Có quá nhiều vấn đề đang tồn tại ở United, trong năm thứ 7 thời hậu Sir Alex Ferguson và Ole chỉ là 1 trong số đó. Nhưng Ole, sau 100 trận đầu tiên, sau khi đã chi tới 270 triệu bảng ở các kỳ chuyển nhượng, đang ở vào tình thế bắt buộc phải tìm ra giải pháp giúp “Quỷ đỏ” chơi thứ bóng đá ổn định và có-bản-sắc.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Hai trận đầu tiên trên cương vị HLV tạm quyền Man United sau khi Jose Mourinho bị sa thải ngay trước thềm Giáng Sinh 2018, Ole Gunnar Solskjaer giúp “Quỷ đỏ” có được 2 chiến thắng tuyệt đẹp: 5-1 Cardiff City và 3-1 Huddersfield.
Nhưng không chỉ là chiến thắng. Bầu không khí trong nội bộ đội bóng, trên sân tập cũng hoàn toàn thay đổi, tích cực hơn rất nhiều so với những tháng cuối cùng u ám của Mourinho. Ngôi sao số 1 Paul Pogba như tìm thấy mùa xuân mới của anh tại Old Trafford, với nụ cười thường trực trên môi. Luke Shaw, Jesse Lingard, Marcus Rashford, Anthony Martial và nhiều người khác cũng vậy.
Niềm vui và sự lạc quan. Ai cũng nhìn thấy những điều ấy ở United trong tuần đầu tiên của Ole. Ed Woodward đương nhiên không phải ngoại lệ. Sáng thứ Sáu, ngày 28/12, hai ngày sau trận thắng Huddersfield 3-1, Ed gõ cửa phòng làm việc của Ole ở Carrington…
Ed bắt đầu câu chuyện bằng việc hỏi Ole về những mục tiêu cần thiết cho United trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông sắp mở cửa. Nhưng thứ dành cho Ed, từ Ole còn nhiều hơn thế. Một bản in về những công việc cần phải làm để đưa “Quỷ đỏ” trở lại, đầy đặn và sâu sắc.
Không chỉ là danh sách dài các mục tiêu chuyển nhượng, chuyện sử dụng nguồn lực trẻ của Học viện vốn đang có những tài năng hứa hẹn như Mason Greenwood hay Angel Gomes mà còn là một kế hoạch chi tiết để xây dựng và phát triển United trở thành ứng viên nghiêm túc cho danh hiệu vô địch Premier League 2021/22.
Điều mà Ole giãi bày với Ed hôm ấy thực sự tạo ấn tượng mạnh: cải thiện kết quả trước mặt là rất quan trọng nhưng song song với đó là cần phải từng bước khôi phục lại giá trị, văn hóa và bản sắc United đã mai một quá nhiều trong những năm qua.
Ole không chỉ nói được mà còn làm được. Kết quả trên sân cỏ của United ngày một tốt hơn, những chiến thắng xuất hiện đều đặn và liên tiếp, đỉnh cao là thắng lợi 3-1 trên sân Parc des Princes của PSG giúp “Quỷ đỏ’ ngược dòng giành vé vào tứ kết Champions League. Chiến thắng thứ 14 chỉ sau 17 trận của United kể từ khi Ole nắm đội. Từ kẻ “chữa cháy” tạm thời, Ole trở thành HLV chính thức của United. Vào thời điểm ấy, đó là quyết định mà hầu như tất cả đều chờ đợi. Bởi còn ai xứng đáng hơn Ole, sau những gì mà ông đã làm được chỉ trong 3 tháng dẫn dắt United?
************
Tối Chủ Nhật vừa qua, Solskjaer đã đạt tới cột mốc 100 trận làm HLV United. Ole tiếp cận cột mốc này sau một chuỗi trận ấn tượng: hạ Newcastle 4-1, thắng PSG 2-1 sân khách và hủy diệt Leipzig 5-0, xen kẽ là trận hòa Chelsea 0-0. Những gì mà United thể hiện trong trận đấu thứ 99 của Ole, thắng Leipzig, đặc biệt là 45 phút hiệp hai tạo một cảm giác rằng HLV người Na Uy đã tìm được một kết cấu chiến thắng ổn định.
