Dù bạn có thích hay không, bóng đá chính là một ngành thương mại và đương nhiên kiếm tiền là một phần của mọi hoạt động thương mại. Một số CLB ở châu Âu làm tốt điều này hơn những CLB khác trên thị trường chuyển nhượng, trong khi một số lại có đẳng cấp hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem qua một số CLB hàng đầu trong việc kiếm lợi nhuận từ sự ra đi của các cầu thủ của họ. Thông thường, điều đó có nghĩa là mang về CLB một cái tên vô danh với mức phí cực rẻ, phát triển họ, bán họ đi với mức phí cao hơn nhiều so với lúc mang về, và sau đó bắt đầu lại quá trình này.
Mặc dù bạn cũng có thể kiếm lời nhờ một ngôi sao đẳng cấp thế giới như Neymar – người được Barcelona mua về với giá 88 triệu Euro từ Santos vào năm 2013, 4 năm sau đã chuyển đến Paris Saint-Germain với mức phí 222 triệu Euro – nhưng phần lớn những thương vụ đại thành công trong việc tạo lợi nhuận mà các CLB thực hiện được thường đi kèm với những cầu thủ kém tiếng tăm vào thời điểm mới gia nhập. Và các CLB lớn thường không được hưởng lợi khủng trong tương lai gần, bởi vì họ buộc phải chi rất nhiều tiền cho những mục tiêu của mình.
Dưới đây – thông qua Transfermarkt – là một danh sách những CLB đã thành công rực rỡ trong việc kiếm lợi nhuận thông qua hoạt động mua bán cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng trong 12 năm qua.
BENFICA
Khoản chi kỷ lục: 34 triệu Euro – Darwin Nunez (UD Almeria)
Khoản thu kỷ lục: 127,20 triệu Euro – Joao Felix (Atletico Madrid)
Benfica là CLB có nhiều fan nhất tại Bồ Đào Nha – họ đã giành được 7 chức vô địch quốc gia kể từ mùa giải 2000-01 và lập kỷ lục về số lần đăng quang với con số 37 – và đã thu về hơn 1 tỷ Euro từ việc bán cầu thủ trong 2 thập kỷ qua.
Chiến lược chuyển nhượng của Benfica không có quá nhiều khác biệt so với đối thủ của họ là FC Porto, nhưng chính học viện hàng đầu của họ, dưới sự điều hành của một số HLV đào tạo cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Âu, đã tạo ra nhiều ngôi sao trẻ kiệt xuất trong nhiều thập kỷ. Những thương vụ chuyển nhượng đưa Joao Felix đến Atletico Madrid với mức phí 127,20 triệu Euro và Ruben Dias gia nhập Manchester City với phí chuyển nhượng 71,6 triệu Euro đều là những viên ngọc giúp cho chiếc vương miện của họ trở nên thêm rạng ngời hơn, nhưng bên cạnh đó Benfica cũng sở hữu một mạng lưới tuyển trạch viên tuyệt vời ở Argentina và Brazil cho phép họ đưa về CLB những cầu thủ như David Luiz, Angel Di Maria và Pablo Aimar với các mức phí cực thấp.
Nhìn chung, các CLB Bồ Đào Nha đã được hưởng lợi từ việc khí hậu, văn hóa và phong cách bóng đá của họ không quá khác biệt so với Nam Mỹ, điều này đã tạo điều kiện cho quá trình thích nghi của các cầu thủ lần đầu vượt Đại Tây Dương có thể diễn ra suôn sẻ. Là một đội bóng hàng đầu ở một quốc gia có mức lương tương đối khiêm tốn (với rất ít hạn chế trong việc ký hợp đồng với các cầu thủ nước ngoài) cũng cho phép Benfica đưa ra những đề nghị lương thưởng cho các cầu thủ nước ngoài ở mức thấp hơn đáng kể so với – ví dụ - đãi ngộ mà một tài năng người Brazil có thể mong đợi ở một CLB có tầm vóc tương tự tại Italy hoặc Đức.
Tuy nhiên, họ cũng rất giỏi trong việc phát triển những tài năng trẻ chiêu mộ được từ các nước châu Âu nhỏ hơn như Serbia, Slovenia và Thụy Điển. Nemanja Matic (mang về với mức phí 5 triệu Euro từ Chelsea, 3 năm sau đó bán lại cho The Blues với mức phí 25 triệu Euro), Jan Oblak (mua về với mức phí 4 triệu Euro, sau đó bán cho Atletico Madrid với phí 16 triệu Euro) và Victor Lindelof (một cầu thủ “cây nhà lá vườn” nổi lên từ học viện, đã mang về cho CLB 35 triệu Euro sau khi gia nhập Manchester United). Gần đây nhất, thành tích “phát hiện ra” tài năng của Darwin Nunez đã giúp Benfica kiếm được đến 41 triệu Euro tiền lời chỉ sau 2 năm, khi anh chuyển đến Liverpool với mức phí 75 triệu Euro vào mùa hè vừa qua.
