Cho đến vài tuần trước, Tottenham Hotspur vẫn ổn định trong việc tạo cơ hội và đối mặt những cơ hội của đối thủ - đó là chuỗi trận giúp họ lên đầu bảng xếp hạng. Từ đó, mọi thứ tệ đi ở cả tấn công lẫn phòng ngự, song không hẳn đã có một sự vụn vỡ.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Không có gì phải bàn cãi rằng màn trình diễn trước Brighton ở vòng đấu trước là trận đấu tệ nhất của Tottenham Hotspur ở mùa giải này và có lẽ cũng là tệ nhất trong triều đại kéo dài đến nay đã 14 tháng của HLV Jose Mourinho. Màn trình diễn kém cỏi ấy - 3 ngày sau trận thua Liverpool - có lẽ cột mốc cho một sự thất vọng lên tới cao trào của người hâm mộ dành cho HLV người Bồ Đào Nha.
Tất nhiên, trận đấu tới đây trước Chelsea trên sân Tottenham Hotspur sẽ không có khán giả và đó là điều may với Mourinho. Nhưng bạn có thể nhìn tình hình của Spurs từ góc độ khác và đưa ra kết luận khác. Họ kém 6 điểm so với vị trí thứ 4 của Premier League, vẫn còn 1 trận chưa đấu trong khi chỉ còn chưa đầy nửa mùa giải nữa. 2 tháng trước, họ dẫn đầu Premier League. Có thể họ sẽ không quay trở lại vị trí ấy được nhưng kết thúc trong top 4 hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Hơn nữa, Spurs vẫn đang trong cuộc đua 3 danh hiệu khác. Đội bóng thành London còn trận chung kết Carabao Cup với Manchester City vào ngày 25 tháng 4 - trận chung kết quốc nội đầu tiên của họ kể từ năm 2015 - cũng như lọt vào vòng 5 của FA Cup với 15 đội khác cũng như vòng 32 đội Europa League.
Họ sẽ có nhiều trận đấu quan trọng hơn và nhiều cơ hội hơn để giành danh hiệu trong vài tháng tới. Mùa giải này Tottenham đã cho thấy họ có thể thắng ở những trận cầu lớn và nếu thi đấu theo đúng khả năng, đây có thể vẫn là mùa giải thành công của thầy trò Mourinho.
Vậy tại sao mới chỉ trôi qua nửa mùa giải mà có cảm giác mọi thứ lại đi xuống như hiện tại? Tại sao sự kiên nhẫn với Mourinho và đội bóng của ông đột nhiên vơi nhanh vậy? Đó có phải là sự phản đối với phong cách chơi bóng tiêu cực của ông? Hay đó là phản ứng muộn màng sau khi Mourinho thay thế Mauricio Pochettino ở cabin huấn luyện?
Chúng ta sẽ cùng xem xét mọi khía cạnh qua những con số thống kê cơ bản để tìm câu trả lời.
Cách tốt nhất để bắt đầu phác thảo màn trình diễn của Tottenham trong suốt một giai đoạn dài là nhìn vào số lượng bàn thắng kỳ vọng (xG) của họ (xanh) và bàn thắng kỳ vọng của đối thủ khi đối đầu họ (đỏ). Điều này sẽ giúp bạn có thể nhìn thấy chất lượng những cơ hội mà họ tạo ra và của đối thủ khi đối đầu họ.
Về khía cạnh tạo cơ hội, bạn có thể thấy sự sa sút ít nhiều khá đều đặn bắt đầu từ đầu mùa giải 2018/2019, xuyên suốt cuối kỷ nguyên Pochettino cho đến hiện tại. Thời gian đầu sau khi Mourinho nắm quyền vào tháng 11 năm 2019 đã giúp tạo ra sự cải thiện một chút, đầu mùa giải này cũng khá ấn tượng. Về khía cạnh phòng ngự, Mourinho giúp đội chơi tốt hơn một chút, sau đó tệ đi nhiều trước khi ổn định trở lại kể từ khi mùa giải trước tiếp tục vào tháng 6.
Tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau và bạn có thể thấy Mourinho đã mang lại khoảng thời gian thặng dư xG sau khi nắm quyền và khoảng thời gian khác là đầu mùa giải này. Cho đến vài tuần trước, Spurs vẫn ổn định trong việc tạo cơ hội và đối mặt những cơ hội của đối thủ - đó là chuỗi trận giúp họ lên đầu bảng xếp hạng. Từ đó, mọi thứ tệ đi ở cả tấn công lẫn phòng ngự, song không hẳn đã có một sự vụn vỡ.
