Thương vụ mua lại đa số cổ phần CLB Newcastle của giới chủ Saudi Arabia thực sự gây chấn động bóng đá Anh nói riêng và bóng đá thế giới nói chung tuần qua.
Ảnh: Getty Images
Nếu ví những cổ động viên Newcastle là cô bé bán diêm như trong truyện cổ tích cùng tên của nhà văn Christian Andersen, thì sau khi quẹt những que diêm trong vô vọng, giờ họ đang hưởng sự ấm áp của lò sưởi dưới cây thông Noel và được dùng bữa tối thịnh soạn với người bà yêu dấu.
Và trên tay họ là tiền, rất nhiều tiền.
Sau 14 năm khó khăn và tằn tiện ở Tyneside dưới thời chủ tịch Mike Ashley, Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) với tài sản ước tính lên tới 700 tỷ bảng đã mua lại 80% cổ phần CLB Newcastle. Amanda Staveley – CEO của PCP Capital Partners nắm giữ 10% cổ phần. 10% còn lại thuộc về anh em nhà Reuben, hai tỷ phú sở hữu một loạt bất động sản lớn trong thành phố như trường đua ngựa Newcastle hay trung tâm mua sắm Monument Mall.
Một tin chấn động với làng túc cầu là điều chắc chắn. Nó giống như ngày Roman Abramovich “thay da đổi thịt“ Chelsea tháng 7/2003, hay như khi những ông chủ đến từ Abu Dhabi mua lại Manchester City tháng 9/2008. Đáng chú ý hơn, chủ sở hữu CLB giàu nhất Premier League trước đây là Manchester City cũng “chỉ“ sở hữu 23 tỷ bảng.
Chúng ta hãy tìm hiểu bản chất của vụ thâu tóm này, thông qua các câu hỏi dưới đây.
TẠI SAO SAUDI ARABIA LẠI MUỐN MUA NEWCASTLE?
Khi bạn sở hữu quá nhiều tiền mà chưa thể nổi tiếng, hãy dùng tiền để làm thương hiệu. Đó chính xác là điều Saudi Arabia đang làm; họ không phải là quốc gia Trung Đông đầu tiên làm điều đó.
Bước sang thế kỉ 21, các đất nước vùng Vịnh đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào thể thao để PR bản thân, với UAE và Qatar là hai nước đi tiên phong.
Năm 2005, Qatar mở học viện Aspire, một sự kiện có sự xuất hiện hiếm hoi của cả Pele và Diego Maradona trên cùng một sân khấu. Đó là phát súng đầu tiên, mở đầu cho các khoản đầu tư trong các năm tiếp theo, từ việc mua các CLB trên khắp châu Âu (PSG, Malaga…), thành lập một kênh thể thao mới (beIN Sports) cho đến việc giành quyền đăng cai World Cup 2022. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 không thể ngăn cản Abu Dhabi đẩy mạnh đầu tư vào thể thao bằng việc mua lại Manchester City.
Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, là ông chủ mới của Newcastle. Ảnh: AFP
Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, đồng thời là chủ tịch của PIF dĩ nhiên không muốn đứng ngoài cuộc chơi này. Thâu tóm một CLB châu Âu là nỗ lực của ông trong công cuộc đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia vốn chỉ quanh quẩn ở những giếng dầu. Sự hấp dẫn đại chúng của bóng đá cũng là cách để Saudi Arabia lấy được sự ủng hộ của nước ngoài.
VÌ SAO PREMIER LEAGUE LẠI CHO PHÉP VỤ MUA BÁN NÀY DIỄN RA?
Điều quan trọng nhất là thỏa thuận được ký giữa beIN Sports và Saudi Arabia về phát sóng hợp pháp các trận đấu Premier League ở quốc gia vùng Vịnh này.
Tranh chấp chính trị khiến beIN, hãng truyền thông của Qatar bị cấm phát sóng ở Saudi Arabia suốt 4 năm rưỡi. Đây là khởi nguồn cho việc beIN kiện đất nước này và yêu cầu bồi thường 1 tỷ USD do họ từ chối chiếu các trận đấu ở Premier League, ngoài ra còn là việc vị phạm bản quyền bóng đá thông qua các nguồn bất hợp pháp ở Saudi Arabia, được thiết lập trên beoutQ.
Tuy nhiên, phía Saudi Arabia đã tiếp cận beIN Sports để kết thúc các vấn đề về pháp lý. Các trận đấu Premier League sẽ được kênh truyền hình Qatar chiếu một cách hợp pháp sang quốc gia láng giềng. Chính phủ Saudi Arabia cũng đã cam kết xóa bỏ beoutQ và các trang web vi phạm bản quyền khác.
Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đảm bảo với Premier League về sự tách biệt giữa nhà nước và PIF, dù ai cũng thấy Mohammed bin Salman, thái tử và người cai trị đất nước này là chủ tịch của PIF.
CÁC CỔ ĐỘNG VIÊN NEWCASTLE ĐÓN NHẬN TIN NÀY NHƯ THẾ NÀO?
