Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay: Bổn cũ soạn lại

Tác giả Raumdeuter13 - Thứ Ba 29/11/2022 11:23(GMT+7)

Zalo

Một kịch bản tương tự như cuộc đối đầu với Ghana đã diễn ra với Bồ Đào Nha trong trận đấu thứ 2 gặp Urugay. Đội bóng của HLV Fernando Santos gặp khó khăn trong việc tìm đường vào khung thành của đối thủ ở hiệp một, và có được một khoảnh khắc mang tính định đoạt trận đấu ở đầu hiệp hai.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

315519142_810929696871321_1856911070332519277_n
 

 

Lối chơi không thay đổi

Tương tự như Ghana, HLV Diego Alonso của Uruguay cũng quyết định thay đổi hệ thống chiến thuật sở trường của mình để sử dụng một phương án an toàn hơn khi phải đối đầu với Cristiano Ronaldo và các đồng đội. Đại diện Nam Mỹ không nhập cuộc với sơ đồ 4-4-2, mà thay vào đó là hệ thống 5-3-2. 

Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay Bổn cũ soạn lại 1
Uruguay sử dụng sơ đồ 5-3-2/3-5-2

 

Các đối thủ rõ ràng đánh giá cao khả năng luân chuyển bóng và tạo ra đột biến ở khu trung tuyến của Bồ Đào Nha, còn HLV Santos thì vẫn rất kiên định với những lựa chọn quen thuộc của mình. Thay vì tiếp tục đặt niềm tin vào mẫu cầu thủ có cường độ hoạt động cao ở giữa sân là Vitinha, ông Santos thậm chí còn an toàn hơn khi lựa chọn Williiam Carvalho – một tiền vệ trụ, đá chính bên cạnh Ruben Neves. 

Không có nhiều khác biệt trong định hướng tấn công của Bồ Đào Nha ở 45 phút thi đấu đầu tiên, và cũng không có nhiều khác biệt trong hiệu quả tiếp cận khung thành đối thủ của chính họ ở quãng thời gian này. 8 pha dứt điểm được đại diện châu Âu thực hiện trong hiệp thi đấu thứ nhất, nhưng chỉ 1 trong số này được thực hiện trong vòng cấm địa của đối phương. Họ không đưa được bóng xuống đáy biên, cũng như chẳng có được một tình huống xâm nhập khu vực 16m50 đáng chú ý nào. 

Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay Bổn cũ soạn lại 2
Vị trí các pha dứt điểm của Bồ Đào Nha trong hiệp 1.
Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay Bổn cũ soạn lại 3
Vị trí các điểm chạm bóng của toàn đội Bồ Đào Nha trong hiệp 1.

 

Một mặt, sơ đồ 5-3-2 khi phòng ngự của Uruguay hay cả Ghana ở trận đấu trước đó được bố trí với số lượng nhân sự lớn ở khu vực trung tuyến, cũng như cho thấy khả năng bọc lót đến từ các trung vệ lệch. Nhưng mặt khác, Bernardo Silva hay Bruno Fernandes không cho thấy được tính kết nối trong các tình huống kiểm soát bóng của mình. 

Đây có thể xem là một vấn đề không mới với đội bóng của ông Fernando Santos mỗi khi họ phải đối đầu với một hệ thống phòng ngự lùi sâu. Cấu trúc đội hình khi tấn công ở phần sân đối phương của Bồ Đào Nha không thực sự rõ ràng. Những ngôi sao trên hàng công của họ đều muốn tiến gần tới quả bóng, kiểm soát trái bóng và thực hiện những pha xử lý mang tính cá nhân nhiều hơn và vận hành một mảng miếng cụ thể nào. Bruno Fernandes và các đồng đội kiểm soát bóng mà không có được khả năng kéo giãn chiều ngang sân đủ tốt, cũng như các pha bóng tấn công theo chiều sâu với một tần suất cao. 

Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay Bổn cũ soạn lại 4
Cấu trúc đội hình của Bồ Đào Nha khi tiếp cận 1/3 cuối sân không thực sự rõ ràng. 

