Có lẽ điều hấp dẫn nhất ở Bolton của Sam Allardyce Allardyce không phải là cái mác của những ngôi sao đã ở đội bóng mà bởi những cầu thủ đó - nhiều người trong số họ từng giành những danh hiệu lớn của thế giới bóng đá - đã tận tâm, dốc lòng cống hiến cho CLB. Người hâm mộ và cầu thủ đều dành cho nhau tình cảm chân thành.
Bolton của Sam Allardyce từng là một chú ngựa ô của Premier League. Trên cương vị HLV trưởng Bolton Wanderers, “Big Sam” đã dẫn dắt CLB vươn lên tầm cao chưa từng có kể từ sau những năm tháng mà huyền thoại Nat Lofthouse lĩnh xướng hàng công của họ. Allardyce và Bolton giành được thành công dựa trên cách riêng của mình; những thứ họ làm là độc nhất và không bị ảnh hưởng bởi những đội bóng lớn hơn.
Cuộc cách mạng về dữ liệu
Allardyce từng thi đấu cho đội hình Bolton giành chức vô địch giải hạng Hai năm 1978, qua đó thăng hạng lên hạng đấu cao nhất bóng đá Anh sau hơn một thập kỷ ngụp lặn ở các cấp độ thấp hơn. Sau đó, ông khoác áo nhiều đội bóng Anh khác dù quãng thời gian ngắn ngủi chơi bóng ở nước ngoài mới tạo ảnh hưởng mạnh mẽ lên Allardyce. Năm 1983, ông từng tới Mỹ để đầu quân cho Tampa Bay Rowdies. Bóng đá ở Mỹ lúc này đang manh nha phát triển nhưng không thực sự đáng kể so với thế giới và các cầu thủ nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng, giống như ngày nay. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì chính Allardyce - một cầu thủ nước ngoài - cũng học được rất nhiều từ bóng đá ở Mỹ.
Khi đó The Rowdies phải chia sẻ sân với đội bóng bầu dục Tampa Bay Buccaneers và thông qua Buccaneers, Allardyce đã thấy tương lai của môn thể thao mà ông chơi. Với sự tò mò về công nghệ được sử dụng trong bóng bầu dục (American Football) và khi lợi ích của những chi tiết nhỏ nhất ngày càng được chú ý, Allardyce đã mang nó quay trở lại Anh trong suốt phần còn lại của sự nghiệp.
Mùa giải 1999/2000 khởi đầu với HLV Colin Todd của Bolton một cách rất tệ. Per Frandsen - một trong những cầu thủ hay nhất của họ - bị bán đi mà không có sự nhất trí của Todd. Mọi thứ càng tệ hơn khi tiền vệ người Đan Mạch tới khoác áo đại kình địch Blackburn Rovers. Todd - người trước đó đã giúp Bolton thăng hạng - tuyên bố từ chức. Ngồi vào vị trí mà ông để lại là Allardyce.
Những dấu ấn ban đầu của Allardyce là khá tích cực. Ông có một bộ khung vững chắc là các cầu thủ tới từ Bắc Âu gồm Jussi Jaaskelainen, Gudni Bergsson và Eidur Gudjohnsen cũng như cầu thủ chạy cánh tốc độ tới từ Jamaica là Ricardo Gardner. Họ đã đưa Bolton lọt vào đến bán kết FA Cup cũng như Cúp Liên đoàn Anh (khi ấy mang tên Worthington Cup) trong mùa giải đó.
Mùa giải tiếp theo đó, với việc chiêu mộ cầu thủ trẻ Michael Ricketts và đôn tài năng trẻ Kevin Nolan từ học viện lên, Allardyce đã giúp đội bóng hồi sinh lại như những ngày tháng mà ông còn thi đấu và thăng hạng lên giải đấu cao nhất nước Anh trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên ông nắm đội. Sau khi không thể giành suất thăng hạng trực tiếp, họ dễ dàng đánh bại Preston của David Moyes trong trận chung kết play-off.
Bolton trở lại Premier League với một núi khó khăn thử thách, tuy nhiên những nỗ lực hiện đại hóa của đội và những ý tưởng mà phần lớn các CLB Anh khi ấy chưa áp dụng đã giúp khó khăn phần nào giảm bớt. Allardyce là người thúc đẩy những thay đổi ở hậu trường với nguồn cảm hứng từ quãng thời gian ông chơi bóng ở Tampa.
