Hành trình quái dị của "Chú Sam" ở Confederations Cup 2009

Tác giả KDNX - Thứ Hai 01/06/2020 15:00(GMT+7)

Zalo

Dù không thể giành được danh hiệu Confederations Cup 2009 năm đó, những cầu thủ xứ Cờ Hoa cũng như NHM bóng đá của đất nước này vẫn có thể tự hào với những gì mà các chàng trai của họ làm được ở giải đấu năm đó, một giải đấu Confederations Cups của những bất ngờ và những bi kịch không thể lường trước.

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Khi nhắc đến Mỹ, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến sẽ là những sân bóng hình kim cương của môn bóng chày hay những sàn đấu bóng lộn của môn bóng rổ chứ ít ai nghĩ đến bóng đá. Dù sản sinh ra khá nhiều tên tuổi ở Premier League như Clint Dempsey của Fulham, "Bộ trưởng bộ quốc phòng" Tim Howard hay xa hơn là Brian McBride, Mỹ chưa bao giờ là một tên tuổi lớn trong làng bóng đá thế giới. Tuy vậy, họ vẫn đôi khi tạo ra được những bất ngờ lớn ở các sân chơi của FIFA, một trong số đó là kỳ Confederations Cup năm 2009 diễn ra trên đất Nam Phi.

Hành trình quái dị của Mỹ ở Confederations Cup 2009 hình ảnh
 
Bước vào giải đấu Confed Cup 2009 năm đó sau khi giành được CONCACAF Gold Cup 2007, Mỹ được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho...vé về nước bởi các chuyên gia bóng đá. Nguyên do lớn nhất đó là do họ rơi vào bảng đấu được xem là khó nhằn nhất thời điểm đó. Cụ thể, họ rơi vào bảng đấu gồm: Brazil, nhà vô địch Copa America 2007, một siêu cường của bóng đá hiện đại, tiếp đó là Italia, nhà vô địch của bóng đá thế giới thời điểm đó, và cuối cùng là Ai Cập, ông vua của bóng đá Châu Phi. Dù ra sân với một đội hình khá trẻ, trong đó trẻ nhất là Jozy Altidore, mới 20 tuổi, Mỹ vẫn chỉ được xếp vào hàng chiếu dưới ở giải đấu. Thậm chí người ta còn cho rằng, đứng thứ 3 ở bảng đấu này đã là thành công cho Chú Sam lắm rồi.
 
Và mọi thứ diễn ra đúng như dự đoán của nhiều người. Ở trận đấu ra quân, các cầu thủ xứ Cờ Hoa để thua với tỷ số 3-1 trước nhà ĐKVĐ World Cup 2006 nhờ bàn thắng của Daniele De Rossi, chiến binh La Mã hàng đầu của AS Roma, và một cú đúp của Giuseppe Rossi, một cầu thủ người Italia sinh ra và lớn lên ở...New Jersey. Một kết quả đau đớn nhưng không mấy bất ngờ cho ĐT Mỹ.
 
Ở trận đấu thứ hai, Chú Sam tiếp tục bị Brazil vùi dập tơi bời tới tỷ số 3-0 nhờ công của Felipe Melo, Robinho và Maicon. Cho đến thời điểm đó, NHM bóng đá Mỹ đã nghĩ đến viễn cảnh đội nhà phải sớm chia tay giải đấu lớn thứ hai thế giới chỉ sau World Cup. Tuy vậy, bất ngờ đã xảy ra ở trận Ai Cập gặp Italia khi hậu duệ của các vị vua Pharaoh đã đánh bại các chiến binh La Mã với tỷ số 1-0 nhờ bàn thắng của Mohamed Soliman Zaki. Mỹ nhờ vậy vẫn còn chút cơ hội để lách qua khe cửa hẹp.
 
Ở vòng đấu cuối cùng của vòng bảng Confederations Cup năm đó, Mỹ phải vượt qua Ai Cập trong khi chờ đợi Brazil, đội bóng đã hết mục tiêu ở vòng bảng, giành chiến thắng trước Italia nếu muốn đi tiếp. Có lẽ Đấng Chúa Trời, người bảo trợ cho nước Mỹ, đã động lòng trước hành trình quả cảm của họ ở Confederations Cup năm đó nên Mỹ đã đạt được cả hai.

Đầu tiên, họ đánh bại Ai Cập với tỷ số 3-0 bằng các bàn thắng của Charlie Davies ở phút 21, của Michael Bradley, con trai HLV trưởng Bob Bradley ở phút 63 và cuối cùng là của Dempsey ở phút 71. Trong khi đó, Selecao cũng nã vào lưới Italia 3 bàn thắng ở trận đấu cùng giờ, chính thức đưa Italia rời khỏi giải một cách tức tưởi. Có lẽ người italia chỉ có thể tự trách bản thân mình khi đã sơ sẩy ở trận đấu gặp Ai Cập, khiến cho họ không thể tự quyết định được số phận. Còn về phần Mỹ, họ được một đêm tiệc tùng khi vượt qua được vòng bảng Confederations Cup lần thứ 3 sau 10 năm chờ đợi.
 
