Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Năm 01/07/2021 09:07(GMT+7)

Zalo

Cuộc đối đầu giữa một trong những đội tuyển có hàng tấn công xuất sắc nhất và một trong những đội tuyển sở hữu thành tích phòng ngự xuất sắc nhất sau vòng bảng Euro đã diễn ra vô cùng cân bằng cho đến khi Raheem Sterling ghi bàn thắng mở tỷ số cho tuyển Anh ở phút 75.

Jack Grealish
Ảnh: Getty Images

Một bàn thắng mà những tính toán về chiến thuật của HLV Gareth Southgate bên phía tuyển Anh đã cho thấy hiệu quả trước hệ thống chơi bóng như được lập trình của HLV Joachim Low tại tuyển Đức
 

ĐỘI HÌNH RA SÂN

 
Như những dự đoán từ trước trận đấu, đội chủ nhà ra sân với sơ đồ 3 cầu thủ phòng ngự, hệ thống mà HLV Southgate chưa từng sử dụng ở vòng đấu bảng, nhưng có thể được xem là bài tủ của chiến lược gia 50 tuổi kể từ World Cup 2018. Kyle Walker là trung vệ thứ ba bên cạnh Harry Maguire và John Stones, Declan Rice và Kalvin Phillips án ngữ ở khu trung tuyến, Luke Shaw và Kierran Trippier ở hai biên, trong khi Bukayo Saka được lựa chọn cùng hai cái tên gần như chắc chắn đá chính của tuyển Anh là Raheem Sterling và Harry Kane.
 
Cũng ra sân với sơ đồ 3-4-3 quen thuộc, tuyển Đức không thể sử dụng Ilkay Gundogan từ đầu, thay vào đó là Leon Goretzka, người sẵn sàng hỗ trợ tấn công hơn. Trong khi các vị trí ở tuyến dưới không có sự thay đổi nào khác, thì trên hàng công, Timo Werner được lựa chọn chơi cao nhất, bên cạnh Thomas Muller và Kai Havertz. 
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Đội hình ra sân của hai đội. Ảnh: Raumdeuter13
 
Trên sa bàn chiến thuật, hai sơ đồ 3-4-3 đối đầu với nhau, và không khó để thấy được hai hệ thống này tạo nên bố cục mà ở đó, mỗi vị trí trên sân đều có 1 người ở cùng khu vực tương ứng. 
 
3 tiền đạo và 3 trung vệ, 2 cặp tiền vệ biên cùng cuộc đối đầu giữa bộ đôi tiền vệ trung tâm của hai bên.
 

ĐỘI TUYỂN ANH KIỂM SOÁT THẾ TRẬN TỐT HƠN

 
Dẫu vậy, sơ đồ chỉ là những con số và là yếu tố nên tảng tạo nên lối chơi của một đội bóng. Với những con người, định hướng và ý đồ chiến thuật khác nhau, mỗi đội bóng lại tạo nên một phong cách chơi khác nhau. Điều được thể hiện rõ qua trận đấu này.
 
Ngay từ thời điểm bắt đầu trận đấu, có thể thấy rõ sự cân bằng và đối đầu 1-1 trực tiếp khi cả đôi bên bắt đầu triển khai bóng từ sân nhà, trước áp lực của đối thủ. Trong diện tích sân khoảng 40m chiều dọc và 60m chiều ngang, hai đội đều không dễ dàng thực hiện các tình huống phát triển bóng của mình.
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
5 cầu thủ Anh triển khai bóng, 5 cầu thủ Đức gây áp lực
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
5 cầu thủ Đức triển khai bóng, 5 cầu thủ Anh gây áp lực

Hình ảnh quen thuộc có thể thấy, là việc 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm của một đội, phải giải quyết bài toán trước áp lực từ 3 tiền đạo và 2 tiền vệ trung tâm của đối thủ. Trong phạm vi 40x60m như đã nói, là một trận đấu thu nhỏ giữa hai đội, với quân số 5 đấu 5.
 
Đó cũng là lúc ý đồ chơi của hai bên cho thấy sự khác biệt, để tạo ra giải pháp đưa bóng tiến đến phạm vi tấn công. 
 
