Chuyện về kỳ Euro 1996 đáng nhớ của “Tam sư”: Chiến ghế nha khoa và ma thuật của Gascoigne

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 18/06/2021 17:14(GMT+7)

Zalo

Trên The Athletic, cựu tiền đạo Alan Shearer kể lại kỷ niệm của ông về kỳ Euro 1996, giải đấu được tổ chức tại chính nước Anh và “Tam sư” đã lọt vào tới bán kết.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

Chuyện về kỳ Euro 1996 đáng nhớ của “Tam sư”: Chiến ghế nha khoa và ma thuật của Gascoigne
Ảnh: Getty Images

Tôi vừa mới xem lại bàn thắng đó. David Seaman phất bóng dài lên phía trên, Teddy Sheringham nhận bóng và tìm đến Darren Anderton, người đã thực hiện một đường chuyền tuyệt vời ngay trong lần chạm bóng đầu tiên và mục tiêu chính là Paul Gascoigne đang di chuyển, hoàn toàn được tự do. 
 
Một pha tâng bóng bằng chân trái đã khiến Colin Hendry loạng choạng, sau đó anh dứt điểm bằng chân phải và lao đến đường biên ngang, nằm lăn ra sân. Tôi chạy tới với một chai nước và xịt nó vào miệng anh ấy, khung cảnh khi ấy là một mớ hỗn độn dễ chịu, được tạo nên bởi sự vui sướng, nhẹ nhõm và phấn khích tột độ. 
 
Đã 25 năm trôi qua kể từ khoảnh khắc đó, một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử European Championship, cùng với cú volley của Marco Van Basten vào năm 1988 và pha sút penalty của Antonin Panenka cho đội tuyển Tiệp Khắc vào năm 1976. Đã 25 năm kể từ trận đấu giữa Anh và Scotland vào mùa hè nóng bức, ngột ngạt của năm 1996 đó, khi “Tam sư” ở trong một vòng lặp, khi "bóng đá trở về nhà” – ít nhất là cho đến loạt sút luân lưu với đội tuyển Đức, khi nó lại “rời đi” một lần nữa. Khi chúng tôi vẫn còn xỏ giày ra sân thi đấu. 
 
Với việc đội tuyển Anh của Gareth Southgate sẽ đấu với Scotland ở Wembley, tại một kỳ Euro, trong loạt trận thứ hai của vòng bảng, đi cùng sự háo hức đang càng lúc càng tăng lên – với tất cả những điểm chung đó – đương nhiên là rất nhiều hoài niệm. Trong vài tuần qua, tôi đã trò chuyện với các đồng đội và những đối thủ trong trận đấu diễn ra vào năm 1996 đó, ghép những mảnh ký ức lấy từ màn sương mù dày đặc mà thời gian tạo nên lại với nhau.
 
1. Khi chúng tôi đi sâu vào những hồi ức, Paul Gascoigne bỗng nghẹn ngào và rơi nước mắt. Như thường lệ, Gazza luôn là một người sống theo cảm xúc. Anh ấy sẽ mãi gắn liền với cái danh “cậu bé vàng đầy nhơ nhuốc” của nước Anh, một hình mẫu được mang ra so sánh với mọi tiền vệ mà đất nước này sản sinh ra. Anh ấy mang đến đủ mọi cung bậc cảm xúc – từ thất vọng, cuốn hút, khó chịu cho đến choáng ngợp. Anh ấy cũng là một “cục nam châm” thu hút những dòng tiêu đề cực sốc, một “chiến trường” dành cho cuộc chiến hút khách của giới báo chí. 
 
Chuyện đó cũng đã diễn ra trong quá trình chuẩn bị cho Euro 1996. Sau chuyến du đấu đầy tai tiếng của chúng tôi ở Hong Kong, khi mà một vài tiếng đồng hồ ăn chơi xả hơi đã dẫn đến hình ảnh những chiếc áo bị rách tươm và bê bối “chiếc ghế nha khoa” – cách mà giới truyền thông mô tả cảnh Gazza và đồng đội ngồi dựa vào ghế, đầu ngửa ra sau cho người khác rót bia vào miệng, anh ấy đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo. “DISGRACEFOOL” (nỗi ô nhục) là một trong những dòng tiêu đề được sử dụng. “Hãy nhìn Gazza xem… một gã say xỉn không có lấy một chút tự trọng nào.”
 
