La Masia: Sự xuống cấp của một hình mẫu

Tác giả CG - Thứ Hai 04/05/2020 18:00(GMT+7)

Zalo

La Masia cần một khởi đầu mới. Khi tình hình Tây Ban Nha trở lại bình thường, điều mà người hâm mộ muốn thấy là những giá trị của Barcelona được khôi phục - không chỉ là học viện danh tiếng của họ - cũng như tìm lại vinh quang. Như Johan Cruyff từng khẳng định: “Chẳng có tấm huy chương nào vĩ đại hơn lời ngợi ca dành cho phong cách của bạn”.

Trên tạp chí FourFourTwo số mới nhất, ký giả Andy Mitten có bài viết phân tích những lý do cho sự đi xuống của La Masia.
 
La Masia Sự xuống cấp của một hình mẫu hình ảnh
 
Tháng 12 năm 2012, FourFourTwo lần đầu tiên gặp Victor Valdes tại khu tập luyện mới của Barcelona. Trước đó 1 tháng, cựu học viên của La Masia ra sân trong chuyến làm khách đến Levante. Đó là lần đầu tiên, 11 cầu thủ trên sân của Barca đều là những học viên do chính họ đào tạo. Khoảnh khắc ấy, người gác đền Tây Ban Nha cảm thấy vô cùng tự hào.
 
“Bạn không thể đòi hỏi gì thêm khi trên sân có sự hiện diện của cả 11 cầu thủ đi lên từ hệ thống đào tạo trẻ của chính CLB. Đó là điều mà tất cả các đội bóng lớn khác trên thế giới nên hướng tới. Tại sao không nhỉ? Như thế bạn không phải chiêu mộ những bom tấn để có một đội bóng xuất sắc”, Valdes chia sẻ.
 
Anh tiếp tục: “Đây là kết quả của quá trình làm việc suốt 15 đến 20 năm trước đó, điều không thể nào xong chỉ trong ngày 1 ngày 2. Những người mà chúng tôi nợ điều này hiện không còn ở CLB nữa. Sau trận đấu tôi nhận được rất nhiều tin nhắn từ các HLV cũ. Họ cũng là một phần làm nên thành công”.
 
Đội hình có mặt trên sân hôm đó của Barcelona thực sự ghê gớm: Valdes, Montoya, Pique, Puyol, Alba, Busquets, Xavi, Fabregas, Pedro, Iniesta và Messi. Kết quả, đội bóng xứ Catalonia giành chiến thắng 4-0 trên sân Estadi Ciutat de Valencia. Ngoài ra phải kể đến nhiều cựu học viên La Masia trên ghế dự bị nữa. HLV trưởng Barcelona khi ấy, Tito Vilanova, cũng là một cựu học viên La Masia. Khu tập luyện của Barcelona hiện đã được đổi tên thành Vilanova để vinh danh người thuyền trưởng quá cố.
 
Sân tập của đội, nằm cách 5 dặm so với Camp Nou ở thung lũng sông Llobregat, được trang bị tốt hơn La Masia. Một trang trại (nghĩa đen của từ “Masia” trong tiếng Catalonia) vẫn nằm bên ngoài sân vận động nổi tiếng của Barcelona. Với những điều kiện khá tù túng, Barcelona quyết định nâng cấp hệ thống khu phức hợp của mình để nó trở nên hiện đại và tiện nghi hơn. Tại đó có hình ảnh của các cựu học viên La Masia như Lionel Messi, Andres Iniesta và Xavi. Khi mọi người rời khỏi các căn phòng sẽ thấy thông điệp: “Chúng ta sẽ cùng nhau thật mạnh mẽ”. Ngoài ra còn có hình ảnh của Johan Cruyff và Laureano Ruiz - những người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, tạo ra cuộc cách mạng cho đội bóng ở những thập niên trước.
 
Barca muốn đào tạo ra những con người tử tế cũng như những cầu thủ xuất sắc. Nền tảng giáo dục là điều vô cùng quan trọng, họ được dạy phải tôn trọng lẫn nhau, không bao giờ gọi đối thủ là kẻ thù. Những cuộc nói chuyện là để gợi mở, sáng tạo thay vì mạt sát; thu hồi bóng chứ không phải chộp giật. Vào ban đêm, Wi-Fi cũng được tắt. 
 