Với tuyển Đức, để hỗ trợ cho các trung vệ và tiền vệ trung tâm, Kimmich và Gosens, hai cầu thủ ở biên thường xuyên lùi lại, trở thành cầu nối và hỗ trợ ở phần sân nhà.
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Kimmich lùi lại hỗ trợ triển khai bóng
 
Ý đồ này vô hình chung lại khiến phạm vi kiểm soát bóng của Đức trở nên chật hẹp hơn trong phạm vi khoảng 30x60m như đã nói, bởi sự sẵn sàng và chủ động của Trippier và Shaw trong việc dâng cao áp sát. Hai cầu thủ chạy biên của tuyển Anh, với nhiệm vụ chơi 1-1 với hai cầu thủ chạy biên của tuyển Đức luôn chọn những thời điểm hợp lý để khiến cho không gian xử lý bóng của đối thủ hẹp đi, và gây khó khăn cho các lựa chọn chuyền bóng
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Trippier và Shaw chủ động dâng cao áp sát
 
Điều đó dẫn tới việc mỗi khi Kimmich và Gosens lùi lại nhận bóng, họ khiến phạm vi 40x60m trở nên chật chội hơn. Không còn là tình huống 5v5 như trước đó, mà thậm chí là 6v6 và 7v7. Cùng một khoảng không gian, nhưng quân số lớn hơn là một thử thách trong việc kiểm soát bóng. Cộng thêm việc Gundogan – một mẫu tiền vệ trung tâm xoay sở trong phạm vi hẹp rất tốt – không thi đấu, Đức khó lòng triển khai bóng đủ tốt trên phần sân nhà của mình. 
 
Ý tưởng của tuyển Anh lại tạo ra sự khác biệt. Khi nhóm 5 cầu thủ tuyến dưới kiểm soát bóng, cả Trippier và Shaw đều chủ động dâng rất cao, chọn vị trí ngang hàng với các tiền đạo. Điều này vô hình chung buộc Đức với dàn một hàng ngang gồm 5 hậu vệ (Kimmich và Gosens buộc phải lùi về) trước 5 cầu thủ của tuyển Anh gồm 2 tiền vệ biên và 3 tiền đạo. Không gian cho 5 cầu thủ của tuyến dưới là thoải mái hơn để triển khai bóng.
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Trippier và Shaw (không xuất hiện trong khung hình) dâng rất cao mỗi khi Anh kiểm soát bóng
 
Ở phạm vi ấy, tuyển Anh có 2 phương án hữu hiệu để kiểm soát bóng tốt hơn. Một là các tình huống tự tin cầm bóng và tiến lên phía trước của Harry Maguire, một là các tình huống linh hoạt chơi rộng ra sát đường biên của Kyle Walker. Chỉ có 5 cầu thủ của Đức trong phạm vi 30x60m, tuyển Anh có nhiều khoảng trống hơn để kiểm soát bóng tốt trên phạm vi này.
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Walker chơi rộng khiến Đức khó phòng ngự và gây áp lực
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Maguire tự tin kiểm soát bóng
 
Đó là lý do tại sao Anh là đội chiếm quyền kiểm soát bóng tốt hơn trong gần như toàn bộ thời gian của trận đấu. Sau hiệp một, tuyển Anh có 55% thời lượng kiểm soát bóng. 
 

ĐỨC TẤN CÔNG HIỆU QUẢ HƠN

 
Dù kiểm soát bóng trong thời lượng nhiều hơn, nhưng tuyển Anh lại không thực sự tạo ra những cơ hội rõ ràng trước khi Sterling mở tỷ số.
 
Tình huống cụ thể nhất mà đội chủ nhà có được, lại đến từ tình huống chuyền hỏng của Muller, trước áp lực quen thuộc mà Tripper tạo ra mỗi khi Đức triển khai bóng. Pha bóng mà Kane không xử lý một cách gọn gàng nhất.
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Tình huống nguy hiểm nhất trong hiệp 1 của tuyển Anh đến sau pha chuyền hỏng của Muller
 
Có thời lượng kiểm soát bóng tốt hơn trên phần sân đối thủ, nhưng tuyển Anh lại không cho thấy một định hướng rõ ràng khi tiếp cận khung thành đối thủ. Việc Sterling thường xuyên xuất hiện ở sát đường biên trái, trong khi hai tiền vệ trung tâm không hỗ trợ tấn công thường trực, khiến đội tuyển Anh không có cầu nối tấn công rõ ràng, và thường bị đẩy ra biên. 
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Ba tiền đạo chơi xa nhau, trong khi các tiền vệ trung tâm không sẵn sàng hỗ trợ
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Không có sự hỗ trợ đủ tốt cho cầu thủ cầm bóng
 
Đó cũng là lý do vì sao tuyển Anh lại có nhiều thời cơ đến thế từ các tình huống cố định. Trước khi Sterling có bàn thắng, tuyển Anh chỉ có 3 cú dứt điểm, 2 trong số đó thuộc về Maguire trong các pha bóng chết, cú dứt điểm còn lại được thực hiện bởi chính Sterling từ ngoài vòng cấm.
 
Trái lại, dù không triển khai bóng thực sự ổn định từ phần sân nhà, nhưng Đức vẫn có những cầu nối tấn công khôn ngoan để tạo ra những thời cơ nguy hiểm trước khung thành của Jordan Pickford.
 