Có lẽ, họ chờ đợi một khoảnh khắc, nhiều hơn là một tình huống triển khai tấn công mạch lạc. 

Khoảnh khắc Bruno Fernandes

Thực dụng một cách cực đoan là thế, nhưng các học trò của ông Fernando Santos lại luôn biết cách để chứng tỏ giá trị bản thân ở những thời điểm quyết định. 

Nếu như ở trận đấu gặp Ghana, quyết định di chuyển chiều sâu đột biến hiếm hoi của Felix mang về quả phạt đền cho Bồ Đào Nha ở đầu hiệp 2, thì Bruno Fernandes cũng tạo ra một khoảnh khắc tương tự như thế bằng đường chuyền khó chịu cho pha di chuyển của Cristiano Ronaldo để khiến thủ thành Sergio Rochet bên phía đối phương phải vào lưới nhặt bóng. 

Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay Bổn cũ soạn lại 5
Khoảnh khắc xuất thần của Bruno Fernandes trong hiệp 2

Cầu thủ thuộc biên chế Manchester United tiếp tục có thêm một trận đấu điển hình của mình trong lối chơi không mấy ấn tượng của Bồ Đào Nha. Mờ nhạt trong hiệp thi đấu thứ nhất, và tự tạo cho mình những khoảnh khắc xuất thần ở phần còn lại của trận đấu. 4 trong 5 bàn thắng của đại diện châu Âu cho tới lúc này có đóng góp trực tiếp của tiền vệ mang áo số 8. 

Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay Bổn cũ soạn lại 6
Pha bóng dẫn đến tình huống penalty của Bruno Fernandes.

 

Xét một cách tổng thể, bàn thắng mở tỉ số của Bồ Đào Nha thêm một lần khiến đối thủ của họ phải thay đổi cách tiếp cận. Sau bàn thua, Ghana ở trận đấu trước và Urugay ở trận đấu trên sân Lusail Iconic đều quyết định từ bỏ hệ thống 5-3-2 và gia tăng cường độ tấn công của mình. Nếu quyết đoán hơn, đội bóng của ông Alonso thậm chí đã khiến kế hoạch của đối phương bị đổ bể, với những cơ hội dứt điểm mười mươi của mình. 

Bồ Đào Nha 2-0 Uruguay Bổn cũ soạn lại 7
Cơ hội ăn bàn rõ rệt của Uruguay ở hiệp 2.

Bên phía đối diện, ông Fernando Santos vẫn tiếp tục thực hiện những quyết định mang đậm bản sắc của cá nhân. Dựa trên việc đối thủ đẩy cao đội hình, chiến lược gia 68 tuổi lập tức rút Carvalho ra nghỉ và đưa Rafael Leao vào sân để chờ đợi tốc độ của cầu thủ này trong các pha phản công. Để rồi 10 phút cuối trận đấu, ông Santos sử dụng cùng lúc 2 tiền vệ trung tâm có khả năng tranh chấp và thu hồi bóng là Joao Palhinha và Matheus Nunes để giúp đội bóng của mình bảo vệ lợi thế dẫn trước. 

Hai trận đấu, 6 điểm tối đa, Bồ Đào Nha giành quyền vào vòng knock-out với những màn trình diễn khó có thể nói là thuyết phục. Từ Euro 2016 cho đến thời điểm hiện tại, đó vẫn luôn là hình ảnh của họ ở các giải đấu lớn. Không phải là những người áp đặt thế trận, chơi thực dụng và tạo ra khác biệt bằng khả năng tạo đột biến của những cá nhân.  

Với tính chất của những trận đấu loại trực tiếp, liệu công thức ấy có giúp họ tiến xa tại giải đấu lần này, như cách Ronaldo và các đồng đội đăng quang chức vô địch châu Âu 6 năm trước. Hay trái lại, sẽ là những trận thua khó nuốt trôi ngay từ trận đấu đầu tiên của vòng knock-out như tại World Cup 2018 trước chính Uruguay và Euro 2020 trước đội tuyển Bỉ?

Đọc thêm:

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đang sử dụng hậu vệ biên như thế nào?

Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?

X
top-arrow