Thất bại trước một trong những đội bóng hàng đầu châu Á như Saudi Arabia là một kết quả đã được dự báo trước cho đội tuyển Việt Nam. Một trận đấu trước đối thủ sở hữu chất lượng đội hình tốt hơn, đẳng cấp hơn xứng đáng là thước đo cho cách vận hành chiến thuật của HLV Park Hang-seo.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!
Đối đầu với một đội bóng được đánh giá cao hơn rất nhiều, đẩy cao tốc độ ngay từ những phút thi đấu đầu tiên được xem là một lựa chọn hợp lý với đội tuyển Việt Nam. Càng giá trị hơn, khi sự tự tin của các học trò HLV Park Hang-seo đã mang lại kết quả từ sớm với khoảnh khắc ngôi sao của Quang Hải.
Từ một pha bóng cố định, ĐT Việt Nam triển khai một tình huống tấn công tốc độ cao ở thời điểm đối thủ chưa có được sự tập trung tốt nhất, với điểm nhấn là khả năng chọn vị trí và sự nhạy cảm của hai tiền vệ tấn công Văn Đức và Quang Hải.
Văn Đức chọn vị trí ở trung lộ để tạo sự liên kết, hướng bóng xuống biên cho Văn Thanh băng lên
Quang Hải có mặt ngay trước khu vực trung lộ, đoạt bóng hai trước khi thực hiện pha dứt điểm quyết đoán
Điểm nhấn trong bàn thắng sớm của ĐT Việt Nam đến từ việc tình huống cố định giúp chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách với khung thành đối thủ và có thời cơ tạo ra một tình huống tấn công nhanh để tận dụng khả năng kỹ thuật của các cầu thủ tấn công. Đó chính xác là nền tảng để Quang Hải và Văn Đức, những người chơi gần khu vực trung lộ có cơ hội tạo nên những khoảnh khắc toả sáng.
Tuy nhiên, đó cũng là lần hiếm hoi trong trận đấu này Saudi Arabia cho ĐT Việt Nam cơ hội để thực hiện ý đồ ấy. Việc đội chủ nhà áp đặt lối chơi một cách toàn diện khiến cho đội bóng của HLV Park Hang-seo hiếm khi đủ khả năng triển khai bóng lên phần sân đối thủ với trạng thái và quân số đủ để tạo ra các cơ hội tấn công.
NHỮNG LỖ HỔNG Ở HÀNG THỦ
Một thế trận phòng ngự phản công của ĐT Việt Nam là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, cũng giống như trong trận đấu trước ĐT UAE trong khuôn khổ vòng loại thứ hai, nhưng lỗ hổng ở hàng phòng ngự khi đội tuyển Việt Nam lùi về phạm vi sân nhà lại bị bộc lộ.
Sơ đồ 5-4-1 nhanh chóng được các cầu thủ Việt Nam thiết lập ngay từ khi tiếng còi khai cuộc cất lên. Cần phải nói rằng, các học trò của HLV Park Hang-seo chủ động không lùi quá sâu và muốn tạo ra áp lực khi bóng tiếp cận vạch giữa sân. Tuy nhiên, cách thức vận hành cấu trúc đội hình lại không thể giúp chúng ta phòng ngự ở khoảng cách xa với khung thành của thủ môn Tấn Trường. Khả năng kiểm soát bóng của đối thủ nhanh chóng khiến ĐT Việt Nam phải lùi rất sâu về phạm vi 1/3 sân nhà.
Hệ thống phòng ngự 5-4-1 tương đối phẳng của ĐT Việt Nam sớm bộc lộ ra điểm yếu. Chỉ kiểm soát bóng 25% trong hiệp thi đấu thứ nhất, chịu 9 pha dứt điểm là một trong những dẫn chứng xác đáng nhất.
Sơ đồ 5-4-1 của ĐT Việt Nam, Tuấn Anh dâng cao áp sát trung vệ đối thủ
Saudi Arabia dễ dàng đưa bóng qua trung lộ, vị trí Tuấn Anh bỏ lại
Và họ dễ dàng đưa bóng xuống khu vực 1/3 cuối sân
HLV Park Hang-seo muốn các học trò duy trì một cự ly đội hình cách xa khu vực 16m50, tuy nhiên, ý đồ này nhanh chóng không thể được thực hiện. Nó không chỉ đến từ khả năng triển khai bóng điềm tĩnh của đối thủ, mà còn đến từ những hạn chế trong cách chơi của ĐT Việt Nam. Định hướng phòng ngự của đội khách dựa theo chiều dọc tương đối nhiều, khi các tiền vệ dâng cao áp sát, các trung vệ sẽ tương ứng phán đoán thời điểm và hạn chế các khoảng trống được bỏ lại.