Trên chuyến bay về Anh cũng đã diễn ra một cuộc thác loạn thả phanh. Nhậu nhẹt tưng bừng, màn hình TV ở phía sau của các ghế ngồi đã bị đập vỡ. Lại một lần nữa, Gazza là người đầu têu; trong cuốn tự truyện của mình, anh ấy đã viết về chuyện Dennis Wise đã phải trèo vào tủ đựng đồ chỉ để nghỉ ngơi và ngủ một chút. Khi một quan chức của UEFA yêu cầu Gazza im lặng, anh ấy đã bảo “cút đi”. 
 
Giải đấu vẫn chưa khởi tranh, nhưng những gì diễn ra trước đó cũng đã trở thành một sử thi. 
 
2. Trận đấu đầu tiên của chúng tôi, trận hòa 1-1 với Thụy Sĩ, đúng như Incey (Paul Ince) đã mô tả: “kinh khủng vãi linh hồn”. Trận đấu mở màn đó thực sự đã diễn ra một cách hết sức tệ hại. 
 
“Tôi đã chơi không tốt,” Gazza kể. “Tôi bị thay ra và cảm thấy hết sức buồn bã, thất vọng về chính bản thân mình. Cậu có biết chuyện gì đã xảy ra không? Trước khi trận đấu bắt đầu, một trong các huấn luyện viên của đội tuyển nữ – trận đấu của họ diễn ra trước trận của bọn mình – đã đến gặp tôi và bảo, ‘Này, Gazza, các cô gái muốn gặp cậu trong phòng thay đồ của họ’. Thế là tớ vào đó và tất cả bọn họ đều khỏa thân hết. Tôi đơ hết cả người, ‘Ôi lạy Chúa’. Chuyện này đã mắc kẹt và lởn vởn không dứt trong đầu tớ. Có lẽ đó là lý do vì sao tôi chơi như rác rưởi trong trận đấu đó.”    
 
Xét riêng cá nhân mình, tôi đã ghi bàn mở tỷ số ở phút thứ 22, sau khi nhận một đường chuyền “ngon lành” từ Incey và dứt điểm vào cột gần, kết thúc một cơn khát bàn thắng kéo dài 12 trận và 21 tháng ở bóng đá cấp đội tuyển quốc gia. Bạn sẽ không phải là con người nếu không có chút nghi ngờ nào về chính bản thân mình trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó và đương nhiên là tôi cũng vậy. Tôi đã rất nỗ lực, nhưng mặc dù tôi vẫn nổ súng đều đặn cho Blackburn Rovers, thế mà chả hiểu sao lại không thể làm điều đó trong màu áo đội tuyển Anh. 
 
Sir Bobby Robson thực sự là một vị HLV trưởng xuất sắc khi chúng tôi làm việc cùng nhau ở Newcastle United, nhưng trong sự nghiệp cầu thủ của tôi, Terry Vanables mới là nhà cầm quân có tác động tuyệt vời nhất đối với phần “quản lý nhân sự”. Trong chuyến đi đến Viễn Đông, ông ấy đã nói với tôi, “Cậu sẽ không chơi mọi trận đấu trong chuyến du đấu này, nhưng đừng để chuyện đó ảnh hưởng xấu đến cậu, bởi vì cậu chính là tiền đạo trung tâm của tôi trong trận đấu với Thụy Sĩ’. Với niềm tin mạnh mẽ đến vậy của ông ấy vào mình, wow… tôi nhất định phải đền đáp ông ấy một cách xứng đáng.
 
Nếu là vào thời nay, bàn thắng đó sẽ được VAR kiểm tra lại bởi vì đã có dấu hiệu về lỗi việt vị với một độ lệch cực kỳ nhỏ. Và thay vì lăn lộn trên sân như một kẻ mất trí, chúng tôi sẽ phải đứng một cách lúng túng, tâm trạng thấp thỏm lo lắng khi những dòng kẻ ngớ ngẩn kia được vẽ trên màn hình. Với tư cách là số 9 của đội, tôi cần những bàn thắng. Nếu tôi không ghi được bàn thắng đó, nếu nó không được công nhận, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể tôi sẽ chấm dứt sự nghiệp cấp đội tuyển quốc gia của mình. Nhưng thay vào đó, tôi đã kết thúc Euro 1996 với 5 pha lập công và giành được danh hiệu Chiếc Giày Vàng.

