Argentina và câu chuyện về nạn nhân của sự mất cân đối

Tác giả Hải Thượng - Thứ Tư 25/07/2018 16:36(GMT+7)

Zalo
World Cup 2018 đã khép lại hơn một tuần với vinh quang thuộc về người Pháp. Giải đấu đồng thời là lời chia tay bóng đá quốc tế của những ngôi sao đi đến đoạn cuối sự nghiệp. Một trong những khoảnh khắc mang tính lan tỏa bậc nhất World Cup 2018 chính là Lionel Messi gục đầu, lầm lũi bước đi giữa những cầu thủ Pháp. 

Argentina va cau chuyen ve nan nhan cua su mat can doi
Argentina và câu chuyện về nạn nhân của sự mất cân đối
Một lần nữa, Messi sắm vai bại tướng trong một giải đấu quốc tế. Cũng trong trận đấu, người hâm mộ có lẽ bắt gặp một sự chuyển giao vĩ đại giữa hai thế hệ, từ Messi sang Kylian Mbappe.
 
Song người hâm mộ xứ Tango nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Đối với họ, đây có lẽ là lần cuối được thấy Messi tung hoành trên sân cỏ World Cup cùng thế hệ của anh. Không nhiều khả năng những Mascherano, Aguero hay Di Maria tiếp tục gắn bó Albicelestes vào năm 2022. Sân Kazan là chứng nhân cuối cùng cho một thế hệ vàng của Argentina.
 
Vấn đề của Argentina nhiều năm qua là tính cân bằng và tính kế thừa. Quốc gia Nam Mỹ là cái nôi của hàng tá cây săn bàn hàng đầu thế giới trong thập kỷ qua: Higuain, Dybala, Lavezzi, Icardi, Tevez, Milito và Pastore. Tuy vậy, từ năm 1993, Albicelestes chỉ giành một danh hiệu quốc tế: huy chương vàng Olympic 2008 (Bắc Kinh).
 
tien dao Lavezzi
Tiền đạo Lavezzi
Xét về thành tích, trong bốn năm qua, không nhiều đội bóng có ba lần vào chung kết những giải đấu lớn như Argentina (World Cup 2014, Copa America 2015 & 2016). Song thành tích vẫn là số 0 tròn trĩnh. Với những cái tên trên, người hâm mộ kì vọng nhiều hơn vị trí á quân. Khi thế hệ hiện tại của Argentina đang tiến dần đến bên kia sườn dốc sự nghiệp, nhiều người lo ngại lớp kế cận chưa đủ bản lĩnh kế thừa đàn anh.
 
Chắc chắn, còn rất lâu nữa để có một “Lionel Messi mới” xuất hiện và gánh vác đội tuyển như hiện tại. Đáng lo hơn, họ dường như chưa tìm được “hậu duệ” của Javier Mascherano, thậm chí là Nicolas Otamendi. Bóng đá trẻ Argentina một thời là niềm tự hào của họ. Song những sản phẩm trong vài năm lại đây không cho thấy sự tiến bộ so với những người đàn anh.
 
Cụ thể, từ 1995 đến 2007, dưới sự dẫn dắt của Jose Pekerman, Argentina vô địch năm trên bảy kỳ World Cup U-20. 11 năm sau đó (2007-2018), thành tích của U-20 có sự đi xuống rõ rệt: một lần vào tứ kết, hai lần bị loại từ vòng hai và một lần thậm chí không thể góp mặt. Đó là nỗi lo có cơ sở cho thế hệ kế cận sẽ khoác áo đội tuyển trong tương lai gần. Nguyên nhân chính được cho là sự chồng chéo trong việc điều hành bóng đá Argentina, đi kèm sự thiếu hụt chiến lược đường dài. 
 
Lionel Messi va cac dong doi than tho sau khi Argentina thua Phap.
Lionel Messi và các đồng đội thẫn thờ sau khi Argentina thua Pháp.
Ở thời điểm người dân Anh quốc bắt đầu ngán ngẩm với đội tuyển quốc gia luôn được “thổi phồng” sức mạnh trước những giải đấu lớn. Tam Sư bất ngờ tiến đến bán kết giải đấu. Qua đó dần lấy lại niềm tin của người hâm mộ. Tuy nhiên, thành công của tuyển Anh không phải do ngẫu nhiên. Đây là kết quả cho những chiến lược đường dài được điều hành bởi FA và sự tuân thủ từ những đội bóng quốc nội. Đó là điều Argentina thiếu.
 
Nói rộng ra, trong một thập kỷ gần nhất, hai quốc gia đạt nhiều thành công quốc tế nhất là Tây Ban Nha và Đức. Đây là hai minh chứng cho sự chuyên nghiệp và nhất quán trong hệ thống đào tạo bóng đá trẻ. Cầu thủ trẻ được định hướng tư duy và lối chơi từ cấp độ đầu tiên đến đội tuyển quốc gia. Những cái tên được chọn chính là sản phẩm hoàn hảo nhất của cả một chương trình đào tạo kéo dài hàng thập kỷ. 
 
