Tại Old Trafford, nhà cầm quân người Hà Lan đang triển khai một hệ thống chiến thuật có mức trần cực thấp.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Hồi thứ 5 tuần trước, Kim McCauley đã đăng tải một bài phân tích trên The Transfer Flow với tiêu đề “Tottenham Hotspur có hay không?” Ngay từ đầu bài viết, Kim đã tóm tắt sức mạnh của Tottenham bằng câu: “cỗ máy pressing đỉnh nóc kịch trần.”
Bước vào trận đấu với Man United, Spurs chính là đội được ghi nhận chỉ số PPDA tốt nhất giải (5,99) theo Statsbomb, và Brighton là đội đứng thứ 2 với con số 7,72. PPDA là viết tắt của “Passes Per Defensive Action”, tức là số đường chuyền trung bình mà một đội bóng “cho phép” đối thủ thực hiện trong phạm vi 60% sân đấu tính từ khung thành của họ trở lên trước khi bị can thiệp bởi một hành động phòng ngự – chỉ số PPDA càng thấp nghĩa là đội bóng đó pressing tầm cao càng gắt. Ngoài ra Kim còn lưu ý rằng: “Tottenham cũng chính là đội đứng đầu giải đấu về chỉ số đo mức độ ‘quyết liệt’ của Statsbomb, được định nghĩa là tần suất thực hiện pressing trong vòng 2 giây sau khi đối thủ nhận một đường chuyền.”
Tottenham không chỉ chơi cực hung hăn trong giai đoạn không cầm bóng, mà còn rất tích cực pressing tầm cao. Dưới đây là bản đồ thể hiện tần suất thực hiện các hành động phòng ngự của Spurs ở từng khu vực trên sân đấu mùa này.
Kể cả khi bạn không xem bất kỳ trận nào trong 5 trận đấu đã qua của Spurs mùa này, chỉ cần đọc vài dòng đầu tiên trong bài phân tích của Kim là quá đủ để bạn đoán ra chính xác Spurs định làm gì khi họ hành quân tới Old Trafford.
Nhưng Manchester United thì dường như hoàn toàn chẳng hề chuẩn bị gì cho những điều sắp xảy ra. Hệ thống pressing ác liệt của Spurs đã ngay lập tức khiến đội chủ nhà sửng sốt, làm họ cực kỳ chật vật trong việc đưa quả bóng ra khỏi các khu vực nguy hiểm ngay từ đầu trận.
Cứ mỗi lần họ có được bóng, Tottenham sẽ ngay lập tức pressing cực gắt và đoạt lại nó.
Phút đầu tiên của trận đấu đã diễn ra ở cuối phần sân Tottenham sau khi Man United phất bóng dài còn Spurs thì triển khai bóng từ hàng thủ một cách từ từ, thong thả. Điều đó càng khiến cho việc những tình huống đuổi bắt gắt gao kiểu này xuất hiện một cách dồn dập chỉ trong 3 phút đầu trận trở nên bất ngờ hơn.
Tôi chưa từng thấy Manchester United trông thiếu chuẩn bị tới mức này trong một trận đấu.
Phải mất tới 22 phút để Man United có được cú dứt điểm đầu tiên trong trận đấu này và vào thời điểm Bruno Fernandes bị đuổi khỏi sân ở phút 41, họ đã bị Spurs áp đảo hoàn toàn về tổng số pha dứt điểm (12 so với 3).
Những màn trình diễn như thế này nhắc cho chúng ta nhớ về giới hạn của Erik Ten Hag trên cương vị HLV trưởng tại Manchester United. Như ký giả Jonathan Wilson đã viết trên tờ The Guardian: “Nếu những gì Man United thể hiện trong hiệp 1 trận đấu với Tottenham chưa phải là màn trình diễn tệ nhất dưới thời Ten Hag, thì lý do chỉ là vì còn quá nhiều ứng cử viên khác cân tài cân sức cho danh hiệu này.”
Trong hơn 2 năm trở lại đây, chúng ta đã thường xuyên thấy Man United bị đánh bại về mặt chiến thuật. Chuyện này không chỉ xảy ra trong các trận đấu trên sân khách mà còn cả sân nhà nữa. Trong 3 trận đấu đầu tiên ở Old Trafford mùa giải này, họ đã để cho các đối thủ ghi bàn nhiều hơn với tổng tỷ số lên tới 6-1.