Chuyện về kỳ Euro 1996 đáng nhớ của “Tam sư”: Chiến ghế nha khoa và ma thuật của Gascoigne
Trang bìa tờ The Sun nói về bê bối của tuyển Anh
 
3. Giống như Sir Bobby, Terry cũng thuộc dạng “hàng hiếm”, một HLV người Anh ham học hỏi, từng ra nước ngoài để hành nghề, đã dẫn dắt Barcelona vô địch La Liga và đưa họ lọt vào trận chung kết C1 đầu tiên sau 25 năm. Sau đó Terry trở lại Tottenham Hotspur, nơi ông ấy đã làm việc với Teddy và Gazza. Về mặt chiến thuật, ông ấy rất sắc sảo, đồng thời cũng hiểu rõ các cầu thủ của mình và cách để giúp họ phát huy hết năng lực của bản thân. 
 
“Ông ấy thật tuyệt vời,” Gazza nói. “Terry để tôi làm những việc mà ông ấy sẽ không cho phép những người khác làm, nhưng ông ấy cũng biết rõ tôi có thể ‘làm ăn’ như thế nào. Khi tôi chơi thực sự tốt cho Tottenham, ông ấy sẽ gọi tôi đến văn phòng. Ông ấy sẽ nói ‘Hôm nay cậu chơi chả ra gì cả’, rồi tôi sẽ đi ra ngoài và nghĩ, “Chết tiệt, mình phải làm tốt hơn nữa’. Còn khi tôi chơi kém, ông ấy thường bảo, ‘Hôm nay cậu tuyệt lắm, con trai’. Ông ấy sẽ không để tớ ‘bay’ quá cao, và cũng không để tớ quá chán nản.”
 
“Ông ấy đã mang đến cho tôi sự tự tin để làm những gì mà mình muốn trên sân cỏ,” Teddy chia sẻ. “Tôi từng phải hứng chịu những lời chỉ trích vì khuynh hướng lùi xuống quá sâu, nhưng lối chơi đó của tôi không phải chỉ vì trận chiến cá nhân với trung vệ mà mình phải đối phó đâu. 
 
Tôi nhìn nhận cuộc chơi theo một cách khác biệt và Terry đã nói, ‘Con trai, nếu đó là điều cậu muốn làm, vậy thì cứ mạnh dạn làm vậy đi. Đó chính là đất diễn cho trí tưởng tượng của cậu đấy.’ Không phải ông ấy cho phép tôi thi đấu một cách hoàn toàn tự do mà bởi tôi vẫn phải thực hiện những nhiệm vụ của mình, nhưng tôi cũng được khuyến khích hãy là chính mình.”
 
Chuyện này khiến tôi nghĩ rất nhiều về Teddy và mối quan hệ của chúng tôi trên sân cỏ. Tại Newcastle, tôi đã cùng Les Ferdinand tạo nên một cặp song sát khiến bao hàng thủ khiếp sợ, nhưng Teddy mới là tiền đạo đối tác tuyệt vời nhất của tôi tại đội tuyển Anh. Chúng tôi đã bổ khuyết cho nhau. Anh ấy là một cầu thủ rất thông minh; chưa bao giờ là người nhanh nhất, nhưng đầu óc của anh ấy nhanh nhạy như tia chớp vậy. Tôi phải ở trong và xung quanh vòng cấm để đóng vai trò mũi nhọn, chúng tôi rất hiếm khi để xảy ra tình trạng ‘giẫm chân’ nhau.
 
4. Chúng tôi biết rằng mình phải quyết “đá chết bỏ” trong trận đấu vòng bảng thứ hai. 
 
“Vào đêm trước trận đấu với Scotland, tớ không thể nào ngủ nổi, tôi đã rất trằn trọc với suy nghĩ, ‘Chắc ổng sẽ không cho mình ra sân trong trận này đâu’,” Gazza kể. “Vào khoảng 9 giờ tối, tôi đã đến phòng của sếp và gõ cửa. Tớ hỏi ông ấy: ‘Em không biết liệu ngày mai sếp có cho em ra sân hay không’. Và Terry nói, ‘Chà, cậu đã chơi không tốt trước Thụy Sĩ…’ Tớ không đề cập đến vụ mình vào phòng thay đồ của đội tuyển nữ. Thậm chí rôi rơi vài giọt nước mắt luôn. ‘Hãy cho em ra sân – em sẽ chơi tốt, em hứa đấy. Em sẽ không làm sếp thất vọng đâu’.
 