Một điểm mạnh lớn khác của Benfica là việc CLB này xác định bản thân là một “cửa hàng nhỏ” (tương tự như FC Porto), hầu như luôn giữ vững các nguyên tắc, điều kiện của mình trong mọi thương vụ chuyển nhượng.
AJAX
Khoản chi kỷ lục: 31,3 triệu Euro – Steven Bergwijn (Tottenham)
Khoản thu kỷ lục: 95 triệu Euro – Antony (Manchester United)
Không chỉ sở hữu một trong những học viện danh giá nhất của bóng đá châu Âu trong nhiều thập kỷ, gã khổng lồ của bóng đá Hà Lan còn được tận hưởng vị thế là một hình mẫu về định hướng đường lối, hệ tư tưởng hoạt động cho một CLB. Kết quả của nhiều năm làm việc có chiến lược rõ ràng, các nguyên tắc và phương pháp luận chung được áp dụng và tôn trọng từ hệ thống đào tạo trẻ cho đến đội một, là Ajax đã tạo nên nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới, và không ít “sản phẩm” của họ đã đóng vai trò quan trọng cho những CLB hàng đầu trong giới túc cầu.
Có thể sẽ có nhiều người cho rằng các cầu thủ Ajax không quá giỏi trong việc thích nghi với môi trường mới hoặc quá ám ảnh với khía cạnh thẩm mỹ của bóng đá, nhưng không có gì để bàn cãi về chất lượng của họ cả. Các giám đốc điều hành của một số CLB lớn chắc chắn cũng đã có quan điểm như vậy, xét trên việc Ajax đã thu về đến 216,22 triệu Euro từ hoạt động bán cầu thủ vào mùa hè này: Lisandro Martinez và Antony (Man United), Sebastien Haller (Borussia Dortmund,) Ryan Gravenberch (Bayern Munich), Perr Schuurs (Torino), Nicolas Tagliafico (Lyon) và Dominik Kotarski (HNK Gorica).
Antony (95 triệu Euro, chuyển đến Man United), De Jong (86 triệu Euro, chuyển đến Barcelona), Matthijs de Ligt (85 triệu Euro, chuyển đến Juventus) và Donny van de Beek (39 triệu Euro, chuyển đến Man United) là những viên ngọc quý đã giúp học viện của CLB này càng thêm rạng danh hơn trong những năm gần đây, nhưng Ajax cũng cho thấy họ rất tinh mắt trong việc chiêu mộ người từ những CLB khác, đặc biệt là tại Hà Lan: Quyết định đưa Luis Suarez về CLB từ Groningen đã mang về cho họ khoản tiền lời 15 triệu Euro khi anh chuyển đến Liverpool, trong khi Hakim Ziyech được chiêu mộ với mức phí 11 triệu Euro từ FC Twente và sau này được bán cho Chelsea với mức phí 44 triệu Euro.
Do những giới hạn chặt chẽ hơn đối với việc đăng ký các cầu thủ không thuộc EU ở Hà Lan, Ajax có thể không phải là bệ phóng lý tưởng cho các cầu thủ thuộc diện này (mặc dù Davinson Sanchez của Colombia, Martinez của Argentina và Antony của Brazil đều đã tìm được thành công sau khi gia nhập CLB với tư cách những bản hợp đồng kém tiếng tăm), nhưng CLB này chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút được nhiều tài năng hàng đầu châu Âu đến với mình.
@bongda24h.vn.official Chuyển nhượng thành công nhất là? #bongda #bongda24h #bongda24hvn #trenduongpitch #tdp #thethaomoingay #manchesterunited #manutd #sportnews #top ♬ nhạc nền - Xsbandinh.com Official
FC PORTO
Khoản chi kỷ lục: 20 triệu Euro - David Carmo (Braga), Oliver Torres (Atletico Madrid), Giannelli Imbula (Marseille)
Khoản thu kỷ lục: 50 triệu Euro - Eder Militao (Real Madrid)
Với sự thành công được duy trì gần như liên tục ở đấu trường quốc nội – 12 chức VĐQG từ mùa giải 2000-01 – và thường xuyên được góp mặt ở Champions League, nhà đương kim vô địch của Bồ Đào Nha từ lâu đã trở thành một cỗ máy kiếm lời thượng hạng.