Sam Allardyce gắn bó với Bolton cả trên sự nghiệp cầu thủ lẫn HLV. Ảnh: Bolton Wanderers
Đến đây phải nhắc tới Prozone, đây là một công ty phân tích thể thao mới khi đó và đội bóng Anh đầu tiên mà họ thâm nhập là Derby - nơi mà HLV Steve McClaren từng sử dụng công cụ dữ liệu của họ. Mùa giải 1998/1999, HLV Alex Ferguson đưa McClaren về Manchester United làm trợ lý và tại đây ông cũng sử dụng Prozone. Đổi lại, Prozone nói họ phải nhận được 50.000 bảng nếu Manchester United giành một danh hiệu trong mùa giải đó. Kết quả là “Quỷ đỏ” giành cú ăn 3.
Không lâu sau, Allardyce bắt đầu tham khảo dùng Prozone ở Bolton, dẫu ở cấp độ thấp hơn. Thời điểm ấy, việc sử dụng công nghệ là điều rất hiếm trong bóng đá Anh và rất ít HLV dùng nó để bổ sung cho chiến lược, chiến thuật của mình như Allardyce. Ông đã phát triển một hệ thống thi đấu dựa trên khái niệm mà ông gọi là “bộ tứ siêu đẳng”. Đây là những nguyên lý mà ông đã tìm ra thông qua việc phân tích dữ liệu, điều này sẽ giúp Bolton trong cuộc chiến sinh tồn tại Premier League và xa hơn nữa.
Theo đó, để tránh xuống hạng, Bolton phải ngăn không cho đối thủ chọc thủng lưới họ 16 lần trong 38 vòng đấu; nếu Bolton là đội ghi bàn mở tỷ số, họ sẽ nắm 70% cơ hội giành chiến thắng; các tình huống cố định chiếm 33% tổng số bàn thắng họ ghi; những tình huống in-swinging crosses (các quả tạt do cầu thủ thuận chân trái thực hiện bên cánh phải hoặc cầu thủ thuận chân phải thực hiện bên cánh trái) hiệu quả hơn out-swinging (các quả tạt do cầu thủ thuận chân trái thực hiện bên cánh trái hoặc cầu thủ thuận chân phải thực hiện bên cánh phải); và cơ hội tránh được thất bại của Bolton là 80% nếu quãng đường chạy trung bình của họ trội hơn đối thủ 5,5m/giây.
Hệ thống này phân tích rất kỹ lưỡng, nghe có vẻ khá hài hước ở thời điểm ấy thế nhưng lại hiệu quả vô cùng. Với sự phân tích tỉ mỉ từng trận đấu, Allardyce có thể đưa ra cách tổ chức đội bóng của ông để đạt hiệu quả tối đa. Nghe thì có vẻ cứng nhắc, máy móc nhưng đúng là nó giúp ông xác định vị trí đúng đắn cho từng cầu thủ để đạt cơ hội ghi bàn cao nhất. Việc này được áp dụng chủ yếu cho các pha ném biên, đá phạt và phạt góc - những tình huống mà Allardyce rất nhấn mạnh đến một thứ gọi là POMO (“Position of Maximum Opportunity” hay tạm dịch sang tiếng Việt là “Vị trí có cơ hội ghi bàn tối đa). Nếu một cầu thủ không xuất hiện ở vị trí cần thiết trong một cú ném biên dài đã thành thương hiệu của Bolton, ông sẽ không bỏ qua cho anh ta. Allardyce sẽ đảm bảo rằng cầu thủ của mình biết một cơ hội ghi bàn vừa mới trôi qua.
Thời nay, hầu hết các CLB Premier League sử dụng Prozone như một phương pháp tuyển trạch, lên kế hoạch chiến thuật và đánh giá các màn trình diễn. Bolton của Allardyce đi đầu trong việc thay đổi bóng đá Anh và giúp nhận thức tầm quan trọng của dữ liệu. Trước đó, bóng đá được xem bằng trái tim: một môn thể thao của cảm xúc, tình yêu và niềm tin. Những tư tưởng của Allardyce có thể không song hành cùng những ý niệm mang tính lãng mạn như thế nhưng chúng rất hiệu quả. Bóng đá Anh bắt đầu đi theo hướng mới. Ngày nay, nó đã là trò chơi của lý trí, là một bộ môn khoa học.
Dưới sự huấn luyện cùng những nguyên tắc mang tính sáng tạo của Allardyce, Bolton đã trụ lại Premier League thành công. Trong các năm 2002 và 2003, họ kết thúc mùa giải lần lượt ở vị trí 16 và 17. Đối với nhiều người, họ có thể hài lòng về kết quả này vì nhiệm vụ đã hoàn thành thế nhưng Allardyce và Bolton thì khác. 4 năm tiếp theo đó sẽ là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong lịch sử CLB khi họ khuynh đảo trật tự bóng đá Anh. Allardyce không hài lòng vì chỉ trụ hạng thành công mà ông muốn đội bóng phải phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, không chỉ việc ông sử dụng dữ liệu là yếu tố được chú ý.
Từ Kevin Davies tới Jay-Jay Okocha: Những bản hợp đồng "ngon bổ rẻ" theo cách của "Big Sam"
Đầu năm 2002, Youri Djorkaeff và Andreas Brehme xảy ra xích mích. Trong cuộc đụng độ giữa 2 biểu tượng bóng đá của 2 thế hệ, Brehme - HLV trưởng của Kaiserslautern - đã chiến thắng và Djorkaeff buộc phải rời CLB. Cầu thủ người Pháp chấm dứt hợp đồng với đội bóng Đức và khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến World Cup 2002, ông rơi vào tình cảnh không bến đỗ. Cuộc đua giành lấy chữ ký của một trong những tài năng Pháp nổi bật nhất thế hệ đã diễn ra và người chiến thắng là Bolton. Đây quả thực là một thương vụ bất ngờ.
Đầu mùa giải tiếp theo, Allardyce đã thuyết phục Iván Campo đổi màu áo trắng của Real Madrid sang áo trắng của Bolton. Chỉ 2 mùa bóng trước đó, Campo còn đá chính cho Real Madrid trong trận chung kết Champions League. Tuy nhiên, bản hợp đồng nổi bật nhất trong mùa hè 2002 của Bolton không phải Campo mà là một tiền vệ kiến thiết rất kỹ thuật người Nigeria.
Sam Allardyce và Youri Djorkaeff. Ảnh: Premier League
Jay-Jay Okocha đến Bolton sau khi hết hợp đồng với Paris Saint-Germain. Ở tuổi 28 ông đã là một cầu thủ kinh nghiệm đầy mình, từng đại diện Nigeria ở 3 kỳ World Cup, làm thủ quân của đội tuyển ở một giải đấu trong đó cũng như đầu quân cho nhiều CLB châu Âu. Ông là trụ cột ở Eintracht Frankfurt trước khi chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ khoác áo Fenerbahce. Danh tiếng nở rộ giúp ông đến Pháp với phí chuyển nhượng lớn. Cuộc chuyển nhượng trị giá 10 triệu bảng ấy biến ông trở thành cầu thủ Nigeria đắt giá nhất mọi thời đại. Ở Paris, ông như người thầy của một tài năng trẻ Brazil có tên Ronaldinho.
Okocha là một bản hợp đồng hoàn hảo của Bolton và bản năng nghệ sĩ của ông đã tạo ra những khoảnh khắc thiên tài đáng nhớ. Trong 4 mùa giải, ông đã làm mê mẩn các cổ động viên Anh bằng những pha đảo chân, xoay người,… chúng biến ông thành một trong những cầu thủ nổi bật nhất kỷ nguyên Premier League. Sự tinh quái của ông là không có giới hạn, gần như không thể đoán định và đã làm xấu hổ rất nhiều hậu vệ đối phương.
Chẳng ai chịu cảnh “đỏ mặt” hơn Ray Parlour khi Okocha biến ông thành trò hề trong thời gian bù giờ trận hòa 2-2 giữa Bolton và Arsenal tại sân Reebok năm 2003. Phút 94, khi Parlour áp sát bên cánh trái, Okocha làm động tác giả như thể chuẩn bị chuyền bóng trước khi bấm bóng qua đầu đối thủ. Parlour thậm chí còn bối rối hơn nữa ở phút 96 khi từ một tình huống dàn xếp đá phạt góc, Okocha biểu diễn kỹ thuật gắp bóng và một lần nữa bóng bay qua đầu Parlour. Trình diễn những kỹ thuật tuyệt vời, Okocha còn hơn cả một món đồ xa xỉ.
Tiền vệ người Nigeria được trao băng thủ quân trong mùa giải thứ 2 ở CLB, khi mà Bolton lọt vào đến trận chung kết League Cup. Trong trận bán kết lượt đi gặp Aston Villa, sau một cú đá phạt trực tiếp đưa Bolton vươn lên dẫn trước 1-0, Okocha đứng trước một tình huống bóng chết khác, lúc này tỷ số là 4-2. Djorkaeff đứng bên cạnh ông nhưng chắc chắn cầu thủ người Pháp biết Okocha sắp sửa làm một điều ngoạn mục nữa. Okocha chạy thẳng đến trái bóng, thực hiện cú sút cong hình trái chuối từ bên cánh trái, thủ thành Thomas Sorensen hoàn toàn vô vọng khi bóng bay vào nóc lưới. Một cú sút ngoạn mục.
Cũng trong mùa bóng đó, Allardyce đã chiêu mộ tiền đạo mục tiêu Kevin Davies - người không được đội bóng nào ngó lớ sau khi bị Southampton thải loại. Cuối cùng Davies đã trở thành nhân tố quan trọng trong chiến lược của Bolton với lối chơi điều tiết nhịp độ, cầm bóng thông minh và khả năng không chiến tuyệt vời.
Davies là đầu ra cho một đường chuyền trực tiếp của đồng đội; ông làm khổ các hậu vệ đối phương, ông tạo ra mối đe dọa từ những tình huống cố định, ông phạm lỗi và bị phạm lỗi nhiều hơn tất cả, và ông thi đấu bất chấp những ngón tay bị trật khớp và ngón chân gãy. Những gì Davies làm được có thể không thăng hoa, đẹp mắt như Okocha và Djorkaeff nhưng vai trò của ông cũng quan trọng không kém. Trong một đội bóng với nền tảng là tính tổ chức tập thể, Davies phù hợp một cách hoàn hảo.
Allardyce tiếp tục đi ngược lại truyền thống với chính sách chuyển nhượng của mình. Khi ông chiêu mộ Fernando Hierro, ai cũng hiểu đây là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử CLB. Khi chi ra 750.000 bảng cho tiền vệ 34 tuổi Gary Speed, ông đã chứng minh Newcastle thật dại khờ khi để cầu thủ người Xứ Wales ra đi. Khi Allardyce đưa El-Hadji Diouf về sân Reebok - ban đầu là dưới hình thức mượn - ông đã chiêu mộ một cầu thủ danh tiếng ở bóng đá Anh nhưng cũng là một trong những người gây tranh cãi nhất. Diouf thi đấu ở Bolton nhiều hơn bất cứ đội bóng nào từng khoác áo, đó không phải sự ngẫu nhiên.
Trong thời đại tôn sùng những thương vụ chuyển nhượng có chi phí khủng thì các bản hợp đồng của Allardyce đặc biệt sắc sảo. Ông tập trung vào những cầu thủ thường xuyên bị đánh giá thấp hoặc bị xem là hết thời. Quyết định không vung tiền vô tội vạ giúp ông có thể chi nhiều hơn vào tiền lương. Năm 2009, ký giả Simon Kuper và Stefan Szymanski viết một cuốn sách có tựa đề “Soccernomics”, trong đó các tác giả đã thống kê các thương vụ chuyển nhượng diễn ra suốt nhiều năm của các đội bóng và đi đến kết luận để quyết định vị trí ở giải đấu thì tiền lương có mối liên quan nhiều hơn là phí chuyển nhượng.
Jay-Jay Okocha - chàng nghệ sĩ của sân Reebok. Ảnh: Getty Images
Sau 2 năm đầu tiên trụ lại được Premier League, Bolton gặt hái thành công đáng chú ý. Cùng với việc lọt vào chung kết League Cup 2004, The Trotters khép lại mùa giải ở vị trí thứ 8. Mùa bóng năm sau, họ kết thúc thứ 6 trên bảng xếp hạng, đồng nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử họ giành quyền tham dự cúp châu Âu. Trong hành trình tham dự cúp châu Âu, Bolton đánh bại Zenit Saint Petersburg và cầm hòa Sevilla - nhà vô địch năm đó - trước khi bị Marseille loại ở vòng đấu loại trực tiếp. 2 mùa giải Premier League tiếp theo, Bolton cùng xếp thứ 8. Mùa giải 2006/2007, họ kết thúc năm 2006 với vị trí thứ 3 tại Premier League.
Allardyce nhận ra ông có thể đạt vị trí cao trên bảng xếp hạng một cách ổn định cùng một CLB có nguồn tài nguyên tốt như Bolton bằng cách tránh những cách làm của các đội bóng nằm ngoài nhóm “Big 4” của Premier League. Các CLB như Tottenham hay Newcastle đã đầu tư rất nhiều vào thị trường chuyển nhượng và trong nhiều tình huống chỉ để chứng kiến những cầu thủ giỏi nhất ra đi trong thời điểm họ đã cảm nhận thấy thành công. Một ví dụ khi đó chính là việc Allardyce đã từ chối Rivaldo.
“Big Sam” tiết lộ trên FourFourTwo: “Sau cuộc gặp ở Manchester, tôi biết Rivaldo không phải người tôi cần. Tôi đã gặp cậu ấy ở khách sạn Lowry, đó là lần đầu tiên cầu thủ liên hệ gặp tôi. Nói chuyện với cậu ấy, tôi cảm thấy Bolton được sử dụng để giúp cậu ấy được các CLB lớn hơn chú ý vì nó đã bị rò rỉ trên báo chí. Điều đó không ổn, vì thế chúng tôi bỏ qua”.
Vĩ thanh
Có lẽ điều hấp dẫn nhất ở Bolton của Allardyce không phải là cái mác của dàn sao mà bởi những cầu thủ đó - nhiều người trong số họ từng giành những danh hiệu lớn của thế giới bóng đá - đã tận tâm, dốc lòng cống hiến cho CLB. Người hâm mộ và cầu thủ đều dành cho nhau tình cảm chân thành.
Trong trận đấu cuối cùng - không chỉ cho Bolton mà còn là cả sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp - Fernando Hierro đã đặt trước một khu khá rộng ở khán đài Tây của sân Reebok và mời gia đình, bạn bè - một vài người trong đó là các cựu cầu thủ - đến. Khi Bolton dẫn trước Everton 3-2, Hierro được thay ra. Và trên đường rời sân, ông nhận được tràng pháo tay tri ân trong khi các đồng đội gửi tới ông những nụ hôn và cái ôm thắm thiết.
Fernando Hierro - cựu thủ quân Real Madrid - trong màu áo Bolton. Ảnh: Getty Images
Iván Campo khi hợp đồng không được gia hạn vào mùa hè 2008, ông đã gửi một bức thư tới cổ động viên Bolton để bày tỏ ông đã hụt hẫng như thế nào khi không có cơ hội để gửi một lời từ biệt trọn vẹn, đúng nghĩa nhất. “Tôi luôn cảm thấy các bạn có một mối liên hệ đặc biệt với tôi. Khi tôi lần đầu tiên tới đây, nhiều người đã nghĩ đó chỉ là một kỳ nghỉ kéo dài… nhưng các bạn đều thấy với tôi không phải như vậy. Bằng cả trái tim mình, tôi trân trọng những khi các bạn hát vang tên tôi”, tiền vệ người Tây Ban Nha viết.
Quả thực đến đội bóng miền Bắc nước Anh như những người xa lạ, các cầu thủ này đã tìm thấy ở Bolton những tình cảm gần gũi, thân thương nhất. Họ gắn kết với CLB nhiều hơn nếu so với đa số các cầu thủ ngày nay. Allardyce ngoài khả năng mang những tài năng về CLB với mức giá hợp lý thì ông có thể nhào nặn nên một tập thể bền vững từ các cá nhân. Trong bức thư của mình, Campo còn viết rằng ông hy vọng sẽ lại được làm việc cùng Allardyce lần nữa. Cựu cầu thủ Real Madrid chia sẻ: “Ông ấy tin tưởng tôi và dạy tôi để làm cầu thủ trưởng thành và giỏi hơn”. Đó là lời ngợi ca xuất phát từ một người từng thi đấu cho một HLV lừng danh như Vicente del Bosque.
Dù những định kiến về Allardyce vẫn luôn tồn tại đến ngày hôm nay nhưng có một điều chẳng thể nào phủ nhận, các nguyên tắc của ông tạo nên sự khác biệt. Chúng cho chúng ta biết một HLV đã đóng vai trò lớn trong cuộc cách mạng về dữ liệu làm thay đổi tư duy của bóng đá Anh; một HLV hiểu cách tốt nhất để cạnh tranh được ở Premier League là bỏ ngay lối suy nghĩ phải chi ra số tiền khổng lồ để chuyển nhượng.
Ông và Bolton có thể ngẩng cao đầu để nhận lấy những lời tán dương. Có thể phong cách bóng đá mà họ thể hiện không mang tính bền vững nhưng quan trọng hơn cả, những nguyên tắc của Allardyce sẽ vẫn là điều vang dội nhất.
Lược dịch, tổng hợp từ These Football Times và FourFourTwo.
Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?
Đánh bại đối thủ cùng thành phố trong trận derby Manchester, thầy trò Ruben Amorim đã giành được rất nhiều lời ca tụng. Chiến thắng này có ý nghĩa hơn một trận thắng thông thường, vì nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới ở nửa đỏ thành Manchester.
Đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, đứng đầu về thành tích ghi bàn, và tuần nào cũng thi đấu với sự tự tin rõ rệt. Không có gì lạ khi giờ đây Chelsea đang được xem là một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Premier League 2024/25.