Mùa giải trước, Manchester United đã kết thúc cuộc đua Premier League ở vị trí thứ 8. Kể từ khi giải đấu này được thành lập vào năm 1992, đây chính là vị trí thấp nhất mà họ từng đứng trên bảng xếp hạng.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Trong 38 trận đã chơi, số bàn thua của họ nhiều hơn 1 bàn so với số bàn thắng – đây cũng là con số tệ nhất của CLB chủ sân Old Trafford về hiệu số bàn thắng bại trong kỷ nguyên Premier League. Trên thực tế, lần trước đó Man United có hiệu số bàn thắng bại âm là tận năm 1990, khi giải đấu hạng cao nhất bóng đá Anh vẫn là “First Division”.
Đối với một đội bóng có doanh thu chỉ kém 4 đội khác tính trên toàn thế giới, những con số trên chắc chắn là tệ hại đến mức phi lý. Và với việc tỷ phú Jim Ratcliffe – một cổ đông thiểu số - tiếp quản các hoạt động bóng đá của CLB, cộng với Dan Ashworth – một nhân vật từng giúp tái thiết ĐTQG Anh, Brighton và Newcastle – trở thành giám đốc thể thao, dĩ nhiên kế hoạch của họ ở mùa giải này là không thể cho sự tệ hại đó được phép lặp lại.
Tuy nhiên, sau 9 trận đấu đã chơi ở mùa giải này, giờ đây Man United đang đứng dưới tận vị trí thứ 14. Họ đã để thủng lưới nhiều hơn 3 bàn so với số bàn thắng ghi được – và chưa cần phải đấu với Manchester City, Arsenal và Chelsea, Man United đã thảm tới vậy rồi. Thật ra đây không hẳn là sự khởi đầu tệ nhất từ trước đến nay của đội chủ sân Old Trafford – hiệu số bàn thắng bại của họ trong 9 trận đầu của mùa giải đầu tiên Ten Hag nắm quyền là -3; vào năm 2019, họ chỉ kiếm được 10 điểm trong 9 trận đầu của mùa giải đầu tiên Ole Gunnar Solskjaer ngồi ghế HLV trưởng.
Trong cả 2 mùa giải kể trên, Man United đều đã kết thúc cuộc đua trong Top 4. Tuy nhiên, dù cho đúng là trong quá khứ chúng ta đã thấy họ phục hồi thành công sau khi lâm vào những tình huống như hiện tại, nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy họ tệ tới vậy trong một thời gian dài thế này. Giờ đây Man United đã quyết định sa thải Ten Hag, hãy cùng xem qua 5 con số thống kê đơn giản cho thấy sự sa sút của CLB này đã đạt tới… một “tầm cao mới” dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Hà Lan và lý do tại sao họ phải thay đổi vị trí thuyền trưởng.
ĐIỂM SỐ
Chúng ta sẽ bắt đầu với thông số đơn giản nhất: Hiệu suất kiếm điểm trung bình mỗi trận. Cơ sở dữ liệu của Stats Perform lưu trữ các thống kê từ mùa giải 2008/09 của Premier League cho tới nay. Tính từ thời điểm đó, Man United đã trải qua 6 đời HLV trưởng “full time”. Sau đây là hiệu suất kiếm điểm trung bình mỗi trận của họ.
Hiệu suất trung bình 1,7 điểm mỗi trận tức là khoảng 65 điểm khi suy ra một mùa giải 38 trận.
Trong kỷ nguyên 38 trận của Premier League, triều đại Alex Ferguson chưa từng có mùa giải nào kiếm về ít hơn 75 điểm; trong 2 năm Louis Van Gaal cầm quân, 66 điểm là thành tích tệ nhất của Man United; trong 2 mùa giải trọn vẹn của Jose Mourinho, họ chưa bao giờ tụt xuống dưới con số 69; và mức đáy của triều đại Solskjer là 66.
Sau triều đại huy hoàng của Alex Ferguson, David Moyes đã trở thành người tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng từ tay nhà cầm quân người Scotland và trong mùa giải duy nhất của ông trên cương vị này, đội bóng của ông được ghi nhận hiệu suất kiếm điểm trung bình là 1,68 mỗi trận. Moyes đã bị sa thải sau 34 trận. Triều đại Ten Hag cũng kiếm điểm với hiệu suất trung bình gần như y hệt đội bóng của Moyes - và ông đã được tại vị tận 84 trận ở Premier League.
SỐ BÀN THUA
Nhìn chung, vấn đề lớn nhất của kỷ nguyên Ten Hag là Man United đã tỏ ra rất “dễ dãi” trong việc để đội khác chọc thủng lưới. Sau đây là thành tích phòng ngự của đội chủ sân Old Trafford dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân này, so với các đời HLV trưởng khác.
Trong 5 mùa giải Premier League vừa qua, các đội bóng kết thúc cuộc đua ở vị trí thứ 10 để thủng lưới trung bình 50,4 bàn / mùa. Trong hơn 2 mùa giải đã trải qua ở giải đấu này, Man United của Ten Hag thậm chí còn phòng ngự tệ hơn thế một chút, với con số 50,5 bàn thua / mùa.