Tôi bắt đầu khóc. Cuối cùng, sau khoảng 1 tiếng, Terry đành phải bảo: ‘Dĩ nhiên là cậu sẽ được ra sân! Giờ thì đi ngủ đi!’ thế là tôi reo lên, ‘quá tuyệt sếp ơi’ và ôm ông ấy thật chặt. Đến tận bây giờ, nghĩ về chuyện đó thôi cũng khiến tôi cảm động muốn khóc luôn đây. Tôi đã chạy về phòng của mình và chỉ có thể ngủ được khoảng 5 tiếng vì quá phấn khích.”
 
Tôi không thể khẳng định liệu chuyện này có phải là sự thật hay không. Trong cuốn tự truyện của mình, Gazza kể rằng anh ấy đã gặp riêng Terry để hỏi về việc mình có được ra sân hay không vào ngày trước trận đấu với Thụy Sĩ, chứ không phải Scotland, nhưng có thể anh ấy đã làm vậy trước cả hai trận đấu đó. Chuyện này mang đến cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về khát khao được yêu quý và được cần đến của anh ấy. 
 
Chúng tôi nhận thức được rằng Scotland sẽ bước vào trận đấu này một cách tràn đầy tự tin, cũng như có động lực rất lớn. Nhưng đối với Gazza, đây còn là chuyện cá nhân nữa. Vào giai đoạn đó, anh ấy đang chơi cho Rangers ở Glasgow. 

Chuyện về kỳ Euro 1996 đáng nhớ của “Tam sư”: Chiến ghế nha khoa và ma thuật của Gascoigne
Alan Shearer trong trận đấu với Hà Lan. Ảnh: Getty Images
 
Giống như chúng tôi, Scotland đã vắng mặt ở vòng chung kết World Cup 1994, nhưng đây là thời kỳ mà họ thường xuyên tham dự các giải đấu lớn. “Craig Brown rất tỉ mỉ trong việc thiết lập kế hoạch của mình,” Gary McAllister kể. “Chúng tôi đã đến Hoa Kỳ, đá một trận với đội tuyển quốc gia nước này và một trận với Colombia. Chúng tôi không có danh tiếng nổi bật, không thu hút nhiều sự chú ý, và đã thực hiện quá trình chuẩn bị trong thầm lặng. Việc chuẩn bị đã diễn ra một cách hoàn hảo.” 
 
“Tất cả mọi người đều muốn thắng đội tuyển Anh,” Teddy nói, “Nhưng khi chúng ta đụng độ với Scotland, Xứ Wales hoặc Ireland, họ thực sự khao khát đánh bại bọn mình. Họ thích khiến bọn mình gục ngã. Khi chạm trán với những đội tuyển này, ai cũng sẽ nhận thấy rất rõ ràng đam mê hạ gục người Anh của họ lớn đến thế nào. Bọn mình biết rằng họ sẽ bước vào trận đấu này với tâm lý muốn ‘ăn tươi nuốt sống’ đối thủ. Vậy nên bọn mình cần phải thật nỗ lực thì mới có thể có được bất kỳ cơ hội giành chiến thắng nào.”
 
“Bọn mình đã tin chắc rằng các cầu thủ Scotland đang bảo nhau, ‘Nghe này anh em, nếu chúng ta có thể loại gã Gazza ra khỏi cuộc chơi, chúng ta sẽ giành chiến thắng’,” Incey kể. “Cậu ấy là hạt nhân trung tâm, là thần tài của chúng ta Vai trò mà tớ đảm nhận giống như một vệ sĩ. Nếu có gã nào đó định ‘khử’ Gazza, tớ sẽ ‘bảo kê’ cho cậu ấy.” 
 
Giả định đó không sai. “Bất cứ khi nào Gazza xuất hiện ở trung lộ của sân đấu, chúng tôi biết mình phải kiểm soát thật chặt anh ta,” Gary McAllister kể. “Bạn tuyệt đối không được phép để cho anh ta được thoải mái dù chỉ một chút. Bạn phải cố bám sát và không cho phép anh ta ngóc đầu lên. Bạn không được phép để cho anh ta có được một nhịp độ như ý muốn. Đây chính là thông điệp được cả đội nhất trí trước trận đấu: Phải khiến cho Gazza không có cả không gian và thời gian.”
 
5. Hiệp một đã không diễn ra suôn sẻ cho đội tuyển Anh. Gary McAllister nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chơi áp đảo ở khu trung tuyến. Chúng tôi đã tạo nên thế vượt trội về quân số tại đó. Các anh chỉ có Gazza và Incey, trong khi chúng tôi có Stuart McCall, Johnny Collins và chính bản thân tôi. Chúng tôi đã khiến các anh bế tắc. Tôi sẽ không nói rằng chúng tôi đã tạo ra được vô số cơ hội, nhưng chúng tôi đã kiểm soát bóng tốt và tổ chức tấn công vào hàng thủ của các anh tốt hơn so với khâu tổ chức tấn công của các anh.”
 