Những bức hình và câu nói của Cruyff xuất hiện khắp nơi trong CLB để truyền cảm hứng cho các cầu thủ trẻ, trong đó có “Bóng đá là một trò chơi mà bạn thi đấu bằng cái đầu” hay “Tôi thích giành chiến thắng 5-4 hơn là 1-0”. La Masia là học viện mạnh nhất trên thế giới với danh tiếng vang lừng. Tuy nhiên đó đã là câu chuyện của quá khứ.
Tại sao Barcelona không còn là “bệ phóng” tốt cho những sao mai La Masia? (p2)
Ở phần một của bài viết, chúng ta đã đề cập đến việc nguồn lực La Masia đang bị lãng phí nghiêm trọng trong những năm qua, bởi sự câu kéo từ các CLB lớn khác...
KHÔNG BAO GIỜ NHƯ TRƯỚC NỮA
 
Trận đấu với Levante vào năm 2012 là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về thành công của La Masia. Đội 1 Barcelona khi đó có nền tảng là những cầu thủ của địa phương cộng thêm các ngôi sao quốc tế, họ kết hợp lại để tạo nên thành công cho một đội bóng mà không chỉ là CLB bóng đá mà còn đại diện cho cả thành phố. Ferran Soriano - hiện là giám đốc điều hành Manchester City và từng có 5 năm đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch Barcelona - nói đó là vòng tuần hoàn, nơi mà thành công sẽ nuôi dưỡng thành công.
 
Jaume Llopis - cựu cầu thủ, bạn thân của Cruyff và hiện là nhà kinh tế học - chia sẻ: “Năm 2010, các ngôi sao tập hợp lại và 3 cầu thủ của Masia là những người xuất sắc nhất trên thế giới theo đánh giá của FIFA. Điều này sẽ không bao giờ lặp lại trong lịch sử bóng đá nữa. La Masia khi đó là nền tảng của đội 1 với khoảng 8 học viên trong đội hình mỗi trận. Và tất nhiên trước Levante là 11 người”.
 
Vậy tại sao điều này sẽ không bao giờ lặp lại nữa? Đội bóng xứ Catalonia đã làm gì sai? “Barca đánh mất đi tư tưởng ban đầu của La Masia”, một HLV giấu tên người Catalonia, từng làm việc tại Barca và Espanyol, chia sẻ với FourFourTwo. “Học thuyết ban đầu xuất phát từ Johan Cruyff, Rinus Michels, Laureano Ruiz và những người như Josep Lluis Nunez - cựu chủ tịch CLB. Sau đó Louis van Gaal và Pep Guardiola cũng nối tiếp con đường và quan tâm tới La Masia.

Họ có những cầu thủ giỏi nhất ở Catalonia, Tây Ban Nha và sau đó là những người như Messi từ Argentina. Nó mang lại hiệu quả về kinh tế và nhiều ý nghĩa khác. Các cầu thủ được chuẩn bị để thi đấu giống như đội một và sẽ có cơ hội thể hiện”.
 
Ký giả Jordi Quixano của El Pais cho rằng CLB bị phân tâm bởi vấn đề độc lập cũng như đã chi quá nhiều tiền để xây dựng lại sân Camp Nou. Kết quả là “Barcelona đánh mất đi mô hình vì những người lãnh đạo không có cùng tầm nhìn dài hạn như những người tiền nhiệm”, theo lời của Quixano. CLB đáp trả rằng La Masia vẫn là ưu tiên và đã có một vài cải thiện.
 
Tuy nhiên, Quixano vẫn bảo lưu quan điểm: “Họ có ý định trở lại với trết lý đó nhưng tôi nghi ngờ sẽ không thể nào quay lại như trước kia được đâu. Có quá nhiều thứ đã thay đổi, quá nhiều cầu thủ hiện nay nhận được những lời đề nghị khổng lồ từ Premier League trong khi Barca sẽ không trả số tiền đó cho cầu thủ trẻ. Sự thụt lùi sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu sắc ở Barcelona”.