Biểu đồ ở trên là minh họa tổng thể về màn trình diễn của Tottenham. Còn dưới đây là những đặc điểm mấu chốt trong kỷ nguyên Mourinho, những con số cho biết họ đang làm tốt và không tốt điều gì.
PHỤ THUỘC QUÁ NHIỀU VÀO KANE VÀ SON
Mới chỉ vài tuần trước, chủ đề nổi bật về Tottenham mùa giải này là họ sở hữu cặp tiền đạo ăn ý và hiệu quả nhất nước Anh. Son Heung-min và Harry Kane bắt đầu đá cùng nhau từ mùa giải 2015/2016 nhưng chỉ đến khi Mourinho xuất hiện, mối quan hệ đối tác trên sân của họ mới được nâng lên tầm cao mới.
Tất cả những gì tuyệt vời nhất, những trận cầu hay nhất Spurs đã chơi ở mùa này đều có dấu giày của Son và Kane. Dù ban đầu sự trở về của Gareth Bale khiến nhiều người phấn khích nhưng Son và Kane mới là những nhân vật chính cũng như làm mọi thứ.
Trong quá khứ, cả 2 đều muốn đá trong vai trò số 9, hoạt động ở trục giữa. Điều đó có nghĩa trước đây họ chưa từng hình thành mối quan hệ cặp đôi, và khi Kane dính chấn thương ở mùa giải 2018/2019, Son đã chơi tốt hơn khi đồng đội vắng mặt.
Nhưng Son và Kane đã tìm ra cách để kết hợp hoàn hảo. Son di chuyển vào phía sau hàng phòng ngự đối phương khi Kane lùi sâu nhận bóng và chọc khe. Kane hiện tại hoạt động thiên về vai trò số 10 hơn là số 9. Trong chiến thắng 5-2 của Tottenham trước Southampton tháng 9 năm ngoái, Kane kiến tạo 4 bàn cho Sone. Tiền đạo người Anh có khả năng chuyền bóng xuất xác, biết chính xác thời điểm và vị trí người đồng đội sẽ bắt đầu chạy.
Vào tháng 1, bộ đôi này đã kết hợp với nhau ghi bàn thắng thứ 13 ở Premier League ở mùa giải này, cân bằng thành tích của Alan Shearer và Chris Sutton cho Blackburn Rovers ở mùa giải 1994/1995. Họ đã tạo ra tiêu chuẩn mới cho thứ bóng đá phối hợp chất lượng cao và rất khó bị ngăn cản.
Vấn đề của Spurs là Son và Kane hiệu quả đến nỗi họ gần như tự làm tất cả mọi công việc trên hàng công. Bạn có thể nghĩ tới bộ ba tiền đạo của Liverpool nhưng họ được hỗ trợ bởi cặp hậu vệ biên hay nhất Premier League. Tottenham đứng một mình trong bóng đá Anh vì cách họ đặt toàn bộ trọng trách trong cách tấn công vào hai người.
Chúng ta có thể thấy điều này từ tỷ lệ bàn thắng và kiến tạo của Kane lẫn Son - vượt xa các đồng đội của họ.Tanguy Ndombele là chân sút thứ ba của Spurs ở Premier League mùa giải này nhưng cũng chỉ có ba bàn.
Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn những con số thống kê cơ bản, nhìn vào chất lượng tổng thể những cú dứt điểm của Tottenham (có thể được đo lường bằng xG) và những cơ hội họ tạo ra (được đo lường bằng kiến tạo kỳ vọng, xA) ở mùa giải này. Từ đó, chúng ta có thấy đội bóng bắc London phụ thuộc vào hai ngôi sao trên hàng công nhiều ra sao.
Trong các mùa giải trước Kane và Son chịu trách nhiệm về 1/3 số cơ hội ghi bàn mà Spurs tạo ra, tỷ lệ tương đương những đóng góp của Christian Eriksen, Dele Alli và Lucas Moura. Nhưng ở mùa này, một nửa số cơ hội ghi bàn của Tottenham đến từ Kane và Son - Kane đóng góp 27,5% số lượng xG và xA (không tính phạt đền) trong khi với Son là 22,7%.