Đây là lý do tại sao chúng ta sẽ không nói nhiều về trận thua Tottenham hôm Chủ Nhật tuần trước. Thay vào đó, bài phân tích này sẽ tập trung vào trận hòa 1-1 vào hôm thứ 5 với FC Twente tại đấu trường Europa League, vì trận đấu đó cho thấy rằng ngay cả khi mọi thứ được vận hành đúng hướng, đúng ý định thì hệ thống chiến thuật của Ten Hag vẫn có một mức trần rất thấp.
Hôm ấy, các chiến thuật của Man United đã hoạt động trôi chảy. Họ chơi rất tốt và bạn có thể dễ dàng thấy những điều họ đang cố làm trên sân đấu. Man United đã thực hiện những động thái hoán đổi vị trí mà Ten Hag muốn thấy và kết quả là đã có nhiều lần các cầu thủ của họ được nhận bóng tại những khoảng trống rộng mở - thường là những khoảng trống rất nguy hiểm.
Đôi khi Man United chơi hơi chậm, thiếu cường độ. Nhưng nhìn chung kế hoạch của họ đã thành công, được thể hiện qua những khoảng trống kia. Vấn đề là, như Tony Stark từng nói trong The Avengers, “đó không phải là một kế hoạch tuyệt vời.”
Đội bóng của Ten Hag đã chẳng thể tung ra những “cú đấm” mạnh mẽ. Họ đã không thể biến những tình huống có bóng tại các khoảng trống nguy hiểm thành những đợt tấn công thực sự đáng sợ. Đêm hôm ấy, Man United đã tung ra 19 cú dứt điểm, nhưng chỉ số xG (giá trị bàn thắng kỳ vọng) được ghi nhận ở họ chỉ là 1,5, tức là trung bình mỗi cú dứt điểm chỉ vỏn vẹn 0,07 xG. Họ chỉ tạo ra được 3 cú dứt điểm có điểm xG từ 0,1 trở lên, 2 trong số đó đến từ những tình huống bóng ch.ết.
Cơ hội ngon ăn nhất của Man United trong trận này đã diễn ra sau nửa tiếng nhập cuộc, sau một đợt luân chuyển bóng và tổ chức tấn công mà Ten Hag đã nỗ lực xây dựng trong 3 năm qua. Khi đội bóng này có bóng, Ten Hag muốn họ tấn công theo công thức chậm, chậm, nhanh – trong đó Man United sẽ chậm rãi, thong thả chuyền bóng quanh quẩn trước khi tấn công với tốc độ cao.
Họ có được cơ hội đó sau khi Lisandro Martinez chuyền xuyên tuyến đưa bóng lên cho hậu vệ trái Diogo Dalot (đang chơi theo kiểu “inverted”, tức là bó vào trong sân đấu, đá như một tiền vệ khi đội kiểm soát bóng), ngôi sao người Bồ Đào Nha đã có được khoảng trống quá rộng rãi để dễ dàng xoay người và dốc bóng về phía trước với tốc độ cao. Sau đó Dalot đưa bóng ra cánh cho Marcus Rashford và tiền đạo này tung ra một quả tạt tầm thấp ngay trong cú chạm đầu tiên suýt nữa giúp Joshua Zirkzee đưa được bóng vào lưới trống. Cơ hội này được đánh giá 0,38 xG.
Sau đây chính là điểm yếu trong kế hoạch chiến thuật của Man United. Hay nói đúng hơn là 2 điểm yếu.
Đầu tiên, ngay cả khi Man United bắt đầu đá trực diện và có thể tung ra một đòn đánh thẳng vào hàng thủ đối phương, họ cũng chẳng có được lợi thế rõ rệt nào cả. Đã có rất nhiều cầu thủ Twente bảo vệ cho khung thành trước pha đột phá này của họ. Man United mới là đội bị áp đảo về quân số.
Vấn đề thứ hai, quả bóng đã được đưa đến chân ai tại những khoảng trống nguy hiểm? Hết lần này đến lần khác, câu trả lời là Diogo Dalot hoặc Noussair Mazraoui, hai hậu vệ cánh của Man United. Điều đó đẩy những cầu thủ tấn công nguy hiểm nhất của đội là Marcus Rashford, Alejandro Garnacho, và Amad Diallo dạt rất rộng ra phía hai đường biên, qua đó hạn chế tầm ảnh hưởng mà họ có thể tạo ra trong đợt tấn công. Khi Rashford nhận bóng từ Dalot, quãng đường mà anh đã phải lo liệu để “ship” nó tới cho Zirkzee là rất dài.
Vào cuối trận, khi Man United đang nỗ lực tìm kiếm một chiến thắng, Dalot đã bó vào trong và thực hiện một đường chọc khe đẹp mắt cho Alejandro Garnacho đang dạt hẳn ra biên.