Tình thế đã thay đổi khi Jamie Redknapp được đưa vào sân thay cho Stuart Pearce trong hiệp hai. “Động thái đó đã tăng thêm quân số của các anh ở trung tuyến,” Gary nhận định. “Với khả năng chuyền bóng của anh ấy, các anh đã có được ‘nhịp điệu’ lý tưởng hơn.” 
 
Ở phút 53, tôi đã ghi một bàn thắng mà sau đó chả ai thèm nhớ đến, nhờ một quả tạt khó tin từ Gary Neville. Teddy đã có một cơ hội tuyệt vời để nâng tỷ số lên thành 2-0 từ cự ly khoảng 5yd (khoảng 4,5m), và sau đó Dave Seaman đã cản phá một pha đánh đầu cực kỳ nguy hiểm của Gordon Durie. Với việc tỷ số chỉ mới là 1-0, kết cục của trận đấu vẫn chưa hề chắc chắn. 
 
Scotland đã được trao cho một quả penalty sau khi Tony Adams phạm lỗi với Durie trong vòng cấm. “Tất cả mọi người đều nói về Gazza, nhưng điều tôi nghĩ đến đầu tiên khi đề cập về trận đấu này chính là quả penalty đó,” Incey nói. 
 
Kể cả sau chừng ấy năm, tôi vẫn cảm thấy mình thật tàn nhẫn khi hỏi Gary về quả penalty đó.

Chuyện về kỳ Euro 1996 đáng nhớ của “Tam sư”: Chiến ghế nha khoa và ma thuật của Gascoigne
David Seaman cản phá cú sút 11m của McAllister. Ảnh: Getty Images
 
“Sau khi sút hỏng quả penalty đó, tôi đã tiếp tục thực hiện thành công những quả penalty quan trọng,” anh ấy nói. “Tôi cũng là một chuyên gia sút penalty giống như anh vậy. Chẳng có ai không sút hỏng quả penalty nào trong suốt sự nghiệp cả. Điều quan trọng là tầm vóc của trận đấu mà bạn sút hỏng …”
 
Còn Incey của chúng tôi nói: “Tôi đã xem đi xem lại pha penalty đó và quả bóng chắc chắn đã chuyển động. Dave Seaman đã có một pha cứu thua tuyệt vời, nhưng quả bóng thực sự đã dịch chuyển trước khi Gary sút. Nếu không có chi tiết đó, tình huống này hoàn toàn có thể có một cái kết khác.” 
 
Nếu bạn xem từng khung hình của pha cản phá mà Dave thực hiện, bạn sẽ thấy anh ấy đã phản ứng nhanh như chớp. “Khi tôi gặp Dave, anh ấy luôn bảo, ‘Chết tiệt thật chứ. Chẳng ai thèm đề cập đến quả penalty đó cả, nhưng nếu tớ không cản phá được nó, cậu sẽ không thể ghi bàn thắng kia đâu’,” Gazza kể. “Điều đó luôn khiến tôi phì cười.”
 
Tất cả chúng ta đều biết chuyện gì đã xảy ra tiếp theo – một tình huống tổ chức tấn công tuyệt vời, bao gồm đường chuyền hoàn hảo của Darren và khoảnh khắc bất hủ của Gazza. 
 
“Cứ như thể ảo thuật vậy,” Gary nói. “Tôi biết Andy Goram giỏi xoay sở trong các tình huống 1 đối 1 đến thế nào. Khi Gazza tâng bóng qua Colin, anh ta vẫn còn một chút việc phải làm, còn Andy thì đã có rất nhiều lần thực hiện những pha cản phá quan trọng cho Scotland. Cậu ấy là một thủ môn thực sự tài giỏi và cậu ấy rất giỏi việc ‘đọc vị’ cầu thủ dứt điểm của đối phương.
 
“Nhưng tất cả mọi thứ trong bàn thắng đó đều quá đẳng cấp, bao gồm cả cú dứt điểm. Một cú sút hoàn hảo, không có chút điểm trừ nào.”
 