Tuy vậy, các cầu thủ xứ Cờ Hoa lại không thể ăn mừng lâu. Đối thủ của họ ở vòng bán kết không ai khác chính là La Roja của Vicente Del Bosque, cỗ máy hủy diệt của làng bóng đá khi đó. Lúc này, viễn cảnh Đội Tuyển Mỹ bị xé xác bởi Tây Ban Nha trở nên to lớn hơn bao giờ hết. Nên nhớ, Tây Ban Nha không phải Ai Cập. La Roja khi đó vừa có được sức trẻ của những David Villa, của những Fernando Torres, vừa có được kinh nghiệm của Puyol, của Marchena, của Capdevilla. Thực sự, đến cả những người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng ra viễn cảnh ĐT Mỹ giành được một bàn danh dự chứ đừng nói tới giành chiến thắng trước La Roja.
 
Tuy vậy, đoàn quân của Bob Bradley đã chứng minh một điều: khi bóng chưa lăn, ta vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Những diễn biến trên sân ở trận đấu đó thực sự đã cho thấy điều đó đúng như thế nào.

Hành trình quái dị của Mỹ ở Confederations Cup 2009 hình ảnh
 
Các cầu thủ Mỹ đã làm đúng mọi khâu ở trận đấu đó, trong khi TBN không thể xuyên phá được hàng phòng ngự dày đặc được lĩnh xướng bởi "bộ trưởng quốc phòng" Tim Howard. ĐT Mỹ khi đó đã thực hiện thành công đấu pháp tử thủ của mình nhờ vào lối chơi kỷ luật và sự chắc chắn khủng khiếp.
 
"Đánh bại một đội bóng hàng đầu thế giới thực sự là một điều vĩ đại đấy," Bocanegra, thành viên của ĐT Mỹ khi đó, chia sẻ. "Đánh bại TBN thực sự rất tuyệt vời."
 
Hàng hậu vệ ĐT Mỹ khi đó bao gồm Bocanegra, người vừa trở lại ở vị trí hậu vệ trái sau quãng thời gian nghỉ từ tháng 3 năm 2007, bên cạnh anh là Jay DeMerit, Oguchi Onyewu và Jonathan Spector. Không chỉ phong tỏa được mọi đường lên bóng của ĐT Tây Ban Nha, Mỹ còn suýt có được bàn thắng dẫn trước từ pha vô lê của Charlies Davies sau khi nhận được bóng từ Dempsey ở phút thứ 7. Một phút sau đó, Davies tiếp tục thực hiện một cú sút nhắm vào khung thành của Iker Casillas.
 
Tây Ban Nha khi đó ra sân với bộ 3 Fernando Torres, David Villa và Cesc Fabregas, gần như không thể xuyên thủng hệ thống phòng ngự của ĐT Mỹ. Thế trận của trận đấu cân bằng một cách đầy bất ngờ, trái với sự một chiều mà nhiều người đã dự đoán trước đó. Tây Ban Nha sau đó đã trả giá vì không thể có bàn thắng trước.
 
Altidore là người đầu tiên chấm dứt chuỗi 451 phút không lủng lưới của Tây Ban Nha ở phút 27 của trận đấu. Dempsey khi đó thực hiện một pha đập nhả với Davies, sau đó, anh nhận thấy Altidore đang bị kèm bởi đồng đội của mình ở Villarreal, Joan Capdevilla. Ngay sau đó là một đường tạt bóng trúng chân Xabi Alonso rồi dội vào đúng vị trí của Altidore. Cầu thủ người Mỹ nhanh chóng thực hiện một cú ra chân vào lưới ĐT Tây Ban Nha trong sự ngỡ ngàng của Casillas.
 
Altidore cho rằng đây là bàn thắng tuyệt vời nhất mà anh từng ghi được trong suốt sự nghiệp của mình. Cũng theo anh, "trận đấu này thực sự khó khăn. Các cầu thủ TBN có lẽ đã đánh giá thấp chúng tôi.
 
Khi trận đấu chỉ còn vài phút, TBN nhanh chóng đẩy cao đội hình. Tuy vậy, việc duy nhất họ có thể làm đó là...làm nền cho những siêu phẩm cứu thua của Tim Howard.  Sau đó, ở phút 79, Clint Dempsey chính thức "đóng hòm" cơ hội vào trận chung kết của Tây Ban Nha bằng một bàn thắng tuyệt vời, thể hiện những gì tinh túy nhất của cầu thủ thuộc biên chế Fulham khi đó.
 
