Leonardo Bonucci: Cuộc Đời Và Trái Tim Người Lính

Tác giả Ole - Thứ Hai 13/06/2016 12:16(GMT+7)

Zalo

Vào ngày 18/10/2012, sau khi cùng vợ và con trai tới tìm mua xe hơi tại một đại lý Ferrari ở thành phố Turin, trong lúc đang lấy xe ra về, gia đình Bonucci đã bất ngờ bị một tên cướp có vũ trang chặn đường. Rất nhanh chóng, tên cướp dí súng vào đầu trung vệ của Juventus đồng thời yêu cầu anh phải giao nộp chiếc đồng hồ đắt tiền cho hắn. Thay vì ngoan ngoãn làm theo lời kẻ bất lương, Bonucci đã vung tay đấm thẳng vào mặt tên cướp khiến gã này ngã gục xuống đất trước khi phải bỏ trốn cùng đồng bọn…

 

LÀ NGƯỜI HÙNG, HAY KẺ LIỀU MẠNG?

Nhiều người ca ngợi hành động của Bonucci là dũng cảm. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng anh cũng chỉ là một kẻ liều mạng ngu ngốc. Nói gì thì nói, giả sử như tên cướp hôm ấy chẳng may nổ súng thật, thì mọi khái niệm về thứ gọi là “bản lĩnh” của Bonucci xem chừng đã sớm tan biến trong… nhà xác. Dẫu vậy, tất cả vẫn phải thừa nhận rằng, ngôi sao người Italia là một kẻ giàu cá tính và luôn hành động theo phong cách cực kỳ lạnh lùng. Đây cũng chính là những phẩm chất hết sức quan trọng biến Bonucci trở thành một trung vệ hàng đầu thế giới vào thời điểm hiện tại.

Cựu danh thủ Inter Milan, Marco Materazzi từng nhận xét về Bonucci như sau: “Hậu vệ ngày nay thường được đào tạo để thi đấu dựa theo những khuôn mẫu chiến thuật có sẵn. Thế nhưng, đối với những trận đấu đòi hỏi nhiều hơn sự sáng tạo, chắc chắn tôi sẽ lựa chọn Bonucci. Cậu ấy sở hữu những phẩm chất vô cùng khác biệt và luôn sẵn sàng làm nên những điều ngoài sức tưởng tượng của chúng ta”.

Thực tế cho thấy, Bonucci cũng không phải mẫu trung vệ chỉ biết “cản phá” theo kiểu thông thường. Sở hữu khả năng chuyền dài vô cùng đặc biệt, cầu thủ thuộc biên chế Juventus sẵn sàng đặt đồng đội vào những tình huống đón nhận cơ hội ăn bàn mười mươi. Bên cạnh đó, ngôi sao 29 tuổi này cũng là một kẻ rất thích… chơi đùa với trái bóng.

Bonucci sở hữu khả năng chuyền dài vô cùng đặc biệt

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ La Stampa cách đây không lâu, đích thân Bonucci từng thừa nhận rằng: “Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã thích rê bóng qua đối phương bằng những động tác giả. Xu hướng này thậm chí càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa khi tôi được làm việc cùng HLV Giampiero Ventura tại Bari, một người luôn động viên các học trò cố gắng sử dụng bóng sao cho hiệu quả nhất. Tất cả mọi thứ, từ kỹ thuật cá nhân cho đến các ngón nghề tiểu xảo trên sân cỏ đều đến với tôi theo một kịch bản hoàn toàn tự nhiên. Đó chính là một phần tính cách đặc thù của tôi, nhưng đôi lúc, tôi cũng biết rằng mình sẽ phải cố gắng hạn chế nó”.

HÀNH TRÌNH 7 NĂM CỦA MỘT CẦU THỦ BỎ ĐI

Sinh ra tại Viterbo, một đô thị cổ nằm ở miền Trung nước Ý, cách Roma khoảng 50 dặm về phía Bắc, Bonucci bắt đầu sự nghiệp quần đùi áo số trong màu áo CLB địa phương Viterbese. Đến mùa Hè năm 2005, chàng trai 18 tuổi khi ấy đã được ban lãnh đạo Inter đưa về Milano với mức giá vỏn vẹn… 30.000 bảng, một bước ngoặt tưởng chừng như sẽ “khai sáng” cho cuộc đời chơi bóng của anh. Mặc dù vậy, sự nghiệp của Bonucci chưa bao giờ được xem là dễ dàng. Sau khi được đưa lên ra mắt đội một Inter Milan, cầu thủ người Italia cũng chỉ được thi đấu thêm 3 trận trước khi bị đem cho mượn trong màu áo Treviso và Pisa, những đội bóng Serie B.

