Một PSG theo phong cách Barça thời Luis Enrique đã không thể đánh bại được một Barça trực diện thời Xavi.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Trong cuộc họp báo trước thềm trận lượt đi tứ kết Champions League giữa tuần trước tại Công viên các Hoàng tử, khi được các phóng viên đặt câu hỏi rằng giữa bản thân với Xavi, ai mới là đại diện tiêu biểu nhất cho phong cách chơi bóng của Barça, HLV Luis Enrique đã trả lời thẳng thắn theo đúng tính cách xưa nay của ông: “Chắc chắn là tôi. Đây không phải là tôi đang đưa ra quan điểm gì cả đâu. Hãy nhìn vào các thống kê về tỷ lệ kiểm soát bóng, số cơ hội tạo ra, gây áp lực tầm cao, số danh hiệu đã giành được... không nghi ngờ gì nữa, chính là tôi. Những người khác có thể có ý kiến khác nhau. Nhưng chắc chắn, chính là tôi. Dữ liệu nói lên hết cả.”
Nếu lấy Barça của Luis Enrique làm chuẩn, thì PSG của ông hiện tại giống với tham chiếu ấy hơn là Barça của Xavi lúc này. Barça dưới thời Xavi thường xuyên sử dụng những miếng đánh trực diện theo chiều dọc sân, đôi khi trở nên quá hỗn loạn và thiếu tính kiểm soát. Còn nếu so sánh với tuyển Tây Ban Nha cũng của chính Lucho ngày trước, PSG mà ông đang sở hữu lại có những cá nhân với khả năng đấu một-một chất lượng và tạo đội biến cao ở hai cánh.
Song trong bóng đá, không có công thức chiến thắng nào nào được xem là đúng nhất. Trước thềm trận lượt về tại Montjuic, Luis Enrique một lần nữa mạnh dạn tuyên bố đội bóng của ông sẽ làm nên cuộc lội ngược dòng trước Barça để đoạt vé vào bán kết. Vậy thì, một PSG đang trong quá trình hoàn thiện theo đúng “đường lối” của Luis Enrique và một Barça không phải là ưu việt nhất dưới bàn tay Xavi đã mang đến những dấu ấn chiến thuật và phẩm chất cá nhân đặc sắc nào? Hãy cùng nhìn lại trận lượt đi trước khi đón chờ màn tái đấu vào rạng sáng mai.
Barça chấp nhận thế cửa dưới
Trận đấu tại Parc des Princes vừa qua chứng kiến Barça chỉ kiểm soát bóng 41% và đặc biệt là số đường chuyền ít nhất trong mùa giải Champions League này của họ (395 đường chuyền). Rõ ràng, Xavi không muốn tranh giành vị trí “đại diện tiêu biểu cho phong cách Barça” với người đội trưởng và sau này là HLV của mình.
Khi không bóng, Barça tìm cách duy trì một khối đội hình 4-4-2 với hàng thủ dâng cao đến gần vạch giữa sân, nhưng tuyến đầu với Lewandowski và Gundogan không gây áp lực lớn lên khâu triển khai bóng từ tuyến dưới của PSG. Cấu trúc 4-4-2 mà Barça đặt ra có chủ trương ngăn không cho PSG phát triển bóng qua trung lộ, với Raphinha và Lamine Yamal ở hai cánh chơi gần cặp tiền vệ trung tâm là Frenkie de Jong và Sergi Roberto. Sau trận đấu, Xavi cũng nói rằng anh tìm cách khiến đối thủ phải đẩy bóng ra biên.
Còn với PSG, Luis Enrique sử dụng một hệ thống giống với 4-2-2-2 (hoặc 4-2-4). Trong đó, cặp tiền vệ trung tâm là Fabian Ruiz cùng Vitinha, hai số 10 gồm Lee Kang-in và Marco Asensio, còn Mbappe và Ousmane Dembele bám biên trên hàng công.
Về lý thuyết, PSG có được một hàng tấn công 4 người trước hàng thủ cũng 4 người của Barça, tức rất lý tưởng. Nhưng vì trung lộ bị khóa, PSG rất hiếm hoi có thể đưa được quả bóng vượt qua hàng tiền vệ Barça, đặt vào khoảng trống giữa hai tuyến đối thủ và tạo thế tấn công 4v4. Ngay cả khi làm được điều đó, cặp trung vệ của Barça mà nhất là Pau Cubarsi luôn sẵn sàng dâng lên dập bóng, không cho đối thủ rảnh chân xử lý.
