"Quá khứ có còn quan trọng nữa không?" Đó là câu hỏi được nhà báo Jonathan Liew đặt ra trong bài viết của mình về hướng đi mà theo anh là phù hợp nhất với Man United lúc này: tăng Sancho và giảm Ronaldo.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
“Tăng Sancho, giảm Ronaldo”
Một hình ảnh đã được Jonathan Liew đưa vào bài viết của mình như một ví dụ cho việc CĐV Man United hiện tại đang nhớ nhung quá khứ huy hoàng của mình trong tuyệt vọng như thế nào, đó chính là hình ảnh họ hát vang bài hát truyền thống "George Best là số 1, George Best là số 2", một hành động mà theo Jonathan Liew, được dùng để lấn át tinh thần của các CĐV đội chủ nhà, những người khi đó đang hát vang bài hát truyền thống của chính mình, đó là phiên bản tiếng Tây Ban Nha của Yellow Submarine (Tàu ngầm vàng-BTV), bài hát bất của The Beatles trong album cùng tên, đồng thời là biệt danh của đội bóng thuộc vùng Valencia này.
Theo Jonathan Liew, tuy hành động hát vang tên của George Best, một cầu thủ đã không thi đấu cho CLB này được hơn 50 năm, trông có vẻ hơi buồn cười với NHM của bóng đá hiện đại, nhưng với anh, đó lại là một biểu hiện khá đáng yêu, một cách để NHM Man United tuyên bố với thế giới bóng đá hiện đại rằng: "Chúng tôi có thể lạc hướng, chúng tôi có thể không biết làm gì, nhưng ít ra chúng tôi biết mình là ai."
"Quá khứ có còn quan trọng không?", đó là câu hỏi mà Jonathan Liew đã đặt ra cho bản thân cũng như độc giả của báo The Guardian. Theo nhà báo người Anh, câu hỏi này thực ra khó trả lời hơn thế. Để bắt đầu trả lời cho câu hỏi này, anh đã lấy ví dụ về Ole Gunnar Solskjaer như một biểu trưng cho việc khi một đội bóng dựa quá nhiều vào hình thức, danh tiếng, truyền thống và quá khứ của mình, đội bóng đó sẽ sụp đổ nhanh chóng như thế nào. Theo Jonathan Liew, quá khứ có thể khơi dậy cảm hứng cho chúng ta, nhưng để đi đường dài, chắc chắn không thể dựa vào quá khứ 100%
Một cái tên khác cũng được Jonathan Liew đưa vào để dẫn chứng cho luận điểm của mình đó là Cristiano Ronaldo, một biểu tượng thực sự của sân Old Trafford, một cái tên đã khiến bao con tim 8X-9X trên khắp thế giới cháy hết mình vì màu áo đỏ của Man United, một cái tên mà mỗi khi vào sân, người ta biết chắc anh sẽ ghi bàn. Tuy nhiên, với Jonathan Liew, dù Cristiano Ronaldo có tài năng đến mấy, anh không nên trở thành người định hướng cho Man United, và nếu Man United cứ gắn chặt lấy anh cho tới năm 2024, thì chắc chắn nửa đỏ thành Manchester sẽ sụp đổ nhanh chóng. Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi của mình, Jonathan Liew đã kết luận: nếu muốn thành công, Man United cần phải nghĩ đến việc xây dựng lối chơi xung quanh những cầu thủ trẻ có nhãn quan chiến thuật tốt như Jadon Sancho, tác giả bàn thắng thứ hai ở trận đấu thuộc vòng bảng Champions League trên sân El Madrigal.
Với Jonathan Liew, bàn thắng của Jadon Sancho ở phút thứ 90, tuy không quan trọng, nhưng đã để lại cho NHM Man United đến sân một ấn tượng, hay nói đúng hơn là một khoảnh khắc biến chuyển, một cái gạch nối giữa hiện đại và quá khứ, một biểu tượng cho việc Man United sẽ trông ra sao trong tương lai.