Quyết định chia tay sân Giuseppe Meazza vào năm 2009 để gia nhập Genoa tiếp tục đẩy Bonucci phải dấn thân vào một cuộc phiêu lưu khác, khi mà ban lãnh đạo đội bóng thành phố cảng chấp nhận bán anh sang Bari theo dạng một bản hợp đồng “sở hữu kép”. Thế nhưng, cũng giống như những gì mà Louisa May Alcott, nữ tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Bốn cô con gái nhà bác sĩ March từng nói: “Tôi không hề sợ hãi trước những cơn bão, vì tôi đang học cách điều khiển con tàu của mình”, Bonucci đã chứng tỏ mình thực sự là một chiến binh luôn sẵn sàng xông pha trước mọi bão táp của cuộc đời.

Chiến binh Bonucci ở Juventus

Dưới triều đại chiến lược gia Giampiero Ventura tại Bari, ngôi sao sinh năm 1987 này đã cùng với Andrea Ranocchia hợp thành bộ đôi trung vệ trẻ gây ấn tượng mạnh nhất Serie A trong mùa giải 2009/2010, qua đó giúp đội bóng vùng Apulia cán đích ở vị trí thứ 10 chung cuộc. Nhưng rồi, kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm 2010 cũng sớm chứng kiến sự tan vỡ của cặp trung vệ đình đám bên phía Bari như một hệ quả tất yếu, sau thời điểm mà Ranocchia được Inter Milan chiêu mộ còn Bonucci chấp nhận lên đường tới Turin để tiếp tục cuộc trường chinh của mình trong màu áo Bà đầm già Juventus. Tại đây, Antonio Conte đã đưa Bonucci bước lên một tầm cao mới, một trung vệ thực sự toàn diện trong sơ đồ chiến thuật 3-5-2.  

Đích thân HLV Giampiero Ventura từng chia sẻ về hai cậu học trò cũ như sau: “Ranocchia có thể được đánh giá cao hơn về các kỹ năng phòng ngự. Tuy nhiên, Bonucci lại sở hữu cá tính vô cùng mạnh mẽ để trở thành một hậu vệ hàng đầu thế giới. Điều này đã giúp cậu ấy bù đắp được những thiếu sót”. Thời điểm hiện tại, nếu như Ranocchia sau nhiều năm tháng “còn hơn cả tù đày” trong màu áo Inter đã phải chuyển sang thi đấu cho Sampdoria dưới dạng cho mượn, thì cái tên Leonardo Bonucci chính là trụ cột không thể thay thế của Juventus cũng như ĐT Italia, một sự tương và đối nghịch phản hoàn toàn giữa những “Maldini, Nesta hay Cannavaro mới” (bạn có thể gọi họ theo nhiều cách) của bóng đá Ý một thời…

NGƯỜI LÍNH ĐƯỢC KHỔ LUYỆN TỪ… TÙ ĐÀY


Chẳng ai có thể phủ nhận Conte là một nhà cầm quân theo kiểu “độc tài” và cứng nhắc. Trước những đòi hỏi thực sự khắc nghiệt của vị chiến lược gia người gốc Lecce này, không ít cầu thủ Juve đã phải nói lời chia tay Lão phu nhân do không thể chịu đựng nổi môi trường quân phiệt tràn ngập các nguyên tắc. Ngay cả Andrea Pirlo, một nhân tố được đánh giá là tối quan trọng dưới triều đại Conte cũng từng viết trong cuốn tự truyện của mình rằng: “Nếu như có khả năng đi ngược thời gian, tôi chắc chắn sẽ thay đổi vị trí ngăn tủ cá nhân trong phòng thay đồ, bên cạnh tủ của Buffon. Đối với tôi, đây chính là nơi nguy hiểm nhất thành phố Turin. Rất nhiều lần, mặc dù chúng tôi giành chiến thắng nhưng chỉ cần Conte cảm thấy không hài lòng, ông ấy sẽ lập tức trút giận lên chiếc tủ tội nghiệp của tôi”.

Conte lập dị là thế, nhưng Bonucci với thứ cá tính không giống bất kỳ ai trên đời, cũng chẳng hề e ngại, thậm chí còn tỏ ra thích thú trước phong cách của vị chiến lược gia đồng hương. Nghe thì có vẻ hơi phí lý nhưng khi tìm hiểu về quá khứ của trung vệ người Italia, chúng ta sẽ thấy điều này hoàn toàn bình thường, bởi nó chẳng hề thấm tháp gì so với những khoảng thời gian kinh khủng mà Bonucci từng phải chịu đựng trước đây. Ngày vẫn còn khoác áo Treviso theo dạng cho mượn từ Inter Milan, ngôi sao gốc Viterbo từng phải làm việc cùng chuyên gia tâm lý Alberto Ferrarini, một người đã rèn giũa Bonucci theo phương pháp… khổ nhục hình.