Sau khi nhận được đường chuyền của đồng đội, Landon Donovan nhanh chóng thực hiện một pha tạt bóng vào vòng cấm. Bóng đập chân một cầu thủ TBN rồi dội vào đúng vị trí của Sergio Ramos. Tuy vậy, hậu vệ TBN lại xử lý có phần vụng về khiến bóng bật trúng chân Dempsey. Lúc này, số 8 của ĐT Mỹ chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất đó là ghi bàn vào lưới Iker Casillas.
 
Các học trò của Bob Bradley đã thực sự gây sốc cho bóng đá thế giới đêm hôm đó. Các dòng tít báo liên tục nói về chiến công hiển hách này của đội bóng xứ Cờ Hoa. La Roja, đội bóng mạnh nhất Châu Âu và thế giới khi đó, vừa bị một đội bóng của một quốc gia nơi bóng đá nam không phải là môn chơi hàng đầu. Một cú sốc thật sự cho các học trò của HLV Del Bosque.

Hành trình quái dị của Mỹ ở Confederations Cup 2009 hình ảnh
 
Chia sẻ cảm xúc của mình về trận đấu đó, Altidore đã phát biểu: "tôi nghĩ đây là một chiến thắng lớn chúng tôi, một chiến thắng sẽ còn được nhớ mãi trong tương lai. "Tôi nghĩ chiến thắng này đã giúp chúng tôi tăng thêm sự tự tin khi bước vào World Cup 2010 cũng như các giải đấu sau đó."
 
Ở trận đấu chung kết, ĐT Mỹ tiếp tục gây bất ngờ khi dẫn trước ĐT Brazil hùng mạnh, ĐKVĐ Copa America 2007, bằng 2 bàn thắng của Clint Dempsey và Landon Donovan. 
 
Ở bàn thắng thứ nhất, Jonathan Spector thực hiện một đường chuyền cực dài vào thẳng vị trí của Dempsey, lúc này đã xâm nhập vào vòng cấm của ĐT Brazil. Sau đó là một cú ra chân sắc bén vào khung thành của ĐT Brazil trong sự ngỡ ngàng của hàng hậu vệ Selecao. Càng bất ngờ hơn khi biết rằng bàn thắng này được thực hiện khi trận đấu mới bắt đầu được 9 phút.
 
Nhận bàn thua đau ở ngay phút thứ 9, ĐT Brazil ào lên tấn công, điên cuồng nã vào khung thành của Tim Howard trong sự bất lực. Tim Howard trong khi đó tiếp tục thể hiện sự xuất sắc của mình khi liên tiếp chặn đứng các cú sút của dàn sao lên đến hàng triệu Bảng của Selecao. 
 
Việc dâng cao của Selecao cũng khiến cho họ sơ hở rất nhiều ở hàng phòng ngự. Và thế là điều gì đến cũng phải đến, Selecao đã trả giá bằng bàn thắng thứ hai, xuất phát từ một tình huống hỗn loạn bên phần sân ĐT Mỹ. Sau đó, Donovan nhận được bóng rồi nhanh chóng bứt tốc. Khi thấy Altidore đang thoải mái ở phần sân đối diện, anh nhanh chóng thực hiện một đường chuyền cho đồng đội mang áo số 17. Sau khi thấy đàn anh của mình đã vào vị trí thuận lợi, tiền đạo trẻ lập tức thực hiện một đường tạt bóng cho Landon Donovan. Lúc này, tiền đạo kỳ cựu của ĐT Mỹ thực hiện một pha xử lý bóng đẳng cấp rồi ghi bàn vào lưới Brazil. Một bàn thắng gây sốc cho cả thế giới bóng đá khi đó.

Hành trình quái dị của Mỹ ở Confederations Cup 2009 hình ảnh
 
Dù chiến đấu bằng một tinh thần quả cảm tới những phút cuối cùng, Landon Donovan và các đồng đội vẫn không thể chiến thắng được số phận. Brazil sau đó đã trở lại mạnh mẽ ở hiệp 2. Đầu tiên là một pha xoay người điệu nghệ của Robinho, 2-1 cho Brazil. Sau đó là một pha đánh đầu chính xác của Luis Fabiano ở phút 73 sau khi Robinho sút bóng dội xà. Cuối cùng là bàn thắng của Lucio sau một pha đá phạt góc chính xác của Elano ở phút thứ 84. Chính thức kết thúc hy vọng đạt được danh hiệu quốc tế ở cấp độ ĐTQG đầu tiên của ĐT xứ Cờ Hoa.
 
Dù không thể giành được danh hiệu Confederations Cup 2009 năm đó, những cầu thủ xứ Cờ Hoa cũng như NHM bóng đá của đất nước này vẫn có thể tự hào với những gì mà các chàng trai của họ làm được ở giải đấu năm đó, một giải đấu Confederations Cups của những bất ngờ và những bi kịch không thể lường trước.
 
Bài viết có sử dụng một phần trong bài viết: "Remembering the USMNT in the 2009 Confederations Cup" của tác giả Clemente Lisi đăng trên trang US Soccer Players. 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

X
top-arrow