Khi đây không phải lúc "chết"

Tác giả KDNX - Thứ Ba 22/06/2021 17:14(GMT+7)

Zalo

Trước mắt đội tuyển Anh sẽ là 90 phút trên sân Wembley trước CH Czech, một trong những nền bóng đá lâu đời nhất của bóng đá khối XHCN trong quá khứ. Họ là một thử thách thực sự với đội tuyển Anh, nhất là ở hàng tiền đạo, nơi mà CH Czech đang có được Patrik Schick, họng pháo hiệu quả nhất của đại diện tới từ Trung Âu này.

Đội tuyển Anh
 
"Ở tuổi 19, Billie Eillish viết nhạc cho phim 007, còn tôi, cũng 19 tuổi thì lại ngồi xem người ta làm gì với nhạc của cô gái này."
 
Đó chỉ là một số trong vô vàn những bình luận dưới bài hát "No Time To Die" (Không phải lúc chết - ND) của Billie Eillish, một cô gái mới 20 tuổi, cái tuổi mà người ta vẫn cho rằng "ăn chưa no, lo chưa tới", cái tuổi nằm giữa ranh giới của một đứa trẻ và một người trưởng thành. Dù còn rất trẻ nhưng Billie Eillish đã giành được rất nhiều Grammy và đủ mọi danh hiệu lớn nhỏ của âm nhạc thế giới, một điều mà ít ai làm được ở cái độ tuổi đó. Sức ảnh hưởng của cô gái nhỏ này lớn đến mức Dave Grohl, tay trống huyền thoại của Nirvana, còn khẳng định rằng cô gái nhỏ này khiến anh nhớ tới Kurt Cobain, đồng đội của anh.
 
Như một sự tình cờ thú vị, “No Time To Die” được viết cho một bộ phim của 007 có cái tựa giống với bài hát. Và cũng tình cờ thay, 007 là một người Anh, quê hương của bóng đá và của nhiều bộ môn khác liên quan tới quả bóng. 
 
Nhìn vào tựa đề của bài hát, dù không liên quan nhiều tới đội tuyển Anh, tôi vẫn thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Sau 1 trận thắng trước Croatia và một trận hòa đầy thất vọng trước Scotland, Tam Sư  lại một lần nữa đặt mình vào thế khó, hay nói văn hoa, là cái thế "không thể chết". Dù đã chắc suất đi tiếp, nhưng chỉ cần một trận thua thôi họ có thể họ sẽ rơi xuống vị trí thứ 3, vị trí có thể khiến họ gặp rất nhiều khó khăn ở vòng sau.
 
Nếu ở bài viết cho Azzurri, tôi đã đưa các bạn đến với sự sôi động của Maneskins, quán quân Eurovision năm nay, thì bài viết này về Tam Sư sẽ là một sự sâu lắng, thậm chí có phần trầm buồn. Đó là một đội bóng luôn khiến cho những người hâm mộ của họ hy vọng rồi lại thất vọng, thậm chí khiến họ cảm thấy như bị bội phản.
 

“LÀ EM XUẨN NGỐC, HAY ANH DỐI LỪA”

 
Có lẽ, thứ ám ảnh tôi đầu tiên đó chính là những câu hát này của cô gái nhỏ, những lời hát như cứa vào lòng người nghe, những tiếng lòng của một cô gái bị tình yêu của đời mình bội phản:
 
“You were my life
But life is far away from fair
Was I stupid to love you?
Was it obvious to everybody else
That I'd fallen for a lie?”
 
Tạm dịch: "Người là tất cả đời em. Nhưng đời nào có công bằng. Em có ngu muội không khi yêu người? Có phải ai cũng thấy, rằng em đã bị dối lừa?"
 
Có lẽ, với những người yêu Tam Sư, những dòng nhạc trên của cô gái nhỏ người Mỹ sẽ chạm đến tim họ. Bởi cũng như Billie Eillish, khộng biết bao nhiêu lần, họ đem lòng yêu đội tuyển Anh để rồi những gì họ nhận lại chỉ là những đau đớn, những dối lừa, để rồi khi đó, họ chỉ biết đấm ngực mà than: "Là em ngu ngốc, hay là Anh lừa?"
 
