Josep Bartomeu đã chiến đấu với các cáo buộc, bình luận tiêu cực về mình suốt hơn 1 năm. Giai đoạn ông làm chủ tịch - bắt đầu từ năm 2014 trong bối cảnh bê bối tài chính thời điểm ấy liên quan đến tiền nhiệm của ông - có thể khắc họa bằng từ hỗn loạn. Mùa xuân năm ngoái, 6 thành viên ban quản trị đã từ chức và công khai chỉ trích Bartomeu.
Lực lượng cảnh sát Catalunya (Mossos d’Esquadra) đã bất ngờ ập vào trụ sở CLB Barcelona vào thứ 2 và tạm giữ 4 người. Sự việc xảy ra khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa sẽ tới cuộc bầu cử chủ tịch CLB, nó tạo ra một cuộc khủng hoảng nữa cho một gã khổng lồ của thế giới bóng đá đang nợ nần chồng chất, đấu đá ở thượng tầng và thi đấu kém thuyết phục trên sân cỏ.
Phát ngôn viên của Mossos d’Esquadra cho biết phòng tội phạm kinh tế của họ đã thu giữ bằng chứng trong các văn phòng tại trụ sở Barcelona vào thứ 2 và xác nhận có 4 người bị bắt giữ. Phát ngôn viên cho biết cuộc điều tra vẫn tiếp tục diễn ra nhưng theo quy định của cảnh sát, tên của các nhân vật này không được tiết lộ.
Nhiều hãng truyền thông cho biết 4 người bị bắt giữ là lãnh đạo trước đây và hiện tại của CLB: cựu chủ tịch Josep Bartomeu - người đã từ chức vào năm ngoái ngay trước khi ông phải đối diện cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm; Giám đốc điều hành Oscar Grau; Trưởng phòng pháp lý Roman Gomez Ponti; và Jaume Masferrer - cố vấn của Bartomeu.
Grau từng cùng đội bóng ném của Barcelona vô địch cúp châu Âu. Ông thi đấu thành công và nổi tiếng đến mức sau khi giải nghệ, chiếc áo số 2 của ông cũng được treo và trưng bày ở nhà thi đấu Palau Blaugrana của Barca. Ông là người quản lý dự án “FCB Escola” - dự án tổ chức các trường và trại hè bóng đá trên khắp thế giới - trước khi được Bartomeu chọn làm người điều hành các hoạt động thường ngày của CLB vào tháng 9 năm 2015. Ông đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua Ousmane Dembele, Philippe Coutinho và Frenkie De Jong.
Masferrer lần đầu tiên có liên quan đến Blaugrana là khi công ty truyền thông của ông làm việc với Laporta trong chiến dịch tranh cử chủ tịch Barcelona năm 2003. Masferrer sau đó là quản lý các chiến dịch bầu cử thành công của Sandro Rosell vào năm 2010 và Bartomeu năm 2015. Tháng 9 năm 2018, Masferrer chính thức gia nhập CLB với vai trò trưởng ban tham mưu cho Bartomeu. Theo The Athletic, thậm chí ông có tiếng nói lớn hơn nhiều giám đốc của Barca.
Gomez Ponti là một chuyên gia luật hành chính và thể thao. Ông phụ trách phòng pháp lý của Barcelona từ năm 2010, đây là một giai đoạn bận rộn khi ban lãnh đạo liên quan đến nhiều hành động pháp lý phức tạp.
Phía Barcelona đưa ra thông báo cho biết họ sẽ “hợp tác đầy đủ” với các nhà chức trách trong cuộc điều tra. Các điều tra viên đã theo dõi vấn đề của Barcelona suốt nhiều tháng sau khi được tiết lộ CLB đã bí mật thuê một công ty truyền thông (I3 Ventures) để sản xuất các nội dung bôi nhọ, lăng mạ trên mạng xã hội một số nhân vật có tiếng nói lớn của CLB. Giới truyền thông Tây Ban Nha gọi sự việc này là “Barcagate”.
Khi Barcelona đăng báo cáo kiểm toán, hợp đồng với I3 Ventures - giá gần 1 triệu euro - được tiết lộ rằng nó cao hơn nhiều so với giá thị trường. Báo cáo của các kiểm toán viên cũng cho biết các khoản thanh toán trả cho I3 Ventures được chia ra để qua mắt của giám sát tài chính CLB. Các giám sát tài chính sẽ “soi” rất kỹ những khoản chi hơn 200.000 euro.
Cuộc điều tra của cảnh sát đối với Barcelona được giới truyền thông Tây Ban Nha theo dõi sát sao. Vào tháng 2 năm ngoái, Bartomeu nói ông không biết công ty liên quan đến việc phát tán nội dung tiêu cực nhắm vào các cầu thủ Barcelona và mặc dù CLB đã chấm dứt hợp đồng với công ty này nhưng vết nhơ sẽ không thể biến mất. Carlos Ibanez - Người sáng lập I3 Ventures - nói trên đài phát thành của Catalunya vào tháng 2 năm ngoái là công ty của ông “nhận 198.000 euro mỗi năm” từ Barcelona và ông “không biết liệu CLB có cầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số khác khác hay không”. Ibanez khẳng định công ty của ông không đứng sau các tài khoản giả mạo công kích các đối thủ của Bartomeu.