Và xét đến cầu thủ sáng tạo thứ ba trong đội là một sự sụt giảm lớn: Ndombele chỉ có tỷ lệ 6,4% xG + xA (không tính phạt đền). Điều đó có lẽ cũng khá dễ hiểu khi Erkisen đã bị bán vào tháng 1 năm ngoái trong khi Dele Alli không được tin tưởng. Xem Tottenham thi đấu ở thời điểm hiện tại là xem mọi trọng trách được dồn cả vào bộ đôi trên hàng công.
Vấn đề của việc xây dựng hệ thống gần như chỉ phụ thuộc vào một bộ đôi là nó kém bền vững hơn khi xây dựng dựa trên những nền tảng rộng hơn. Câu chuyện của mùa giải này là khi Kane và Son đạt phong độ cao nhất, Spurs có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào. Nhưng khi tiền đạo người Hàn Quốc không còn ghi bàn từ mọi cơ hội nữa, số lượng bàn thắng cũng giảm đi.
Và khi Kane dính chấn thương, Spurs không còn quá nhiều sự sáng tạo. Sau khi tiền đạo người Anh rời sân sau hiệp 1 trong cuộc chạm trán Liverpool cũng như vắng mặt trong chuyến làm khách trước Brighton, Tottenham thi đấu vô cùng bế tắc và không biết làm sao có thể ghi bàn. Một trong những điểm mạnh của Tottenham dưới thời Mourinho bỗng nhiên bắt đầu trở thành điểm yếu của chính họ.
LỐI CHƠI ĐÃ THAY ĐỔI
Sự khác biệt nổi bật nhất giữa thứ bóng đá của Mourinho và Pochettino, cũng như lý do tập thể Spurs này rất khác so với vài năm trước, đến từ vị trí họ hoạt động trên sân.
Bản chất trong thứ bóng đá mà Pochettino truyền vào Tottenham là thi đấu quyết liệt, dâng cao. Khi mất bóng, cấc cầu thủ đuổi theo đối phương để đoạt lại. Họ quyết tâm giành lại bóng trong ba giây trước khi lùi xuống, trở lại với đội hình như cũ. Họ duy trì cấu trúc, hình dạng đội hình đó để gây áp lực ở khắp mọi nơi. Khi kiểm soát bóng, họ cố gắng giữ cấu trúc để nếu mất, họ có thể đoạt lại ngay lập tức.
Tất cả điều này đã thay đổi. Tottenham không còn giữ tư tưởng quyết liệt, gây áp lực đoạt lại bóng nữa. Mourinho được coi là một người thực dụng, không gắn với bất cứ phong cách cụ thể nào mà sẽ sử dụng mọi cách để giành chiến thắng trong trận đấu.
Một quan điểm khác là sự thực dụng của chiến lược gia Bồ Đào Nha đã trở thành hệ tư tưởng và các đội bóng mà ông dẫn dắt thường chơi theo phong cách thận trọng, giữ khối đội hình tầm thấp, đá phản công bất kể đối thủ là ai và tình thế có yêu cầu buộc phải làm vậy hay không.
Phong cách phòng ngự phản công của Mourinho đã mang lại một số thành công lớn trong mùa giải này. Họ ghi 5 bàn vào lưới Southampton, nã vào lưới Man United 6 bàn thắng, đánh bại Manchester City và Arsenal trên sân nhà. Nhưng khi phải công phá đối thủ thì lối chơi lùi sâu của họ trở nên không hiệu quả.
Chúng ta có thể thấy những điều này bằng mắt thường và từ những kết quả của họ. Song điều đó cũng được chứng minh bằng số liệu.
Các nhà phân tích sử dụng một số liệu gọi là “field tilt” (độ nghiêng sân) để thể hiện sự cân bằng trong việc kiểm soát sân giữa các đội. Về cơ bản, số liệu này đo lường tỷ lệ kiểm soát bóng của một đội trong một trận đấu, chỉ xét đến những cú chạm hay chuyền bóng trong 1/3 sân cuối cùng.
Ví dụ, nếu đội A có tổng cộng 80 đường chuyền trong 1/3 sân cuối cùng và đội B chỉ có 20 đường chuyền trong 1/3 sân cuối cùng, “field tilt” của đội A là 80%.
