Bồ Đào Nha: Hành trình vươn mình của nhà đương kim vô địch châu Âu

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Ba 15/06/2021 11:33(GMT+7)

Zalo

Ngôi vương Euro 2016 và thế hệ tài năng sản sinh không ngừng của Bồ Đào Nha chính là thành quả của cách làm bóng đá đúng đắn và dài hơi, đầu tư vào công tác huấn luyện và đào tạo trẻ xuyên suốt từ 20 năm về trước.

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Bồ Đào Nha
Ảnh: Getty Images

Đây là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử Euro: những phút giây cuối cùng ở Stade de France đêm hè 2016, Cristiano Ronaldo chạy ra đứng sát đường biên, hò hét và vung tay chỉ đạo các đồng đội với nguồn năng lượng vô tận, bất chấp cơn đau từ cái chân trái hẵng còn tập tễnh và băng bó kín bưng vì chấn thương.
 
Trải qua cả nửa thập kỷ xem đi xem lại khoảnh khắc nghẹt thở mà sống động đó, người ta vẫn luôn có cảm giác rằng chính CR7 mới là HLV trưởng, mặc dù đây rõ ràng không phải hình thức góp công vào chức vô địch Châu Âu của Bồ Đào Nha được anh hình dung ra và mong muốn nhất trước thềm trận chung kết đối đầu với chủ nhà Pháp. Song, chân dung biểu tượng vĩ đại số một Bồ Đào Nha không trực tiếp thi đấu mà đứng bên đường biên chỉ đạo ngay trong trận đấu lớn nhất lịch sử đội tuyển quốc gia, bằng cách nào đó lại là một sự hợp nhất hoàn hảo cho việc truyền tải thông điệp về cách làm bóng đá đúng đắn và dài hơi xuyên suốt gần 20 năm của đất nước thuộc bán đảo Iberia này. 
 
Nếu như Ronaldo là ngôi sao sáng và danh giá nhất làng túc cầu Bồ Đào Nha, chính hàng ngũ các HLV tài năng kiệt xuất khắp mọi thế hệ cũng như hệ thống đào tạo trẻ vững mạnh mới là nhân tố chính yếu giúp cho đất nước vỏn vẹn 10 triệu dân này vươn mình trở thành thế lực hàng đầu của bóng đá Châu Âu và thế giới trong thế kỷ 21.
 
Bồ Đào Nha có một dàn HLV lão làng kỳ cựu như Jose Mourinho, Fernando Santos, Jorge Jesus… hay thế hệ trẻ đang lên như Sergio Conceicao của Porto và Ruben Amorim – vị chiến lược gia 36 tuổi vừa mới dẫn dắt Sporting Lisbon lên ngôi vương Bồ Đào Nha sau 19 năm chờ đợi, với kinh nghiệm cầm quân trước đó gói gọn trong vỏn vẹn 13 trận đấu. Đó là còn chưa kể vô số cái tên tiếng tăm không kém cạnh khác, bao gồm Leonardo Jardim, Andre Villas-Boas, Paulo Fonseca, Marco Silva, Paulo Bento, Nuno Espirito Santo và người kế nhiệm ông ở Wolverhampton, Bruno Lage.
 
HLV đội trẻ U19 Benfica, Luis Araujo, chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng một hệ thống vững mạnh để phát triển năng lực của các HLV. Không phân biệt bất cứ, tất cả đều có tiếng nói lớn như nhau, được khuyến khích và tạo điều kiện về mọi mặt. Chính bởi vì vậy, chúng tôi luôn có cơ hội được học hỏi và nâng tầm lẫn nhau.”
 
“Không đơn giản chỉ là đam mê, đó còn là khả năng thích nghi của chúng tôi, trong bối cảnh Bồ Đào Nha không phải đất nước dồi dào về nguồn lực cũng như nền tảng kinh tế. Tất nhiên, những CLB lớn như Benfica không thiếu thốn đến thế, nhưng nhiều nơi khác đâu được đảm bảo về cơ sở vật chất, cho nên chúng tôi cần phải luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh và không ngừng tư duy làm sao để phát triển cầu thủ cũng như chất lượng bóng đá.”
 
“Có thể coi tôi là một tượng đài ở đây được rồi đó, bởi vì tôi hiện đã là người già nhất rồi,” Araujo, 45 tuổi, cười nói. Ông đã là chứng nhân cho quá nhiều điều, kể từ khi gia nhập Benfica đúng dịp khánh thành trung tâm huấn luyện mới của CLB ở Seixal năm 2006, và rồi tham gia công tác huấn luyện mọi cấp độ đội trẻ từ U14 trở lên. Tám cầu thủ được triệu tập vào đội hình tuyển Bồ Đào Nha tham dự Euro 2020 đến từ Benfica, so sánh với chỉ vỏn vẹn ba người đã đăng quang tại Pháp năm năm về trước.