Cuộc “đột kích” của cảnh sát vào văn phòng CLB diễn ra chỉ 6 ngày trước khi 140.000 thành viên CLB Barcelona bầu cử ra người kế nhiệm chính thức của Bartomeu. Theo The Athletic, các điều tra viên của Mossos đã đến Camp Nou vào đầu tháng 5 năm ngoái và sau đó trở lại vào tháng 7 để thu thập tài liệu làm bằng chứng trong cuộc điều tra tham nhũng ở CLB. Và rõ ràng, sự việc lần này một lần nữa làm tổn hại danh tiếng một CLB mà trong nhiều năm họ đã tự khắc họa mình là chuẩn mực của bóng đá thế giới. CLB khắc họa mình là một tổ chức với các giá trị tôn họ lên đẳng cấp riêng, hoạt động dưới khẩu hiệu: “Hơn cả một CLB”.
Hai trong số ba ứng cử viên bầu cử đã phản ứng một cách nhanh chóng với thông tin cuộc bắt giữ. Cựu chủ tịch Joan Laporta mô tả sự kiện này là “một cú sốc”. Laporta - một luật sư đã lãnh đạo CLB gặt hái thành công về chuyên môn nhưng đồng thời đội cũng phải đối diện khó khăn tài chính - nói rằng Bartomeu sẽ vẫn vô tội đến chừng nào ông bị kết tội đồng thời khẳng định cuộc khám xét hôm thứ 2 “làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và danh tiếng CLB”.
Toni Freixa - cựu thành viên ban quản trị CLB và cũng là ứng cử viên khác - đăng một thông điệp khó hiểu trên Twitter, ông cho rằng có một lực lượng đen tối đứng sau các sự kiện. “Quá nhiều người muốn làm hại Barca. Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó. Các bạn sẽ không bao giờ đi một mình”, ông viết.
Ứng cử viên chủ tịch thứ ba - doanh nhân Victor Font, một người suốt thời gian dài đã luôn chỉ trích ban lãnh đạo của Bartomeu - từ chối đưa ra bình luận. Bartomeu từ chức vào tháng 10 năm ngoái, vài tháng sau khi Barcelona thua Bayern Munich 2-8 ở Champions League cũng như sau khi Lionel Messi yêu cầu rời khỏi đội bóng. Siêu sao người Argentina sau đó rút lại yêu cầu, anh tuyên bố sẽ ở lại vì không muốn đưa CLB ra tòa. Tuy nhiên, hợp đồng hiện tại của anh sẽ kết thúc vào tháng 5 và anh sẽ được tự do đến đội bóng mới.
Bartomeu đã chiến đấu với các cáo buộc, bình luận tiêu cực về mình suốt hơn 1 năm. Giai đoạn ông làm chủ tịch - bắt đầu từ năm 2014 trong bối cảnh bê bối tài chính thời điểm ấy liên quan đến tiền nhiệm của ông - có thể khắc họa bằng từ hỗn loạn. Mùa xuân năm ngoái, 6 thành viên ban quản trị đã từ chức và công khai chỉ trích Bartomeu.
Trung tâm của vụ bê bối chính là bản hợp đồng với I3 Ventures và những cáo buộc họ đứng sau các tài khoản giả trên mạng xã hội tấn công những người được cho là đối thủ của Bartomeu. Những người đó bao gồm Victor Font, Messi, Pique, Pep Guardiola, Carles Puyol, Xavi.
Tài chính của CLB cũng bấp bênh hơn bất cứ thời điểm nào trong những năm gần đây. Đầu năm nay, báo cáo tài chính cho thấy họ nợ hơn 1 tỷ euro trong đó hơn 600 triệu euro cần phải trả trong thời gian ngắn hạn. Barca đã có những cuộc đàm phán khẩn cấp với các ngân hàng để tìm giải pháp cho các vấn đề, lãnh đạo CLB cũng đang cân nhắc bán một số tài sản thương mại của đội bóng cho các nhà đầu tư để thu về khoảng 250 triệu USD.
Mùa giải này, doanh thu của đội bóng bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19. Bảo tàng của CLB và sân Camp Nou thường là 2 trong số những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất ở Tây Ban Nha. Như lãnh đạo CLB chia sẻ trên The Times, Barca mất khoảng 600 triệu euro doanh thu từ đó và các nguồn thu khác.
Ở trên sân, bức tranh cũng không khá khẩm hơn. Dù Messi đã trở lại nhưng Barca lúc này cũng chỉ là cái bóng của chính họ. Vào tháng trước, Blaugrana chịu thêm một thất bại thảm hại nữa ở Champions League khi thua Paris Saint-Germain 1-4 ở lượt đi vòng 16 đội. Thất bại này khiến họ đứng trước bờ vực bị loại sớm khỏi giải đấu.
Barcelona đã vực dậy từ khởi đầu tệ hệ để leo lên vị trí thứ hai ở LaLiga. Tuy nhiên họ vẫn kém Atletico Madrid 5 điểm - đội bóng thi đấu ấn tượng nhờ sự xuất hiện của Luis Suarez, một người đã bị Barcelona hủy hợp đồng trước thềm mùa giải này.
Tổng hợp từ bài viết trên New York Times và The Athletic của tác giả Tariq Panja và Dermot Corrigan.