Sẽ có nhiều người cho rằng màn trình diễn khởi sắc này của Sancho tới từ việc Ole Gunnar Solskjaer rời khỏi Man United. Tuy nhiên, theo Jonathan Liew, dù Ole có rời khỏi sân Old Trafford hay không thì Jadon Sancho cũng sẽ thi đấu tốt, bởi theo anh, Sancho là một cầu thủ có khả năng sáng tạo cực kỳ tốt, một cầu thủ luôn biết cách thích ứng và tìm ra giải pháp xuyên suốt sự nghiệp của mình. Dù vậy, nhà báo người Anh vẫn cho rằng Jadon Sancho chắc chắn đã cảm thấy rất chán nản khi thi đấu dưới trướng của Ole Gunnar Solskjaer, một người chỉ biết đem anh về chứ không biết tận dụng hết khả năng của anh.
Từ Man United, nhìn rộng ra bóng đá Anh
"Đập đi xây lại", đó là truyền thống của Chelsea, một đội bóng không ngại ngần làm điều đó, dù là trên sân hay trên băng ghế chỉ đạo. Thống kê cho thấy, trong vòng 3 năm, đội chủ sân Stamford Bridge đã thay tới 4 HLV khác nhau, đầu tiên, ở mùa giải 2018-2019, họ sa thải Antonio Conte để thay thế bằng Maurizio Sarri, sau đó, sang mùa giải 2019-2020, họ quyết định chia tay Maurizio Sarri để đem về Frank Lampard, một huyền thoại của sân Stamford Bridge và là cậu học trò cưng của Jose Mourinho, tuy nhiên, cái danh "huyền thoại sân Stamford Bridge" của Frank Lampard không giúp anh thoát khỏi "lưỡi hái" của "bố già" Roman Abramovich, và thế là Chelsea lại đem về tay HLV thứ 4 của mình, Thomas Tuchel, người đã đưa The Blues đến với chức vô địch Champions League mùa trước.
Tuy nhiên, việc thay dổi HLV chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược thay đổi cách tiếp cận của Roman Abramovich. Thực vậy, trong khoảng thời gian gần đây, đặc biệt là dưới thời Frank Lampard, Chelsea đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn tới công tác đào tạo trẻ của mình bằng cách sử dụng rất nhiều những cầu thủ tới từ lò đào tạo Cobham như Tammy Abraham, Mason Mount, Trevoh Chalobah, Callum-Hudson Odoi, những cầu thủ đã và đang chứng minh tài năng của mình trên mặt cỏ của sân Stamford Bridge hay trong màu áo Tam Sư.
Càng đáng nể hơn khi biết rằng trong số 4 cầu thủ Chelsea ghi bàn ở trận đấu gặp Juventus diễn ra vào rạng sáng hôm qua, có đến 3 cầu thủ là đến từ lò đào tạo Cobham, đó là Callum Hudson Odoi, Trevoh Chalobah và Reece James. Người duy nhất không tới từ lò đào tạo Cobham ghi bàn ở trận đấu đó chính là Timo Werner, người đang dần lấy lại cảm hứng ghi bàn trong những trận đấu gần đây.
Ở thời điểm Arsenal quyết định bỏ ra 50 triệu Bảng để đem về Ben White, một trung vệ trẻ của Brighton & Hove Albion, và Aaron Ramsdale, một thủ môn mang tiếng "xúi quẩy" khi liên tục để đội bóng của mình rớt hạng, đội chủ sân Emirates cũng nhận được rất nhiều chỉ trích, thậm chí chê cười khi đặt quá nhiều niềm tin vào một cầu thủ trẻ như anh. Tuy nhiên, qua những gì mà trung vệ người Anh đã thể hiện, chắc chắn những lời chỉ trích nhắm vào Pháo Thủ ở giai đoạn đầu sẽ phải chuyển thành những lời ngợi khen dành cho Arsenal, một CLB rất biết cách đầu tư cho đội hình của mình.
Có lẽ, hai CLB thành London chính là ví dụ rõ nét nhất cho việc một đội bóng khi không dựa quá nhiều vào những thứ như truyền thống hay cái danh "huyền thoại" của một cầu thủ sẽ đạt được rất nhiều thành công, thậm chí tiến xa hơn những đội bóng dựa quá nhiều vào điều đó như Manchester United, nói cách khác, họ chính là lời khẳng định cho những gì mà Jonathan Liew đã nêu ra trong bài viết cho trang điện tử của báo The Guardian.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài viết của tác giả Jonathan Liew của báo The Guardian.