Do đó, PSG phải sử dụng Lee Kang-in và Marco Asensio để lôi kéo cặp trung vệ Cubarsi và Ronald Araujo của Barça, từ đó mở ra thế 1v1 cho hai tiền đạo cánh của họ là Dembele và Mbappe ở biên. Nhưng khi phải tấn công ra hai biên, đấy là nằm trong kế hoạch của Xavi (như đã nói).
Barça “đã biết” phòng ngự tầm thấp
Khả năng tổ chức phòng ngự tầm thấp của Barça mùa giải này chưa bao giờ được đánh giá cao, nhưng trước PSG – đặc biệt là trong hiệp một – đội bóng của Xavi cho thấy họ đã biết phải làm thế nào. Ngoại trừ Lewandowski được đặc cách khỏi trách nhiệm phòng ngự, mọi cá nhân còn lại của Barça đều ý thức lùi về tham gia tham gia thiết lập khối phòng ngự tầm thấp, đặc biệt là sự tập trung và chăm chỉ của hai tiền đạo cánh Raphinha cùng Yamal.
Truyền đạt và thực thi thành công thông điệp “phải phòng ngự” đến các học trò rõ ràng là dấu ấn của Xavi cùng ban huấn luyện. Sau trận đấu, Xavi liên tục nhấn mạnh đến khía cạnh phòng ngự của các học trò.
Khối phòng ngự (defensive block) là một phần quan trọng trong cấu trúc phòng ngự tổng thể của một đội bóng. “Block” có thể được mô tả là không gian được tạo ra giữa tuyến đầu và tuyến dưới cùng – tức theo chiều dọc, và giữa những cầu thủ đứng xa nhất theo chiều ngang. “Block” càng chật hẹp thì không gian và thời gian chơi bóng mà đối phương có thể có sẽ ít đi.
Dựa trên ý định tấn công của một đội bóng, chúng ta có thể chỉ ra các chức năng khác nhau của một cấu trúc phòng ngự. Ví dụ, một đội khi có bóng sẽ tấn công bằng cách đi xuyên qua khối phòng ngự, đi vòng qua khối phòng ngự, hoặc ra sau lưng khối phòng ngự.
• Che chắn, lấp được khoảng trống giữa tuyến dưới cùng và tuyến giữa (gap) sẽ ngăn không cho đối thủ đi xuyên qua khối phòng ngự;
• Các tuyến di chuyển đồng bộ theo chiều dọc, nhấc lên và lùi xuống nhịp nhàng đúng thời điểm sẽ ngăn không cho đối thủ ra sau lưng khối phòng ngự, tức ngăn đối thủ khai thác khoảng trống sau lưng tuyến dưới cùng;
• Khi đối thủ không thể đi xuyên cũng như không thể ra sau lưng khối phòng ngự, họ sẽ phải tìm cách đi vòng qua. Bấy giờ, bảo vệ hai góc ở khối phòng ngự (corner) trở nên cực kỳ quan trọng. Điều này đòi hỏi tuyến giữa và tuyến dưới cùng phải dịch chuyển tức thì theo chiều ngang sân, đảm bảo quân số ít nhất cân bằng trước nhân sự tấn công ở hai biên của đối thủ, đồng thời các cá nhân phòng ngự ở góc phải đảm bảo vị trí hợp lý để vừa bảo vệ góc, vừa không để lộ ra khoảng trống giữa hai tuyến (gap). Chỉ cần giữ đối phương có bóng loay hoay ở trước mặt, góc của khối phòng ngự được an toàn.
Barça trong hiệp một tại Công viên các Hoàng tử đã làm thật sự quá tốt so với kỳ vọng về trình độ phòng ngự tập thể của đội bóng này. Cặp hậu vệ cánh là Jules Kounde và Joao Cancelo luôn nhận được sự tiếp ứng từ hai tiền đạo cánh, không bị áp đảo quân số và bị rơi vào tình trạng 1v1. Cặp trung vệ duy trì cự ly và vị trí đứng thích hợp để bảo vệ trực tiếp khung thành Ter Stegen. Trong khi cặp tiền vệ trung tâm tích cực lấp và bịt khoảng trống giữa hai tuyến.