Liệu đây có phải là bàn thắng đẹp nhất mà Gazza ghi trong sự nghiệp? “Có hai pha lập công khác mà tôi không bao giờ quên,” anh ấy nói. “Một bàn được ghi khi tôi chơi cho Lazio, tôi đã đánh bại vài cầu thủ Pescara trước khi đưa bóng vào lưới, và bàn còn lại là một pha đá phạt trước Arsenal ở vòng bán kết FA Cup khi chơi cho Spurs. Nhưng việc có được một pha lập công vào lưới Scotland trong một giải đấu diễn ra ngay tại Anh đã mang đến cảm giác phê không tưởng.
 
Trong số những điều đáng nhớ về bàn thắng đó còn có màn ăn mừng nữa, Gazza nằm xuống sân, giang hai tay ra, mồm mở to và diễn lại vụ “chiếc ghế nha khoa”. Chuyện này đã được lên kế hoạch từ trước, mặc dù không ai trong chúng tôi đồng thuận về thời gian, địa điểm hay người nào đã nghĩ ra nó. “Tớ không biết tại sao mình lại bày ra trò này, nhưng trong phòng thay đồ, chính tôi đã nói, ‘Nghe này, nếu bất kỳ ai ghi bàn, làm ơn hãy diễn lại vụ ‘ghế nha khoa’ nhé’,” Gazza tuyên bố. 
 
Cuối cùng, như các bạn đã biết, chiến thắng thuộc về chúng tôi. Sáng hôm sau, các tờ báo đã sử dụng những dòng tiêu đề đong đầy “tình yêu”. “Mr Paul Gascoigne: Một lời xin lỗi,” là một bài viết xuất hiện trên Daily Mirror. 
 
6. Gazza đã kể tiếp về buổi tối của chiến thắng trước Scotland. “Bọn mình quay về và Terry cho phép mỗi đứa uống một cốc bia …” anh ấy kể, sau đó cười phá lên. “Tớ, Robbie và Steve McManaman đã lập thành một hội để ‘xõa’ cùng nhau, và bọn tớ đã quậy tới bến.
 
Tớ biết nhà bếp ở đâu và tớ đã nhìn thấy một thùng đựng sốt cà chua siêu to khổng lồ. Tớ bảo với Robbie rằng mình đã tìm thấy một ít mồi nhậu ngon lành, sau đó tắt đèn, cậu ấy bước vào và tớ đã đổ sốt cà chua lên khắp người cậu ấy. Tớ đã cười đến đau cả ruột. Cậu ấy bỏ đi, tớ ngồi xuống với một cốc bia, tiếp tục cười lăn lộn, và tớ đã không gặp lại cậu ấy nữa.
 
Vì vậy, vào sáng hôm sau, tớ vừa đánh răng vừa nghĩ trong đầu: ‘Robbie chắc đang giận lắm đây’, nhưng khi tớ vào phòng ăn sáng, cậu ấy chỉ nói, ‘Chào buổi sáng, vẫn khỏe chứ ông?’. Và tớ đáp lại, ‘Ừ, tớ vừa tắm rửa, đánh răng xong’. Và cậu ấy cho tôi xem một bức ảnh ghi lại cảnh cái bàn chải đánh răng của tôi chọc vào mông cậu ấy. Tớ đã phải thốt lên, ‘Ôi lạy chúa, thằng khốn nạn này’.” 
 
Như đã đề cập vào đầu bài viết, việc nhớ chính xác những câu chuyện đã diễn ra là điều không thể. Tôi không thể nhớ ra chút ký ức nào về vụ này cả, cảm ơn Chúa. Một lần nữa, Gazza đã đề cập đến vụ nước sốt cà chua trong cuốn tự truyện của mình, nhưng trong phiên bản đó, nó diễn ra sau trận bán kết và vụ trả đũa không liên quan đến cái bàn chải đánh răng của anh ấy, mà là một thủ phạm ẩn danh đã… phóng uế vào túi giặt của Gazza. Tại thời điểm này, với tư cách là một nhà báo nghiêm túc, tôi buộc phải nói rằng Robbie Fowler cần phải lên tiếng xác nhận!
 
Đối thủ tiếp theo của chúng tôi là Hà Lan. “Đó là trận đấu đáng nhớ nhất trong sự nghiệp khoác áo đội tuyển Anh của tôi,” Gazza nói. “Terry đã bảo rằng, ‘Tất cả những gì chúng ta phải làm là xoay sở thật tốt, chiến đấu hết mình trước lối chơi của họ’ và cả bọn đã làm được điều đó. Để đánh bại họ với tỷ số 4-1 … David Platt đã vào sân từ băng ghế dự bị, tớ đưa quả bóng cho cậu ấy, cậu ấy trả lại nó cho tớ và nói, ‘tiếp tục tiến lên nào, đây là trận đấu của cậu’. Để được cả sân vận động hát vang tên mình … Tớ đã trở về phòng khách sạn và khóc lóc vì xúc động … Xin lỗi, giờ tớ cũng gần như muốn khóc đây. Tớ đã cảm thấy rất tự hào.”

