Real Madrid và Barcelona có thể tiếp tục mua về nhiều “sao” như họ muốn, nhưng họ sẽ tiếp tục gặp phải những vấn đề về sự gắn kết trong đội hình cho đến khi họ nhận thức được bài học: Việc cần làm đầu tiên là xác định kế hoạch, chiến lược cụ thể, sau đó mới là mua về những tài năng phù hợp.
Barcelona và Real Madrid đã thống trị bóng đá châu Âu trong hầu hết những năm 2010 bằng cách bao quanh hai người hùng lịch sử của họ - Lionel Messi và Cristiano Ronaldo – với những hậu vệ và tiền vệ tuyệt đỉnh, những cái tên mà bất kì ai trong số họ cũng đều có thể trở thành một playmaker xuất sắc trong trận đấu: Gerard Piqué, Sergio Ramos, Marcelo, Dani Alves, Sergio Busquets, Xavi, Toni Kroos, Andrés Iniesta, Luka Modrić.
Lấy cảm hứng từ hai đội bóng này và những cầu thủ của họ trong giai đoạn đó, thế giới bóng đá đỉnh cao của châu Âu đã bắt đầu đòi hỏi các cầu thủ phòng ngự phải biết làm nhiều việc hơn với quả bóng trong chân. Những Sweeper Keeper (Thủ môn quét) và những attacking full-backs( hậu vệ cánh tấn công) đã không còn chỉ là một món đặc sản của riêng nền bóng đá Nam Mĩ nữa, trong khi những tiền vệ nhạc trưởng lùi sâu đã thay thế cho vai trò số 10.
Tuy nhiên, khi một thập kỷ trôi qua, thế giới bóng đá đã tìm ra được cách để đối phó với thời đại của kiểm soát bóng đó bằng những hệ thống pressing ngày càng trở nên quyết liệt và phức tạp hơn, từ các hệ thống positional pressing (pressing theo vị trí) của Pep Guardiola hoặc Thomas Tuchel, đến trường phái zonal pressing (pressing theo khu vực) của Jurgen Klopp hoặc Red Bulls.
Giờ đây, đối với những đội bóng đang ấp ủ tham vọng thống trị châu Âu, chuyện quan trọng không còn chỉ là những gì mà họ làm với quả bóng, mà còn là ở cường độ thi đấu và cách tổ chức của họ khi không có bóng. Pressing chính là một yếu tố cực kì quan trọng đã giúp Manchester City và Liverpool có thể giành được hơn 90 điểm tại Premier League, và đó cũng là một điểm chung đã xuất hiện ở ba trong số những đội bóng tham dự vòng bán kết Champions League mùa giải trước, Liverpool, Tottenham và Ajax.
Trong kỷ nguyên mới này – thời đại của pressing – các tiền đạo và tiền vệ hiện đại cần phải có những bộ kỹ năng đa dạng hơn so với trước để có thể đánh bại các đối thủ. Các tiền vệ giờ đây không thể chỉ là những chân chuyền xuất sắc, mà còn phải là những “ball movers” (hiểu đại khái là một tiền vệ trung tâm có kỹ thuật cá nhân cực kì tốt, có khả năng luân chuyển bóng nhịp nhàng và có những đường chuyền ăn khớp với tốc độ trong lối chơi, ngoài ra, còn phải biết khai thác không gian, cũng như pressing. Đặc biệt là dám cầm bóng và dẫn bóng) hoàn hảo hơn, với khả năng đi bóng vượt qua các đối thủ từ những khu vực dưới sâu của khu trung tuyến.
Các tiền đạo giờ đây đang phải thực hiện những quãng đường chạy dài hơn để đánh bại các tuyến phòng ngự dâng cao của đối phương, do đó, tốc độ và khả năng rê bóng trong những không gian rộng mở sẽ liên kết chặt chẽ với khả năng kiểm soát và rê bóng trong các không gian hẹp. Và các tiền đạo, hơn bao giờ hết, cần phải trở thành tuyến phòng ngự đầu tiên của đội bóng. Các tiền đạo của Real Madrid và Barcelona hiện tại dường như đang bị tụt lại phía sau trong một số những kỹ năng quan trọng trên, vì vậy, chúng ta sẽ đào sâu hơn vào các dữ liệu để tìm hiểu thêm về sự thật.
