Tại sao Chelsea FC không thể rời Stamford Bridge?

Tác giả Fussballgott - Thứ Ba 29/09/2020 09:39(GMT+7)

Zalo

Trong quá khứ, Chelsea luôn phải vất vả thuyết phục hội đồng địa phương do đảng Bảo Thủ nắm quyền về tầm quan trọng của câu lạc bộ bóng đá trong khu vực. Chính Bates cũng nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ khi Chelsea bị đuổi khỏi Stamford Bridge

London Athletic Club tọa lạc tại phía tây nam thành phố là một địa điểm quen thuộc của dân chúng những năm đầu thế kỷ 20. Từ những sự kiện thể thao mặt đất cho đến các cuộc đua khinh khí cầu, mảnh đất lớn đủ đáp ứng nhu cầu thể thao bùng nổ trong người dân.
 
Niềm đam mê bóng đá ngày một lớn mạnh, kéo theo các cơ hội kinh doanh thương mại liên quan đến môn thể thao vua. Theo đó, như thư ký đầu tiên của Chelsea, John Tait Robertson, viết: ‘(Gus Mears) và anh trai, JT Mears, yêu thích bóng đá theo cách của người có tiền, quyết tâm mua một phần của mảnh đất có vẻ như sẽ rất phù hợp với dự định của họ’. Không lâu sau, tờ Times số ra ngày 11 tháng ba năm 1905 đăng một thông báo quan trọng: ‘Quyết định thành lập câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, gọi là Chelsea Football Club (Chelsea FC), thi đấu trên sân Stamford Bridge’.
 
Tại sao Chelsea FC không thể rời Stamford Bridge hình ảnh
Khối bất động sản bị nhòm ngó suốt một thế kỷ
 
Đó là khởi đầu của khối tài sản tồn tại bị nhòm ngó hơn 100 năm và dẫn lối Chelsea FC đến bờ vực tồn vong.
 
Khu đất mà sân Stamford Bridge tọa lạc không nghi ngờ gì là một trong khối bất động sản hấp dẫn nhất nước Anh. Nằm tại Fulham*, nó đã được nhiều nhà kinh doanh và đầu tư bất động sản để mắt tới – tất cả đều muốn biến nó trở thành thứ gì sinh lời nhiều hơn là tổ chức thi đấu bóng đá.
 
(*Nhà Mears đã từng kêu gọi Fulham chuyển đến sân này nhưng không thành. Họ quyết định thành lập một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và lấy tên của khu Chelsea sát bên Fulham)
 
Các bên nắm giữ quyền sở hữu sân và Chelsea đã chơi trò mèo vờn chuột trong suốt thế kỷ. Những ông chủ liên tục thay đổi, kéo theo trận chiến pháp lý trường kỳ để định giá và xác lập quyền sở hữu mảnh đất sân Stamford Bridge.
 
Vấn đề đến ngay khi Gus Mears – người sáng lập Chelsea – qua đời năm 1912. Là một phần tài sản của ông, phần đất tự động chuyển sang cho người em gái Beatrice. Chelsea đã sẵn sàng mua lại cho đến khi nhận ra nó đã được bán cho JT Mears, người đặt tiền lệ cho những chủ sở hữu tham lam muốn moi tiền từ CLB, ra giá 42.000 bảng, cao hơn 7.000 bảng so với số tiền ông vừa trả cho em gái.
 
Không cam lòng sự tăng giá bất thường này, Chelsea F.C đã quyết định tiếp tục thuê sân – thỏa thuận kéo dài đến khi JT Mears qua đời năm 1935. Tại thời điểm đó, quyền sở hữu đất được chuyển cho một quỹ tín thác.
 
30 năm sau đó, sân Stamford Bridge rơi vào tình trạng hư hỏng nặng. Khán đài phía bắc buộc phải đóng cửa vì lý do an toàn trong khi giấy phép khán đài phía đông, nếu không có gì đặc biệt, sẽ bị Hội Đồng Luân Đôn từ chối. Khi món tài sản ngày càng vỡ vụn ra, những người thụ hưỡng từ quỹ của Mears muốn bán lại quyền sở hữu Stamford Bridge cho câu lạc bộ để gỡ gạc.
 
Chính chủ tịch của Chelsea FC lúc đó, Brian Mears, cháu nội của JT và cũng là người thụ hưởng từ quỹ tín thác, đã gợi ý cho câu lạc bộ mua lại quyền sở hữu mảnh đất kèm theo cải tạo sân đấu. Chi phí ban đầu được dự tính (một cách đầy lạc quan) là 1 triệu bảng Anh, một nửa trong số đó để giành quyền sở hữu sân tuy nhiên con số thực tế phải cao hơn rất nhiều.
 