Một ví dụ điển hình về cách khối phòng ngự tầm thấp của Barça bảo vệ góc hiệu quả là ở phút thứ 5 của trận đấu. Nhóm 3 người Kounde – Yamal – Roberto bảo vệ góc của khối phòng ngự trước nhóm 3 tấn công của PSG là Nuno Mendes – Mbappe – Fabian Ruiz. Biên thủ người Bồ bám biên, cho phép tiền đạo người Pháp di chuyển sâu vào trong. Bấy giờ, Kounde chủ động theo sát Mbappe, tức không để hở khoảng trống giữa hai tuyến. Mbappe và Ruiz hoán đổi vị trí cho nhau, Roberto lập tức đổi chỗ cho Kounde. Cả “corner” và “gap” vẫn được đảm bảo.
Một ví dụ khác là khi Lee Kang-in tìm cách tấn công ra sau lưng khối phòng ngự của Barça bằng một đường chuyền cho Mbappe. Các cầu thủ áo vàng đã bảo vệ góc an toàn, ra hiệu cho các đồng đội sau lưng dè chừng tình huống đâm ra sau lưng của đối thủ. Cả Kounde và Araujo – những người có trọng trách bảo vệ khoảng trống sau lưng ấy – đều ở tư thế thân người vuông góc với khung thành, vừa quan sát được pha di chuyển của Mbappe, vừa có thể di chuyển ngược về phía khung thành. Araujo kiễng chân, thuận lợi cho việc xoay trở và điều hướng cơ thể. Pha bóng kết thúc bằng việc Araujo dễ dàng phá bóng giải vây trước đường chuyền của cầu thủ người Hàn.
Vai trò của Raphinha và Lewandowski
PSG dưới thời Luis Enrique là một tập thể tìm cách pressing tầm cao quyết liệt. Họ đã từng khiến một đội bóng có số má trong việc thoát pressing lẫn tổ chức pressing là Real Sociedad phải khốn đốn ngay trên chính sân nhà. Để đối phó và thoát pressing trước PSG, Barça sử dụng ngón nghề sở trưởng dưới thời Xavi: trực diện và tấn công theo chiều sâu.
Thay vì tìm cách triển khai bóng tuần tự từ tuyến dưới để thoát thế kèm người một-một của PSG, Barça thông qua Ter Stegen đưa quả bóng lên phía trên bằng những đường chuyền dài và bổng. Trận đấu trước PSG chứng kiến thủ môn người Đức chuyền bóng dài và bổng nhiều nhất ở mùa giải này: 26 đường chuyền.
Ở phía trên, Lewandowski không cắm chốt ở vị trí số 9, thay vào đó tiền đạo người Ba Lan liên tục có những pha di chuyển giật lùi về để hoặc trở thành điểm đến trong những đường chuyền từ Ter Stegen, hoặc lôi kéo trung vệ của PSG hòng mở ra khoảng trống sau lưng hàng thủ đối phương cho chân chạy Raphinha (cũng có khi là cả Gundogan). Một lần nữa, mô hình di chuyển song song nghịch hướng hoặc di chuyển kép (giật về trước khi lập tức đảo hướng) quen thuộc của các tiền đạo Barça thời Xavi được xuất hiện.
Không phải lúc nào chân sút người Ba Lan cũng đóng vai trò chim mồi, có lúc chính “runner” Raphinha là người giật về để mở khoảng trống cho Lewy. Barça vì thế tổ chức tấn công trực diện với những pha di chuyển tấn công chiều sâu ra sau lưng hàng thủ PSG là chủ đạo.
Kỹ năng chuyền bóng của Pau Cubarsi
Mới chỉ góp mặt ở Champions League đúng hai trận, từ lượt về vòng 16 đội trước Napoli và lượt đi tứ kết trước PSG, nhưng có thể thấy trung vệ trẻ Pau Cubarsi là một cầu thủ chơi bóng chững chạc với tư duy của một người không phải tuổi 17.
Sau khi khóa thành công Victor Osimhen của Napoli, Cubarsi tiếp tục gây ấn tượng khi đối đầu trước Mbappe và Dembele của PSG. Thống kê của Squawka cho biết, Cubarsi chưa một lần bị đối thủ đi bóng vượt qua ở Champions League.
Cubarsi là một mẫu trung vệ với tư duy của một tiền vệ! Nhưng, cậu phá bỏ một định kiến của không ít người về việc các trung vệ của La Masia “chỉ giỏi chuyền bóng, chứ làm gì biết phòng ngự”.