PHÒNG NGỰ VÀ PRESSING
Hãy bắt đầu chủ đề này bằng cách sử dụng các dữ liệu trong mùa giải 2019/2020 để so sánh công tác phòng ngự của Real Madrid và Barca với hai hệ thống pressing hoàn thiện, nhất quán và đẳng cấp nhất ở bóng đá châu Âu hiện nay: Manchester City và Liverpool.
Nếu chỉ tính những cầu thủ thi đấu hơn 600 phút tại giải vô địch quốc gia, chúng ta sẽ thấy các tiền vệ của 4 đội bóng này có cường độ làm việc trong khâu pressing tương đương nhau: Một tiền vệ tại Man City và Liverpool có lần lượt 17 và 19 lần gây sức ép lên đối phương mỗi trận, trong khi đó, một tiền vệ ở Real Madrid và Barcelona có trung bình lần lượt là 18 và 15 lần mỗi trận.
Sự khác biệt lớn nhất trong công tác phòng ngự của những gã khổng lồ nước Anh và Tây Ban Nha này chính là nằm ở dữ liệu về pressing của các tiền đạo mà họ sở hữu. Ở cả hai đội bóng Anh, các tiền đạo sẽ là người dẫn đầu trong khâu pressing, với trung bình số lần gây sức ép lên đối phương thậm chí còn lớn hơn một chút so với các tiền vệ đồng đội. Một tiền đạo tại Man City và Liverpool có trung bình lần lượt là 18 và 20 lần pressing đối phương mỗi trận, gần gấp đôi so với những người đồng nghiệp tại Real Madrid và Barcelona, những người chỉ có trung bình là 9 và 11 lần mỗi trận.
Sự khác biệt về cường độ hoạt động trong khâu phòng ngự của các tiền đạo như đã nêu trên cũng đã được phản ánh rất rõ trong nỗ lực pressing tập thể của các đội bóng. Trong khi Man City và Liverpool bao quát toàn bộ khu vực 1/3 cuối sân đối phương với một cường độ pressing trên mức trung bình …
… thì Real Madrid và Barca lại đang thể hiện một sự không đồng đều về phạm vi bao quát trong khâu phòng ngự, giúp cho các đối thủ của họ có thể dễ dàng phát triển bóng xuyên qua khu trung tuyến hơn.
Chính vì các tiền vệ của hai đội bóng Tây Ban Nha phải “gánh” thêm phần việc pressing mà các tiền đạo của họ đã không làm, nên họ buộc phải dâng cao hơn vào phần sân của đối phương để có thể gây rắc rối cho các đối thủ của mình, và qua đó, để lại những khoảng trống rộng lớn ở phía sau lưng, đầy “lý tưởng” để những người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến khai thác.
Một ví dụ gần đây nhất chính là trong trận đấu diễn ra vào cuối tuần trước giữa Real Sociedad và Barcelona. Busquets – cầu thủ vẫn đang là người thực hiện pressing nhiều nhất trong đội bóng của anh dù cho đã bước sang tuổi 31 – đã liên tục di chuyển phía sau Messi và Luis Suarez để phá rối khâu triển khai bóng của đối thủ. Trong khi đó, Ivan Rakitíc, một cầu thủ 31 tuổi khác, thường xuyên di chuyển dạt sang cánh phải nhằm pressing hậu vệ trái của đối phương, để “gánh” một Messi không hề tham gia vào công tác phòng ngự. Cách thi đấu của cả hai tiền vệ kì cựu này trong khâu phòng ngự đều đã để lại những khoảng trống lớn ở phía sau lưng họ, và hoàn toàn bất lực trong việc quay về chiếm lĩnh lại vị trí đúng lúc sau khi bị đối phương vượt mặt.