Tại sao Chelsea FC không thể rời Stamford Bridge hình ảnh
Brian Mears (bên phải), người cháu nội của JT Mears
 
Vào những năm 1970, việc cải tạo bị đình trệ, chi phí xây dựng ngày một tăng cao và các khoản nợ đã khiến cho Chelsea FC mất kiểm soát. Trong những ngày thi đấu, câu lạc bộ đã kêu gọi cổ động viên mang bóng đến quyên góp. Đến năm 1976, câu lạc bộ rớt xuống hạng nhì, tờ Times đưa tin rằng các chủ nợ đã cho họ một năm để ‘tu sửa nhà cửa’.
 
Để làm điều này, việc kinh doanh sẽ chia làm đôi. SB Properties nhận quyền sở hữu mảnh đất cùng với các khoản nợ như một công ty mẹ, do các giám đốc của Chelsea FC kiểm soát phần lớn cổ phần.
 
Khi Ken Bates mua lại câu lạc bộ năm 1982, Brian Mears buộc phải rời đi một phần vì không giám sát việc cải tạo Stamford Bridge. Bates khẳng định Stamford Bridge đang là “tòa nhà trang nghiêm đang lụi bại”, đi đến thỏa thuận với David Mears, em trai cùng cha khác mẹ với Brian và là thành viên hội đồng quản trị Chelsea, để giữ quyền kiểm soát SB Properties.
 
Tuy nhiên, nhà Mears lần nữa bán SB Properties và quyền sở hữu Stamford Bridge cho công ty bất động sản mang tên Marler Estates. Thay vì lấy lại tiền mặt, Mears muốn nhận cổ phần của Marler Estates. Không khác gì JT ngày trước, hậu duệ của ông muốn tiếp tục hưởng lợi từ sự phát triển trong tương lai của mảnh đất. Cột mốc cũng đánh dấu lần đầu tiên sau 80 năm, nhà Mears không còn quyền sở hữu mảnh đất.
 
Marler Estates nhập cuộc nhanh chóng. Họ tuyên bố giữ lại sân bóng chỉ làm giảm thiểu tiềm năng sinh lời của khu đất. Họ lên kế hoạch cho một dự án khu phức hợp dân cư và thương mại tầm cỡ trị giá 32 triệu bảng.
 
Mối quan tâm của họ dành cho các sân bóng không chỉ dừng lại ở Stamford Bridge, họ còn mua lại Craven Cottage và Loftus Road, cũng như đưa lời đề nghị cho Selhurst Park. Tất cả đều có thể trở thành sân nhà mới của Chelsea FC. Một ý tưởng kỳ quặc trong giai đoạn này là sát nhập Fulham với Queen Park Rangers thành một đội và Chelsea sẽ sử dụng một trong hai sân của họ, tuy nhiên, ý tưởng về Fulham Park Rangers đã bị Liên Đoàn từ chối.
 
Tại sao Chelsea FC không thể rời Stamford Bridge hình ảnh
Ken Bates đã nỗ lực hơn một thập niên để giữ lại Stamford Bridge cho Chelsea FC
 
Trong khi đó, Bates luôn cố gắng trong tuyệt vọng để giữ lại mọi ảnh hưởng mà Chelsea FC có ở SB Properties. Marler nắm giữ tới 70% cổ phần nhưng theo luật công ty, nếu không nắm giữ tới 75%, họ phải được nhóm cổ đông thiểu số chấp thuận trước khi định đoạt khối tài sản lớn nhất - chính là mảnh đất mà sân Stamford Bridge tọa lạc. Bates đã ban hành lệnh cấm cổ đông thiểu số bán lại cổ phần cho Marler. Sự trì hoãn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Chelsea F.C.
 
Hợp đồng thuê sân 7 năm sẽ đáo hạn vào tháng tư năm 1989. Đến thời điểm đó, Chelsea FC sẽ có quyền lựa chọn mua lại sân tuy nhiên không có gì lạ khi sự chênh lệch định giá giữa Marler với Bates là rất lớn. “Chỉ trong ba năm, Marler đã tăng giá trị sân từ 4 triệu bảng lên 12 triệu bảng, 18 triệu, 25 triệu và giờ là 40 triệu bảng”, Bates phàn nàn vào năm 1987.
 
Trong thời gian đó, cả hai trình bày tầm nhìn về một Stamford Bridge mới trước hội đồng khu vực. Trong quá khứ, Chelsea luôn phải vất vả thuyết phục hội đồng địa phương do đảng Bảo Thủ nắm quyền về tầm quan trọng của câu lạc bộ bóng đá trong khu vực. Chính Bates cũng nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ khi Chelsea bị đuổi khỏi Stamford Bridge: “Máy ủi sẽ khởi động vào tháng tám năm 1989”. Bất chấp việc đảng Lao Động ủng hộ Chelsea FC từ ban đầu, một chiến dịch bằng những lá thư tay của Hiệp Hội Bảo Thủ Fulham (Fulham Conservatives Association) yêu cầu đánh giá chính phủ về kế hoạch tái thiết sân do Chelsea FC đưa.
 