Nhưng hóa ra “sự ổn định” ở United – Ole vẫn chỉ như một cơn gió thoảng. Trước Arsenal, đối thủ mà United chưa từng thua sân nhà trong khuôn khổ Premier League 13 năm qua, họ chỉ có đúng 1 cú dứt điểm cầu môn hiệp một và thất bại chung cuộc 0-1. Mô hình hàng tiền vệ kim cương đem đến hiệu quả tuyệt vời ở trận thắng Leipzig trở thành thảm họa trong 90 trước Arsenal. Pogba, thể hiện xuất sắc trước Leipzig, chỉ 3 ngày sau sắm vai tội đồ trong trận thua “Pháo thủ”.
Hóa ra “kim cương” không phải là bất hoại. Và ý tưởng, thêm một lần xây dựng lối chơi xung quanh Pogba, lại trở nên rủi ro hơn bao giờ hết. Hành trình tìm kiếm sự ổn định cho United của Ole, dường như quay trở lại điểm xuất phát…
100 trận đầu tiên trên cương vị HLV United, Ole có 55 chiến thắng, 21 hòa và thua 24. Ole trở thành HLV United có tỷ lệ thắng khi chạm mốc 100 trận cao thứ 3 trong lịch sử CLB. Trong đó có 32 khúc khải hoàn trong 65 trận ở Premier League. Tới đây, có một sự khác biệt quan trọng: khi còn là HLV tạm quyền, Ole cùng United thắng 10/13 vòng đấu Ngoại hạng Anh. 52 trận sau đó, sau khi chính thức ký hợp đồng 3 năm làm HLV chính thức “Quỷ đỏ”, Ole chỉ thắng 22, tức tỷ lệ thắng khoảng 42%.
Nhưng United, trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên của Ole, mùa 2019/20 lại có thành tích tổng thể không hề tồi: hạng 3 chung cuộc Premier League, vào bán kết ở cả 3 đấu trường Cúp mà họ góp mặt (Europa League, FA Cup và League Cup). “Quỷ đỏ” cũng thắng Chelsea 4 lần, Man City 3 lần, 2 lần đánh bại PSG ngay tại sào huyệt đối thủ, sở hữu thành tích đối đầu trực tiếp trong “Big 6” tốt thứ 2, chỉ kém duy nhất Liverpool (và kém đúng 1 điểm).
Cho đến thời điểm hiện tại, giá trị mà Ole tạo dựng được ở Old Trafford vẫn là thứ tranh cãi dai dẳng. Không xuất sắc và ổn định như kỳ vọng cao nhất nhưng vẫn đạt được kết quả khả quan về mặt tổng thể. Đạt hiệu quả thi đấu đáng nể trước nhóm đối thủ mạnh nhưng thường xuyên thể hiện tầm thường trước đối thủ dưới cơ. Thực tế này tạo ra sự mâu thuẫn lớn trong cách người ta đánh giá về công việc của Ole, sau gần 2 năm dẫn dắt United. Ole thành công? Ole thất bại? Ngoài Ole, ai có thể làm tốt hơn trong hoàn cảnh hiện tại của United? Và những cuộc tranh cãi lại tiếp tục…
Solskjaer vẫn chưa giải quyết được vấn đề đáng lo nhất của Man Utd
Một câu lạc bộ có tầm vóc như Man United cần phải thể hiện được nhiều điều hơn là chỉ biết chơi phản công. Trên thực tế, không một đội bóng mang tham vọng vô...
**************
Những tranh cãi về giá trị của Ole ở United, cũng mâu thuẫn hệt như chính ông trong ngần ấy thời gian dẫn dắt “Quỷ đỏ”. Với một HLV từng rất nhiều lần tuyên bố về việc gầy dựng lại bản sắc và văn hóa United như Ole, bạn chắc chắn sẽ kỳ vọng một cách chơi khác so với những gì mà tập thể này thường xuyên trình diễn. Nhưng sau 100 trận của Ole, cái gọi là phong cách định hình, bản sắc rõ ràng, hay thậm là sự ổn định trong lối chơi, vẫn là cái gì đó hết sức mờ nhạt.