Và với một Real Sociedad đang sở hữu bộ ba tiền vệ đầy kỹ thuật Ander Guevara, Mikel Merino và Martin Ødegaard, họ đã thường xuyên đánh bại công tác pressing của Barca, tạo điều kiện cho bộ ba tiền đạo của họ là Alexander Isak, Mikel Oyárzabal và Cristian Portu tạo ra những mối nguy hiểm đầy đáng sợ ở phía sau tuyến pressing của Blaugrana. Trong trận đấu này, Real Sociedad đã hoàn toàn vượt trội so với đối thủ của mình về số lượng cú sút tung ra: 19 so với 9.
Barcelona đã xoay sở thành công để có thể ra về với 1 điểm trong tay nhờ vào màn trình diễn xuất sắc của Gerard Piqué trong việc bảo vệ vòng cấm, trong khi Antoine Griezmann, Suárez và Messi đã tung ra những cú đấm chất lượng hơn so với Sociedad và tận dụng những cơ hội ít ỏi mà Barcelona tạo ra được tốt hơn so với đối thủ.
Nhìn vào trường hợp của Real Madrid, Los Blancos đã tránh được các vấn đề trong khâu phòng ngự như trên thông qua (a) một khối đội hình phòng ngự không quá quyết liệt, “tăng động”, và (b) những nỗ lực phòng ngự xuất sắc của Fede Valverde – cầu thủ pressing nhiều nhất đội bóng – và Casemiro. Cả hai tiền vệ này đều sở hữu thế mạnh về tốc độ, thứ mà các tiền vệ kì cựu của Barcelona đang thiếu đi, chính vì vậy, ngay cả khi họ bị đối phương vượt qua hoặc mắc sai lầm khi theo kèm đối phương, họ đều có thể “sửa sai” một cách dễ dàng.
Trong năm nay, cả Real Madrid và Barcelona dường như đã nhận thức được và tìm ra cách để thích nghi với sự thiếu đóng góp của các tiền đạo trong khâu phòng ngự. Như các radar về công tác phòng ngự bên dưới cho thấy, cả hai đội bóng đều đã thật sự cải thiện so với mùa giải trước về số bàn thắng kì vọng phải nhận (expected goals conceded) bằng việc dựa vào những động thái phòng ngự ít quyết liệt, “tăng động” hơn, được đo lường bằng thông số “Aggressive” của Statsbomb. Cả hai đội bóng đều đang tỏ ra thận trọng, cân nhắc hơn trong việc đẩy các tiền vệ của mình lên cao để pressing đối phương.
|
Ảnh: Biểu đồ so sánh số liệu phòng ngự của Barcelona trong hai mùa giải 2018/2019 và 2019/2020. Non-penalty xG conceded (xG/ các cú sút phải nhận – không tính penalty). xG/ shot conceded (xG/ các cú sút phải nhận). Shots conceded (số cú sút phải nhận/ trận). Counter attacking shots conceded (số cú sút phải nhận từ các pha phản công/ trận). Clear shot conceded (đã giải thích ở trên). Set Pieces xG conceded (xG của các tình huống cố định phải nhận). Opposition passing% (tỷ lệ chuyền bóng thành công của đối phương khi Cagliari triển khai phòng ngự). Aggressive (đã giải thích ở trên). Defensive distance (khoảng cách triển khai phòng ngự tính từ khung thành đội mình). Passes/ defensive action (số đường chuyền cho phép đối phương thực hiện khi đội mình triển khai phòng ngự). |
|
Ảnh: Biểu đồ so sánh số liệu phòng ngự của Real Madrid trong hai mùa giải 2018/2019 và 2019/2020. |
Với sự cải thiện về các thông số phòng ngự cơ bản của hai gã khổng lồ Tây Ban Nha này, tại sao chúng ta lại cần phải lo lắng về các số liệu pressing của họ? Dù là pressing tầm cao hay phòng ngự lùi sâu, chẳng phải cũng chỉ là những sự lựa chọn cho phong cách thi đấu sao? Tính đến thời điểm này của mùa giải, Real Madrid đang để thủng lưới ít bàn thua hơn và thông số xG phải nhận cũng ít hơn so với Liverpool và Manchester City. Nếu việc tổ chức phòng ngự ít “tăng động” hơn đang hoạt động hiệu quả đối với hai đội bóng này, thì liệu việc các tiền đạo của họ không đóng góp cho khâu phòng ngự có thật sự là một vấn đề đáng để lo lắng? Trớ trêu thay, những vấn đề tiêu cực trong cách tiếp cận ít tính quyết liệt, “tăng động” mà Real Madrid và Barca đang sử dụng lại đang được phản ánh trong khâu tấn công hơn là khâu phòng ngự của họ.