Messi Xavi Iniesta
 
Đội bóng xứ Catalonia hiện có quỹ lương cao nhất thế giới, vào năm 2018 nó chiếm 70% toàn bộ doanh thu. Và họ cần cắt giảm. Những hợp đồng lớn như Antoine Griezmann, Philippe Coutinho và Ousmane Dembele - lần lượt là các cầu thủ đắt giá thứ 4, thứ 5 và thứ 6 mọi thời đại - vì những lý do khác nhau đang không thể thể hiện phong độ như khi còn ở đội bóng cũ. Trong khi đó, mức lương khổng lồ của Messi càng làm đội bóng mất cân bằng. Chủ tịch Josep Maria Bartomeu từng mỉa mai rằng toàn bộ nhiệm vụ của ông là kiếm đủ tiền để trả lương cho Messi.
 
Siêu sao người Argentina là một sản phẩm của hệ thống đào tạo trẻ Barcelona, tuy nhiên anh thừa nhận hệ thống đó đã không còn liền mạch nữa. Messi chia sẻ vào năm 2018: “Chúng  tôi đánh mất chút gắn kết với học viện. Các cầu thủ trẻ quan trọng đã rời đi và rất ít khi điều này xảy ra ở CLB số 1 thế giới”.
 
Manolo Marquez - một người Catalonia và đã kế nhiệm Quique Setien tại Las Palmas vào năm 2017 - tin rằng người hâm mộ đội bóng cũng có phần trách nhiệm. “Barcelona không phải Chelsea. Quá nhiều cổ động viên thừa nhận họ thích tư tưởng này nhưng lại không đồng ý sử dụng cầu thủ trẻ, tái thiết đội hình và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4. Với họ lúc nào cũng phải là thứ nhất và thứ nhất.

Ernesto Valverde biết điều đó và do dự khi sử dụng cầu thủ trẻ. Setien, một người bạn mà tôi rất tôn trọng, có tư tưởng bóng đá đẹp. Nhưng ông ấy cần phải giành La Liga hoặc Champions League”.
Bojan Krkic: Sự cô đơn của một thần đồng bị rẻ rúng (P2)
Với Bojan Krkic, “10 năm bóng đá”, với đỉnh cao và vực sâu, với biết bao thăng trầm, với đầy đủ cung bậc cảm xúc, hỉ nộ ái ố, kể từ khi ra mắt đội một...
CHUYỀN VÀ DI CHUYỂN: THÓI QUEN CỦA BARCA
 
Trận đấu gần nhất mà Setien dẫn dắt Barca trước khi Tây Ban Nha bị phong tỏa vì COVID-19 là chiến thắng 1-0 trên sân nhà trước Real Sociedad. Trận đấu đó, họ ra sân với 4 cầu thủ từ La Masia: Messi, Gerard Pique, Sergio Busquets và Jordi Alba. Tất cả đều đã trên 30 tuổi.
 
Liệu có phải băng ghế dự bị với các tài năng trẻ đã sẵn sàng thay thế các anh lớn? Không hẳn vậy. Chỉ 3 trong số 7 cầu thủ dự bị của Barcelona là đến từ học viện của họ: Riqui Puig, Alex Collado và Ansu Fati - một người nhận được rất nhiều kỳ vọng. Trong khi đó, đội Barca B hiện đang chơi ở hạng 3 của Tây Ban Nha kể từ năm 2018, đây là một sự sa sút so với quá khứ. Tuy vậy, Manolo Marquez tin họ hiện đang có một HLV giỏi là cựu tiền đạo cánh Xavi Garcia Pimienta - người bị chính sách hiện tại phần nào làm hạn chế công việc.
 
“Ông ấy đã ở CLB một thời gian dài và giúp nhiều cầu thủ xuất sắc vươn lên qua các cấp độ. Ông ấy dẫn dắt Barca giành UEFA Youth League năm 2018.  Tôi nghĩ ông ấy có thể dẫn dắt đội 1 vào ngày nào đó. Nhưng hiện tại ông đang ở giải hạng 3 và các cầu thủ 20 hoặc 21. Hầu hết các cầu thủ trẻ tài năng nhất đã bị bán”.
 
