Argentina là đội vô địch World Cup linh hoạt nhất về mặt chiến thuật

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Hai 19/12/2022 15:52(GMT+7)

Zalo

Argentina không phải là một đội bóng hoàn hảo. Họ thất bại trước Saudi Arabia ở vòng bảng. Ở trận gặp Hà Lan ở tứ kết và Pháp ở chung kết, họ vươn lên dẫn trước hai bàn nhưng vẫn phải nhờ đến loạt sút luân lưu để giành thắng lợi. Trước đó, họ may mắn khi không gặp vấn đề tương tự trước Australia ở vòng 1/8. 

Argentina là đội vô địch World Cup linh hoạt nhất về mặt chiến thuật 1
 

Nhưng về mặt chiến thuật, Argentina đã vô hiệu hóa đối thủ trong thời gian dài, đặc biệt là ở đầu trận. Họ cũng phát huy tối đa tầm ảnh hưởng của các ngôi sao trong đội.

Lionel Scaloni không có kế hoạch A tại giải đấu này. Ông sử dụng sơ đồ 4-4-2 trước Saudi Arabia và Mexico, trước khi chuyển sang sơ đồ 4-3-3 trước Ba Lan. Sau đó, ông trở lại sơ đồ 4-4-2 trước Australia, trước khi chuyển sang sơ đồ 5-3-2 ở đầu hiệp hai trong trận đấu đó và giữ nguyên hệ thống này trước Hà Lan. Chiến lược gia 44 tuổi lại chuyển sang sơ đồ 4-4-2 trước Croatia, trước khi cho đội đá 4-3-3 với người Pháp. Không có đội bóng nào vô địch World Cup tỏ ra linh hoạt như vậy. 

Thậm chí, trong lần hiếm hoi không thay đổi đội hình trong cuộc chạm trán với Mexico, Scaloni đã thay nửa hàng tiền vệ. Thêm nữa, giống như điều thường xảy ra với những đội bóng vô địch, Scaloni bất ngờ tìm thấy những cầu thủ chủ chốt ở giai đoạn giữa giải.

Alexis Mac Allister không đá trận mở màn, nhưng xuất phát trong sáu trận còn lại và chơi xuất sắc trong trận chung kết. Leandro Paredes đá chính trận đầu ở vị trí tiền vệ mỏ neo. Anh nhường chỗ cho Guido Rodriguez ở trận kế tiếp, trước khi Enzo Fernandez biến vai trò này thành của riêng mình. Julian Alvarez bắt đầu giải đấu từ băng ghế dự bị, được tung vào sân để đá tiền đạo trái trong trận gặp Ba Lan, trước khi đá chính ở vòng loại trực tiếp.

Argentina là đội vô địch World Cup linh hoạt nhất về mặt chiến thuật 2
 

Tất nhiên, không thể không đề cập đến Lionel Messi, cầu thủ xuất sắc nhất giải với 7 bàn và 3 kiến tạo. Thành tích này có công rất lớn của Scaloni, khi ông xây dựng đội bóng hoàn toàn dựa trên nhu cầu của Messi, ngay cả khi anh được sử dụng ở ba vai trò khác nhau: Hộ công, tiền đạo phải hay số 9 ảo. Dù đội hình thế nào, Messi luôn được đá ở những vị trí ưa thích của mình.

Xung quanh Messi là những cầu thủ giỏi chứ không phải vĩ đại, những người hiểu rõ tố chất thiên tài của anh và sẵn sàng giúp anh làm những công việc khó nhọc - đặc biệt là Alvarez và Rodrigo De Paul. Trong những năm gần đây, không có đội vô địch World Cup nào hoàn toàn dựa vào một cầu thủ. Ngay cả sức mạnh hàng công của Brazil năm 2002 cũng thường được gắn với “bộ ba R” (Ronaldo, Rivaldo và Ronaldinho), trước khi Ronaldo tỏa sáng trong trận chung kết.

Kế hoạch của Scaloni cho trận chung kết được coi là thiên về tấn công nhất, cũng như tỏ ra hiệu quả ngay từ đầu nhất của Scaloni.