Chuyện về kỳ Euro 1996 đáng nhớ của “Tam sư”: Chiến ghế nha khoa và ma thuật của Gascoigne
Màn ăn mừng đã đi vào giai thoại các kỳ Euro của Gascoigne và các đồng đội. Ảnh: Getty Images
 
“Cậu đã ghi 2 bàn, Teddy cũng ghi 2 bàn. Để giúp chúng ta đánh bại họ, hạ gục họ trước lối chơi lừng danh của họ, thật tuyệt vời. Đó là khi tớ nghĩ, ‘Chúng ta sẽ giành được chức vô địch’.”
 
“Bọn mình đã nghiền nát họ,” Teddy hồi tưởng. “Chúng ta đã chơi một thứ bóng đá tuyệt vời. Suy nghĩ khi đó của tôi là: ‘Đúng vậy, chúng ta là một đội bóng toàn diện. Chúng ta có thể giành được kết quả tốt trong những tình thế khó khăn, chúng ta có thể triển khai lối chơi kiểm soát bóng, chúng ta có thể bùng nổ tưng bừng, chúng ta có rất nhiều tài năng kiệt xuất trong đội’. Chẳng có điều gì mang lại cảm giác tuyệt vời hơn việc nhìn quanh phòng thay đồ và thấy rằng bất kỳ ai cũng sẽ trở thành một người đồng đội tuyệt vời khi chơi cùng đội với mình. Đó chính là cảm nhận của tôi.”
 
Bàn thắng muộn của Patrick Kluivert đã đưa Hà Lan lọt vào vòng trong nhờ việc đứng trên Scotland về hiệu số bàn thắng bại. “Các anh không chỉ khiến bọn tôi đau đớn trong trận đấu của chúng ta, các anh còn khiến bọn tôi ôm hận trong trận đấu này nữa,” Gary than thở. 
 
Trận đấu của chúng tôi với Tây Ban Nha ở vòng tứ kết thì ngược lại, nó đã kết thúc với tỷ số hòa 0-0 sau các hiệp đấu. Nếu cuộc đối đầu với Hà Lan là sàn diễn thể hiện khả năng, thì trong trận tứ kết này yếu tố then chốt chính là sự gan góc. Pearce chính là minh chứng cho điều đó, với việc thực hiện thành công lượt sút của mình trong loạt sút luân lưu, sau 6 năm kể từ nỗi đau đá hỏng penalty tại Italia 90, và cảm xúc vui sướng đã dâng trào trong anh ấy. Khoảnh khắc đó đã nói lên tất cả mọi thứ về con người của Stuart. 
 
Nhưng rồi nỗi đau đớn của thất bại đã một lần nữa kéo đến. Lại là trước những người Đức, và lại là trong loạt sút luân lưu. Lần này, Gareth là người sắm vai “tội đồ” ở lượt sút thứ sáu của chúng tôi. “Tất cả mọi người ở phía sau chờ đợi trong căng thẳng, đặt lên bọn mình một sự kỳ vọng khổng lồ, adrenaline chạy khắp cơ thể và rồi đột nhiên, trời đất như sụp đổ ngay trước mắt, tất cả đã diễn ra rất nhanh chóng,” Teddy kể. “Đầu tiên bạn nghĩ về bản thân mình, nhưng sau đó thì ‘Gareth, lạy chúa, họ sẽ nói rằng cậu đã hủy hoại giấc mơ của mọi người’, vì vậy bạn cũng lo lắng cho cậu ấy.”
 
Đương nhiên, việc thất bại mang đến một nỗi buồn khủng khiếp. Nhưng Euro 1996 vẫn là một giải đấu thực sự đáng nhớ. Và vào cái đêm đối đầu với Hà Lan … Không một ai có thể phủ nhận rằng chúng tôi đã chơi một thứ bóng đá tuyệt vời. Tất cả chúng tôi – toàn đất nước – đều đã nghĩ rằng, ‘Chết tiệt, chúng ta hoàn toàn có thể giành chức vô địch’. 
 