Segunda Division B của Tây Ban Nha hiện có khoảng 80 CLB và khoảng cách giữa những đội bóng này và đội 1 của họ là rất lớn. Trong 10 năm qua, Barca B chủ yếu chơi ở hạng 2, cấp độ cao hơn nhiều. 
 
Arnau Riera - cựu đội trưởng Barca B - tin rằng khoảng cách là vô cùng lớn. Anh nói: “Ở đội một, cường độ cao hơn. Khi tôi tập luyện với họ, tôi đã bị ngạc nhiên vì tốc độ mà họ thể hiện. Tôi chơi ở đội B mạnh: Messi, Valdes, Iniesta, Oleguer, Thiago Motta và Fernando Navarro đã lên đội một. Tất cả chúng tôi đều hy vọng nhưng cũng biết chưa chắc đã làm được. Rất khó để nhảy vọt và khẳng định bản thân ở đội 1, thi đấu 2 trận mỗi tuần và đối phó với áp lực tinh thần khi bị chỉ trích vì không đạt phong độ cao nhất. Đôi khi, nếu bạn không thông minh để chú ý vào những thứ đó có lẽ lại tốt hơn vì bạn có thể tập trung vào chơi bóng”.

La Masia Sự xuống cấp của một hình mẫu hình ảnh
 
Tuy nhiên, có một điều không khác biệt giữa các cấp độ của Barca chính là triết lý bóng đá. Riera tiếp tục: “Chuyền và di chuyển, thu hồi bóng thật nhanh. Kiểm soát trận đấu, chuyển đổi trạng thái thật nhanh. Chúng tôi được dạy rằng nếu có bóng thì sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận gần khung thành hơn. Trong các buổi tập sẽ có vài trận 11 đấu 11 - sân bóng sẽ nhỏ hơn và các cầu thủ phải chơi 2 chạm. 

Bạn là cầu thủ giỏi nếu bạn chơi cho Barcelona và thực sự là niềm kiêu hãnh rất lớn khi tuyên bố ‘chúng tôi khoác chiếc áo này, chúng tôi là đội bóng mạnh nhất’. Tuy nhiên quá trình đó đã bị ngưng trệ so với thời tôi ở đó và phong cách cũng đã thay đổi. Đội B ở hạng 3 lúc này thi đấu thiên về thể chất nhiều hơn”.
 
Vì sao mọi thứ lại thành như vậy? Jaume Llopis, người bạn của Cruyff, chỉ ra trách nhiệm của những người phụ trách bóng đá ở đội trẻ dưới thời cựu chủ tịch Sandro Rosell và chủ tịch đương nhiệm Bartomeu. “Họ đã làm suy yếu và phá bỏ những ý tưởng của La Masia. Họ chiêu mộ 47 cầu thủ cho Barca B nhưng chẳng ai lên đội 1 cả. Họ khiến La Masia bị tổn thương nặng nề”, ông khẳng định. 
 
Lee Seung-woo, là một tiền đạo triển vọng, anh có biệt danh “Messi của Hàn Quốc”. Năm nay Lee 22 tuổi và mùa giải này có 4 lần ra sân ở giải VĐQG Bỉ trong màu áo Sint-Truiden. Barcelona đã bán anh cho Verona với giá 1,5 triệu euro vào năm 2017 và cài điều khoản mua lại. Trước đó, một vài cầu thủ cũng đã rời đội với mức phí chuyển nhượng lớn như: Pedro (30 triệu euro), Thiago Alcantara (25 triệu euro) và Gerard Deulofeu (13 triệu euro). Họ đều đã có thời gian khẳng định bản thân.
 