Xét ở kỹ năng phòng ngự, Cubarsi làm những thứ cơ bản mà một trung vệ cần phải có một cách xuất sắc: từ khả năng đấu tay đôi, cho đến giữ cự ly sát với đối thủ, dùng cánh tay để đo đạc xác định vị trí đối thủ, tư thế mở ngang theo chiều dọc sân để di chuyển lên xuống dễ dàng và xác định được cả vị trí bóng, không để đối phương cắt mặt cũng như lẻn ra sau lưng mà thiếu sự dè chừng, vừa nhìn bóng vừa nhìn đối thủ, và đọc vị khoảng trống tốt để đánh chặn.
Không một trung vệ nào trong đội hình Barça hiện tại có tư duy phòng ngự như kiểu của Cubarsi. Ở đây, không phải là so sánh ai hơn ai, mà là sự khác biệt về phong cách. Ví dụ, Ronald Araujo là kiểu trung vệ ưu tiên phòng ngự khoảng trống sau lưng. Trong khi, Cubarsi thì ngược lại, cậu chủ trương phòng ngự trước mặt.
Khi Barça tổ chức pressing tầm cao với tuyến phòng ngự được đẩy lên, Cubarsi là người chủ động di chuyển đứng lên cao hơn so với các đồng đội cùng tuyến. Ở những tình huống đối phương thoát pressing và có bóng để chuyền tấn công theo chiều sâu, Cubarsi luôn tư duy gài bẫy việt vị. Nếu nói Cubarsi lúc này là "cột mốc" để các đồng đội cùng tuyến canh theo trong bẫy việt vị có khi cũng được. Dĩ nhiên, nói như thế không phải là ưu việt, vì đấy luôn là con dao hai lưỡi, nhưng đó chính là tư duy phòng ngự của Cubarsi.
Trong trận đấu trước PSG vừa qua, khả năng dâng lên dập bóng của Cubarsi là thứ được Xavi đề cập tới sau trận đấu, trong bối cảnh đối thủ xếp những Lee Kang-in hay Marco Asensio chơi như những số 10. Vì thế, hành động dập bóng của Cubarsi ngăn không cho những cái tên này có được không gian và thời gian thoải mái để nhận bóng giữa hai tuyến.
Khả năng xử lý và chuyền bóng bằng chân tốt của Cubarsi là một điểm dễ nhận ra. Là một cầu thủ thuận chân phải, nhưng Cubarsi được xếp đá trong vai trò trung vệ lệch trái. Không sao, bởi cũng đã nhiều lần cậu cho thấy mình vẫn có thể thoải mái chuyền bóng bằng chân trái.
Xét ở định hướng lối chơi mà Xavi đề ra cho Barça đó là tấn công trực diện và dùng bóng dài bổng ngay khi có thể, Cubarsi cho thấy năng lực của mình với những đường chuyền chéo sân bằng chân phải.
Ở cự ly ngắn hơn, một đặc điểm có thể được nhìn thấy khác ở kỹ năng chuyền bóng của cầu thủ 17 tuổi này là động tác mở cơ thể vào trong (lưng hướng ra biên), tầm quan sát hướng vào trong, nhưng không phải để chuyền ngang ra trước mặt, mà là để chuyền xuyên tuyến về phía trước. Động tác mở hông kết hợp hướng mắt vào trong này là một kiểu đánh lừa đối phương nếu họ có ý định bắt bài một đường chuyền ngang. Ví dụ tham khảo chính là Sergio Busquets hay Trent-Arnold. Kiểu chuyền bóng đó đi ngược lại động năng di chuyển gây áp lực và phòng ngự của đối thủ.
Song song với những đường chuyền bổng dài của Ter Stegen, chính từ kỹ năng chuyền bóng đó của mình, Curbasi mang đến những giải pháp phát triển bóng từ tuyến dưới, với những đường chuyền phá tuyến giúp Barça thoát pressing và đưa quả bóng lên tuyến trên một cách hiệu quả.
Bàn thắng mở tỷ số của Barça
Bàn thắng mở tỷ số của Barça chính là sự tổng hòa của kỹ năng chuyền bóng như đã phân tích của Cubarsi, kết hợp cùng vai trò di chuyển không bóng của Lewy và Raphinha.