Một sự trì hoãn nữa khiến ngày đáo hạn hợp đồng của Chelsea càng đến gần.
 
Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng quy mô lớn hơn nhiều nổ ra.
 
Vào tháng tư năm 1989. Marler bị một nhóm các nhà phát triển đất động sản tên Cabra Estates mua lại. Bates tiếp tục dùng mọi đấu pháp để giữ lại sân Stamford Bridge thì khủng hoảng “ngày thứ sáu đen tối” nổ ra khiến cổ phiếu của Cabra giảm mạnh. Bates tự đầu tư 3 triệu bảng vào Cabra, trở thành cổ động thiểu số để cố gắng tác động vào các quyệt định của họ. Cuối cùng, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì vì trong vòng sáu tháng sau đó, Cabra tuyên bố phá sản.
 
Ken Bates đã dành ra hơn một thập niên để cố gắng giành quyền kiểm soát thánh đường của câu lạc bộ. Vào thời điểm đó, Chelsea ngụp lặn giữa hạng nhất và hạng nhì, có khi chỉ còn cách nhóm xuống hạng ba chỉ hai điểm vào năm 1983. Rời khỏi Stamford Bridge, câu lạc bộ sẽ đánh mất hình ảnh đã đi cùng họ suốt lịch sử. Làm sao một câu lạc bộ có thể lấp đầy sân vận động nếu như sự gắn bó với thánh đường bị chấm dứt?
 
Ngân hàng Hoàng Gia Scotland tiếp quản tài sản của Cabra và cho Chelsea FC thuê lại với tùy chọn mua giá 16,5 triệu bảng. Sau cùng quyền sở hữu Stamford Bridge cũng thuộc về người dành tình yêu cho câu lạc bộ, Bates chuyển nó sang Chelsea Pitch Owners (CPO). CPO là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động với mô hình độc nhất, tồn tại chỉ với mục đích duy nhất giữ Stamford Bridge và Chelsea gắn chặt vào nhau. Không chỉ sân Stamford Bridge, CPO còn giữ quyền đặt tên Chelsea FC. CPO kiểm soát cổ đông chặt chẽ, nhằm tránh quyền kiểm soát mang động cơ trục lợi cá nhân tiềm tàng nào đối với Stamford Bridge. CPO chỉ cho phép sử dụng tên Chelsea FC với điều kiện phải chơi trên sân Stamford Bridge, đồng nghĩa nếu câu lạc bộ muốn rời đi, Chelsea FC sẽ không còn được phép mang tên Chelsea FC nữa. CPO cho Chelsea FC thuê lại sân Stamford Bridge trong hợp đồng kéo dài 199 năm với giá thuê mang tính tượng trưng.
 
Tại sao Chelsea FC không thể rời Stamford Bridge hình ảnh
Đứng đầu CPO là những cổ động viên có thâm niên và cựu cầu thủ Chelsea

Sự cứng rắn của Bates trong quá khứ đã khiến cho nỗ lực của Bruce Buck và Roman Abramovich không thành công. Trong những năm gần đây, họ có ý chuyển Chelsea đến những vị trí tốt hơn hoặc những mảnh đất lớn hơn.
 
(Ngày 3 tháng mười năm 2011, Chelsea FC đề xuất mua lại quyền sở hữu mảnh đất nhằm chuyển tới địa điểm mới. Chủ tịch Bruce Buck phát biểu: “Chelsea luôn luôn biết ơn những người đã đầu tư vào CPO. Chúng tôi biết rất rõ những thời điểm mà câu lạc bộ gần như đã mất đi ngôi nhà này trước khi CPO ra đời, nhưng mối đe dọa đó đã không còn dưới quyền sở hữu của ngài Abramovich và với cấu trúc của CPO thì chúng tôi không thể lên kế hoạch cho tương lai được. Tôi hy vọng tất cả các cổ đông bỏ phiếu ủng hộ đề xuất này." Tuy nhiên, đề xuất này chỉ được 61,6% cổ đông CPO ủng hộ, dưới mức 75% tối thiểu).
 
Chuyện xảy đến với Chelsea là một bài học đáng giá với bất kỳ câu lạc bộ nào. Trong những năm gần đây, việc câu lạc bộ bán quyền sở hữu sân ngày càng phổ biến. Tiền mang về được sử dụng cho mục đích đầu tư hoặc đáp ứng các quy tắc của luật công bằng tài chính. Điều này có vẻ hữu ích tại thời điểm bàn giao nhưng các chủ đầu tư bóng đá thường thay đổi ý định và không phải lúc nào sự hào phóng cũng nhất quán. Rốt cục, nhà Mears đã thành lập và điều hành Chelsea trong gần 80 năm, họ nhìn thấy tiền và họ chạy theo đồng tiền.
 
Theo Jessy Parker Humpreys | The Squall 5
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

X
top-arrow