Dưới sự dẫn dắt của vị chủ tịch lâu năm Jorge Nuno Pinto da Costa, người đã kỷ niệm 40 năm nhiệm kỳ vào đầu năm nay, Porto đã trở thành một “cao thủ” trên thị trường chuyển nhượng kể từ khi Chelsea mua Ricardo Carvalho và Paulo Ferreira với tổng chi phí 50 triệu Euro vào năm 2004. Vì Pinto da Costa đã mang đến sự kiên định và trung thành với đường lối “mua người giá rẻ, phát triển, bán đi và tái đầu tư” của CLB, Porto đã tận dụng tối đa khả năng của mình để chọn ra những vị HLV trưởng xuất sắc, nhưng chính mạng lưới tuyển trạch viên của họ mới là điều thực sự gây ấn tượng. Bất cứ nơi nào xuất hiện một cái tên đáng để đặt cược trong mạng lưới trinh sát đó, một đại diện của Porto sẽ nhanh chóng tiếp cận, và CLB này có một mối liên kết đặc biệt chặt chẽ với Nam Mỹ.
Porto đã sử dụng mối quan hệ này để chiêu mộ tiền đạo Radamel Falcao từ River Plate với mức phí 5,5 triệu Euro (kiếm được 34,5 triệu Euro tiền lời khi bán anh cho Atletico Madrid), hậu vệ Eder Militao từ Sao Paulo với mức phí 7 triệu Euro (lãi 43 triệu Euro chỉ trong vòng 1 năm sau khi bán anh cho Real Madrid), và gần đây nhất là cầu thủ chạy cánh Luis Diaz với mức phí 7 triệu Euro từ Junior FC (lãi 40 triệu Euro sau khi bán anh cho Liverpool 2 năm sau đó.)
Porto chưa bao giờ chi hơn 20 triệu Euro và đã tỏ ra rất thông minh trong việc làm ăn ở những thị trường mới, ví dụ: Hulk và Bruno Alves đã chuyển đến đội bóng Nga Zenit St Petersburg với tổng phí chuyển nhượng là 62 triệu Euro, đây thực sự là một khoản thu lớn vào đầu những năm 2010. Họ cũng sở hữu một học viện tuyệt vời, được thể hiện qua việc Vitinha (PSG), Fabio Vieira (Arsenal) và Fabio Silva (Wolves) đã mang về cho CLB này tổng cộng 116 triệu Euro.
LILLE
Khoản chi kỷ lục: 27 triệu Euro – Jonathan David (KAA Gent)
Khoản thu kỷ lục: 80 triệu Euro – Nicolas Pepe (Arsenal)
Vốn dĩ đã được cho là “nhà cung cấp tài năng từ Ligue 1 đến Premier League” bị đánh giá sai thực lực nhất trong thập kỷ qua (hãy nhớ lại những thương vụ đã đưa Yohan Cabaye và Mathieu Debuchy gia nhập Newcastle, Idrissa Gueye và Anwar El Ghazi gia nhập Aston Villa), Lille gần đây đã càng nổi danh là một sân khấu dành cho các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ tiếng tăm lớn, nhờ chức vô địch quốc gia mùa giải 2020-21 của họ.
Mặc dù khoản tiền 80 triệu Euro kiếm được sau khi Pepe gia nhập Arsenal vào năm 2019 là khoản thu kỷ lục của họ trên TTCN, nhưng việc thanh toán lại được chia ra theo bản hợp đồng 5 năm của anh và tiếng tăm của nó đã trở nên mờ nhạt đi khi Lille bán tiền đạo người Nigeria Victor Osimhen cho Napoli với mức phí chuyển nhượng 75 triệu Euro, chỉ 1 mùa giải sau khi mua anh về với phí 22,4 triệu Euro từ RSC Charleroi.
Phong độ kiếm lời đó đã tiếp tục được thể hiện trong mùa hè vừa qua, với việc 99 triệu Euro đã được thu về từ các thương vụ bán người bao gồm: Sven Botman (37 triệu Euro, chuyển đến Newcastle), Amadou Onana (36 triệu Euro, chuyển đến Everton), Renato Sanches (15 triệu Euro, chuyển đến PSG), Zeki Celik (7 triệu Euro, chuyển đến Roma) và Domagoj Bradaric (5 triệu Euro, chuyển đến Salernitana). Trong khi phần lớn công lao trong thành công về khía cạnh chuyên môn thể thao và trên thị trường chuyển nhượng là của các kiến trúc sư chính trong chức vô địch Ligue 1 mà họ giành được – HLV trưởng Christophe Galtier và giám đốc thể thao Luis Campos (hiện đã chuyển đến Paris Saint-Germain) – Lille luôn là một điểm đến được nhiều nhà tuyển trạch ghé thăm do vị trí địa lý gần với thủ đô Paris, Anh (thời gian di chuyển bằng tàu điện ngầm ngắn hơn một trận bóng đá) và các nước châu Âu lân cận.