Chúng ta có thể sử dụng số liệu này để xem lối chơi Tottenham đã thay đổi ra sao theo thời gian. Mùa giải 2017/2018 - không phải đỉnh cao dưới thời Pochettino nhưng họ vẫn rất quyết liệt - tỷ lệ “field tilt” của họ gần 64% là cao thứ ba ở Premier League, chỉ kém Manchester City của Pep Guardiola và Arsenal của Arsene Wenger.
Bảng này cho thấy Spurs suy giảm tỷ lệ “field tilt” một cách đều đặn trong suốt năm mùa giải qua.
Rõ ràng, sự thay đổi đã diễn ra trước khi Mourinho xuất hiện. Pochettino đã không thể làm mới đội hình và điều này khiến ông phải cố gắng vắt kiệt năng lượng của các cầu thủ cũ. Trong mùa giải trọn vẹn cuối cùng, Pochettino đã cho Tottenham thi đấu linh hoạt, thực dụng và ít gây áp lực đối phương hơn. Sự xuất hiện của Mourinho đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đó. Mùa giải này, tỷ lệ “field tilt” của họ chỉ là 43,1% - xếp thứ 15 Premier League.
Sau đó là điểm qua các thông số về gây áp lực (pressing) của họ. Cách tốt nhất để đo lường khả năng gây sức ép của một đội là nhìn vào đối thủ của họ và xem đối thủ thực hiện trung bình bao nhiêu đường chuyền trước khi đội đoạt lại bóng. Đây là thống kê số đường chuyền trên mỗi hành động phòng ngự (PPDA), con số càng thấp chứng tỏ cường độ gây áp lực càng cao.
Một lần nữa, chúng ta thấy mùa giải 2017/2018 Tottenham gây áp lực với cường độ cao nhất, dữ dội nhất, sau đó giảm dần theo từng mùa giải - xu hướng được đẩy nhanh khi Mourinho thay thế Pochettino.
Hoặc chúng ta có thể tính tần suất một đội đoạt lại bóng trong vòng 40m tính từ khung thành đối phương và xử lý hiệu quả. Ở mùa giải 2017/2018, Spurs thực hiện 3,3 lần/90 phút - xếp thứ ba Premier League. Mùa này, thông số đó giảm xuống 2,5 lần/90 phút - xếp thứ 14 trong 20 đội.
Bên cạnh đó, so sánh bản đồ chạm bóng của họ trong 20 trận đầu tiên của mùa giải 2017/2018 với mùa này cũng có thể rút ra những kết luận thú vị.
Bằng chứng rất rõ ràng. Nếu bạn muốn thấy sự khác biệt giữa cách chơi của Spurs hiện tại và trước đó thì câu trả lời là họ bớt quyết liệt, hoạt động ở phần sân nhà nhiều hơn phần sân đối thủ. Họ đã tìm ra cách để lối chơi đó phát huy hiệu quả nhờ vào khả năng phản công xuất sắc của bộ đôi Kane và Sone. Nhưng như đã nói, bộ đôi ấy được yêu cầu phải tự mình làm tất cả. Khi hai ngôi sao này có bóng, họ thường đứng ở vạch giữa sân nhiều hơn là vòng cấm địa đối thủ.
LỐI CHƠI KHI DẪN TRƯỚC
Cuối cùng, vấn đề là những gì diễn ra trong trận đấu và những thay đổi về chiến thuật để phản ứng với tỷ số lúc đó. Một trong những số liệu đáng chú ý của Spurs ở mùa giải này là họ xếp thứ hai về tỷ lệ thời gian dẫn trước - 47%, chỉ xếp sau Manchester City (57%) - và ít thứ hai về tỷ lệ thời gian bị dẫn trước - 11%, cũng xếp sau Man City (9%).
Nhưng điều đó chỉ làm gợi lên một câu hỏi: Nếu Spurs giành nhiều thời gian thứ hai trong vị thế dẫn trước, tại sao họ không giành chiến thắng chung cuộc nhiều thứ hai? Thành tích 9 chiến thắng sau 20 trận đã nói lên vấn đề.
Nếu Tottenham dẫn trước và giữ được thế dẫn trước đó trong các trận đấu khi thời gian còn trong khoảng 16 phút đổ lại, họ sẽ biến 5 trận hòa thành 5 chiến thắng và lúc này đang có 43 điểm chứ không phải 33 - kém Manchester United 1 điểm và còn 2 trận chưa đấu.