4 tiền vệ dâng cao gâp áp lực, trung vệ Ngọc Hải chủ động hỗ trợ
Nhưng Ngọc Hải không thể kiểm soát cầu thủ đối phương với phẩm chất kỹ thuật tốt
Saudi Arabia triển khai bóng trực diện vào khu vực trung lộ với khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ ĐT Việt Nam
Đội chủ nhà tạo ra thời cơ ở khoảng trống lớn
Vấn đề đến với ĐT Việt Nam đến từ việc chúng ta để đối thủ có được thời gian để đánh giá, di chuyển và thực hiện các đường chuyền xuyên tuyến ra sau lưng hàng tiền vệ. Cùng lúc ấy, hàng tiền vệ và các trung vệ lại không thể tạo sự đồng bộ trong tính thời điểm gây áp lực để hạn chế các khoảng trống giữa các tuyến.
Hoàng Đức dâng cao áp sát
Nhưng không có hậu vệ nào của Việt Nam bọc lót các khoảng trống phía sau lưng hàng tiền vệ
Việc chơi với một hệ thống 5-4-1 quá phẳng khiến cho ĐT Việt Nam chỉ có thể làm tốt ở việc hạn chế đối thủ ở hai hành lang cánh, nhưng không thể giúp đội bóng của HLV Park Hang-seo có một thế trận vững chắc ở khu vực trung tuyến, nơi đối thủ Saudi Arabia hoàn toàn chủ động và có ý đồ đưa bóng vào phạm vi này với các tiền vệ tấn công có kỹ thuật xử lý bóng và phối hợp ở đoạn ngắn rất tốt của mình. Hai tiền vệ trung tâm Hoàng Đức và Tuấn Anh phải quán xuyến một phạm vi quá lớn, dẫn đến không ít tình huống Ả Rập Xê Út dễ dàng lôi kéo cặp đôi này khỏi vị trí và khai thác khoảng trống ở trung lộ.
Cặp tiền vệ trung tâm của ĐT Việt Nam bị lôi kéo khỏi vị trí, Ngọc Hải ra dấu hiệu về khoảng trống ở khu vực trung lộ
Đối thủ triển khai bóng qua khu vực trung lộ, cả Ngọc Hải và Thành Chung đều cùng dâng cao
Việc không có thông tin giữa 2 trung vệ khiến hàng phòng ngự không thể kiểm soát và bọc lót khoảng trống sau lưng
Saudi Arabia có cơ hội đối mặt với khung thành của Tấn Trường
Rõ ràng ĐT Việt Nam đã phải đối mặt với một đối thủ ở đẳng cấp cao, nhưng hệ thống phòng ngự 5-4-1 quá phẳng cũng khiến khu vực trung tuyến không thể được kiểm soát tốt nhất trước định hướng triển khai bóng ở cự ly ngắn cùng các cầu thủ kỹ thuật bên phía đối phương. Thường xuyên bị đẩy sâu xuống gần vòng 16m50 không chỉ khiến ĐT Việt Nam đối mặt thường trực với những tình huống uy hiếp của đối thủ, mà còn là một nguyên nhân lớn khiến đội bóng của HLV Park Hang-seo không thể tạo ra những thời cơ trên phần sân đối phương.
ĐT VIỆT NAM KHÔNG THỂ PHẢN CÔNG
Một trong những điểm mạnh nhất của ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo là các tình huống phản công đã không thể được thực hiện trước Saudi Arabia. Ở mỗi hiệp đấu, ĐT Việt Nam chỉ thực hiện duy nhất 1 tình huống dứt điểm, trong khi đó tỉ lệ kiểm soát bóng chỉ vỏn vẹn 28%.
Có thể nói, các cầu thủ áo đỏ đã có thời cơ để thực hiện những tình huống sở trường trong lối chơi, với khả năng liên kết, xử lý bóng của cặp đôi tiền vệ tấn công Văn Đức và Quang Hải. Nhưng trong bối cảnh những cơ hội như thế không diễn ra một cách thường xuyên, thì khả năng ra quyết định ở những pha xử lý bóng quyết định cũng không thể diễn ra theo đúng ý nhất.
Văn Đức và Quang Hải cho thấy sự am hiểu ở định hướng chiến thuật khi cố gắng di chuyển gần khu vực trung lộ trong những pha phản công
Cơ hội mở ra khi đối thủ dâng cao từ đường chuyền của Văn Đức cho Tiến Linh
Nhưng đối thủ cũng chơi với sự tập trung
Pha bóng đáng tiếc nhất diễn ra ở phút thứ 39, khi Quang Hải, Văn Thanh, Tiến Linh và Đức Chinh có một tình huống thoát khỏi áp lực của đội chủ nhà một cách đầy năng lượng.
