Cosplay là bộ môn nghệ thuật nổi tiếng thế giới của Nhật Bản, nhưng có lẽ những cổ động viên lạc quan nhất cũng khó lòng hình dung ra kịch bản tương đồng đến kì lạ, từ thế trận tới tỉ số giữa Blue Samurai và Saudi Arabia trong ngày ra quân của hai đội bóng này tại FIFA World Cup 2022.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Hiệp 1: Lép vế bởi sự thụ động nhưng Nhật Bản sống sót đầy may mắn
Nhật Bản ra quân với hệ thống đầy quen thuộc dưới thời Hajime Moriyasu, dựa trên nền tảng của sơ đồ 4-4-2 trong phần lớn thời gian không bóng. Với sự thụ động mang tính chất chủ động khi duy trì khối đội hình tầm trung nhằm buộc Đức phải tìm cách điều bóng ra biên hay chuyển hướng phất dài, Nhật Bản gặp vô số khó khăn trong việc kiểm soát thế trận.
Bố trí đội hình của Nhật Bản trong hiệp 1 |
Ilkay Gundogan và Joshua Kimmich, hai tiền vệ trụ chất lượng hàng đầu hiện nay liên tục thực hiện những pha bóng xử lí khéo léo trong phạm vi hẹp khiến hệ thống tạo áp lực của Nhật Bản gần như tỏ ra vô hiệu. Thống kê hiệp 1 cho thấy, bộ đôi tiền vệ Đức đã kiểm soát gần như toàn bộ thế trận với tỉ lệ chuyền bóng chính xác lên tới 92%, trong đó không ít lần đưa bóng trực diện vào tiếp cận vòng cấm Nhật Bản, mà một trong số đó dẫn tới tình huống penalty mở tỉ số.
Biểu đồ chuyền bóng của Kimmich (6) và Gundogan (21) trong hiệp 1 |
Nhật Bản không thể kiểm soát tuyến giữa và cũng không có phương án hữu hiệu để triển khai các tình huống phản công. Kết thúc 45 phút hiệp đầu tiên, Blue Samurai chỉ tung ra được duy nhất 1 pha bóng uy hiếp cầu môn Manuel Neuer. Trong khi ở phía đối diện, Đức áp đảo toàn cục với 14 pha bắn phá khung thành Shuichi Gonda.
Biểu đồ vị trí trung bình của Đức trong hiệp 1, với xu hướng dâng cao rõ rệt của David Raum (3) bên cánh trái |
Chính từ sự chủ động toàn diện tại khu vực giữa sân đã giúp Đức tạo ra những khoảng trống lớn phía hành lang biên xa bóng, nơi Serge Gnabry (phải) và David Raum (trái) thường trực giữ vị trí cao. Đây có lẽ là bài đánh quen thuộc với nhiều người xem khi đã được Đức thực hiện từ Euro 2020 với sự toả sáng của Robin Gosens, một biên thủ dâng cao tạo nên cấu trúc 3-2-5 cho đội nhà.
Nhật Bản với sơ đồ 4-4-2 phẳng đã hoàn toàn bị động dưới sức ép từ phía Đức, khi mà thu hẹp được khoảng trống giữa tuyến hậu vệ và tiền vệ để bắt bài Gundogan và Kimmich thì lập tức, khoảng trống cho Raum và Gnabry khai thác lại lộ ra rất lớn, hoặc ngược lại. Tình huống dẫn đến quả penalty là một pha bóng xâm nhập điển hình, khi một mình Raum thoát xuống đối mặt thoải mái với thủ môn Gonda. Ngoài ra, Nhật Bản còn phải đối mặt với hàng loạt cơ hội dứt điểm tuyến hai của Đức mỗi khi Gundogan hoặc Kimmich được thả lỏng.
Hiệp 2: Sống sót sau màn dội bom, Moriyasu thoát khỏi vỏ kén để cosplay người khác
Một trong những đặc điểm xuyên suốt của Nhật Bản – Moriyasu đó là sự trung thành với những công thức quen thuộc về chiến thuật và nhân sự. Reo Hatate và Kyogo Furuhashi không được lựa chọn, bất chấp là những cá nhân thi đấu hết sức nổi bật trong màu áo CLB. Chính vì vậy, việc Nhật Bản chuyển đổi sang thi đấu với sơ đồ 5 hậu vệ từ khi hiệp 2 bắt đầu, dù hay và đầy hợp lí, nhưng lại rất bất ngờ với những ai thường xuyên theo dõi Moriyasu.