Garnacho nhận bóng và bắt đầu chạy về phía vòng cấm, nhưng vị trí xuất phát của tiền đạo cánh này xa xôi tới mức trước khi anh tiến được tới đó thì Twente đã có dư dả thời gian để tổ chức phòng ngự kín kẽ.
Đầu hiệp 2, Man United đã có một cơ hội rất ngon ăn để gia tăng cách biệt tỷ số. Christian Eriksen chọc khe lên cho Joshua Zirkzee, người đã hút được một trung vệ đối thủ rời vị trí, sau đó chuyền bóng ra sau hàng thủ đối phương cho một cầu thủ tấn công đang lao lên với tốc độ cao. Cầu thủ tấn công đó là Diogo Dalot, trong khi Rashford – một chuyên gia phản công đích thực – lại buộc phải đá rộng. Hãy xem Rashford đã phải mất bao lâu để tới được vòng cấm.
Man United đã có một pha chuyển trạng thái tốt, nhưng vấn đề là vị trí chủ chốt của pha phản công nhanh này lại thuộc về Dalot trong khi Rashford phải dạt ra cánh.
Tới lúc Dalot chuyền bóng cho Rashford, tiền đạo này thực sự chẳng thể làm gì nhiều với nó và thế là một cơ hội ngon ăn bị lãng phí.
Mùa hè vừa qua, Man United đã ký hợp đồng với tiền đạo người Hà Lan Joshua Zirkzee, có lẽ chủ yếu là vì khả năng đá lùi sâu và liên kết lối chơi của anh. Zirkzee có thể nhận các đường chuyền trong tư thế quay lưng về phía khung thành và chơi số 9 ảo để tạo ra các khoảng trống cho Rashford, một cầu thủ từng toả sáng rực rỡ khi sát cánh với một số 9 ảo.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể thăng hoa cùng một số 9 ảo khi sắp đặt một hệ thống chuẩn xác. Mục đích của việc bố trí một số 9 ảo trên sân là để anh ta thường xuyên lùi sâu và hút trung vệ đối thủ rời vị trí.
Dù cho không có trung vệ nào làm thế thì bù lại bạn sẽ có được lợi thế quân số ở khu trung tuyến. Còn nếu tiền đạo lùi sâu đó kéo được theo mình 1 trung vệ đối thủ, thì cầu thủ chạy cánh của bạn có thể lao lên và tấn công vào khoảng trống mà tay trung vệ kia đã bỏ lại.
Chắc hẳn bạn sẽ chẳng cần tôi giải thích dài dòng về chuyện tại sao Marcus Rashford có thể rực sáng khi được chơi trong một hệ thống như thế. Tuy nhiên, phiên bản Man United hiện tại lại khăng khăng bắt Rashford (hoặc Garnacho) phải đá dạt cánh để đảm bảo chiều rộng đội hình ngay cả khi các trung vệ đối thủ đã để lộ ra khoảng trống.
Dưới đây là một tình huống diễn ra trong trận thua Tottenham hôm Chủ Nhật. Lần này Kobbie Mainoo là người “sắm vai” số 9 ảo lùi xuống trung tuyến, nhưng anh đã đạt được mục tiêu nhử Cristian Romero rời vị trí, dâng lên để áp sát mình, mở ra một khoảng trống ở phía sau.
Đáng lẽ ra Rashford nên là người tấn công vào khoảng trống này, nhưng thay vào đó anh lại phải đảm nhận nhiệm vụ bám biên giữ chiều rộng đội hình.
Đến lúc Rashford nhận được bóng, Tottenham đã có rất nhiều cầu thủ lui về tới nơi để ngăn cản anh tiến vào trung lộ.
Thế là Rashford chẳng thể làm gì khác ngoài việc thực hiện một quả tạt cầu may hướng đến Zirkzee, nhưng rốt cuộc nó đã bị thủ môn đối phương khống chế dễ dàng.
Rất khó để Rashford tận dụng khoảng trống đã nói và thoát ra phía sau hàng thủ đối phương trong tình huống này vì vị trí xuất phát của anh quá rộng, do anh được yêu cầu đá như thế. Chìa khóa để chơi tốt cùng một số 9 ảo trên hàng công là cầu thủ chạy cánh của bạn phải bó vào phía trong sân đấu hơn một chút để họ có thể mau chóng tận dụng khoảng trống mà trung vệ đối thủ để lộ ra và để những đường chuyền ngắn, nhanh có thể dễ dàng đến được với họ.