Nhưng những nguyên nhân hàng đầu khiến United-của-Ole vẫn như một công trường dang dở, lỗi phần lớn thuộc về những cấp trên của HLV người Na Uy.
Bạn hẳn tự hỏi, những cái tên xuất hiện trong kế hoạch “đưa United trở lại” mà Ole trình với Ed vào ngày 28/12 cách đây 2 năm, là ai? David de Gea và Paul Pogba? Không có gì phải hoài nghi. Marcus Rashford và Anthony Martial? Chắc chắn là như vậy. Nhưng quan trọng hơn, cách tiếp cận bóng đá cùng một kết cấu chiến thuật liên tục và ổn định, mà Ole hướng tới vào thời điểm đó, chắc chắn không phải là 3-5-2 ở trận thắng PSG 2-1 (dù nó hoạt động tốt) hay mô hình hàng tiền vệ kim cương đem tới 2 kết cục hoàn toàn trái ngược trước Leipzig (5-0) và Arsenal (0-1) vừa qua.
Hãy nhớ lại những gì Ole nói vào cuối tháng 12/2018. “Triết lý của tôi, rất rõ ràng, là hướng tới việc mở rộng không gian phát triển bóng”. Và để áp dụng triết lý này ở United, một đội bóng vốn rất thiếu các chuyên gia đá cánh, Ole khẳng định ông sẽ bắt đầu bằng việc tìm kiếm các hậu vệ biên phù hợp. “Trong quan điểm của tôi, nền tảng quan trọng nhất để 1 CLB thành công trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại là phải có các hậu vệ cánh có khả năng kiến tạo lối chơi”, Ole cho biết.
“Tốc độ và sức mạnh. Đó là những gì chúng tôi đang có, với những Paul (Pogba), Anthony (Martial), Alexis (Sanchez), Romelu (Lukaku), Marcus (Rashford). Tấn công đối thủ với tốc độ cao, cũng là triết lý ưa thích của tôi” – vẫn lời Ole gần 2 năm về trước.
United thực sự đã có những trận thắng kinh điển và thu về không ít thành tựu khi xây dựng cách chơi tấn công dựa trên tốc độ và khả năng xuyên phá của cặp Rashford-Martial. Nhưng đội bóng của Ole vẫn thiếu những cầu thủ có khả năng kéo giãn hàng phòng ngự đối phương, hay phát triển bóng theo chiều ngang. Chính bởi khiếm khuyết nhân sự ở vị trí này mà Ole phải xoay liên tục, từ việc thử nghiệm các lựa chọn khác nhau ở 2 biên đến việc tung ra sân một đội hình mà không có 1 cầu thủ chạy cánh chuyên biệt nào (Leipzig và Arsenal).
Trong bối cảnh Ed và những cánh tay nối dài của phó chủ tịch điều hành CLB viển vông tin rằng United đã có một kỳ chuyển nhượng Hè 2020… đủ tốt thì Ole hoàn toàn có lý do để thất vọng nghiêm trọng bởi rốt cuộc, sau nhiều “phiên chợ” liên tiếp, hầu như đa số những cái tên mà ông muốn có nhất vẫn ở đâu đó ngoài cánh cổng Old Trafford.
Ole muốn Erling Haaland và kết quả hậu bối đồng hương Na Uy gia nhập Dortmund. Đổi lại Ed đem về cho Ole 2 thương vụ “Panic” cho vị trí trung phong, Odion Ighalo vào cuối tháng Một và Edinson Cavani đầu tháng Mười. Mục tiêu số 1 Jadon Sancho vẫn ở lại Dortmund còn Ole “có” hẳn 2 cầu thủ trẻ sở trường vị trí tương tự: Facundo Pellistri và Amad Diallo, người đầu đã nhập đội, còn người thứ 2 thì… chờ tới năm sau. Tuyến giữa vốn chẳng thiếu tiền vệ sáng tạo, với Pogba và Bruno Fernandes, bỗng đâu lại xuất hiện thêm Donny Van de Beek khiến Ole càng thêm đau đầu trong việc lựa chọn nhân sự ở khu vực này.