Không phải cầu thủ nào tỏa sáng rực rỡ ở tuổi 15 cũng sẽ trở thành Messi tiếp theo, nhưng liệu các cầu thủ trẻ của Barca đã có một cơ hội thật sự công bằng trong năm 2020 hay chưa? Một người bạn khác của Cruyff cho rằng câu trả lời là không: “La Masia hiện nay là một thương vụ kinh doanh. Điều chúng ta có thể học được từ đại dịch này là La Masia rất cần thiết vì không thể nào chiêu mộ cầu thủ với tỷ giá hiện tại. Thế nhưng ban lãnh đạo hiện tại không tin vào họ. Quá nhiều cầu thủ bị bán đi và họ quá thiếu kiên nhẫn với những người khác. Barcelona chỉ cần tiền”.
VIDEO: Lionel Messi: Lùng bắt bọ chét nguyên tử
Lionel Messi đã nung nấu ý định đến Barcelona từ cái ngày mà cậu được thấy Ronaldo của Brazil tung hoành ở Camp Nou vào giữa thập niên 1990. Cậu đã vui như...
CHẢY MÁU TÀI NĂNG
 
Barca không phải đội bóng duy nhất đi vào con đường này, Manchester City cũng là cái tên tương tự. Gã khổng lồ của Premier League đã mang rất nhiều tài năng trẻ sáng giá về CLB với hy vọng một vài người sẽ thi đấu cho đội 1. Tuy nhiên một cầu thủ giàu tiềm năng như Jadon Sancho đã ra đi để tìm kiếm cơ hội thi đấu thường xuyên. Man City cũng đã bán đi những gương mặt triển vọng khác như Manu Garcia, Douglas Luiz và Aaron Mooy. Hệ thống đào tạo trẻ của họ có thể mang lại lợi nhuận.
 
Một giám đốc thể thao ở La Liga nhận định: “Đây chính là mô hình của Ajax. Xét về khía cạnh marketing, cái tên Masia thực sư hoàn hảo”. Có cái tên Barcelona trong CV chắc chắn sẽ giúp rất nhiều trong sự nghiệp của bạn bởi nó sẽ thu hút sự quan tâm từ các đội bóng khác. Barca đã rất ngạc nhiên khi Cesc Fabregas và Gerard Pique chuyển đến Arsenal và Manchester United khi còn trẻ - một xu hướng đến nay vẫn tiếp diễn.

Fabregas Messi Pique
Pique, Fabregas, Messi và thế hệ 1987 của Barcelona.
Jaume Llopis nhận định: “Thế hệ xuất sắc nhất là lứa 87. Plancheria, Valiente, Pique, Cesc, Songo’o, Clausi, Riera, Giribet, Vazquez, Messi. Một lứa nữa cũng không quá tệ là lứa 91: Thiago Alcantara, Montoya, Bartra, Rochina, Pacheco, Tello. Khi đó họ có một vài cầu thủ thực sự giỏi nhưng hiện nay đang ít đi. Những quy định của FIFA đã làm hại Barca; ngoài ra các CLB khác cũng đưa ra những mức lương khá cao. Và họ còn cần một HLV trưởng ở đội 1 như Pep, người sẽ trao cơ hội cho cầu thủ trẻ. Barcelona đầu tư rất nhiều vào La Masia nhưng họ không muốn chi số tiền chuyển nhượng lớn cho các cầu thủ trẻ và đó là mấu chốt. Họ nghĩ rằng có cách tốt hơn”.
 
Lúc này các CLB lớn đang nhăm nhe cướp những ngôi sao trẻ của nhau. Juventus chiêu mộ Paul Pogba từ Manchester United và cũng muốn có Mason Greenwood khi đã từng đưa ra lời đề nghị đổi đời với số tiền lớn vào năm 2019. Man United không tiết lộ tổng số tiền cụ thể nhưng vào tháng 7 năm 2019, họ đã chi 9,3 triệu bảng cho Hannibal Mejbri, cầu thủ 16 tuổi, từ Monaco. Trước đó, Monaco có được Mejbri với giá 1 triệu bảng khi cậu mới 14 tuổi.
 
Dưới thời chủ tịch Bartomeu và cựu tổng giám đốc Pep Segura, Barca sẽ không đời nào trả số tiền như vậy. Gần đây, họ đã mất một loạt các tài năng trẻ Tây Ban Nha như Adrian Bernabe (18 tuổi, Manchester City), Sergio Gomez (19 tuổi đến Borussia Dortmund), Pablo Moreno (17 tuổi đến Juventus), Jordi Mboula (21 tuổi đến Monaco), Abel Ruiz (20 tuổi đến Braga), Carles Perez (22 tuổi đến Roma) và Robert Navarro (17 tuổi đến Monaco sau đó là Real Sociedad). Đáng tiếc nhất chắc chắn là trường hợp Eric Garcia đến Man City vào năm 2017 và người đại diện của anh không ai khác ngoài Carles Puyol.
 