Các đội bóng tổ chức thu hồi bóng ở những khu vực dưới sâu bên phần sân nhà của mình sẽ phải cần đến những tiền đạo nhanh hơn, khéo léo hơn và cơ động hơn để có thể gây nguy hiểm cho khung thành của đối phương từ những khoảng cách xa “tít mù.” Họ cần phải có khả năng thực hiện những pha bức tốc ở khoảng cách 30, 40, 50 mét mà vẫn có đủ thể lực và sự tỉnh táo để đưa bóng đến những vị trí dứt điểm tốt nhất và thực hiện những cú dứt điểm sắc bén.
Vào thời kỳ đỉnh cao phong độ, những Messi, Suárez, Karim Benzema, và Gareth Bale đều đã từng là một phần của những bộ ba tấn công kiệt xuất, đã từng hủy diệt vô số đối thủ tên tuổi bằng những pha phản công hoàn hảo, thông qua sự kết hợp tuyệt vời giữa tốc độ và kỹ thuật cá nhân siêu hạng của họ. Nếu bạn là một fan của FC Bayern Munich, bạn chắc hẳn sẽ không lạ lùng gì với những điều mà tôi vừa đề cập. Nửa thập kỷ sau những sự kiện đó, không ai trong số các tiền đạo đó vẫn còn có thể duy trì được sự bùng nổ như vậy trong đôi chân đang chịu sự ảnh hưởng từ tuổi tác của họ nữa. Thỉnh thoảng Messi vẫn có thể thực hiện những pha rê bóng tuyệt vời qua các hệ thống phòng ngự, nhưng những khoảnh khắc đó đang trở nên ngày càng hiếm hoi hơn.
KHÂU TẤN CÔNG CỦA BARCELONA VÀ SỰ THIẾU HỤT ĐI KHẢ NĂNG BÙNG NỔ
Barcelona đã từng cố gắng bù đắp cho một Messi đang già đi và sự ra đi của Neymar bằng cách ký hợp đồng với Ousmane Dembelé, nhưng anh đã phải rất chật vật trong việc phát huy tiềm năng của mình tại câu lạc bộ này, cũng với đó là sự đeo bám đầy dai dẳng của những chấn thương. Mùa hè vừa qua, thay vì sử dụng cơ hội từ thị trường chuyển nhượng để mang về đội bóng một cầu thủ sở hữu tốc độ, sự tinh quái và khả năng săn bàn để gánh vác bớt công việc cho Messi, thì họ lại tìm đến Antoine Griezmann, một trung phong nổi tiếng về độ chính xác trong kỹ thuật, khả năng dứt điểm và trí thông minh được thể hiện trong các trận đấu, hơn là tốc độ và khả năng đi bóng. Và trên hết, vai trò lý tưởng nhất và khu vực thi đấu sở trưởng của cầu thủ người Pháp lại trùng với Messi. Chính điều này đã dẫn đến một bộ ba tấn công – Messi/ Suárez/ Griezmann – có thể tạo ra những cú đấm nguy hiểm về phía khung thành đối phương, nhưng lại không có đủ sự bùng nổi để đe dọa hàng phòng ngự đối thủ.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sự nổi lên của tiền đạo 17 tuổi, Anssumane “Ansu” Fati – sản phẩm “hot” nhất của lò đào tạo La Masia ở thời điểm hiện tại, chàng trai hiện đang nắm giữ kỷ lục “cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn trong một trận đấu ở Champions League” – lại giúp cho Blaugrana có thể được hít thở một bầu không khí đầy mới mẻ. “Cậu bé” này vẫn chưa chơi đến 327 phút tại La Liga, nhưng mặc dù ra sân rất ít, thì cũng sẽ không có gì sai khi nói rằng, tốc độ và khả năng đi bóng của Fati sẽ giúp anh phù hợp với vai trò cầu thủ chạy cánh trái trong hệ thống của Barca hơn là Griezmann.