Benfica
Benfica có hệ thống đào tạo trẻ chất lượng, liên tục sản sinh những cầu thủ tài năng cho Bồ Đào Nha những năm qua. Ảnh: Getty Images
 
Một sự thật khó tin ở Bồ Đào Nha, khi ông lớn giàu truyền thống nhất đất nước như Benfica lại từng có lúc không mạnh về công tác đào tạo trẻ trước thời của những Renato Sanches hay Joao Felix, thậm chí thua kém tương đối so với chính người hàng xóm cùng thành phố Sporting Lisbon. Điểm tên qua một số sản phẩm lẫy lừng xuất xưởng từ CLB thủ đô: Luis Figo, Ricardo Quaresma, Paulo Futre, Luis Nani, Joao Moutinho, Simao Sabrosa… Và đương nhiên, Cristiano Ronaldo, người con đáng tự hào nhất được đặt tên cho học viện CLB ở vùng Alcochete từ tháng 9 năm ngoái.
 
Alcochete ngày nay được ví như La Masia của nền bóng đá Bồ Đào Nha, nhưng danh tiếng thực chất của lò đào tạo Sporting Lisbon này vốn đã đi xa trước cả khi nó được chuyển trụ sở về một làng chài yên bình ở miền đông nam đất nước vào năm 2002. Đó cũng là thời điểm Ronaldo được đôn lên đội một CLB sau năm năm ăn tập trong học viện, kể từ khi khăn gói thân chinh rời quê nhà ngoài đảo khơi Madeira ở tuổi 12.
 
Thuở hàn vi ban đầu, cậu bé quê mùa Cristiano khó khăn hòa nhập với cuộc sống náo nhiệt chốn thành thị, thường xuyên tới lui bốt điện thoại dưới chân khán đài sân vận động Jose Alvalade mà gọi điện xin về nhà với mẹ. Thật may mắn, bóng đá cần phải cảm ơn lời từ chối phũ phàng và cương quyết của bà Dolores. “Tôi đau lòng, cảm thấy như mình đã bỏ rơi nó,” bà hồi tưởng và kể lại trong nước mắt, trích đoạn phim tài liệu năm 2015 về cậu con trai huyền thoại.
 
Phần còn lại đã trở thành lịch sử như tất cả đều biết, nhờ bà Dolores, hay Laszlo Boloni – HLV trưởng người Romania thời bấy giờ đã mang chức vô địch quốc gia gần nhất về cho Sporting Lisbon trước mùa giải vừa rồi. Và trên hết vẫn phải là mô hình, hệ thống đào tạo trẻ và cách làm bóng đá của CLB. Figo ca ngợi đội bóng cũ: “Cái tuyệt ở CLB không chỉ có sự trung thành với định hướng phát triển hay bản sắc bóng đá, đó còn là khả năng đào tạo trẻ cả về chuyên môn, văn hóa và lẫn con người. Như thời ngày trước là tôi và Futre.”
 
Dễ cảm thông với quan niệm lầm tưởng rằng Bồ Đào Nha chỉ sản sinh ra những ngôi sao chạy cánh, bởi vì sự thật từng đúng là như vậy. Ngay như đơn cử kỳ Euro 2016 vô địch, bài tủ của Fernando Santos là sơ đồ chiến thuật 4-4-2 với không một trung phong cắm thực thụ nào, thay vào đó là hai tiền đạo cánh cơ động – Ronaldo và Nani, một sản phẩm khác của lò đào tạo Sporting Lisbon. 
 
Giờ đây, vấn đề duy nhất của Bồ Đào Nha có chăng là việc họ đang bước vào kỷ nguyên bội thu tài năng và có quá nhiều sự lựa chọn ở mỗi vị trí cho mình. Đâu chỉ còn riêng CR7 làm đại diện tiêu biểu, đó là Bruno Fernandes và Ruben Dias, hai cầu thủ xuất sắc nhất nhì Premier League năm qua, hay những gương mặt sáng giá khác trải đều các tuyến như Bernardo Silva, Renato Sanches, Ruben Neves, Joao Felix, Joao Cancelo… Seleccao cũng đã sở hữu các tiền đạo cắm đúng nghĩa như Diogo Jota hay Andre Silva, cỗ máy ghi bàn với 30 pha lập công trong mùa giải vừa rồi.
 
“Thực chất, chúng tôi chưa bao giờ thiếu những cầu thủ tài năng, chỉ là chúng tôi ngày càng biết cách phát triển và nâng tầm họ, không chỉ về mặt thể chất, kỹ năng chuyên môn mà còn cả tư duy bóng đá hay bản lĩnh, tâm lý chiến. Vậy nên, chúng tôi mới dần sản sinh ra thêm nhiều ngôi sao đa dạng ở mọi vị trí thi đấu – hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo, có lẽ bớt chạy cánh đi,” Araujo cho biết.

Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha với lực lượng mạnh đang rất quyết tâm trên hành trình bảo vệ ngôi vương. Ảnh: Getty Images
Tất nhiên, chẳng có đổi mới tân tiến nào lại không song hành với sự đầu tư mạnh tay. Ví dụ điển hình, trại tập huấn của Benfica đã trải qua hai lần cải tạo nâng cấp kể từ ngày khánh thành tới giờ, vào các năm 2014 và 2019. Trung tâm mở rộng diện tích lên đến 19 hecta, với 9 sân cỏ tự nhiên, 2 phòng tập gym, 28 phòng thay đồ và 86 phòng sinh hoạt cho các tài năng trẻ của học viện.
 
Araujo nói thêm: “Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi hoàn toàn khi ban lãnh đạo đặt hệ thống đào tạo trẻ lên ưu tiên hàng đầu trong triết lý phát triển CLB, vì tương lai dài hạn và vững bền. Họ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực với tiêu chuẩn cao nhất. Y tế, tâm sinh lý, kỹ thuật – tất cả đều được chịu trách nhiệm bởi các chuyên gia có trình độ hàng đầu ở từng lĩnh vực.”
 
Chiến thắng thuộc về chủ tịch Benfica Luis Filipe Vieira và tuyển Bồ Đào Nha chắc chắn hưởng lợi từ đó, với những thành công đã và đang có trên trường quốc tế là minh chứng sắc nét nhất. Araujo tiếp tục: “Tôi làm HLV ở Benfica từ rất lâu rồi và bởi vì được làm việc với những cầu thủ hay thế hệ đội bóng xuất sắc nhất, tôi đã giành vô số chức vô địch ở Bồ Đào Nha.
 
Tuy nhiên đối với tôi, danh hiệu to lớn nhất dành cho mình chính là được thấy những cầu thủ mình từng ngày dẫn dắt dần trưởng thành, chơi cho đội một Benfica hay các CLB lớn khác ở Châu Âu và lẽ dĩ nhiên, khoác áo đội tuyển quốc gia. Lần đầu tiên nhìn thấy Renato Sanches ghi bàn ở Estadio Da Luz, tôi đã khóc. Chứng kiến cậu ấy hay những Ruben Dias, Joao Felix, Bernardo Silva thành danh ở đẳng cấp cao nhất, đó mới là chiến thắng thực sự ý nghĩa dành cho những người thầy như chúng tôi.”
 
Niềm an ủi cho Bồ Đào Nha sau thất bại sát nút tiếc nuối trước Đức trong trận chung kết U21 Châu Âu mới đây, đó là việc các ngôi sao mai của họ đã đi tới tận trận đấu cuối cùng đến hai lần trong số bốn giải đấu được tổ chức gần nhất, cho thấy nền tảng vững chắc cho tương lai của Selecao. Tiên phong đi đầu cho cách làm bóng đá chuẩn mực của người Bồ chắc chắn là các ông lớn hàng đầu đất nước – Sporting Lisbon, Benfica và tất nhiên, Porto – cung cấp nòng cốt trụ cột cho đội hình á quân giải trẻ vừa qua.
 
“Chúng tôi không ngừng hỏi nhau rằng liệu mình có làm được hay không, và Jose Mourinho hay Cristiano Ronaldo đều luôn có cùng một câu trả lời: ‘Không gì là không thể.’ Nếu họ có thể làm được, chúng tôi cũng thế,” Araujo khẳng định quyết đoán. “Vậy nên, rất nhiều cầu thủ và HLV đã can đảm xuất ngoại và chứng minh cho cả thế giới thấy về chất lượng bóng đá của Bồ Đào Nha. Điều đó rất quan trọng cho sự tự tin của chúng tôi.” 
 
Sự tự tin, với chuỗi mạch thành công chưa có điểm dừng và những con người tài năng cả trên sân cỏ lẫn băng ghế huấn luyện, chắc chắc là thứ Bồ Đào Nha không thiếu trong giai đoạn hưng thịnh này.
 
 
Hải Đường
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Có một Arsenal khốn khổ trong nỗi nhớ Martin Odegaard

Thua, hòa và lại tiếp tục thua. Đó là kết quả thi đấu của Arsenal tại Premier League trong 3 vòng đấu gần nhất. Từ việc tràn trề hi vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester City và Liverpool, Pháo thủ thành London giờ đây đang trượt dài trong mớ hỗn độn không lời giải vì phong độ chạm đáy.

X
top-arrow