Khi được hỏi họ yêu đội tuyển Anh vì điều gì, đa số sẽ nhắc đến những cái tên tới từ Premier League như Wayne Rooney, Paul Scholes, David Beckham của Man United. Michael Owen, Steven Gerrard, hay xa hơn là Robbie Fowler của Liverpool. Nhưng có lẽ, câu trả lời được nhiều người đồng ý nhất, đó chính là sức hút khó cưỡng của Premier League, giải đấu danh giá và phổ biến nhất trong thế giới bóng đá.

Đội tuyển Anh
Màn trình diễn của đội tuyển Anh ở hai trận vừa qua chưa đáp ứng được yêu cầu của người hâm mộ. Ảnh: Getty Images
 
Không thể phủ nhận sức hút của Premier League ở Việt Nam, nhất là ở kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Có lẽ, lực lượng fan đông đảo và lâu đời nhất trong làng bóng đá Châu Âu ở Việt Nam chính là người hâm mộ Premier League, những người bị sự hấp dẫn của lối chơi ban bật của Man United, của tinh thần lăn xả mà Liverpool đã thể hiện hay dàn sao được đem về bằng những đồng tiền dầu mỏ của Chelsea dưới thời Roman Abramovich.
 
Có lẽ vì vậy mà người hâm mộ bóng đá Anh, đặc biệt là ở Việt Nam, đã sản sinh ra một ảo vọng về đội tuyển Anh, về một nền bóng đá Anh hùng mạnh, một đội tuyển Anh "đánh Đông dẹp Bắc" ở các đấu trường Euro hay World Cup. Để rồi khi Tam Sư sụp đổ, họ lại khóc than, lại trách móc các HLV của đội tuyển Anh nhiều như người hâm mộ bản địa vậy.

Luôn là vậy, mỗi lần Anh để thua hay bị cầm hòa như cái cách mà họ bị cầm hòa bởi Scotland trong trận đấu ở lượt trận thứ hai Euro 2020, chúng ta sẽ thường thấy người hâm mộ của Man United, Liverpool, Man City quay qua đổ tội cầu thủ của nhau trên khắp các diễn đàn. Từ sự bế tắc của Sterling ở hàng công đến việc các cầu thủ của tuyến giữa ĐT Anh, trong đó có Mason Mount, không biết cách phân phối bóng sao cho hợp lý nhất để cầu thủ của đội bóng họ có được vị trí thuận lợi cho một pha làm bàn,… Đâu cũng là lý do để người hâm mộ Premier League chỉ ra để biện minh cho sai lầm của các cầu thủ đội nhà, đồng thời trách cứ cầu thủ của CLB đối địch.
 
Tuy nhiên, có một điều mà họ bỏ qua, đó chính là sự bế tắc và những quyết định khó hiểu của Gareth Southgate ở trận đấu đó. Thay vì tung Jadon Sancho, Jude Bellingham hay xa hơn là Marcus Rashford, những cầu thủ đã được chứng minh từ trước, ông thầy người Anh lại quyết định đưa vào sân Raheem Sterling, người ngoài pha ghi bàn có phần may mắn trong trận gặp Croatia ra vẫn chưa thể hiện được một sự tiến bộ nào trên sân.
 
Kể cả cái tên được cho là nhiều kỳ vọng nhất của Tam Sư là Jack Grealish cũng chẳng sáng hơn là bao nhiêu. Xuyên suốt cả trận, anh bị đàn anh Stephen O'Donnell "bắt chết". Sẽ càng buồn cười hơn khi nghe hậu vệ cánh phải này chia sẻ bí quyết "bắt chết" Grealish của anh. Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn sau trận, Stephen O'Donnell đã nói rằng xuyên suốt trận đấu, theo lời mách nước của John McGinn, đồng đội của anh ở ĐTQG và là đồng đội của Jack Grealish ở Aston Villa, Stephen O'Donnell đã khen Jack Grealish đủ thứ, từ vẻ ngoài đẹp trai của anh, thậm chí khen cái bắp chân của tiền vệ công người Anh nhằm gây ra sự phân tâm cho cầu thủ 26 tuổi. 