Nếu bạn là người đang khát khô cả cổ trên sa mạc, thì dù có là một cốc nước bẩn trên đường cũng sẽ được bạn đón nhận với sự hoan hỉ. Huống hồ đó là một chai Evian (một hãng nước nổi tiếng của Pháp).
Các cổ động viên Newcastle rất vui khi đội bóng sẽ "đổi đời". Ảnh: Getty Images
Các cổ động viên Newcastle cũng đang có tâm trạng tương tự. Không phải không có những lo ngại về những ông chủ mới trong trang phục áo dài và đội mũ trùm, nhưng đại đa số người hâm mộ muốn có sự thay đổi sau 14 năm thất vọng dưới triều đại chủ tịch Mike Ashley. Bằng chứng là có tới 93,8% cổ động viên muốn việc tiếp quản được chấp thuận theo cuộc khảo sát gần đây của Newcastle United Supporters Trust.
Những năm tháng Newcastle tồn tại “như một thây ma”, theo lời huyền thoại đội bóng Alan Shearer, khiến người hâm mộ sẵn sàng làm ngơ trước các cáo buộc về mặt đạo đức hướng tới những ông chủ mới. Cũng chẳng khó hiểu; sẽ chẳng có gì chứng minh chủ sở mới của họ tệ hơn các ông chủ của Manchester City hay của Liverpool còn đang được tài trợ bởi một ngân hàng bị cáo buộc rửa tiền cho các tập đoàn ma túy.
Nghĩa là khi đã chạm đáy của sự thất vọng, một sự thay đổi dù tốt hay chỉ có lợi trước mắt vẫn là điều đáng kì vọng.
NEWCASTLE SẼ LÀM GÌ TIẾP THEO?
Nếu sở hữu một số tiền lớn trong trò chơi FIFA, bạn sẽ thay máu đội hình ngay lập tức. Newcastle tiếc thay chưa thể ném tiền vào thị trường chuyển nhượng ngay, bởi còn đến ba tháng nữa mới đến kỳ chuyển nhượng mùa đông. Không dễ để tìm ra những cầu thủ giỏi ở kỳ chuyển nhượng này, dù vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng hiện tại có thể khiến họ phải tập trung hơn trong việc tìm người.
Một điều chắc chắn: Luật Công bằng Tài chính sẽ khiến ban lãnh đạo phải cân nhắc nếu muốn tiêu xài hoang phí. Những thương vụ phí phạm như bỏ ra 40 triệu bảng để mua Joelinton cần phải được loại bỏ.
Sẽ có nhiều việc phải làm trước tiên: cải tạo lại sân St. James’ Park, sân tập Darsley Park và học viện, cũng như tìm kiếm tài năng địa phương. Các huyền thoại của CLB như Alan Shearer và Kevin Keegan, hai người bị ngó lơ dưới triều đại Mike Ashley sẽ được giao các vai trò đại sứ tại CLB.
Không ai bỏ tiền tỷ cho một đội bóng xuống hạng cả. Trụ lại Premier League là một trong những điều cấp thiết lúc này của The Magpies.
Newcastle đang đứng ở nhóm cuối trên BXH và còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Ảnh: Getty Images
STEVE BRUCE SẼ VẪN TẠI VỊ?
Không như hộp chocolate của Forrest Gump trong bộ phim cùng tên, chúng ta đều biết chuyện gì gần như chắc chắn sẽ xảy ra sau đó: Steve Bruce sẽ mất việc. Vấn đề chỉ còn là thời điểm, bởi triều đại mới nào cũng cần những con người mới.
Claudio Ranieri từng bị sa thải sau khi đưa Chelsea đứng thứ 2 tại Premier League và lọt vào bán kết Champions League. Các ông chủ của Man City cho Mark Hughes nghỉ việc, dù họ đang đứng thứ 6 và chỉ thua 2 trận, cũng như đã lọt vào đến bán kết League Cup.
Còn Steve Bruce? Đội bóng của ông chưa thắng một trận nào mùa này; bản thân ông cũng không được lòng người hâm mộ (cổ động viên nhiệt thành nhất của Bruce, Mike Ashley thì đã thôi việc). Sa thải ông còn dễ hơn ăn kẹo; tìm được người thay thế ông lại là câu chuyện khác.
Brendan Rodgers và Rafa Benitez đang làm tốt công việc ở Leicester và Everton. Steven Gerrard có vẻ muốn kế nhiệm Jürgen Klopp khi ông rời Liverpool. Antonio Conte giỏi và đang rảnh, nhưng lại là một cá tính nóng nảy, người từng xung đột với các ông chủ trong quá khứ. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác, từ Roberto Mancini, Frank Lampard, Roberto Martinez hay Eddie Howe.
Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?
Đánh bại đối thủ cùng thành phố trong trận derby Manchester, thầy trò Ruben Amorim đã giành được rất nhiều lời ca tụng. Chiến thắng này có ý nghĩa hơn một trận thắng thông thường, vì nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới ở nửa đỏ thành Manchester.
Đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, đứng đầu về thành tích ghi bàn, và tuần nào cũng thi đấu với sự tự tin rõ rệt. Không có gì lạ khi giờ đây Chelsea đang được xem là một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Premier League 2024/25.