Dễ hiểu khi Angel di Maria trở lại trong trận chung kết để thay cho Paredes. Nhưng thật bất ngờ khi thấy anh được triển khai bên cánh trái. Di Maria chủ yếu chơi ở cánh phải tại giải đấu này. Chính từ vị trí này, anh là người ấn định thắng lợi trong trận chung kết Copa America năm ngoái trước Brazil. 

Argentina là đội vô địch World Cup linh hoạt nhất về mặt chiến thuật 3
Di Maria rưng rưng nước mắt sau khi ghi bàn cho Argentina

Nhiều người cho rằng Di Maria sẽ xuất hiện ở đây để hạn chế mũi công chính của Pháp, với sự có mặt của Kylian Mbappe và Theo Hernandez. Không những sở hữu những phẩm chất kĩ thuật, Di Maria còn là một “công nhân” cần mẫn. Anh đã quen với việc đóng vai trò cân bằng đội hình để giúp Messi, Cristiano Ronaldo và Mbappe tỏa sáng cho Argentina, Real Madrid và PSG trong những năm qua. 

Thay vào đó, Di Maria chơi ở cánh trái trong sơ đồ 4-3-3, còn Messi chơi ở cánh đối diện. Đây là một canh bạc lớn, bởi điều đó đồng nghĩa với việc Scaloni đang tạo điều kiện cho Hernandez tự do dâng cao và kết hợp với Mbappe.

Pháp có pha phối hợp nguy hiểm ngay trước bàn mở tỷ số của Argentina, khi họ được hưởng quả đá phạt trực tiếp ở cánh trái (Olivier Giroud đánh đầu vọt xà sau đó). De Paul tỏ ra quá tải khi đá lệch phải trong bộ ba tiền vệ của Argentina.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này có hai cái lợi. Trước hết, Messi, người được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng thủ được tự do di chuyển vào khoảng trống phía sau Hernandez. Quan trọng hơn, với Di Maria, Argentina sở hữu mũi khoan lợi hại bên cánh trái. Ban đầu, quyết định này của Scaloni tỏ ra hơi thiếu logic. Dù phải đá vị trí trái sở trường là hậu vệ phải, trung vệ Jules Kounde không gặp khó khăn trong công tác phòng ngự ở giải này, trong khi Hernandez ở cánh bên kia chắc chắn là có. Có lẽ Scaloni, một cựu hậu vệ phải cảm thấy một trung vệ phải dạt cánh sẽ không thích đối mặt với mẫu cầu thủ có tốc độ và tiểu xảo.

Nếu vậy thì Scaloni đã đúng. Di Maria tạo ra quả phạt đền dẫn tới mở tỷ số. Sau đó, anh băng xuống và ghi bàn từ một pha phản công xuất sắc, xuất phát từ việc Argentina lại khai thác vào khoảng trống phía sau Hernandez.

Điều gây tò mò về cách tiếp cận của Scaloni là việc ông không chuyển sang hàng thủ 5 người ngay khi hiệp hai bắt đầu, dù ông đã làm điều đó nhiều lần tại giải này. Có thể nhà cầm quân 44 tuổi cho rằng sự thay đổi đó tỏ ra quá thận trọng và gây ra nhiều áp lực cho hàng thủ (cụ thể là trước Australia).  

Trên thực tế, có rất ít dấu hiệu cho thấy Pháp sẽ trỗi dậy, vì vậy có thể hiểu tại sao Scaloni chọn giữ nguyên đội hình xuất phát. Ông chỉ có một sự thay đổi duy nhất: Tung Marcos Acuna vào sân đá cùng cánh với Nicolas Tagliafico, để thay cho một Di Maria đã đuối sức sau 64 phút. 

Argentina sau đó chơi với sơ đồ 4-4-2, với một hậu vệ trái đá vị trí tiền vệ trái. Tuy nhiên, sau khi Didier Deschamps chuyển sang sử dụng bốn tiền đạo, với cả bốn người trong đó (Mbappe, Randal Kolo Muani, Marcus Thuram và Kingsley Coman) đều sở hữu tốc độ đáng nể, thật khó tin khi Scaloni không làm những gì ông đã làm trong trận gặp Úc: Tung Lisandro Martinez vào sân để có thêm một trung vệ thòng phía sau. Như chúng ta đã biết, Argentina bị gỡ hòa 2-2 và có lúc tỏ ra khá mệt mỏi và bị động.