Câu chuyện về lý do Man United có thành tích phòng ngự tệ hại đến thế cũng khá đơn giản. Dưới thời Ten Hag, họ đã để các đối thủ dứt điểm với tần suất trung bình cao nhất (ShotsAg), đồng thời “chất lượng” trung bình của những cơ hội dứt điểm mà họ “tặng” cho đối thủ cũng cao nhất (npXGA/Shot) so với 5 đời HLV trưởng full-time tiền nhiệm.
Trên hết, Man United của Ten Hag đã “cho phép” các đối thủ được chạm bóng trong vòng cấm của họ trung bình 30 lần mỗi trận. Thống kê tệ nhất được ghi nhận trong 5 triều đại trước thời Ten Hag cũng chỉ là con số 21 dưới thời Solskjaer.
Hầu hết các nhà cầm quân đều buộc phải có những sự đánh đổi trong chiến thuật phòng ngự mà họ thi triển trên sân đấu; ví dụ như hạn chế số lượng các cơ hội dứt điểm của đối thủ bằng cách phòng ngự tầm cao với cường độ tranh bóng dữ dội, táo bạo, nhưng một khi thất bại thì đối thủ sẽ có được những cơ hội ghi bàn cực nguy hiểm. Hoặc để cho đối thủ được chạm bóng trong vòng cấm rất nhiều nhưng bù lại thì họ sẽ chẳng thể có được những cơ hội dứt điểm chất lượng cao, vì có quá nhiều người che chắn trước khung thành.
Tuy nhiên, dưới thời Ten Hag, công tác phòng ngự của Man United có hết mọi nhược điểm của những lối phòng ngự đã nêu ra ở trên và không hề có chút ưu điểm nào.
KHẢ NĂNG GHI BÀN
Một sự đánh đổi lớn khác mà các nhà cầm quân buộc phải chấp nhận là giữa phòng ngự và tấn công. Ví dụ như dồn thật nhiều quân số lên phía trên sân đấu để tấn công và ghi hàng loạt bàn thắng, nhưng bù lại thì công tác phòng ngự của bạn sẽ rất mong manh dễ vỡ. Chúng ta đang chứng kiến điều đó diễn ra ở Barcelona. Dưới thời Hansi Flick, họ đang pressing tầm cao cực táo bạo, họ say mê chơi đùa với con dao hai lưỡi mang tên “bẫy việt vị”, và để thủng lưới khá nhiều, nhưng bù lại họ đang ghi được nhiều bàn thắng tới mức điều đó chẳng bị xem là một vấn đề lớn. Có thể nói họ chính là đội bóng có phong độ cao nhất thế giới hiện tại nhờ lối chơi liều lĩnh của mình.
Nhưng Man United của Ten Hag thì chẳng được như thế, họ phòng ngự kém đã đành, và khâu tấn công của họ cũng tệ hại nốt – như biểu đồ dưới đây cho thấy:
Đội chủ sân Old Trafford đã khá may mắn khi có thể kết thúc mùa giải đầu của triều đại Ten Hag ở vị trí thứ 3 (mùa 2022/23), và thậm chí ngay cả vị trí thứ 8 ở mùa giải trước cũng thế. Xét theo dữ liệu “điểm số kỳ vọng” – được tính toán bằng cách xem xét hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng cụ thể trong từng trận đấu rồi suy ra “điểm số kỳ vọng” cho cả 2 đội tham dự - thì Man United sẽ chỉ đứng thứ 6 vào mùa giải 2022/23 và đứng dưới tận vị trí thứ 15 vào mùa giải trước.
Tuy nhiên, thật ra thì có một khía cạnh mà nhà cầm quân người Hà Lan đã hơi xui xẻo là ở khâu tận dụng cơ hội. Đội bóng của ông được ghi nhận đã tạo ra trung bình 1,64 bàn thắng kỳ vọng (xG) trung bình mỗi trận – chỉ thấp hơn một chút so với mức tốt nhất của đội chủ sân Old Trafford từ thuở cuối kỷ nguyên Ferguson cho tới toàn bộ triều đại Solskjaer là 1,65.
Đặc biệt là ở mùa giải này, Man United đã dứt điểm vô cùng kém cỏi. Khoảng cách giữa 2 dữ liệu bàn thắng kỳ vọng và bàn thắng thực tế của họ là lớn nhất Premier League mùa này sau 9 trận đã chơi.
Nhưng kể cả khi tính đến sự đen đủi đó để tìm kiếm lý do “thông cảm” cho Ten Hag, thì Man United vẫn chỉ có hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng ở mức âm tại thời điểm này của mùa giải, và tổng “điểm số kỳ vọng” của đội bóng này hiện tại cũng chỉ đưa họ lên vị trí thứ 10.