|
Ảnh: Bảng so sánh số liệu của Anssumane Fati và Antoine Griezmann ở mùa giải này. xG (Expected goals – bàn thắng kì vọng). Shots (số cú sút/ trận). Touches in the box (số lần chạm bóng trong vòng cấm/ trận). Shot touch (tỷ lệ % số cú sút mà một cầu thủ thực hiện trên số pha chạm bóng của anh ta). xG Assited ((Giá trị bàn thắng kì vọng từ các đường chuyền). Pressure regains (Số lần đoạt lại được bóng khi pressing đối phương). Pressure (Số lần pressing đối phương trung bình). Aerial wins (Số lần giành chiến thắng trong các pha không chiến). Turnover (số lần để mất bóng). Successful dribbles (số lần đi bóng thành công). xG/ shot (xG trên mỗi cú sút tung ra) |
Như những gì có thể thấy trong sơ đồ chuyền bóng bên dưới, lối chơi ưa thích của Griezmann trong vai trò cầu thủ chạy cánh trái là … không chơi như một cầu thủ chạy cánh trái. Ngôi sao người Pháp không phải là một chuyên gia rê bóng, vì vậy, anh đã bù đắp cho điểm yếu đó bằng những pha di chuyển thông minh trên sân, chiếm lĩnh những khoảng trống mà các cầu thủ phòng ngự của đối phương để lộ ra. Nhưng khi làm vậy, anh lại “dẫm chân” vào “vùng ảnh hưởng” của Messi và trở nên dư thừa.
|
Barcelona và Real Madrid sẽ đi về đâu trong kỷ nguyên xu hướng chiến thuật mới của thế giới bóng đá?8 |
Mặt khác, khả năng đi bóng của Fati đã cho phép anh bám biên ở cánh trái, cũng như tránh được việc “dẫm chân” với Messi và Suárez, trong khi vẫn có thể xâm nhập vào vòng cấm và tung ra những cú dứt điểm.
KHÂU TẤN CÔNG CỦA REAL MADRID VÀ SỰ THIẾU HỤT KHẢ NĂNG GHI BÀN
Real Madrid không chỉ sụt giảm về khả năng đi bóng và tốc độ ở tuyến tiền đạo của họ trong vài năm qua, mà sau mùa hè năm 2018, họ còn gặp phải một sự sa sút trầm trọng về khả năng ghi bàn với việc để Cristiano Ronaldo ra đi mà không thể tìm về một cây săn bàn đẳng cấp khác để thay thế anh. Mùa hè vừa qua, họ đã cố gắng cải thiện tình trạng này bằng việc mang về một tiền đạo trung tâm hàng đầu là Luka Jovíc và một chuyên gia đi bóng là Eden Hazard, nhưng rốt cuộc, những động thái này vẫn không thể giải quyết được tất cả các vấn đề trong khâu tấn công của họ.
Zidane muốn xây dựng đội bóng của mình xoay quanh chuyên gia đi bóng hàng đầu của ông - Hazard – và tiền đạo xuất sắc nhất của ông – một Benzema đang trong giai đoạn “hồi xuân” – nhưng lại thường sử dụng sơ đồ 4-3-3, thứ đã khiến Jovíc phải đóng vai trò là một quân cờ dự bị cho cầu thủ người Pháp, vì chân sút người Serbia không sở hữu tốc độ để hoạt động như một goal-scoring winger (cây săn bàn chạy cánh) bên cạnh Benzema. Với việc Zidane hầu như không sử dụng tiền đạo đáng lẽ ra đã là cây săn bàn tốt thứ hai của ông, một Benzema đang trong tình trạng quá tải đã phải “gánh” toàn bộ khâu ghi bàn của Real Madrid. Có đến 45% trong thông số xG của Real Madrid (và 52% số bàn thắng thực tế của họ) tại La Liga mùa giải này là được Benzema ghi hoặc kiến tạo.