************
Trách Ole thì quá dễ. Nhưng trong bối cảnh, nhân sự chỗ thiếu vẫn thiếu, nơi thừa lại càng thừa như United hiện tại, Ole xứng đáng nhận được sự cảm thông, kể cả khi những nỗ lực tìm kiếm công thức chiến thắng của HLV người Na Uy vẫn chưa cho ra đáp án đúng.
Tưởng chừng câu trả lời tốt nhất đã có vào cuối mùa giải trước, trong tháng đầu tiên Ngoại hạng Anh trở lại sau giai đoạn giãn cách, với Pogba-Matic chơi cặp tiền vệ trung tâm, phía sau Bruno và trên cùng là bộ ba trẻ trung đầy tốc độ Martial-Rashford-Greenwood. United đã thắng liên tiếp nhiều trận, thậm chí là thắng đậm với kết cấu này nhưng khi thể lực tới hạn, sự ổn định và hiệu quả cũng biến mất. Những phương án dự phòng như McTominay, Fred hay Mata và vài người khác chơi tốt ở 1 số trận nhưng lại không duy trì đủ lâu.
Những màn trình diễn thất vọng ngày một nhiều hơn, đặc biệt là Old Trafford. Pogba trở lại với hình ảnh thất thường với những trận đấu kém xa so với tiềm năng to lớn mà anh sở hữu. Van de Beek, trong khi đó, vẫn chưa đá chính 1 trận nào ở Premier League mùa này, có lý do để bắt đầu hoài nghi về lựa chọn gia nhập United của mình.
“Tấn công tốc độ” và “mở rộng không gian phát triển bóng”, nền tảng quan trọng nhất trong triết lý bóng đá của Ole trở nên… nực cười khi nhìn vào đội hình của United trong những phút cuối trận thua Arsenal: cặp tiền đạo Cavani – Rashford, phía dưới họ là bộ tứ tiền vệ Matic, McTominay, Pogba và Van de Beek. Thấp hơn là hai hậu vệ cánh, Luke Shaw và Wan-Bissaka, vốn chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng hỗ trợ tấn công.
“Hàng tiền vệ kim cương “hẹp nhất có thể” và 2 hậu vệ cánh không có khả năng phát triển bóng, đó là United trước Arsenal. Hệ thống hoàn toàn không rõ ràng. Một mớ hỗn độn thực sự” – Gary Neville phân tích trên Sky Sports.
Tim Cahill, đồng đội của Arteta thời Everton thì bình luận thế này: “Arsenal đã thua một vài trận nhưng họ biết tại sao họ thua. Họ học được từ những thất bại và đang tiến bộ từng ngày”. Ẩn ý của Cahill, chẳng phải là United của Ole dường như… không ý thức được về cách mà họ thất bại hay sao?
Câu hỏi quan trọng nhất, sau tất cả, là United – Ole có đang tiến bộ, có “đang đi đúng hướng” hay không như chính HLV người Na Uy nhiều lần tuyên bố? Bởi United hiện tại vẫn giống như một tập thể đi trên dây, giữa 2 đầu kỳ vọng và thất vọng.
Chiến thắng trước Newcastle, PSG hay Leipzig mang lại sự lạc quan nhưng sau khi thua Arsenal, chỉ cần thêm 1 cú bước hụt nữa, những lo lắng, nghi hoặc và bất ổn cũ sẽ trở lại.
Có quá nhiều vấn đề đang tồn tại ở United, trong năm thứ 7 thời hậu Sir Alex Ferguson và Ole chỉ là 1 trong số đó. Nhưng Ole, sau 100 trận đầu tiên, sau khi đã chi tới 270 triệu bảng ở các kỳ chuyển nhượng, đang ở vào tình thế bắt buộc phải tìm ra giải pháp giúp “Quỷ đỏ” chơi thứ bóng đá ổn định và có-bản-sắc.
Đó không chỉ vì tương lai của chính bản thân mà còn bởi tình yêu sâu sắc mà Ole luôn dành cho “Quỷ đỏ”. Hơn ai hết, Ole hiểu rằng, nếu ông thất bại, hành trình tìm lại “thời gian đã mất” của United sẽ còn chông gai hơn nhiều…
Lược dịch: Solskjaer no closer to finding United’s lost identity than Mourinho or Van Gaal (Oliver Kay – The Athletic)