5 trận hòa này - trước Newcastle, West Ham, Crsytal Palace, Wolverhampton và Fulham - đã kể câu chuyện mùa giải của Spurs. Và họ đã đặt những câu hỏi nghiêm túc về việc tại sao những kết quả đó có thể xảy ra. Vì sao một HLV có đặc điểm là “tinh thần chiến thắng” lại để tuột nhiều chiến thắng đến vậy?
Một xu hướng rõ ràng trong những trận đấu này là sau khi Tottenham dẫn trước, họ chuyển sang chơi ngày càng lùi sâu trong hiệp 2, phòng ngự nhiều hơn và cuối cùng bị gỡ hòa. Điều này khiến người hâm mộ không hài lòng, chỉ trích Mourinho vì cho đội đá lùi sâu và mời gọi đối phương dồn lên gây áp lực. Song, chiến lược gia Bồ Đào Nha khẳng định đó không phải chỉ dẫn của ông. Mourinho khẳng định đã yêu cầu các cầu thủ giữ bình tĩnh nhưng các cầu thủ không tuân theo.
Nhưng cùng lúc đó, khi Spurs đá lùi sâu sau khi dẫn trước Arsenal 2-0 hồi tháng 12, Mourinho lại thừa nhận sau trận là tất cả nằm trong kế hoạch. “Chúng tôi kiểm soát trận đấu bằng cách phòng ngự chắc chắn. Đó không phải lúc để mạo hiểm vì chúng tôi đang dẫn 2-0”, HLV trưởng Spurs nói.
Cho dù đây có phải chỉ đạo của Mourinho hay không thì xu hướng đó được thể hiện rõ qua các con số thống kê.
Dưới thời Pochettino ở mùa giải 2017/2018, “field tilt” của Spurs khi dẫn trước là 58%, điều đó cho thấy sự vững vàng và tự tin của họ. Với họ, cách tốt nhất để bảo vệ lợi thế dẫn trước 1-0 là ghi thêm bàn thắng thứ hai. Điều đó đã thay đổi cuối triều đại Pochettino khi ông thi đấu thực dụng hơn vì các cầu thủ đã mệt mỏi.
Tuy nhiên dưới thời Mourinho, chỉ số này đã giảm xuống 40% và hiện tại là 38% - chỉ đứng thứ 12 ở Premier League, ngang West Ham, Crystal Palace và Brighton.
Một cách khác để phân tích khía cạnh này là xem Spurs đã phải đối diện bao nhiêu cú dứt điểm từ đối thủ khi họ đang dẫn trước. Khi thi đấu với vị thế dẫn trước, họ nhận 8,6 cú dứt điểm/90 phút - cao thứ ba Premier League, sau Palace (8,8) và West Ham (11,5).
Điều này chứng minh Spurs đang cho phép đối thủ dứt điểm quá nhiều khi họ dẫn trước. Cần lưu ý là chất lượng những cú dứt điểm ấy thấp thứ tư Premier League (0,08 xG/cú dứt điểm). Về cơ bản, Spurs đang lùi sâu và cho đối phương thực hiện nhiều cú sút xa mang tính may rủi về phía khung thành.
Cách chơi này tạo nhiều áp lực lên hàng phòng ngự rằng họ có thể giải quyết vấn đề. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Tottenham bị nhận những bàn gỡ hòa muộn quá nhiều lần. Mourinho lại đổ lỗi cho các hậu vệ vì điều này, sau trận hòa 1-1 trước Fulham tháng trước ông khẳng định đó là do “đặc trưng cá nhân”.
Liệu các hậu vệ có đủ giỏi hay không, vấn đề này thuộc về quan điểm cá nhân. Nhưng rõ ràng, phương pháp của Mourinho đã gây nhiều áp lực lên đội bóng. Không có khả năng điều này sẽ thay đổi nhưng toàn bộ “tinh thần chiến thắng” của Mourinho sẽ chẳng có giá trị gì nếu đội bóng của ông tiếp tục chuyển thắng thành hóa.
Dịch từ bài viết “How far have Spurs fallen from their peak under Pochettino?” của tác giả Jack Pitt-Brooke và Mark Carey trên The Athletic.