Một phép so sánh khác giữa triều đại Ten Hag với các triều đại khác tính từ năm 2008 cũng sẽ cho thấy câu chuyện tương tự:
Trung bình, lượng “bàn thắng kỳ vọng” mà đoàn quân của Ten Hag tạo ra chỉ chiếm 50,7% tổng “bàn thắng kỳ vọng” của các trận đấu mà họ đã chơi. Nói cách khác, họ cực hiếm khi có được một trận đấu chơi áp đảo đối thủ.
KHẢ NĂNG PRESSING
Khi Man United thông báo quyết định tuyển dụng Ten Hag từ Ajax, họ đã ca ngợi ông là một nhà cầm quân “trứ danh với một thứ bóng đá tấn công đầy lôi cuốn”. Trong kỳ tập huấn tiền mùa giải đầu tiên với đội chủ sân Old Trafford, chính Ten Hag đã tuyên bố: “Chúng tôi muốn pressing, chúng tôi muốn pressing dữ dội nhất có thể, và chơi một thứ bóng đá chủ động.”
Hơn hai mùa giải trôi qua, Man United vẫn chẳng thể trở thành một đội bóng giỏi pressing như Ten Hag đã hứa hẹn ngay từ những ngày đầu ngồi ghế HLV trưởng.
Chúng ta có thể định lượng cường độ pressing tầm cao của họ thông qua chỉ số PPDA (passes allowed per defensive action), tức là trung bình số đường chuyền mà một đội bóng cho phép đối thủ thực hiện ở khu vực 1/3 cuối sân của mình trước khi họ cố can thiệp với một hành động phòng ngự như tắc bóng, cắt bóng, phạm lỗi hoặc chặn bóng. Sau đó, chúng ta cũng có thể xem xét tỷ lệ chuyền bóng thành công trung bình mà đối thủ “được phép” có để suy ra độ hiệu quả thực sự trong công tác pressing của đội bóng này.
Trong cả 2 chỉ số trên, Man United của Ten Hag chính là triều đại kém cỏi nhất so với 5 đời HLV trưởng “full-time” tiền nhiệm.
Thật ra, xét trên toàn Premier League tính tới thời điểm này của mùa giải thì các đội bóng khác cũng đang có khuynh hướng để cho 2 chỉ số trên gia tăng. Nhưng kể cả vậy thì Man United cũng đang bị xếp dưới tận vị trí thứ 15 về PPDA, và có 8 đội khác tốt hơn họ trong số liệu “tỷ lệ chuyền bóng thành công để cho đối thủ có được”.
KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT BÓNG
Vấn đề cốt lõi của kỷ nguyên Ten Hag rất đơn giản: Họ chưa bao giờ tìm được cách để kiểm soát bóng. Mọi CLB lớn đều có kế hoạch rõ ràng cho các câu hỏi làm thế nào để đoạt lấy quyền kiểm soát bóng, làm thế nào để giữ bóng, và cách sử dụng 2 điều đó để tạo ra những kịch bản mà họ kiếm được nhiều cơ hội hơn đối thủ.
Mặc dù chúng ta đã được chứng kiến không ít ví dụ về những CLB giành được rất nhiều điểm số mà chẳng cần cầm bóng nhiều – chức vô địch Premier League kỳ diệu của Leicester City, Atlético Madrid của Diego Simeone, Inter Milan dưới thời Antonio Conte, và Monaco thuở họ sở hữu mọi tài năng trẻ hàng đầu thế giới trong cùng 1 mùa giải – nhưng hầu hết các đội bóng hiện đại đều xây dựng sự thành công lâu dài, bền vững bằng cách bảo vệ quả bóng khỏi đối thủ. Ten Hag nổi tiếng là một nhà cầm quân mang tư tưởng này.
Nhưng thay vào đó, Man United dưới thời nhà cầm quân người Hà Lan lại là triều đại có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình thấp nhất – và thấp hơn đáng kể - so với 5 đời huấn luyện viên full-time trước.
Thông thường, hầu hết các chiến lược gia thành công đều phát triển được sự gắn kết, thành thạo giữa đội bóng của họ và phong cách bóng đá mà họ theo đuổi trước năm thứ ba nắm quyền. Jurgen Klopp (Liverpool), Pep Guardiola (Man City), và Mikel Arteta (Arsenal) đều đã xây dựng được một lối chơi rõ ràng, rành mạch tại đội bóng mà mình dẫn dắt trước khi đưa lối chơi đó lên cấp độ ưu tú, đẳng cấp thế giới.
Không chỉ tệ hại về kết quả, Man United của Ten Hag còn chẳng hề có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đang tiến bước trên một con đường hướng tới một phong cách bóng đá nào đó. Nếu thực sự có một ý tưởng chiến lược và phong cách bóng đá đang được nung nấu trong tâm trí họ, thì thực tế cho thấy họ đang hoàn toàn mù mịt về cách để hiện thực hóa ý muốn đó. Họ hoàn toàn vô vọng khi không bóng, và chưa bao giờ tìm ra được công thức để nắm lấy quyền kiểm soát nó dưới thời Ten Hag.
Có lẽ tình hình sẽ sáng sủa hơn dưới sự dẫn dắt của một gương mặt mới trên chiếc ghế HLV trưởng.
Theo Ryan O’Hanlon, ESPN