Đội tuyển Anh
Raheem Sterling là một trong những cầu thủ thi đấu thất vọng nhất của ĐT Anh, dù anh là người ghi bàn duy nhất cho Tam Sư ở Euro 2020 đến lúc này. Ảnh: Getty Images
 
Có thể thấy, ví dụ này của Stephen O'Donnell đã cho thấy tập thể của HLV Gareth Southgate vẫn chưa phải là một tập thể mạnh về tâm lý, bằng chứng rõ nhất đó là khi các cầu thủ Scotland có được một bức tường thành vững chắc trước khung gỗ David Marshall, lập tức Anh thể hiện rõ bộ mặt bế tắc của mình.
 

GÃ PHỤ BẠC TINH RANH HAY CHÀNG KHỜ ĐÁNG YÊU?

 
Trong bài viết của mình cho trang tin Player's Tribune, HLV Gareth Southgate đã dành hẳn một bức tâm thư gửi tới người hâm mộ đội tuyển Anh, một lá thư mà theo ông, tới từ trái tim và tâm hồn mình.
 
Trong tâm thư đó của mình, có một đoạn đã tóm gọn lại những gì đội tuyển Anh đã thể hiện cho tới lúc này. Cụ thể, ông thầy người Anh đã viết: "Không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng chúng ta đang ở một thời đại khác, một thời đại mà các cầu thủ không còn gần gũi người hâm mộ như trước. Chúng ta chẳng còn thấy họ đi chung chuyến xe sau một trận đấu hay ngồi trong quán bar cùng chúng ta để phân tích những gì đã diễn ra sau trận. 
 
Dù vậy, có một thứ không thể phủ nhận về thế hệ hiện tại của bóng đá Anh, đó là niềm kiêu hãnh của họ khi được đại diện cho Tổ quốc.
 
Ý niệm về việc các cầu thủ kể trên không hiểu giá trị của việc đầu quân cho đội tuyển Anh, thậm chí không quan tâm, thực sự là một ý niệm sai lầm. Chẳng phải đào sâu để thấy được điều đó đâu. Các bạn chỉ cần nhìn vào những thứ mà tôi đã nhìn thấy khi đội U15 đến với sân St George Park lần đầu, hay nhìn vào ánh mắt của các cầu thủ khi được lên đội một lần đầu. Có thể thấy rõ sự tự hào của họ, của làng xóm và của gia đình trong đó."
 
Đúng là người hâm mộ Tam Sư sẽ cảm thấy chán nản, thậm chí bực mình mỗi khi nhìn Sterling đi bóng tới cuối sân để rồi mất bóng, hay nhìn thấy Jack Grealish, Mason Mount thi đấu không sáng nước. Nhưng có một điều mà chúng ta có thể thấy rõ, đó là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc của lứa cầu thủ này, là việc Sterling sau mỗi pha bóng hỏng lại bật dậy và tiếp tục thể hiện mình ở một pha bóng khác như để chứng minh tình yêu của mình cho màu áo trắng anh đang mặc.

Đội tuyển Anh
Rất nhiều thách thức cho Southgate và các học trò. Ảnh: Getty Images
 
Có lẽ, tôi đã hơi sai khi nói rằng đội tuyển Anh giống với một gã người yêu bội bạc. Không, nói đúng hơn, đội tuyển Anh là một chàng người yêu có phần khờ khạo, thiếu kinh nghiệm và đôi khi ngốc nghếch, nhưng chất chứa bên trong anh chàng ngốc nghếch, khờ dại này là một trái tim nóng, là một khát khao cháy bỏng của việc chứng tỏ với người mình yêu rằng anh yêu họ nhiều như thế nào, dù đôi khi anh có những quyết định mang tính "tự hủy".
 
Trước mắt đội tuyển Anh sẽ là 90 phút trên sân Wembley trước CH Czech, một trong những nền bóng đá lâu đời nhất của bóng đá khối XHCN trong quá khứ. Họ là một thử thách thực sự với đội tuyển Anh, nhất là ở hàng tiền đạo, nơi mà CH Czech đang có được Patrik Schick, họng pháo hiệu quả nhất của đại diện tới từ Trung Âu này.

Nhưng với lợi thế sân nhà, cùng với đó là khao khát trẻ và cái thế "không thể chết" này của đội tuyển Anh, tin rằng họ sẽ vượt qua được thử thách khó nhằn trước mắt, qua đó chứng minh được những gì ông thầy của họ viết trong tâm thư gửi tới người hâm mộ đội tuyển là đúng, rằng họ vẫn còn khát khao và sự tự hào khi được khoác lên mình màu áo trắng của Tam Sư.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?

X
top-arrow