Trở lại với trận đấu hôm thứ Năm tuần trước, Man United đã có một cơ hội bứt phá ngay sau khi bước vào hiệp hai. Lần này, Onana thực hiện một cú phất bóng dài, và một trung vệ đã dâng lên để cố đoạt lấy bóng. Zirkzee đã có một pha làm tường tốt, tạo điều kiện để một cầu thủ tấn công đồng đội dễ dàng thoát ra phía sau tay trung vệ kia cùng quả bóng.
Một lần nữa, cầu thủ tấn công đó là hậu vệ cánh trái Dalot. Một lần nữa, Rashford đã phải dạt cánh một cách đau đớn và quả bóng đã chẳng thể nào tới được với anh.
Hết lần này đến lần khác, Man United liên tục đưa được bóng vào những khoảng trống nguy hiểm, nhưng người nhận bóng lại là Dalot.
Tình trạng này không chỉ diễn ra vào hôm thứ 5 tuần trước, mà là trong suốt 2 năm qua.
Vấn đề là Dalot hiếm khi nào xử lý đủ tốt để gây s.át thương cho đối thủ từ những vị trí này vì năng lực hạn chế. Mùa giải trước, cầu thủ người Bồ Đào Nha đã ghi 2 bàn và có 3 pha kiến tạo từ những cơ hội có tổng giá trị xG là 1,7 và các đường chuyền có tổng giá trị “kiến tạo kỳ vọng” (xA) là 2,9. Anh là một cầu thủ đa năng, có thể chơi hậu vệ trái và bó vào phía trong sân đấu để trở thành một tiền vệ trung tâm trong quá trình triển khai bóng của đội mình.
Dalot rất giỏi trong giai đoạn đầu và giai đoạn 2 của quá trình triển khai bóng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn đột nhiên phải vận hành toàn bộ đợt tấn công của mình thông qua cầu thủ này. Chẳng còn gì lạ lẫm nữa khi mà ngay trước pha ghi bàn duy nhất của Man United vào lưới Twente hôm thứ Năm tuần trước là một tình huống mà Dalot lại một lần nữa tìm được khoảng trống tại một vị trí rất nguy hiểm.
Martinez đã có một đường chọc khe đẹp mắt đưa bóng vào vòng cấm, nhưng Dalot lại đỡ bước một quá tệ và bị một hậu vệ dễ dàng phá bóng. May mắn cho Man United là Christian Eriksen đã có mặt ở đúng nơi quả bóng văng ra để thực hiện một cú dứt điểm trái phá tung lưới đối thủ.
Lần này, may mắn đã đứng về phía Man United, nhưng Dalot đã quá thường xuyên có bóng ở những vị trí mà có tới 4–5 cầu thủ khác sẽ hữu dụng hơn nhiều nếu họ được đặt vào đó. Trong khi đó, những cầu thủ tấn công nguy hiểm nhất của họ thì lại bị đẩy ra biên.
Đây chính là lý do chính khiến mặt trận tấn công của Man United chật vật khổ sở trong 2 mùa qua. Những cầu thủ tấn công nguy hiểm nhất của họ bị đẩy ra biên, còn những cầu thủ nhận được bóng tại các khoảng trống nguy hiểm thì lại… quá đúng ý đối thủ.
Đây không phải là một vấn đề có thể giải quyết chỉ bằng việc Luke Shaw trở lại thi đấu với 100% thể lực. Shaw cũng là một cầu thủ chơi rất tốt trong giai đoạn đầu và giai đoạn 2 của quá trình triển khai bóng, nhưng tại khu vực 1/3 cuối sân đối thủ, thế mạnh chính của anh là di chuyển phối hợp chồng biên phía ngoài một cầu thủ tấn công khác. Còn trong hệ thống này của Ten Hag, các hậu vệ cánh sẽ bó vào hành lang trong thay vì bám biên. Trong khi đó, những khó khăn của các cầu thủ tấn công lại càng khuếch đại thêm khi mà chẳng có một hậu vệ cánh chồng biên nào bên cạnh để phối hợp.
Hai trận đấu vừa qua đã làm nổi bật lên mức trần rất thấp của Man United dưới thời Ten Hag. Trận đấu hôm Chủ Nhật là một màn trình diễn tệ hại khủng khiếp. Còn trận đấu hôm thứ Năm thì cho thấy kể cả khi các chiến thuật của Ten Hag được vận hành trơn tru, họ vẫn chẳng thể tận dụng được sức mạnh và tài năng mà tập thể này sở hữu. Nếu vẫn giữ nguyên đấu pháp hiện tại, Manchester United sẽ chẳng đạt được mục tiêu nào cả.
Theo Pauly Kwestel, The Busby Babe