Lille đã cố gắng duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với các CLB Premier League thông qua những thương vụ trước đó hoặc các tay cò, và – thật ấn tượng – họ vẫn có thể đạt được khả năng cạnh tranh bất chấp những “giai đoạn chuyển giao” kéo dài vô tận và sự hỗn loạn trên thượng tầng CLB.
Việc Botman hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thay thế Gabriel (chuyển đến Arsenal) và Jonathan David khỏa lấp hoàn hảo khoảng trống mà Osimhen bỏ lại đã thể hiện hình ảnh của một CLB có thể duy trì sức mạnh cạnh tranh ngay cả khi họ thường xuyên bán đi các ngôi sao của mình để kiếm lời.
FC SALZBURG
Khoản chi kỷ lục: 13 triệu Euro – Lucas Gourna-Douath (Saint Etienne)
Khoản thu kỷ lục: 32,9 triệu Euro – Brenden Aaronson (Leeds)
Với nguồn gốc là điểm khởi đầu của một mạng lưới các CLB trên toàn cầu do Red Bull sở hữu – với RB Leipzig đứng trên đỉnh “kim tự tháp” – nhà vô địch bóng đá Áo đã hoạt động rất xuất sắc trên TTCN trong 10 năm qua. Họ đã có một số lượng đáng kể những cầu thủ trẻ kiệt xuất tìm đến để phát triển sự nghiệp tại môi trường thể thao tương đối dễ thở của giải VĐQG Áo trước khi vươn tới những điều lớn lao hơn.
Aaronson (32,9 triệu Euro, chuyển đến Leeds), Erling Haaland (20 triệu Euro, chuyển đến Dortmund), Karim Adeyemi (30 triệu Euro, chuyển đến Dortmund), Patson Daka (30 triệu Euro, chuyển đến Leicester), Sadio Mane (23 triệu Euro, chuyển đến Southampton), Enock Mwepu (23 triệu euro, chuyển đến Brighton), chỉ cần kể ra một vài cái tên như vậy thôi và tiếp tục nhìn sang những khoản phí cực thấp mà CLB này đã chi ra để mang họ về là đã quá đủ bằng chứng cho thấy đội ngũ tuyển trạch viên của FC Salzburg xuất sắc đến thế nào. Thật đáng nể, khoản chi kỷ lục của họ vẫn đang là 13 triệu Euro.
Toàn bộ đội ngũ tuyển dụng của RB được quản lý theo những nguyên tắc rõ ràng về các phẩm chất thể hiện “cấu tạo” của một tân binh lý tưởng: Thể chất mạnh mẽ, tốc độ và sức mạnh bùng nổ, thể lực để pressing cường độ cao, và lối chơi máu lửa, tất cả đều rất được coi trọng trong danh sách kiểm tra để thu hẹp phạm vi tìm kiếm các ngôi sao tiềm năng.
Với việc Salzburg có một “CLB anh em” chơi ở Bundesliga của Đức là Leipzig, điều này cũng đã góp phần tạo nên sức hút của họ đối với các cầu thủ trẻ, cũng như mang đến động lực rất lớn dành cho những cầu thủ đang chơi cho CLB này. Tính từ năm 2010, đã có hơn 20 cầu thủ đi trên con đường đó (thăng tiến từ Red Bull Salzburg lên RB Leipzig), bao gồm: Naby Keita (30 triệu Euro), Dominik Szoboszlai (22 triệu Euro), Amadou Haidara (19 triệu Euro), Dayot Upamecano (18,5 triệu Euro) và gần đây nhất là tiền đạo Benjamin Sesko (24 triệu Euro). Có thể thấy CLB Áo này đã làm rất tốt việc nuôi dưỡng các tài năng mà mình sở hữu và do đó có được khả năng hưởng lợi từ họ rất cao. Hiện tại, Salzburn đang là một điểm trinh sát ưa thích của các CLB muốn thi triển một thương hiệu bóng đá giống họ.
Nguồn: Lược dịch từ bài nhận định “Benfica, Porto, Ajax, Lille, FC Salzburg? Which clubs make the most profit in the transfer window?” đăng tải trên ESPN của Tor-Kristian Karlsen – một trong những tuyển trạch viên hàng đầu thế giới, từng đảm nhận cương vị Giám đốc thể thao cho CLB AS Monaco và tuyển trạch viên tại một số đội bóng khác như Watford, Bayer Leverkusen, Hanover 96 và Zenit St. Petersburg.