính và lực lượng khi những cầu thủ Đông Đức cũ có năng lực dần dịch chuyển tới những CLB ở Tây Đức cũ.
Tuy vậy, xét về thực lực, Hertha Berlin cũng không phải một đội bóng mạnh ở Đức khi các đời lãnh đạo CLB đưa ra nhiều quyết sách sai lầm khiến đội bóng không duy trì được sự ổn định.
Philipp Michaelis - CĐV lâu năm của Hertha - chia sẻ trên Sky Sports: “Hertha đã ở trong trạng thái tồi tệ suốt một thời gian dài, họ hết xuống rồi lại lên hạng trong suốt những năm sau khi Bức tường Berlin sụp đồ. Dưới các đời chủ tịch khác nhau, CLB có những quyết định sai lầm, bổ nhiệm các HLV với những triết lý khác nhau và mua những cầu thủ kém cỏi với giá quá đắt. Vấn đề đó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay như một vòng lặp không hồi kết”.
Trong khi đó, Union Berlin đã mất một thời gian rất dài mới giành quyền lên chơi ở Bundesliga lần đầu tiên vào năm 2019. Họ là đội bóng thứ năm thuộc Đông Đức cũ và là đội bóng đầu tiên của Đông Berlin cũ thi đấu ở Bundesliga. Năm 2001, Union giành quyền lên chơi ở 2. Bundesliga (giải hạng Hai của Đức) nhưng chỉ 3 năm sau họ lại phải xuống hạng vì tình hình tài chính khó khăn. Lúc này, giá trị cộng đồng của Union Berlin được thể hiện khi người hâm mộ khởi xướng chiến dịch mang tên “Bơm máu cho Union” để hỗ trợ tài chính cho CLB.
Một trong những hành động thực sự thiết thực mà người hâm mộ đã thể hiện chính là quyên góp tiền bạc để tu sửa sân vận động Stadion An der Alten Forsterei. Lãnh đạo các hội cổ động viên Union đã được mời đến gặp các công ty xây dựng để bàn luận việc thiết kế, tu sửa sân bóng.
“Sân bóng khi ấy chẳng khác nào thời Đông Đức, nó không có mái che, đổ nát và không thể đáp ứng những quy định của giải đấu trong trường hợp CLB được thăng hạng”, Karpa - CĐV của Union - chia sẻ với Sky Sports.
Năm 2008, cổ động viên Union đã dành ra 140.000 giờ lao động tình nguyện để tu sửa lại khán đài sân vận động, đến năm 2012 sân Stadion An der Alten Forsterei một lần nữa được sửa chữa.
Có thể nói, sân bóng này chẳng khác nào ngôi nhà của cổ động viên Union. Dù chỉ có sức chứa hơn 22.000 chỗ ngồi, nơi đây chứa đựng tiền bạc, mồ hôi công sức của người hâm mộ. Năm 2009, trận đấu khai trương sân Stadion An der Alten Forsterei chính là trận giao hữu giữa Union và Hertha. 10 năm sau, họ gặp nhau lần đầu tiên ở Bundeslia. Từ đó đến nay, Union Berlin đang cho thấy họ nhỉnh hơn đối thủ cùng thành phố của mình.
Xét trên thành tích đối đầu, 2 đội đã gặp nhau 8 lần trên mọi đấu trường từ năm 2019, Union thắng 5 trận, hòa 2 trận và chỉ thua 1 lần. Trong đó, ở 4 lần gặp nhau gần nhất, Union Berlin toàn thắng.
Xét về thành tích trên BXH, mùa giải 2019/2020, Hertha và Union lần lượt xếp thứ 10 và 11 Bundesliga. Mùa giải tiếp theo, Union Berlin đứng thứ 7 và giành quyền tham dự vòng sơ loại Europa Conference League, trong khi Hertha đứng thứ 14, chỉ hơn vị trí xuống hạng trực tiếp 4 điểm.
Mùa giải 2021/22, tiếp tục thể hiện sự tiến bộ khi đứng thứ 5 của Bundesliga và giành vé tham dự vòng bảng Europa League, trong khi Hertha Berlin sa sút hơn nữa khi xếp thứ 16 và chỉ trụ lại giải đấu cao nhất bóng đá Đức nhờ thắng Hamburg trong trận play-off.
Mùa giải 2022/23, sau 7 vòng đấu đầu tiên, nếu Union Berlin bất ngờ dẫn đầu BXH với 5 chiến thắng và 2 trận hòa thì Hertha ngụp lặn ở vị trí 13.
Có thể nói, hai đại diện của Berlin đang đi những hành trình khác nhau trên chặng đường bóng đá Đức.