|
Ảnh: Bảng so sánh số liệu của Karim Benzema ở hai mùa giải 2018/2019 và 2019/2020. |
Với sự khởi đầu đầy chậm chạp và những chấn thương đeo bám ở mùa giải 2019/2020, Hazard đang phải trải qua hiệu suất ghi bàn-kiến tạo thấp nhất mà anh từng có kể từ mùa giải 2015/2016, với tổng số chỉ vỏn vẹn 0,27 xG (không tính penalty) + kiến tạo kỳ vọng (expected assists) mỗi 90 phút.
|
Ảnh: Shotmap của Eden Hazard ở mùa giải này. Freekick of penalty (những cú sút được tạo ra từ đá phạt và penalty). Assisted with a throughball (những cú sút được tạo ra từ các pha chọc khe). Following a successful dribbles (những cú sút được tạo ra từ các pha đi bóng thành công). Header (các cú dứt điểm bằng đầu). Foot/other (những cú sút được tạo ra từ các cách thức khác). xG from set pieces (xG từ các tình huống cố định). xG from open-play crosses (xG từ các pha tạt bóng). xG from throughballs (xG từ các pha chọc khe). xG from dribbles (xG từ các pha đi bóng). Other xG (xG từ các tình huống khác) |
Bale đang thể hiện tốt hơn, với tổng 0,47 non-penalty xG + kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút, nhưng những màn trình diễn của anh lại đang một lần nữa bị ảnh hưởng bởi các chấn thương và sự nghi ngờ của một nhóm các fan hâm mộ - những người luôn đặt câu hỏi về sự tận tâm của cầu thủ xứ Wales với Real Madrid. Cứ mỗi năm trôi qua, Bale lại càng trở nên chậm hơn và sa sút hơn trong việc đưa bản thân đến những vị trí dứt điểm lý tưởng.
Với sự mờ nhạt của các tiền đạo kì cựu, sự kì vọng của Real Madrid đã được chuyển sang những ngôi sao trẻ U-20 của họ: Vinícius Jr. 19 tuổi và Rodrygo Goes 18 tuổi.
Sau mùa giải 2018/2019 đầy đột phá, Vinícius đang tiếp tục là một trong những chuyên gia đi bóng xuất sắc nhất tại La Liga, nhưng khả năng ghi bàn của anh vẫn cần phải được rèn giũa thêm rất nhiều. Nếu Hazard đang tỏ ra quá do dự trong việc dứt điểm, thì Vinícius lại đang quá hăm hở, điều này thường dẫn đến việc anh “cắm đầu dứt điểm” ngay cả khi ở những vị trí không thuận lợi để làm việc đó. Chất lượng của các cú sút được thực hiện trong bóng sống của anh chỉ là 0,08 xG, nằm dưới mức trung bình của giải đấu, và thấp nhất trong số các tiền đạo của Real Madrid.
|
Ảnh: Bảng so sánh số liệu giữa Vinicius Junior và Eden Hazard ở mùa giải này. |
Có thể nói, Vinicius đang mang đến những điều mà không ai trong số những người đàn anh của mình có thể làm được. Như bản đồ chuyền bóng ở dưới cho thấy, Hazard sẽ thường xuyên nhận bóng ở phần sân Real Madrid, nhằm dẫn bóng hoặc phối hợp với các đồng đội để giúp phát triển bóng xuyên qua các khu vực trung lộ.
Vinicius cũng thực hiện những bước chạy và các đường chuyền phát triển bóng tương tự, nhưng phạm vi hoạt động của anh lại tập trung nhiều hơn ở phần sân đối phương. Anh không chỉ muốn xuyên phá các cầu thủ phòng ngự, anh còn thường xuyên tăng tốc ở phía sau họ. Bale, Benzema và Hazard không thường xuyên thực hiện những bước chạy như vậy vào các khoảng trống phía sau hàng phòng ngự đối phương.
Ở cánh phải, Rodrygo đang cạnh tranh quyết liệt với Bale cho vai trò đá chính trong đội hình. Anh không phải là một chuyên gia đi bóng xuất sắc như Vinicius, nhưng anh đã cố gắng bù đắp cho điều đó bằng sự tỉ mỉ và chính xác hơn. Rodrygo không quá “băm bổ” sút bóng, nhưng lại tỏ ra rất cẩn thận về các vị trí để tung ra những pha dứt điểm, xG trung bình trên mỗi cú sút của anh ở mùa giải này là cao nhất trong số các tiền đạo của Real Madrid. Trong khi Bale có xu hướng bám biên và tung ra những cú tạt bóng vào vòng cấm, thì Rodrygo tích cực xâm nhập vòng cấm hơn, điều đó đã được thể hiện qua việc tỷ lệ những pha chạm bóng trong vòng cấm và xG của anh đều cao hơn cầu thủ người xứ Wales.
|
Ảnh: Bảng so sánh số liệu giữa Gareth Bale và Rodrygo ở mùa giải này. |
Một ví dụ tuyệt vời về sự điềm tĩnh và chính xác của Rodrygo trong việc dứt điểm chính là bàn thắng debut của anh trong màu áo Real Madrid vào lưới Osasuna, khi anh dễ dàng kiểm soát một đường chuyền dài 40 mét từ Casemiro, xâm nhập vào vòng cấp, và chờ đợi thời điểm lý tưởng nhất để cắt vào trung lộ bằng chân phải và ghi bàn. Điều trớ trêu trong câu chuyện của Vinicius và Rodrygo là những phẩm chất mà người này có, thì người kia lại thiếu.
KẾT LUẬN
Real Madrid và Barcelona đang sở hữu những đội ngũ vô cùng tài năng, nhưng các cầu thủ của họ lại không hề bù đắp cho khuyết điểm của nhau, một điều đang dẫn đến rất nhiều vấn đề chiến thuật đã được đề cập. Đây là điều sẽ xảy ra khi các câu lạc bộ mua về những tài năng chỉ vì bị ấn tượng bởi màn trình diễn của họ, mà không hề có một triết lý hay kế hoạch chiến thuật nào rõ ràng trong tâm trí.
Điều đó đã cho thấy những khác biệt lớn trong ba năm qua giữa hai gã khổng lồ Tây Ban Nha và hai tên tuổi lừng lẫy của nước anh, Manchester City và Liverpool: Yếu tố đầu tiên cần được xác định – thông qua ban quản lý và ban huấn luyện của đội bóng – chính là một ý tưởng về lối chơi mà họ muốn triển khai tại đội bóng, sau đó là mua về những cầu thủ phù hợp với nhu cầu của họ và phần còn lại của đội bóng.
Bằng cách xây dựng những cấu trúc tập thể vững chắc, mạnh mẽ này, Liverpool và Manchester City đã có thể tạo ra những đội bóng có thể giành được hơn 90 điểm ở giải quốc nội hoặc chinh phục Champions League mà không cần đến một Messi hay Ronaldo trong đội hình. Tôi sẵn sàng đặt cược rằng, các tiền đạo tại Real Madrid và Barcelona, những người hiện đang không đóng góp quá nhiều vào khâu phòng ngự của đội bóng, chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể trong khía cạnh này nếu họ chơi cho Manchester City hoặc Liverpool.
Real Madrid và Barcelona có thể tiếp tục mua về nhiều “sao” như họ muốn, nhưng họ sẽ tiếp tục gặp phải những vấn đề về sự gắn kết trong đội hình cho đến khi họ nhận thức được bài học: Việc cần làm đầu tiên là xác định kế hoạch, chiến lược cụ thể, sau đó mới là mua về những tài năng phù hợp. Có thể Real Madrid sẽ không bao giờ đi theo cách tiếp cận đó, nhưng với một Barca vốn luôn tự hào là một câu lạc bộ “triết học”, thì cách xây dựng đội một của họ ở hiện tại dường như đang không đi theo một kế hoạch chặt chẽ, nhất quán nào cả.
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Can Real Madrid and Barcelona forwards thrive in the age of pressing and transitions?” của tác giả José Pérez, được đăng tải trên Statsbomb.