Thời điểm Cubarsi mở cơ thể song song với đường biên dọc, cậu có hai giải pháp chuyền bóng: mở bóng sang cánh đối diện cho Kounde, hoặc một pha chuyền bóng xuyên tuyến về phía trước. Lựa chọn thứ hai được tiến hành.
Tiền đạo người Ba Lan là người giật về để nhận đường chuyền đó của Cubarsi. Trong pha bóng này, trung vệ Lucas Beraldo của PSG lẽ ra đã có thể làm tốt hơn nếu có sự chủ động trong việc áp sát và phán đoán tình huống. Khoảng cách giữa cầu thủ người Brazil với Lewy là tương đối xa, giúp chân sút của Barça dễ dàng nhận bóng, xoay trở và cầm dẫn bóng thoải mái trước khi chuyền cho Lamine Yamal ở cánh phải.
Pha bóng được kết thúc với cú chuyền vẩy má phong cách Luka Modric của Yamal và Raphinha sau đó đóng bóng hai từ một pha xâm nhập vùng cấm địa. Raphinha rõ ràng một khi được tạo điều kiện để chơi gần hoặc tấn công vùng cấm, anh cho thấy mình hiệu quả hơn nếu chỉ chăm chăm bám biên.
Sự điều chỉnh của Luis Enrique
Từ khoảng cuối hiệp một, Lucho quyết định hoán đổi vị trí giữa Dembele và Lee Kang-in, đưa tiền đạo cánh người Pháp chơi gần trung lộ hơn để dễ dàng kết nối với những pha di vào trung tâm từ cánh trái của Mbappe.
Nói về Dembele, đây có thể xem là một trong những dấu ấn quan trọng thời gian qua của HLV người Tây Ban Nha. Trước trận gặp Barça, đã có 3 trận đấu trong mùa giải này, Dembele được xếp đá ở giữa sân, chơi như một tiền vệ trung tâm hoặc như một số 10. Đầu tiên chính là ở lượt về vòng 16 đội gặp Real Sociedad, tiếp đến là trước Nice ở Cúp Quốc gia Pháp, và gần nhất là trong trận đại chiến Le Classique trước Olympique Marseille ở Ligue 1.
Đặc biệt trong cuộc đối đầu với Real Sociedad ở lượt về vòng 16 đội, Dembele chơi như một số 8 lệch trái, làm cửa thoát pressing khi triển khai bóng cho hành lang trái của PSG, hoặc đóng vai trò làm tường trong các pha phối hợp người thứ ba để thoát pressing, trước khi di chuyển vào trung tâm hoặc tham gia tấn công. Vị trí hơi lệch sang cánh trái đó của Dembele có lẽ xuất phát từ ý tưởng một khi anh có bóng, sẽ dễ dàng kết nối với mũi khoan Mbappe ở cánh trái.
Để rồi, bước sang hiệp hai trước Barça, bằng việc rút khỏi sân Asensio, Lucho tung vào sân Bradley Barcola. Bấy giờ, Barcola giữ vai trò bám biên phải, còn Dembele được kéo sang đá ở nách trái trung lộ, chơi gần hơn với Mbappe và cùng người đồng đội thực hiện những pha hoán đổi vị trí một cách linh hoạt.
Nếu như Asensio là một mẫu tiền đạo với xu hướng di chuyển đến gần bóng để tạo ra sự kết nối và tính liên tục trong những pha phối hợp, thì Barcola là một mẫu tiền đạo cánh với xu hướng nhận bóng xa chân và tấn công theo chiều dọc vào những khoảng trống sau lưng hàng thủ đối phương. Dembele thì lại là cầu thủ làm tốt được cả hai khía cạnh này.
Thông qua sự cơ động của Vitinha và những tình huống chạy chỗ đâm sâu của Dembele và Barcola, PSG trong hiệp hai liên tục tạo ra những pha tấn công vào hai nách hàng thủ Barça hay các “channel”.
Barcola khoét cánh và vấn đề cố hữu của Barça
Lựa chọn Barcola để khoát cánh trái của Barça là hợp lý, xét bởi khả năng phòng ngự không phải quá tốt của Joao Cancelo. Trong khoảng 10 phút đầu tiên của hiệp hai, PSG đã có hai lời cảnh báo đầy sức nặng với những tình huống Barcola khai thác khoảng trống ở nách hàng thủ Barça.