Quang Hải bình tĩnh kiểm soát bóng trong phạm vi hẹp trước khi mở ra thời cơ tăng tốc cho Văn Thanh
Tiến Linh tạo cầu nối trong khi Văn Đức tăng tốc
Tình huống xử lý đầy đáng tiếc của Tiến Linh
Tuy nhiên, những yếu tố để có thể tạo nên một tình huống phản công ấn tượng cho ĐT Việt Nam đều bị đối phương kiềm toả trong hầu hết những cơ hội của đội khách. Tiến Linh không thể tranh chấp thành công với vai trò cầu nối, Quang Hải và Văn Đức hiếm khi tìm thấy sự liên kết khi phải lùi sâu hỗ trợ phòng ngự, trong khi khoảng trống để xử lý bóng ở các tình huống chuyển trạng thái của ĐT Việt Nam cũng bị hạn chế với một áp lực cao từ đội chủ nhà.
Tiến Linh lùi sâu để tạo cầu nối trong tình huống phản công, nhưng không thể tìm được lựa chọn chuyền bóng hợp lý để tiếp diễn tình huống
Trong những tình huống hiếm hoi Quang Hải và Văn Đức có thể hướng bóng lên trên, 3 cầu thủ tấn công cũng bị chia cắt và không thể tạo sự liên kết
Một trong những điểm đáng chú ý nhất khi ĐT Việt Nam không thể phản công đến từ khả năng gây áp lực ngay khi để mất bóng của đối thủ. Đội bóng của HLV Park Hang-seo có đủ sự điềm tĩnh để xử lý bóng trong phạm vi hẹp ở những nhịp chạm đầu tiên, nhưng gặp bối rối khi đối thủ liên tục gia tăng cường độ gây áp sát, dẫn tới những đường chuyền hướng lên phía trước không thể được thực hiện với một ý đồ chính xác nhất.
Tuấn Anh thu hồi lại quyền kiểm soát và bình tĩnh xử lý bóng
ĐT Việt Nam muốn phản công với các cầu nối là Quang Hải và Văn Đức, nhưng gặp phải áp lực ở cường độ cao của đối thủ
7 cầu thủ Saudi Arabia trên phần sân của ĐT Việt Nam khiến tình huống xử lý sau đó của Duy Mạnh không diễn ra theo đúng ý đồ
Nguy hiểm hơn trong thế trận như vậy, là ở những khoảnh khắc ĐT Việt Nam muốn đẩy cao đội hình và thực hiện tình huống phản công, nhưng để mất bóng trước áp lực của đối thủ và để lộ ra những khoảnh trống ở hệ thống phòng ngự một cách bị động. Ở trạng thái không thể duy trì được một cấu trúc phòng ngự chủ động, đội bóng của HLV Park Hang-seo thậm chí còn phải đối mặt với những cơ hội nguy hiểm hơn từ đối thủ.
Tuấn Anh nỗ lực xử lý bóng trước áp lực của đối thủ
Tiền vệ của ĐT Việt Nam để mất bóng, đội chủ nhà ngay lập tức tổ chức phản công ở tình huống 3v3
Tình huống Duy Mạnh bọc lót tốt để tránh một cơ hội đối mặt của Saudi Arabia
Một thế trận được dự báo trước với ĐT Việt Nam, nhưng cách đội bóng của HLV Park Hang-seo có phần bị động trong việc phòng ngự, không có bất cứ phương án triển khai bóng nào từ phần sân nhà, mà còn không tạo ra cơ hội tấn công nào ngoại trừ tình huống dứt điểm thành bàn của Quang Hải. Một trận đấu mang đến nhiều bài học giá trị cho đội bóng áo đỏ.
Đó không chỉ là những điều chỉnh về mặt cự ly đội hình và định hướng chiến thuật cho các trận đấu, đội tuyển Việt Nam có lẽ cũng cần sự điềm tĩnh hơn trong tâm lý thi đấu trước các đối thủ hàng đầu và có kỹ thuật cá nhân ở đẳng cấp cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hoàn toàn có quyền tự tin về sự thích ứng tốt với điều kiện trau dồi, tập luyện, chiều sâu đội hình có thể có và thời gian chuẩn bị có phần vượt trội hơn so với các đối thủ khác.
Sẽ rất khó để kỳ vọng ĐT Việt Nam có thể tạo nên một kì tích tại vòng loại thứ 3 này, nhưng đây là một cơ hội không thể tốt hơn để HLV Park Hang-seo và các cộng sự đánh giá, nhìn nhận và có thêm những cải thiện cho lối chơi của đội bóng mình, với mục đích dài hơi nhằm thu hẹp khoảng cách với các nền bóng đá lớn trong khu vực.
Thông thường, mọi người cho rằng việc cao lớn là một lợi thế. Nhưng vấn đề là đôi khi những quan niệm thông thường này lại không cho ra kết quả chính xác cho lắm.
Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.
Chuyên trang phân tích dữ liệu The Analyst đã có bài viết để phân tích các loại hình phạt góc phong phú để xem đội bóng và cầu thủ nào đang có màn trình diễn tốt và kém nhất tại Premier League mùa giải này.
Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?