Incey đã mô tả giải đấu đó một cách hoàn hảo. “Đến bây giờ mọi người vẫn muốn nói chuyện với tớ về Euro 96,” anh ấy nói. “Bao gồm bài hát, thời tiết, bàn thắng của Gazza, vụ chiếc ghế nha khoa. Theo một cách nhìn nhận, nó đã tóm gọn tất cả mọi thứ về nước Anh. Nó không chỉ tác động đến các fan bóng đá, mà còn là tất cả mọi người. Nó đã thay đổi suy nghĩ của tất cả mọi người. Những gì chúng ta làm đã đưa cả đất nước xích lại gần nhau hơn.”
 
Thật tuyệt khi nghĩ rằng bóng đá có thể làm được điều đó. 
 
Trở về khách sạn, tâm trạng của cả bọn đều vô cùng u ám. “Tất cả chúng ta đều ủ rủ và buồn bã một cách khủng khiếp,” Incey kể lại. “Terry nói chúng ta có thể rời đi nếu muốn hoặc có thể ở lại và uống vài ly. Hầu hết mọi người đã chọn ở lại.
 
Bọn mình đã tụ tập trong quán bar nhỏ của khách sạn, ngồi trong đó đến khoảng 6 hoặc 7 giờ sáng, nhậu nhẹt và nghe đi nghe lại một bài hát của George Michael suốt cả đêm qua chiếc CD Player mà Robbie và Macca mang tới.” 
 
Chúng tôi phải lục tung bộ não của mình lên mới nhớ ra tên của ca khúc đó – Fastlove. “Đúng, chính là cái tên đó, chuẩn rồi Shocksy!” Shocksy là nickname của tôi. Fastlove ư? Các kỳ Euro, những khoảnh khắc đó, bóng đá, sự nghiệp của bạn, thời gian; tất cả chúng đúng là đều diễn ra rất nhanh. 
 
Euro 1996 của chúng tôi đã bắt đầu với một buổi nhậu và cũng kết thúc với một buổi nhậu.
 
7. Đây là một phần tái bút về Scotland và, đương nhiên, nó liên quan đến Gazza. “Sau khi giải đấu kết thúc, tôi đã đi nghỉ ngơi xả hơi, tận hưởng những thú vui của mình,” anh ấy kể. “Khi kỳ nghỉ còn lại vài ngày, tớ chợt nhớ ra, ‘Ối giời ơi, mình phải trở lại Rangers’, tớ đã quên luôn là mình đang chơi cho họ.” Làm thế quái nào mà một cầu thủ lại có thể quên anh ta đang chơi cho CLB nào cơ chứ, tôi suýt nữa đã buột miệng hỏi vậy, nhưng… Chậc, đây là Gazza mà, chẳng có gì lạ.  Cả cuộc đời của anh ấy vốn đã toàn chuyện quái đản rồi.
 
“Khi trở lại Scotland, tôi đã in ra khoảng 30 tấm ảnh về màn ăn mừng của mình và dán chúng khắp phòng thay đồ, trên móc của tất cả mọi người,” anh ấy kể. “Tôi đã làm điều đó mỗi ngày. Tôi thường ngồi cạnh Andy Goram và một ngày nọ, cậu ta bảo tôi, ‘Gazza, thằng này không có vui tính đâu nhé, nếu ngày mai mà cậu còn đặt một tấm ảnh khác lên cái móc của tôi, tôi sẽ đập cậu nhừ tử’. 
 
Tớ không biết tại sao mình lại nghĩ ra trò này, nhưng tớ đã tìm đến nơi chứa các dụng cụ dọn dẹp. Sau đó, tớ đi vào phòng thay đồ với một cây lau nhà và một quả bóng, rồi hét lên, ‘Ê các cậu, nhìn này’ và tâng quả bóng qua cây lau nhà như thể đó là Colin Hendry, rồi tung ra một pha volley ngay trên đầu Andy. Tôi bảo: ‘còn nhớ vụ này không?’ và bỏ chạy.” 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

Lửa khủng hoảng đang lan nhanh ở Etihad?

Manchester City đã phải nhận thất bại muối mặt 1-4 trên sân Jose Alvalade trước Sporting Lisbon trong loạt trận thứ 4 Champions League rạng sáng hôm nay. Đây đã là trận thua thứ 3 liên tiếp của đoàn quân Pep Guardiola trong vòng một tuần, khi trước đó họ để thua Tottenham ở Carabao Cup và Bournemouth ở giải ngoại hạng. Có chăng một cuộc khủng hoảng đang ngầm lan nhanh ở Etihad?

X
top-arrow