Không như hiệp một, quãng thời gian đầu hiệp hai chứng kiến một Barça bộc lộ rõ nét những vấn đề phòng ngự cố hữu dưới thời Xavi. Đó là tính thời điểm trong những pha gây áp lực.
Tính thời điểm gây áp lực là thứ cần đề cao trong cách thức tổ chức phòng ngự này. Bởi, pressing là câu chuyện giữa kiểm soát các khoảng trống và sẵn sàng “thí” các khoảng trống được phép thí, biết khi nào cần phải chờ đợi, biết ai có thể có bóng, ai có thể không được có bóng (để pressing). Barça chưa có được sự chuẩn chỉnh và bài bản đó. Các vị trí gần như chỉ tìm cách lao vào đối thủ có bóng một cách vô tội vạ mà bỏ quên những khoảng trống chết người.
Đơn cở là hai pha bóng ngay đầu hiệp hai. Ở tình huống phút 46, số đông nhân sự Barça gây áp lực vào người có bóng của PSG là Nuno Mendes, từ đó khoảng trống toang hoác được mở ra dành cho Lee Kang-in và Barcola. May mắn khi Cancelo lui về kịp thời để cắt đường chuyền của Mendes dành cho Barcola.
Ở tình huống phút 55 là vấn đề về sự vội vàng, hối hả trong việc phát triển bóng tấn công của Barça – cũng là một câu chuyện cố hữu dưới thời Xavi. Thay vì ưu tiên tính chậm rãi và kiểm soát để giữ an toàn cho lớp phòng ngự dưới bóng (rest defence), các cầu thủ Barça tìm cách tấn công thật nhanh trong khi các vị trí chưa có được sự sẵn sàng. Raphinha thay vì lựa chọn giải pháp an toàn là chuyền bóng cho Cancelo ở cánh trái, anh tìm cách đẩy quả bóng thẳng vào trung lộ; động tác xử lý bóng hỏng dẫn tới một pha counter-pressing thành công của PSG. Một lần nữa, Lee Kang-in và Barcola lại có được khoảng trống. Lần này, Barcola dẫn bóng xuống sâu và dứt điểm chạm xà.
Không những thế, khối phòng ngự của Barça trong quãng thời gian đầu hiệp hai rất tệ, những yếu tố về “block – gap – corner” mà trong hiệp một từng được tổ chức, che chắn hiệu quả thì bấy giờ hoàn toàn sụp đổ. Điều này phần nào là hệ quả của chính những hành động pressing không hiệu quả hoặc sự vội vàng trong việc phát triển bóng tấn công, dẫn tới sự thiếu chắc chắn và quy củ trong cách thức tổ chức phòng ngự một khi để mất bóng.
Hai bàn thắng liên tục của PSG
Hai bàn thắng được ghi liên tiếp trong vòng 3 phút đầu hiệp hai của PSG xuất phát từ không chỉ sự điều chỉnh của Lucho (về vị trí của Dembele, Barcola), mà còn là sự hỏng hóc trong cách thức phòng ngự của Barça.
Ở bàn thua đầu tiên là việc Barça tổ chức tranh chấp bóng hai kém ở khu vực giữa sân khi để PSG áp đảo quân số. Khi Frenkie de Jong phá bóng, một mình Sergi Roberto tranh chấp bóng hai trong vòng vây hai cầu thủ PSG. Về mặt vị trí trong pha tranh chấp bóng hai này, Barça dễ dàng gặp bất lợi khi không có nhân sự tiếp ứng kịp thời xung quanh cho Roberto. Dembele nhận bóng thoải mái từ Fabian Ruiz, trước khi kết hợp cùng Mbappe ở nách trái trung lộ làm nên bàn thắng quân bình tỷ số. Pha xử lý của Dembele thể hiện rõ nét phẩm chất “hai chân như một” của tiền đạo người Pháp.
Còn ở bàn thắng sau đó, Barça một lần nữa mắc sai lầm ở khâu gây áp lực khi dồn đông quân số vào vị trí có bóng của đối thủ. Đến khi PSG đưa được bóng xuống 1/3 cuối sân, Barça mất đi kết cấu phòng ngự chặt chẽ trước khung thành Ter Stegen. Trong nỗ lực che chắn góc của khối phòng ngự khi Lee Kang-in có bóng ở cánh phải, Barça để hở ra những khoảng trống chết người khi Barcola hút theo Cubarsi. Khoảng trống giữa hai tuyến không được bịt, còn khoảng trống giữa các hậu vệ thì mở toang, tất cả trở thành món quà không thể bỏ qua với PSG.