Argentina là đội vô địch World Cup linh hoạt nhất về mặt chiến thuật 4
 

Khoảng thời gian hiệp phụ cho thấy tình trạng hỗn loạn về mặt chiến thuật. Có ý kiến cho rằng rằng khi sự thay đổi người ngày càng nhiều hơn, các HLV càng dễ dàng trong việc kiểm soát trận đấu. Trên thực tế, điều ngược lại lại xảy ra. 

Khi 120 phút chính thức khép lại, Argentina đã thực hiện 6 quyền thay người, còn người Pháp là con số 7, do Adrien Rabiot rời sân vì chấn động não. Càng thay đổi đội hình, càng ít HLV có thể kiểm soát thế trận. Sau khi Messi đưa Argentina vươn lên dẫn trước 3-2, Scaloni đã chuyển sang đá 5 hậu vệ trong những phút cuối. Tuy nhiên, Argentina vẫn để thủng lưới từ một quả phạt đền.

--------------

Argentina giống với những nhà vô địch World Cup gần đây như thế nào?

Trước giải, Trên đường pitch đã liệt kê 5 điểm chung của những đội vô địch World Cup gần nhất 

Để vô địch World Cup, hãy tham khảo bài học của người đi trước!Để vô địch World Cup, hãy tham khảo bài học của người đi trước!
Bước vào một kỳ World Cup, chúng ta thường có xu hướng đánh giá quá cao chất lượng một đội bóng cần để giành chiến thắng. 

 

Thứ nhất: Bạn không cần phải gây ấn tượng ở vòng bảng. Argentina là nhà vô địch, nhưng cũng là bất ngờ lớn nhất giải khi thất bại trước Saudi Arabia ở trận mở màn.

Thứ hai: Các chiến lược gia có xu hướng gắn bó với những ngôi sao họ đã hiểu rõ. Scaloni xoay vòng cầu thủ hơn hầu hết các HLV từng vô địch World Cup. Tuy nhiên, trong trận chung kết, ông xứng đáng được khen ngợi vì đặt niềm tin vào Di Maria, người vừa trở lại sau chấn thương dù những người thay thế anh đã chơi rất hay ở các trận knock-out.

Thứ ba: Thường có một sự thay đổi chiến thuật lớn trong giải. Argentina thậm chí thực hiện điều đó nhiều lần tại World Cup 2022.

Thứ tư: Giữ sạch lưới tại vòng loại trực tiếp rất quan trọng. Điều này không đúng với Argentina - họ chỉ giữ sạch lưới một trong bốn trận đấu của họ.

Thứ năm: Bạn không cần một số 9 quá tài ba. Các tiền đạo cắm của Argentina, Lauturo Martinez và Alvarez chỉ ghi tổng cộng 4 bàn. Khá thú vị khi trận đấu duy nhất Messi đá chính ở vị trí tiền đạo cắm (gặp Ba Lan) lại là trận duy nhất anh không ghi bàn.

Argentina
 

Mặc dù vậy, rất ít người cho rằng Argentina không xứng đáng với danh hiệu này. Họ là đội chơi tốt hơn trong cả bốn trận đấu loại trực tiếp. Họ đã “thắng” về tỉ lệ bàn thắng kỳ vọng trong cả bảy trận đấu. Sự táo bạo của họ đã tạo nên trận chung kết World Cup có lẽ là hay nhất, còn đội trưởng của họ chắc chắn là cầu thủ vĩ đại nhất mà môn thể thao này từng chứng kiến. Chắc chắn rồi, Argentina sẽ là nhà vô địch được nhớ đến một cách trìu mến nhất.

Lược dịch bài viết “Argentina are the most tactically flexible World Cup winners we have ever seen” của Michael Cox (The Athletic)

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

X
top-arrow