XUẤT THÂN TỪ TẬN CÙNG CỦA THẾ GIỚI
Sinh ra ở Saint-Pierroise, một địa danh nằm trên hòn đảo nhỏ bé Reunion, nơi cách Madagascar khoảng 120 dặm về phía đông, tuổi thơ của Dimitri Payet hoàn toàn không có bất kỳ khái niệm nào về “mẫu quốc” Pháp hay chân trời châu Âu. Trên thực tế, đối với phần lớn những người dân sinh sống tại Reunion nói chung, hai công việc được ưa chuộng nhất chính là nghề trồng hoa hồng Bourbon và… săn cá mập. Bản thân Payet, nếu không thể tìm thấy thành công với bóng đá giống như bây giờ, có lẽ chàng trai sinh năm 1987 này đã trở thành một người làm vườn hoặc một ngư dân thực thụ. Thế nhưng, cũng khá may mắn là Payet vẫn luôn bùng cháy trong mình một giấc mơ, dẫu rằng có những thời điểm mà hoài bão của anh tưởng chừng như đã sớm vụt tắt trước sự mênh mông vô tận của biển cả.
Năm 12 tuổi, sau thời điểm chứng kiến chức vô địch lịch sử của ĐT Pháp tại VCK World Cup 1998 cùng thế hệ Zidane, cậu bé Payet từng mong muốn mình sẽ trở nên nổi tiếng vào một ngày nào đó trong tương lai. Rất nhanh chóng, bằng niềm khao khát chứng tỏ bản thân cũng như tâm lý hiếu kỳ của một đứa trẻ niên thiếu, Payet đã quyết định rời xa gia đình để gia nhập lò đào tạo trẻ Le Havre (miền Bắc nước Pháp). Mặc dù vậy, chỉ sau vỏn vẹn 4 năm, ước mơ của chàng trai 16 tuổi này đã sớm bị vỡ vụn bởi những lời nhận xét hết sức phũ phàng từ phía ban lãnh đạo CLB, rằng: Payet không có đủ tố chất để thi đấu chuyên nghiệp, anh chơi bóng quá bản năng và hoang dã, một điều thực sự không cần thiết trong bóng đá hiện đại…
Một Payet đậm màu sắc kỹ thuật ở West Ham |
Mất đi niềm tin, Payet gần như sụp đổ hoàn toàn. Chẳng còn giấc mộng hoang đường nào nữa, khi ấy Payet chỉ muốn sẽ mãi mãi gắn bó cùng hòn đảo quê hương Reunion, nơi luôn sẵn sàng mở lòng chào đón anh bất chấp mọi hoàn cảnh. Từng có những thời điểm, tiền vệ thuộc biên chế West Ham United thậm chí đã tin rằng một cuộc sống “an nhàn” trong các khu vườn hoa hồng tại Saint-Pierroise mới chính là số phận mà Thượng đế muốn dành tặng cho mình.
Sau này, mỗi khi có dịp trải lòng về quá khứ, Payet vẫn thẳng thắn thừa nhận: “Tôi nghĩ rằng giấc mơ đã trôi qua. Đó là quãng thời gian mà tôi không muốn nghe bất cứ điều gì về nước Pháp. Tôi cảm thấy bị tổn thương nặng nề và không còn chút ánh sáng nào phía trước tương lai của mình. Khi ấy, tôi chỉ muốn ở lại Reunion và chơi bóng trên đảo”.
NIỀM TIN CỦA NGƯỜI CHA VÀ GIẤC MƠ TRỜI ÂU
Những trận đấu nghiệp dư trên các bãi biển đương nhiên không thể che mờ đi tài năng của Payet. Năm 18 tuổi, anh tiếp tục nhận được một lời đề nghị từ phía Nantes. Từng trải qua giai đoạn “khủng hoảng tinh thần” trong màu áo Le Havre, dễ hiểu vì sao khi Payet không muốn đặt chân đến nước Pháp thêm một lần nữa. Mặc dù vậy, sau tất cả, bằng lòng dũng cảm cũng như những lời động viên miệt mài từ người cha Alain Payet, chàng trai “mỏng manh và dễ vỡ” ngày nào đã quyết định lần thứ hai đánh cược số phận của mình trên đất nước hình lục lăng.
Trả lời phỏng vấn về điều này, Payet chia sẻ: “Khi cơ hội thứ hai đến, tôi đã phải tranh luận rất nhiều với cha và chú mình. Họ thuyết phục và muốn tôi bước đi tìm kiếm vận may thêm một lần nữa, bất chấp rằng niềm tin của tôi khi ấy đã chạm đáy. Cuối cùng, thì cha tôi đã đúng. Tôi đã chấp nhận chạy theo niềm đam mê chơi bóng của mình để rồi không bao giờ phải cảm thấy hối tiếc”.
Tại Nantes, Payet từng phải chấp nhận đi bán quần áo để kiếm thêm tiền sinh sống đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê bóng đá của mình. Để rồi cuối cùng, những nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp cho cầu thủ sinh ra ở Reunion nhận được phần thưởng xứng đáng. Sau nhiều năm chơi bóng dưới màu áo các CLB tại Ligue 1 như Saint-Etienne, Lille hay Marseille, vào mùa Hè 2015, Payet đã được West Ham chính thức ký hợp đồng, một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp của cầu thủ này.
Bản hợp đồng với West Ham là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Payet |
Ngay trong mùa giải đầu tiên tại “miền đất hứa” Premier League, lối chơi mang đậm màu sắc kỹ thuật nhưng cũng đặc biệt hiệu quả của Payet đã nhanh chóng giúp đội bóng thành London đạt được không ít thành tích khởi sắc. Dưới bàn tay của vị chiến lược gia giàu cá tính Slaven Bilic, tiền vệ người Pháp đã trở thành mắt xích sáng tạo bậc nhất trong một tập thể West Ham vốn giàu thể lực, tốc độ cũng như sự trực diện. Thực tế cho thấy, môi trường bóng đá Ngoại hạng Anh cùng những tính chất đặc thù của nó đã phần nào tác động lên cá nhân Payet, qua đó giúp ngôi sao 29 tuổi này ngày càng trở nên hoàn thiện và đáng sợ hơn.
LÀ CÁNH HỒNG BOURBON, LÀ NGỌN NÚI LỬA LE PITON…
Ở đảo Reunion vẫn còn tồn tại một trong những ngọn núi lửa phun trào mạnh nhất thế giới, mang tên Le Piton de la Fournaise. Tất nhiên, cũng khá may mắn là ngọn núi này thường chỉ hoạt động trong một thời gian tương đối ngắn và không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của người dân. Thời điểm hiện tại, Payet cũng đang được giới truyền thông châu Âu so sánh với Le Piton de la Fournaise về sự bùng nổ khi anh chơi bóng. Từ một chàng thanh niên yếu đuối năm nào, chẳng khác gì những cánh hoa hồng Bourbon mỏng manh, Payet bây giờ đã thực sự trưởng thành, giống như một ngọn núi lửa sẵn sàng vùi dập tất cả.
Payet thời trai trẻ ở Nantes |
Trên một phương diện khác, thứ tính cách có phần “nóng lạnh” hơi thất thường của cầu thủ 29 tuổi cũng khiến cho anh nhiều lần dính phải những rắc rối không mấy vui vẻ. Cụ thể, trong giai đoạn còn khoác áo Nantes, ngay cả cựu thủ thành lừng dành Fabien Barthez cũng từng suýt chút nữa choảng nhau với Payet khi tập luyện. Tại Saint-Etienne, tiền vệ gốc Reunion này thậm chí còn sẵn sàng gây gổ với người đồng đội Blaise Matuidi ngay trong lúc trận đấu vẫn đang diễn ra… Rõ ràng, bên cạnh những phẩm chất được xem là “thiên tài” của mình, đằng sau con người Payet vẫn luôn tồn tại một thứ bản năng thực sự dị biệt, có chút gì đó mãnh liệt, dữ dội và cả sự điên rồ.
Dẫu sao đi chăng nữa, anh cũng chỉ là một kẻ xuất thân từ chốn hoang đảo, nơi mà thứ bóng đá “văn minh” khó lòng tiếp cận được với toàn thể mọi người. Điều này xét cho cùng, cũng là để giải thích vì sao sự nghiệp của Payet lận đận mãi cho đến tận bây giờ. Ở độ tuổi 29, trong tư cách của một người đàn ông trưởng thành, không còn yếu đuối và bồng bột thuở nào, Payet hoàn toàn có quyền biến những giấc mơ năm xưa của mình trở thành hiện thực, giống hệt như những đường cong tuyệt mỹ mà anh vẫn thường xuyên vẽ nên trên khắp các sân cỏ nước Anh trong mùa giải 2015/2016 vừa rồi.
CHẲNG CẦN LÀ “ZIDANE MỚI” ĐỂ GIẢI CỨU NƯỚC PHÁP
Phong độ thăng hoa của Payet đã khiến cầu thủ thuộc biên chế West Ham nhanh chóng được so sánh với huyền thoại Zinedine Zidane. Về mặt lý thuyết, cũng phải lâu lắm rồi người ta mới thấy nước Pháp lại sở hữu một “số 10” tài năng đến thế, kể từ sau thời điểm Zizou quyết định chia tay sân cỏ. Khoảng thời gian hậu kỳ “Thế hệ vàng”, đội bóng xứ lục lăng đã liên tục rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Phải đến tận bây giờ, khi mà người Pháp đang sở hữu một thế hệ trẻ thực sự dồi dào tiềm năng cũng như khao khát chiến thắng, các CĐV Les Bleus mới cảm thấy tràn trề hy vọng làm nên lịch sử trên quê nhà.
Nhạc trưởng tài năng của Les Bleus |
Cá nhân Payet, chắc chắn sẽ trở thành thứ nguyên liệu vô cùng quý giá để HLV Didier Deschamps mơ mộng về một bộ khung hoàn hảo tại kỳ EURO 2016 lần này. Mặc dù vậy, sẽ là hết sức sai lầm nếu như người Pháp tin rằng chỉ một mình “Zidane mới” là đủ cho Gà trống Gaulois chinh phục giấc mộng “trời Âu”. Nên nhớ, bên cạnh Payet thì Paul Pogba, Antoine Griezmann, N’Golo Kante, Anthony Martial, Raphael Varane… cũng đều là những ngôi sao hàng đầu của đội bóng áo lam.
Trong một khoảng khắc nào đó, Payet có thể sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình bằng một pha sút phạt hàng rào, một đường chuyền chọc khe tinh tế hay một tình huống đi bóng qua người mẫu mực… Thế nhưng, ngay cả khi điều ấy trở thành hiện thực đi chăng nữa thì biệt danh “Zidane mới” dành cho Payet cũng chẳng hề mang nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ, điều quan trọng nhất chính là những giấc mơ từ nơi hoang đảo ngày nào của ngôi sao 29 tuổi này bây giờ đã trở thành hiện thực. Từng phải rời xa quê hương trong những nỗi sợ hãi mơ hồ, nhưng Payet đã không bao giờ phải quay đầu lại…
OLE