Phẩm chất của Pedri
Nếu Lucho thành công với phương án thay người đầu hiệp hai là Barcola, Xavi cũng có quyền hãnh diện với những điều chỉnh nhân sự của bản thân, khi Pedri, Andreas Christensen hay Joao Felix cũng đặt những dấu ấn sâu đậm sau khi được tung vào sân.
Đầu tiên là dấu ấn mà Pedri để lại. Không chỉ giúp Barça có được tính kiểm soát và cầm nhịp tốt hơn ở trung tuyến, kỹ năng “pausa” của Pedri là thứ làm nên bàn thắng 2-2 cho Barça. Chỉ bằng 2 pha chạm bóng đầu tiên sau khi vào sân, Pedri mang đến đường kiến tạo thượng đỉnh dành cho Raphinha.
Nếu bàn thắng là sự khẳng định một lần nữa về khả năng tấn công chiều sâu của Raphinha, thì đường kiến tạo là quyền trượng của Pedri. Nhịp chạm đầu tiên của Pedri là dùng chân phải để nhận đường chuyền từ Cubarsi. Đỡ bóng rồi xoay cơ thể hướng về phía khung thành đối phương. Nét tinh tế và “pausa” diễn ra ngay sau đó. Trong vòng 1 giây, Pedri thực hiện 2 lần giậm bước nhỏ bằng chân trụ (chân trái) và chân chuyền (chân phải). Đó không chỉ là động tác giậm tại chỗ lấy đà, mà còn là sự chờ đợi để Raphinha thật sự căn chỉnh hoàn hảo pha chạy chỗ không bóng của mình ra sau lưng hàng thủ PSG.
Xavi từng miêu tả về Pedri như sau: “Pedri khiến tôi nhớ về Iniesta, cậu ấy kiểm soát thời gian và không gian”, anh đang nói về cái gọi là “pausa” – một nghệ thuật xử lý bóng của người Tây Ban Nha.
“Pausa trong bóng đá là tốc độ. Bóng đá mà không có pausa sẽ chậm, vì nó thật hỗn loạn,” là câu nói mà Angel Cappa, một trong những người ảnh hưởng đầu tiên lên triết lý bóng đá của Pep Guardiola, từng nói.
Một nét tĩnh lặng, chậm rãi đôi khi giải quyết mọi vấn đề. Đôi khi, người cầm bóng pausa, chờ thêm đúng một nhịp, đồng đội mới ở vị trí thuận lợi hơn để nhận một đường chuyền. Đôi khi, người có bóng pausa, nhấn nhá thêm một nhịp, đối thủ nhấc người sang một bên, khoảng trống mở ra.
Bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 đến từ cú đánh đầu của Christensen, cũng một người vào sân từ ghế dự bị. Nhưng tình huống dẫn tới quả đá phạt góc để từ đó bàn thắng được tạo ra có dấu ấn của một nhân sự cũng vào sân khác là Joao Felix.
Một trong những kỹ năng được xem là nổi bật nhất của Felix chính là những động tác xoay trở, điều hướng cơ thể đột ngột để đánh lừa đối thủ. Cụ thể là những pha “di chuyển kép” (double movement) đi ngược động năng di chuyển của cầu thủ theo kèm: giật về với ý định nhận bóng, trước khi ngoặt cơ thể ngược về phía trước để quả bóng trôi qua và tiếp bóng xa chân.
Từ sau bàn thắng 3-2 đó, Barça bắt đầu tìm lại được sự bình tĩnh trong nhịp chơi, tổ chức lại khối phòng ngự như trong hiệp một để giữ vững tỷ số.
Tỷ số 3-2 là một kết quả mong manh, là kết quả của những toan tính chiến thuật, phẩm chất cá nhân lẫn những vấn đề phòng ngự cố hữu. Để hoàn thành chuyến đi đến bán kết, trận tái đấu tại Montjuic rạng sáng mai đòi hỏi thầy trò Xavi phải tiếp tục phát huy những điểm tích cực đã thể hiện, đồng thời hạn chế tối đa những hạn chế. Barça nên tiếp cận trận đấu với một tâm thế thận trọng, biết mình biết ta, có sự nhún nhường hơn là tìm cách hùng hổ ăn tươi nuốt sống đối thủ để rồi tự bộc lộ điểm yếu của mình.