Hà Lan đã tạo nên một cơn lốc thật sự ở Euro 2008 |
Nhớ những ngày đầu khi đến đây, huấn luyện viên trẻ tuổi này đã chịu quá nhiều sức ép. Từ khi ông thay thế Dick Advocaat, đội bóng màu da cam chưa một phút bình yên. Thành công của Advocaat đã đem lại một sức ép quá lớn, khi đưa tuyền vào đến bán kết Euro 2004, chỉ chịu thua đội chủ nhà. Thời điểm Van Basten lên nắm quyền, đánh dấu sự xáo trộn bắt đầu.
Van Basten và Nistelrooy đã có những bất hòa trước khi giải đấu khởi tranh |
CƠN LỐC CHỢT ĐẾN…
Đội hình The Oranje đến đất Thụy Sỹ nó lạ đến dị biệt. Sau khi giảng hòa với Van Nistelrooy, cựu danh thủ đã mang theo hai tiền đạo bậc nhất là Huntelaar và Van Persie, tạo nên một hàng công thật đáng chờ đợi. Nhưng ở tuyến giữa lại là một nỗi lo về kinh nghiệm, vì được đảm đương bởi những cầu thủ còn quá trẻ. Những Robben, Sneijder, Van de Vaart đều đang đi vào độ chín của sự nghiệp, nhưng lại quá thiếu kinh nghiệm ở giải đấu lớn, người được đánh giá có thâm niên nhất hàng tiền vệ này hẳn là…Dirk Kuyt. Trong khi đó, hàng phòng ngự lại đem đến nỗi lo về…tuổi già. Những cái tên như Van der Sar, Oojier, Van Bronckhorst tỏ ra đã quá “đuối” để có thể đương đầu với những Toni, Mutu hay Ribery.
Bàn thắng ở góc cực hẹp của Robben trong trận gặp Pháp |
Sát thủ một thời từng công khai thể hiện sự ngưỡng mộ đối với người đồng đội Gullit khi bước chân vào nghề huấn luyện. Ông khen ngợi lối chơi hiệu quả và thông minh trong cách vận hành chiến thuật của danh thủ Chelsea, và hôm nay là cơ hội để áp dụng được bài học vào thực tiễn. Không còn Babel, ông quyết định vứt đi luôn ý đồ sử dụng 4-3-3 truyền thống và thay vào đó là đội hình 4-2-3-1. Chiến thuật này không giúp ông sử dụng hết tiền đạo, nhưng thay vào đó lại tạo được sự cân bằng trong đội hình, đặc biệt là có thể tận dụng hết óc sáng tạo từ Sneijder, Van der Vaart hay Robben. Bên cạnh là việc có thể sử dụng hai tiền vệ đánh chặn rất hiệu quả, Dejong và Engelaar, nhằm giảm sức ép cho hàng phòng ngự.
Sneijder (giữa) chính là nhạc trưởng của Oranje ở Euro 2008 |
Van Nistelrooy-Van Bronckhorst trong một ngày hồi xuân, cuốn đi cái cội cây già khoác áo màu Thiên thanh. Van Persie, Robben với sức mạnh của tuổi trẻ, phá nát những “ngôi nhà mái lam hình lục lăng”. Và Mutu hẳn còn rùng mình khi nhớ về sức công phá mạnh mẽ của cặp “gió” Persie-Huntelaar, “thổi” bay đội bóng quê hương khỏi giải đấu. Dejong- Engelaar tạo nên luồng khí nóng giữ vững cường độ trong lòng xoáy. Mathijsen-Boulahrouz-Van Der Sar như luồng khí lạnh bao bọc cơn lốc được an toàn. Và Sneijder, trong một giải đấu bùng nổ, là tâm điểm điều chỉnh hướng đi của con lốc đến với thành công.
Cơn lốc da cam như dạo chơi trên cánh đồng hoang. Với sức gió…giật cấp 15, không có chướng ngại vật nào có thể đứng ra ngăn cản họ vượt qua vòng bảng. Bức tường nghi ngờ của người hâm mộ nhanh chóng sụp đổ, thay vào đó là sự thán phục và yêu mến cuồng nhiệt.
…VÀ CŨNG CHỢT ĐI
Người ta thường nói “Cơn lốc chợt đến rồi chợt đi”, và nó còn dễ tan biến hơn khi đi vào sâu nội địa. Cơn lốc da cam đã có hành trình từ bờ biển Pháp-Ý thơ mộng, đã vượt qua “khu rừng Bermuda” Romania huyền ảo, và giờ đây nó đang đứng trước xứ Nga đầy hiểm địa.
Xứ Nga dưới đôi tay của Guus Hiddink xây dựng thật quá phi thường. Cơn lốc như lạc vào khu rừng bạch dương do “thần rừng” Semak lãnh đạo. Và đã lạc vào rồi thì đâu thể trở ra trọn vẹn được, những luồng gió lạnh mang tên Pavlyuchenko và Torbinski dần tìm được đường để gây tổn thương cho màu áo cam, khi Boulahrouz với lòng còn trĩu nặng vì sự ra đi của đứa con gái, đã không còn khả năng che chở vòng xoáy nữa.
Vào cái ngày Robben không thể tham gia vào trận chiến, những đường bóng của Sneijder như lọt thỏm vào những tán lá rộng. Với tất cả những cố gắng của mình, Hà Lan nổi lốc thêm một lần nữa khi Ruud Van Nistelrooy ghi bàn thắng gỡ hòa, trước khi nhường chỗ cho cơn cuồng phong mang tên Andrei Arshavin. 30 phút trong hai hiệp phụ là khoảng thời gian mà sắc cam nhạt nhòa nhất, trong khi Arshavin với sự khao khát sau khi trở lại từ án treo giò, đã tạo nên một cơn địa chất thật sự ở Euro 2008. Một đường kiến tạo và một bàn thắng của cầu thủ số 10, thế là quá đủ để rừng bạch dương nuốt trọn cơn lốc màu da cam.
Màn trình diễn tuyệt vời của Arshavin khiến Hà Lan phải dừng bước ở tứ kết |
Đội quân của Van Basten đã rời giải đấu một cách đầy tiếc nuối. Và đó cũng là Cơn lốc cuối cùng mà người ta có thể chiêm ngưỡng cho đến thời điểm hiện tại. Sau giải đấu, đội bóng vào tay Bert van Marwijk, và từ đó những người yêu mến màu áo cam không hiểu đội bóng thuộc bờ biển phía Tây Châu Âu này đang thể hiện lối chơi gì.
8 năm sau kỳ Euro đau đớn, đội bóng áo cam thậm chí còn không được tham gia vào vòng chung kết khi đã quá lâu bỏ rơi triết lý của mình. Những pha tấn công vũ bão giờ chỉ còn là hoài niệm, và ắt hẳn không ít khán giả sẽ cảm thấy trống vắng khi không còn thấy được sắc cam quen thuộc. Nhưng những người yêu mến Oranje chắc chắn sẽ vẫn nuôi một niềm hy vọng để thấy đội bóng con cưng nổi lốc một lần nữa. Hẹn gặp lại, Cơn lốc màu da cam!