Và ngay cả khi nhìn nhận ra vấn đề, chắc hẳn Moriyasu đã mất rất nhiều thời gian đấu tranh nội tâm trước khi điều chỉnh. Bằng chứng là, với sức ép liên tục từ phía Đức, Nhật Bản hoàn toàn có thể thay người để dập tắt sự hưng phấn đối phương ngay trong hiệp 1. Rất may, có hơn không, sự xuất hiện của Takehiro Tomiyasu thay thế Take Kubo lập tức tạo ra sự vững chắc nơi 1/3 sân nhà cho Nhật Bản. Cấu trúc 3-2 đồng thời cũng giúp Nhật Bản sở hữu lợi thế quân số trước hệ thống áp sát 4-2-4 từ phía Đức.
Không còn thường trực khoảng trống xa bóng để Raum tấn công, Đức buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào những tình huống tấn công trung lộ, nơi mà Nhật Bản đã được gia tăng quân số với cấu trúc 5-4-1, sẵn sàng áp sát và thu hồi bóng triển khai, nơi khoảng trống trước mặt hàng phòng ngự Đức là rất lớn cho những chân chạy sung sức khai thác. Thế nhưng, cũng phải mất tới 15 phút nữa để Moriyasu nhận ra, nhân sự ông đang sử dụng trên sân là chưa đủ chất lượng để tạo ra đột biến thực sự, nếu muốn chiến thắng.
Thế là, Kaoru Mitoma và Takuma Asano lần lượt được tung vào sân thế chỗ Yuto Nagatomo và Daizen Maeda, những nhân sự khéo léo và sung sức hơn để tiếp tục gia tăng áp lực lên đội khách. 10 phút sau, Moriyasu thực sự cởi bỏ tấm áo choàng bảo thủ để chơi canh bạc tất tay, khi sử dụng nốt hai quyền thay người với sự xuất hiện của Ritsu Doan và Takumi Minamino trên sân.
Có tới 5 bóng áo xanh cùng lúc xuất hiện trong vòng cấm tuyển Đức trong tình huống dẫn đến bàn thắng gỡ hoà |
Nhật Bản lúc này, đẩy cao đội hình một cách chủ động, với cặp biên thủ Mitoma – Ito, cùng bộ ba sung sức và đầy linh hoạt Minamino – Doan – Asano phía trên. Hai bàn thắng Nhật Bản ghi được trong quãng thời gian ngắn đều có dấu ấn rõ nét của cả ba cá nhân này. Ở tình huống thứ nhất, Mitoma chủ động dẫn bóng từ hành lang biên vỗ mặt hàng phòng ngự Đức, hành động quen thuộc từ một vị trí quen thuộc tại Brighton, trước khi phối hợp với Minamino để Ritsu Doan dứt điểm. Trong khi đó, ở tình huống còn lại, Asano thể hiện tốc độ ấn tượng khi hoàn toàn đánh bại Nico Schlotterbeck để ghi bàn.
Kết luận
Như đã đề cập, nếu so sánh tỉ số và tình tiết trận đấu, không thể không nhận thấy sự tương đồng đến bất ngờ giữa Nhật Bản và Saudi Arabia, giữa sự sụp đổ của Đức và Argentina. Tuy nhiên, không thể không phủ nhận những nỗ lực cực kì chủ động từ cả phía Hajime Moriyasu và Herve Renard, với sự điều chỉnh đến mức táo bạo người ta hiếm được chứng kiến từ chính các vị HLV này.
Chính những suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ này, chứ không chỉ dừng ở kết quả trên bảng tỉ số, sẽ là nguồn cổ vũ động viên lớn cho các HLV và đội tuyển khác, thế giới nói chung và châu Á nói riêng, hướng đến những tầm cao mới, rằng đỉnh cao của bóng đá thế giới không hề xa vời.