Bonucci và chuyên gia tâm lí Ferrarini

Trong một lần được hỏi về cậu học trò cũ, Ferrarini nhớ lại: “Khi ấy, tôi vẫn thường nhốt Bonucci dưới tầng hầm. Trong bóng tối, tôi xúc phạm, sỉ nhục và thậm chí sẵn sàng tấn công cậu ta bằng mọi cách có thể. Chỉ cần Bonucci có chút ý định phản kháng, đôi khi là thông qua ánh mắt liếc nhìn thôi, cậu ta sẽ phải nhận một cú đá thẳng vào bụng. Vì sao ư? Tôi muốn Bonucci học được cách chiến thắng sự bất công đồng thời tập trung trong mọi việc. Đó cũng chính là lúc tôi dần biến cậu ấy trở thành một chiến binh thực thụ”.

Sau này, ngay cả khi Conte không còn dẫn dắt Juventus nữa, Bonucci vẫn thường bày tỏ thái độ tôn trọng hết mực dành cho cựu chiến lược gia Siena. “Ông ấy thực sự là món quà trời cho đối với Juve. Tất cả chúng tôi, đều trở thành những người lính dưới sự chỉ đạo của Conte”. Mùa Hè năm ngoái, đến lượt chuyên gia “tinh thần” Alberto Ferrarini nói lời chia tay với Bonucci. Cũng chẳng sao cả, bởi thời điểm hiện tại, anh đã trở thành một trong những trung vệ toàn diện bậc nhất châu Âu.

THỦ LĨNH HÀNG PHÒNG NGỰ AZZURRI


VCK EURO 2016
năm nay nhiều khả năng sẽ phải chứng kiến một đội quân Thiên thanh “yếu đuối” nhất về mặt lực lượng trong nhiều giải đấu lớn gần đây. Không còn “bộ não” Pirlo, cũng chẳng có Verratti, Marchisio hay Montolivo do chấn thương, HLV Conte thậm chí đã phải quyết định trao chiếc áo số 10 cho Thiago Motta, một chuyên gia đánh chặn. Đặt trong bối cảnh người Ý mang đến nước Pháp một hàng tiền vệ thiếu sáng tạo bậc nhất từ trước đến giờ, đương nhiên vai trò của Bonucci cũng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Bonucci có  vai trò quan trọng trong đội hình Azzuri

Sở hữu thứ vũ khí đặc dị chính là những cú phất bóng với điểm rơi cực kỳ khó lường, trung vệ thuộc biên chế Juventus hoàn toàn có thể mang đến yếu tố khác biệt cho ĐT Italia. Theo thống kê, trong suốt sự nghiệp của mình, Bonucci đã thực hiện được trung bình 6 đường chuyền dài chuẩn xác mỗi trận. Khởi nghiệp ở vị trí tiền vệ trung tâm, ngôi sao 29 tuổi này chuyền bóng không hay mới là chuyện lạ! Mặc dù vậy, điều mà người ta đang mong đợi nhất ở Bonucci chính là chút gì đấy có phần hơi liều lĩnh, giống hệt như cái cách anh từng đánh gục tên cướp đe dọa tính mạng mình cách đây 4 năm. Một đường chuyền vượt tuyến, một tình huống dẫn bóng xộc thẳng vào hàng thủ đối phương hay một cú sút xa ngoạn mục… thật khó có thể đoán trước Bonucci sẽ làm gì.

Người ta vẫn thường bảo rằng những người lính trước khi bước ra chiến trường đều phải học cách đối mặt với cái chết. Về phần Bonucci, ngay đến cả khẩu Beretta 92 cận kề thái dương còn chẳng khiến cho anh sợ hãi, thì những tiền đạo có là gì? Trái tim ấy, cuộc đời ấy, dường như được lựa chọn là để bước qua ranh giới của tử thần. Mùa Hè năm nay, có thể người Ý sẽ không còn được chứng kiến mái tóc lãng tử của thiên tài Pirlo bay phấp phới trên các sân cỏ nước Pháp. Thế nhưng, thay thế cho “Leonardo da Vinci” của xứ sở mỳ ống, sẽ là một “Leonardo” khác - Leonardo Bonucci, một kẻ cũng sẵn sàng vẽ nên những đường cong tuyệt mỹ trên bầu trời châu Âu, nhưng không phải bằng niềm cảm hứng miên man, mà bằng máu và nước mắt, những gì từng tôi luyện anh trong suốt quãng đời chiến binh của mình…

OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow