PSV Eindhoven của Peter Bosz thật hoàn hảo. Toàn thắng tại Eredivisie sau 9 trận đã chơi. Ghi được 30 bàn và chỉ để thủng lưới 3 lần. Cuộc hồi hương của Bosz đang thành công y như ông đã mong đợi.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Mới đây, vào thứ 7 tuần trước, bằng tốc độ và một phong cách chơi bóng đầy lôi cuốn, những ngày tháng thăng hoa của PSV tại giải VĐQG Hà Lan đã tiếp diễn với thêm một chiến thắng áp đảo khác, lần này là trước đối thủ Fortuna Sittard. Giờ đây, đoàn quân của Bosz không chỉ chiếm lĩnh vị trí đầu bảng với khoảng cách 2 điểm so với đội đứng thứ hai là AZ, mà còn trình diễn một thứ bóng đá tuyệt vời nhất châu Âu.
Nhưng liệu nó có thể được duy trì lâu dài hay không? Như mọi khi, đối với trường hợp của Bosz, thì đây là một câu hỏi khó trả lời.
Nguồn gốc sự nghiệp cầm quân của vị HLV này là một câu chuyện mang đậm chất Hà Lan. Bosz từng là một tiền vệ phòng ngự đủ giỏi để được khoác áo ĐTQG, và chiến lược gia 59 tuổi đã kể rằng hồi ấy sau các buổi tập với Rinus Michels ông thường chạy vội về phòng để ghi chép về chúng. Ông cũng cực kỳ sùng bái Johan Cruyff – không chỉ vì triết lý bóng đá của huyền thoại này, mà còn vì niềm tin sắt đá và sự kiên định của Cruyff nữa.
Ngoài Cruyff, “môn đồ” lừng lẫy nhất của “vị thánh” này là Pep Guardiola đã mang đến thêm cho Bosz một nguồn cảm hứng đương đại. Ông thường cùng ban huấn luyện của mình nghiên cứu các trận đấu của Barcelona dưới thời Guardiola. Do đó, chẳng có gì lạ khi ông cũng xem Pep Confidential, một tác phẩm được viết bởi Marti Perarnau về khoảng thời gian Guardiola dẫn dắt Bayern Munich, là một trong những cuốn sách mà mình yêu thích nhất.
Sức ảnh hưởng của những con người vĩ đại đó đến Bosz là cực kỳ mạnh mẽ và sâu sắc, thậm chí tới mức nguy hiểm. Nhà cầm quân 59 tuổi mê mẩn đến mức cuồng tín bóng đá tấn công, pressing theo hệ thống và đội hình 4-3-3. Có thể nói, không gì lay chuyển được lòng trung thành mà ông dành cho tầm nhìn bóng đá của mình.
Peter Bosz
|
Bosz đã có rất nhiều câu nói mô tả tầm nhìn đó. Ông tin rằng quả bóng nên được đưa lên phía trước liên tục. Ông nghĩ rằng môn thể thao vua nên được chơi theo một cách có thể khuấy động mọi tâm hồn. Ông từng thừa nhận một cách tự ti rằng Peter Bosz phiên bản cầu thủ chẳng đủ giỏi để chơi được thứ bóng đá mà Peter Bosz phiên bản huấn luyện viên muốn thấy. Nhưng có lẽ minh chứng rõ ràng nhất cho tâm hồn bóng đá đầy lãng mạn và những khuyết điểm của nhà cầm quân này chính là cái kết của mùa giải 2016-17. Ajax của Bosz đã thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới và chinh phục trái tim của vô số người hâm mộ bóng đá, nhưng thành tựu của họ cũng chỉ có vậy mà thôi. Tại giải VĐQG Hà Lan, họ để thua AZ trong cuộc đua vô địch, còn tại Europa League, họ bị Manchester United của Jose Mourinho đánh bại trong trận chung kết ở Stockholm.
“Thật khó để triển khai pressing tầm cao vì Manchester United toàn chơi bóng dài, chẳng dám mạo hiểm và chỉ biết tạo cơ hội bằng cách cố giành chiến thắng trong các tình huống bóng hai,” Bosz phàn nàn sau trận đấu. “Tôi nghĩ thứ bóng đá đó thật nhàm chán.”
Bosz khinh ghét sự thực dụng.
“Tacadada, chuyền về, chăm chăm phất bóng dài – mấy trò đó không thuộc về thứ bóng đá mà tôi yêu thích,” ông chia sẻ với Deutsche Welle vào năm 2019. “Tôi muốn cảm thấy hứng khởi khi xem bóng đá. Đối với tôi, bóng đá là phải vui. Đây cũng là lý do tôi luôn muốn các đội bóng của mình chơi theo cách mà người hâm mộ thích thú.”
Ông là kiểu HLV mà Mourinho chắc hẳn sẽ gọi là “tên nhà thơ” với sự khinh khỉnh. Một người đàn ông luôn sống và làm việc theo chủ nghĩa lý tưởng. Và sự kiên định mà Bosz dành cho tư tưởng bóng đá thường bị dư luận nhận xét là “quá ngây thơ” của mình đã khiến cho sự nghiệp cầm quân của ông rất lận đận.
Đầu tiên là ở Borussia Dortmund, nơi mà Bosz chỉ nắm quyền vỏn vẹn 7 tháng. Ông đã bị chỉ trích là quá bảo thủ với đội hình 4-3-3 và chẳng thể khắc phục được tình trạng “mong manh dễ vỡ” của đội bóng này trước các pha phản công. Trong một trận đấu với Schalke, Dortmund của nhà cầm quân người Hà Lan đã dẫn trước tỷ số tận 4-0, nhưng sau đó lại để đối thủ gỡ hoà 4-4 trong hiệp hai. Suốt một thời gian dài, trận hoà đó đã gắn liền với danh tính của Bosz.
Tại Bayer Leverkusen, dù đã thể hiện được năng lực cầm quân đáng nể trong phần lớn nhiệm kỳ kéo dài 2 năm rưỡi của mình, nhưng rốt cuộc Bosz vẫn chẳng thể ngăn chặn được tình trạng sa sút trầm trọng vào đầu năm 2017 của CLB này, và một lần nữa bị sa thải. Sau đó, trong 18 tháng làm việc ở Lyon, ông chỉ có thể giúp họ kết thúc ở vị trí thứ 8 trong mùa giải trọn vẹn duy nhất của mình tại Pháp, và bị sa thải vào tháng 10 năm 2022 khi Lyon đang đứng thứ 9 ở Ligue 1.
1 năm trôi qua, giờ đây Bosz đang cho thấy ông đã lựa chọn đúng điểm đến tiếp theo sau khi chia tay Les Gones, bởi vì PSV là một đội bóng quá phù hợp dành cho chiến lược gia này.
Người tiền nhiệm của Bosz, Ruud van Nistelrooy, đã giúp PSV giành chức vô địch KNVB Cup, kết thúc ở vị trí thứ hai tại Eredivisie và trở thành đội bóng ghi nhiều bàn nhất giải đấu trong mùa giải duy nhất dẫn dắt họ. Van Nistelrooy đã đột ngột từ chức vào tháng 5 năm 2023 vì những mâu thuẫn phát sinh bên trong nội bộ CLB, nhưng ông đã để lại một di sản tuyệt vời là một đội bóng thuần thục bóng đá tấn công, pressing và đã quá quen thuộc với hệ thống 4-3-3. Thay vì phải thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện tại PSV, Bosz chỉ cần đẩy mạnh cường đội lối chơi của họ lên hơn nữa mà thôi.
Trong giới phân tích bóng đá ngày nay có một chỉ số gọi là PPDA (Passes per defensive action), công dụng của nó là xác định khả năng pressing tầm cao của một đội bóng, thông qua số đường chuyền trung bình mà họ để đối thủ thực hiện được bên phần sân của mình trước khi bị can thiệp bởi một hành động phòng ngự. Số đường chuyền của đối thủ càng thấp, tức là đội bóng đó pressing tầm cao càng dữ dội. Dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy vào mùa giải 2022-23, chỉ số PPDA được ghi nhận ở PSV là 11,7 – tốt thứ tư giải VĐQG Hà Lan. Còn với sự lèo lái của Bosz ở mùa giải này, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số PPDA của họ là 8,3 – tốt nhất giải đấu. Bên cạnh đó, họ đang là đội bóng tạo ra nhiều cú dứt điểm nhất từ những tình huống mất bóng của các đối thủ trong phạm vi 40 mét tính từ khung thành.
Van Nistelrooy đã tạo nên một đội bóng đầy chủ động. Còn Bosz thì nâng cấp nó thành một đội bóng “tàn bạo”.