Người Anh đã học theo mô hình đào tạo trẻ của Tây Ban Nha và Đức. Kết quả: họ vô địch lần lượt U-17, U-19 và U-20 trong vài năm qua. Cùng với thành tích tại nước Nga, có lẽ đến lúc Argentina cần học theo mô hình của những quốc gia châu Âu.
 
La co Anh duoc giuong len voi su tu hao trong suot 1 thang dien ra World Cup 2018.
Lá cờ Anh được giương lên với sự tự hào trong suốt 1 tháng diễn ra World Cup 2018.
Từng có một phát biểu thể hiện sự nhất quán tuyệt đối trong hệ thống đào tạo trẻ của hai quốc gia trên: “Trong suốt quá trình, thứ duy nhất được phép thay đổi chính là size áo”.
 
Sự thật là Argentina từng đầu tư vào một số kế hoạch dài hạn, song đều thất bại. Trong một bài phỏng vấn gần đây với The Guardian, huyền thoại bóng đá Argentina, Jorge Valdano chua chát nhận xét:
 
“Chúng tôi không có sự hậu thuẫn tài chính đủ mạnh. Đi cùng đó là khả năng quản lí và tầm nhìn có hạn. Song nguy hiểm nhất chính là sự kiêu ngạo về sức mạnh đội tuyển, vốn đã thuộc về quá khứ”. 
 
Tim Vickery, nhà báo của BBC, từng có phát biểu tương tự về bóng đá Brazil sau chức vô địch năm 2002. Ông am tường bóng đá Brazil do công tác tại quốc gia Nam Mỹ này từ năm 1994. Tim Vickery nghi ngại việc liên đoàn bóng đá Brazil tự tin vào việc sở hữu những tài năng thiên bẩm. Kết quả ai cũng đã biết, Selecao dừng bước tại tứ kết ba lần và một lần thất bại tại bán kết. Sự thiếu tầm nhìn dài hạn của hai quốc gia Nam Mỹ có thể đẩy họ đi chung một lối mòn.
 
Noi buon cua cac co dong vien sau khi Argentina thua Phap.
Nỗi buồn của các cổ động viên sau khi Argentina thua Pháp.
Song Argentina không có quyền quyết định đường lối phát triển bóng đá của chính họ. Nền kinh tế thiếu ổn định ảnh hưởng trực tiếp đến bóng đá. Khác với bóng đá lục địa già được bơm hàng tỉ dollars mỗi năm để phát triển. Các câu lạc bộ tại Argentina kiếm tiền bằng cách bán tài năng trẻ sang châu Âu. Điều này khiến hệ thống tư duy cũng như lối chơi của từng cầu thủ Argentina được định hướng khác nhau, phụ thuộc quốc gia họ “đánh thuê”.
 
Ngoài dấu hỏi về thế hệ kế thừa của Argentina, tính cân bằng cũng là điều gây lo lắng cho người hâm mộ. Cây bút Rory Smith (New York Times) từng phân tích điểm khác nhau trong đào tạo bóng đá giữa châu Âu và Nam Mỹ. Ông cho rằng nền bóng đá Nam Mỹ được định hướng tấn công. Ngược lại, bóng đá châu Âu bỏ nhiều thời gian cho huấn luyện phòng ngự.
 
Argentina nhiều năm qua trở thành nạn nhân của sự mất cân đối nghiêm trọng. Tại World Cup 2018, trong khi ba họng pháo “hạng nặng”: Aguero, Higuain và Dybala thay nhau “mài đũng quần” trên ghế dự bị, những hậu vệ trung bình như Marcos Rojo hay Gabriel Mercado nghiễm nhiên có suất đá chính. Nhiều lần Argentina “ngậm trái đắng” vì…công làm thủ phá.
 
Javier Mascherano sau tran da noi loi chia tay DT Argentina.
Javier Mascherano sau trận đã nói lời chia tay ĐT Argentina.
Tuy vậy, AFA đã có một số bước tiến tích cực cho bóng đá trẻ nước nhà. Liên đoàn bổ nhiệm một cựu cầu thủ, Juan Sebastian Veron vào vị trí quản lí bóng đá trẻ nhằm tạo sự liên kết giữa hai thế hệ. Argentina đã “trình làng” một số cái tên đầy hứa hẹn: Cristian Pavón và Lautaro Martínez – chân sút trẻ vừa gia nhập Inter Milan từ Racing Club.
 
Trong tương lai, có thành công hay không, thế hệ tiếp theo của Argentina khó lòng khiến người hâm mộ nguôi ngoai nỗi nhớ về Messi, Aguero, Di Maria,…Dù không đạt thành công nhất định, những bước chân từng tung hoành sân cỏ thế giới sẽ để lại một khoảng trống lớn cần san lấp cho bóng đá Argentina. Một thế hệ của sự dang dở…

Lược dịch: https://thesefootballtimes.co/2018/07/13/how-argentina-squandered-a-generation-of-outstanding-talent-and-why-the-future-remains-uncertain/

HẢI THƯỢNG (TTVN)
 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

X
top-arrow