Đa số các cầu thủ này là người Catalonia. Hợp đồng đầu tiên của họ là khi mới 16 tuổi với mức lương 15.000 euro mỗi năm. Tuy nhiên đến Man City, họ có thể nhận được 250.000 euro mỗi năm. Barca có thể khá giả nhưng họ được sở hữu bởi các thành viên và đơn giản là không thể nào cạnh tranh nổi vỡi quỹ đầu tư thuộc sở hữu của cả một quốc gia.
 
Ký giả Jordi Quixano của El Pais bày tỏ: “Một vài cầu thủ vẫn lên đội một nhưng không nhiều. Ansu Fati là người đáng chú ý nhất trong vài mùa giải vừa qua. Carles Perez không được thi đấu nhiều; Carles Alena cũng thế và bị cho mượn đến Real Betis. Ernesto Valverde thích những cầu thủ kinh nghiệm hơn”.
 
“HỌ NÓI NHIỀU VỀ LA MASIA NHƯNG LẠI LÀM NGƯỢC LẠI. THẬT ĐAU LÒNG”

Ansu Fati: Vi sao vut sang
Ansu Fati là một tài năng từ La Masia nhận được nhiều kỳ vọng.
 
Mare Cucurella là một trong những cầu thủ hay nhất được giới thiệu ở Camp Nou mùa giải này, tuy nhiên hậu vệ trái người Catalonia đang khoác áo Getafe. Cucurella được bán cho Getafe với giá 6 triệu euro vào năm 2019 (Barca được hưởng tới 40% phí). Carles Perez - người có 6 lần ra sân cho Barca trong 7 trận đầu tiên của La Liga mùa năm nay - được cho mượn ở Roma với điều khoản buộc đội bóng thủ đô Italy phải mua đứt với giá 11 triệu euro. 
 
Sau khi ghi bàn vào lưới Gent ở Europa Leauge, Perez bày tỏ: “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra ở Barca nữa. Họ không có một lời giải thích thỏa đáng nào và 10 ngày trước khi kỳ chuyển nhượng đóng cửa, họ nói tôi sẽ ra đi. Họ không còn kiên nhẫn với các cầu thủ trẻ, thật đau lòng. Giấc mơ của tôi là thi đấu cho Barca và nó đã bị đánh mất. Họ nói nhiều về La Masia nhưng lại làm ngược lại”.
 
Về mặt tài chính Barca đang gặp những khó khăn, họ phải cắt giảm lương tạm thời trong khoảng thời gian La Liga tạm dừng vì COVID-19. Do đó, số tiền thu về từ việc bán cầu thủ trẻ thật khó mà chối từ. 
 
Vào năm 2021, Barcelona sẽ bước vào cuộc bầu cử chủ tịch. Và điều này có liên hệ mật thiết tới tương la của La Masia. Jaume Llopis nhận xét: “Chủ tịch mới phải đặt ra mục tiêu đầu tiên là hồi sinh La Masia và biến nó trở lại thành hình mẫu của thế giới. Với việc coronavirus và khủng hoảng kinh tế tác động ở Barca, lối thoát duy nhất và chiến lược tương lai nằm toàn bộ ở những điều tốt đẹp vẫn đang tồn tại trong phương pháp cũng như DNA của Barcelona”.
 
La Masia cần một khởi đầu mới. Khi tình hình Tây Ban Nha trở lại bình thường, điều mà người hâm mộ muốn thấy là những giá trị của Barcelona được khôi phục - không chỉ là học viện danh tiếng của họ - cũng như tìm lại vinh quang. Như Johan Cruyff từng khẳng định: “Chẳng có tấm huy chương nào vĩ đại hơn lời ngợi ca dành cho phong cách của bạn”.
 
Lược dịch từ bài viết: “The Death of La Masia” của tác giả Andy Mitten trên FourFourTwo.

CG
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?

X
top-arrow