Trên cương vị thuyền trưởng của PSV, nhà cầm quân 59 tuổi đã vượt qua không ít trở ngại để tạo ra đoàn quân hùng mạnh hiện tại. CLB này đã bán Cody Gakpo cho Liverpool trước khi ông đến, đến mùa hè thì tới lượt Xavi Simons và Ibrahim Sangare ra đi. Cả 3 người họ đều từng là những nhân tố trụ cột của đội. Nên nhớ, tổng thành tích của Gakpo và Simons ở PSV mùa giải trước là 28 bàn thắng và 20 pha kiến tạo.
Xavi Simons
|
Tuy nhiên, trong mùa giải này, 4 trên 7 cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội nhất tại Eredivisie đang tiếp tục là những cái tên thuộc về PSV. Một người là tiền đạo kỳ cựu Luuk de Jong, một người là tân binh Noa Lang, và hai người còn lại - Johan Bakayoko và Ismael Saibari – là những sản phẩm “cây nhà lá vườn” đã phát triển mạnh mẽ để khoả lấp khoảng trống mà các trụ cột đã ra đi bỏ lại. Trong nhóm này, chỉ có De Jong là trên 24 tuổi.
Có thể nói Bosz là một bậc thầy trong việc giúp các cầu thủ trẻ thăng hoa. Tại Ajax, Leverkusen và cả Lyon, năng lực này đều được thể hiện. Giờ đây, nó đang tiếp tục toả sáng ở PSV. Lang (24 tuổi) và Bakayoko (20) là những tiền đạo cánh đầy kỹ thuật vừa có thể kéo bóng, vừa có thể sáng tạo. Cả hai đều đang chơi xuất sắc. Còn Saibari (22 tuổi) tuy chỉ là một cầu thủ dự bị, nhưng vẫn thể hiện được hình ảnh một “tiểu Nabil Fekir”, một chuyên gia kiến thiết lối chơi và cũng là một chân pressing đáng gờm.
Bên cạnh những ngôi sao thu hút hầu hết sự chú ý của giới truyền thông đó, Malik Tillman – một bản hợp đồng mượn từ Bayern Munich – tuy mới chỉ ra sân vài lần, nhưng đã để lại ấn tượng mạnh khi được thi đấu với sự tự do thường thấy ở những đội bóng trẻ trung mà Bosz dẫn dắt. Hiện Tillman đã ghi 3 bàn và có 1 pha kiến tạo chỉ sau 5 lần ra sân.
Sergino Dest cũng đã được hồi sinh. Tận dụng các hậu vệ cánh là một trong những sở trường của Bosz và Dest, hiện vẫn chỉ mới 22 tuổi, đang thi đấu theo thiên hướng “inverted full-back” ở cánh trái, thường xuyên di chuyển bó vào phía trong sân đấu để thực hiện các pha đột phá và sáng tạo. Nhà cầm quân người Hà Lan tin rằng Dest hoàn toàn có thể chơi như một tiền vệ. Chuyện liệu ông có thể biến ngôi sao người Mỹ thành một “Philipp Lahm mới” hay không là một vấn đề khác, nhưng ý định đó đã thể hiện sự táo bạo và lạc quan đáng nể của chiến lược gia 59 tuổi.
De Jong |
Tại sao không cơ chứ? Chẳng có gì là hoàn toàn bất khả thi cả - đây chính là điều khiến bóng đá trở nên tuyệt vời. Tuy De Jong là tâm điểm của mặt trận tấn công, nhưng anh được bao quanh bởi rất nhiều động thái di chuyển, phối hợp đầy biến ảo cũng như sự hỗ trợ từ các tiền vệ hoặc các hậu vệ cánh phía sau, điều này khiến cho hàng phòng ngự đối thủ thường phải đối mặt với một hàng công có ít nhất 5 tiền đạo. Họ cũng phải đối phó với thứ tốc độ đáng sợ từ những pha lên bóng theo chiều dọc cực chính xác của PSV. Đoàn quân của Bosz đã thi đấu với một “nhịp điệu” như thể múa ba-lê, nhưng mang sự hiệu quả của một cỗ máy huỷ diệt, với minh chứng chính là hiệu suất phá lưới trung bình hơn 3 bàn mỗi trận mà họ đang đạt được.
Đây chắc chắn chính là thứ bóng đá mà Bosz yêu thích và khao khát được chứng kiến.
Theo Sebastian Stafford-Bloor, The Athletic