Sự nhạy bén của Muller ở những khoảng trống tấn công không ít lần giúp Đức thoát khỏi áp lực ở trung tuyến của đối thủ, và tấn công trực diện vào ba trung vệ của Anh. Như đã nói, tuyển Đức thường xuyên phải rơi vào các tình huống có tới 7 cầu thủ trên phần sân nhà và khó thực hiện các tình huống bóng ngắn. Nhưng đi cùng với đó, cách bố trí như vậy cũng giúp 3 tiền đạo của họ đối mặt trực tiếp với 3 trung vệ đối thủ, nên Muller, Havertz và Werner có thể trở thành điểm nhận cho các đường chuyền từ tuyến dưới.
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Muller khôn ngoan chọn vị trí và làm vai trò kết nối, Goretzka sẵn sàng băng lên theo trục dọc
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Muller khôn ngoan chọn vị trí và làm vai trò kết nối, Goretzka sẵn sàng băng lên theo trục dọc

Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Goretzka dâng cao hỗ trợ, Muller ngay lập tức tạo sự kết nối
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
3 tiền đạo của tuyển Đức trước 3 trung vệ của tuyền Anh
 
Muller khôn ngoan nhận bóng và hướng bóng lên phía trước, trong khi Havertz và Werner nhận được sự hỗ trợ giá trị từ tuyến tiền vệ của Goretzka. Tuyển Đức tạo được những thời cơ rõ ràng hơn đối thủ, trong một thế trận căng bằng. 
 

BƯỚC NGOẶT CỦA TRẬN ĐẤU

 
Trong bối cảnh có thể kiểm soát bóng tốt nhưng không tạo ra các cơ hội tấn công hiệu quả, HLV Gareth Southgate đã tạo ra một sự thay đổi mang tính bước ngoặt khi trận đấu vẫn đang diễn ra hết sức cân bằng trong sự cẩn trọng của đôi bên. Jack Grealish vào sân thay cho Bukayo Saka, chơi lệch trái sở trường và đẩy Sterling sang bên phải. 
 
Chỉ 5 phút sau đó, tuyển Anh ghi bàn với sự mượt mà trong tình huống tấn công, điều họ không thể làm được trong 75 phút trước đó.
 
Bóng được phát triển từ Walker, tới Sterling ở nách biên phải, qua điểm nối Kane ở trung lộ, tới Grealish ở nách biên trái, hướng đến Shaw ở hành lang cánh trái và được kết thúc bởi Sterling ngay chính diện khu vực 5m50.
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Tuyển Anh cân bằng hơn khi tấn công với Grealish lệch trái và Sterling lệch phải
 
Mổ băng: Anh 2-0 Đức – Sự cân bằng và bước ngoặt mang tên Grealish
Kane làm cầu nối, Grealish xuất hiện ở đúng vị trí có thể hỗ trợ
 
Việc Sterling chơi trong vai trò một tiền vệ tấn công ở biên phải giúp cầu thủ này có thể nhận bóng gần khu vực trung lộ nhiều hơn, khi Trippier đã sẵn sàng ở ngoài biên. Grealish tạo ra một điểm nhận khác ở hướng đối diện, và giúp cho cách bố trí 5 cầu thủ tấn công của tuyển Anh cân bằng hơn so với trước đó. 
 
Một bàn thắng đẹp, bài bản và những người hâm mộ tuyển Anh vốn đã kỳ vọng, như cái cách họ luôn kỳ vọng Grealish được góp mặt nhiều hơn. 
 
Đích thân đội trưởng của Aston Villa là người kiến tạo cho Kane ấn định tỷ số trận đấu sau một tình huống mang đậm phẩm chất kiến thiết. Đây chính là sự thay đổi người định đoạt trận đấu của Southgate.
 
Tuyển Anh đi tiếp sau một trận đấu không hề dễ dàng với phẩm chất của những ngôi sao trên hàng tấn công, trong khi hệ thống 3 trung vệ cho thấy những điểm tích cực lớn với cường độ gây áp lực tốt và sự bọc lót ổn định của ba trung vệ. Dù mới chỉ ghi 3 bàn thắng, nhưng hàng công của tuyển Anh cho thấy sự khó lường của mình, trong khi hệ thống phòng ngự của HLV Southgate là hệ thống duy nhất chưa để thủng lưới. 
 
Hình ảnh xù xì và lì lợm của tuyển Anh dần được định hình bất chấp những kỳ vọng về một phong cách chơi bóng hoa mỹ và thanh thoát. Bởi thứ quan trọng nhất luôn là kết quả.
 
Raumdeuter13
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

X
top-arrow