Trở về Trang chủ

Rodri: Cảm ơn Chúa vì đã mang bóng đá đến bên tôi

Thứ Sáu 01/11/2024 06:00
Aa

Trong bài viết của mình trên The Players' Tribune, Rodri đã có những chia sẻ rất thú vị về câu chuyện của đời mình liên quan đến bóng đá.

thumb bai TDP
 
a1
 

Tôi luôn cố gắng nói với các đồng đội ở Man City rằng: "Tôi không nói tiếng Anh đâu, tôi nói tiếng Mỹ." Mọi người ở Man City thích trêu tôi lắm, anh biết chứ? Họ trêu tôi về mọi thứ nhưng thường là về quần áo của tôi mặc - họ hay gọi nó là "drip" của tôi. Và đôi khi họ cũng trêu tôi về cách tôi nói chuyện hàng ngày nữa. Nhưng có nhiều điều mà mọi người không biết về tôi. Thực ra, tôi không học tiếng Anh ở Manchester hay London. Tôi học tiếng Anh trong rừng ở Connecticut. Tiếng Anh tôi học được là tiếng Anh - Mỹ chứ không phải Anh - Anh.

Nó sẽ là kiểu: 'mayn.' (man), Heya. (Hey), How ya dewin, bro? (How are you doing, bro?)

Thực ra, giáo dục là yếu tố rất quan trọng trong gia đình tôi. Bố của tôi luôn muốn tôi tham gia vào chương trình trao đổi học sinh ở một trường trung học tại Mỹ trong vòng 1 năm. Nhưng giấc mơ bóng đá của tôi khiến điều này không thể xảy ra. Chính vì vậy, khi tôi lên 14 tuổi, tôi đã đến một trại hè trong rừng Connecticut. Ngay cả cái tên “Conn-et-ee-cut” nghe cũng thật điên rồ với một đứa trẻ đến từ Madrid. Nhưng khi tôi tới đây, khung cảnh mở ra như kiểu tôi đang bước vào một bộ phim của Hollywood vậy. Anh chắc biết kiểu phim đó mà! Kiểu phim mà bọn trẻ con đến một khu trại bên cạnh một chiếc hồ lớn, đi chèo thuyền gỗ, trèo cây, ngủ trong lều dựng tạm và cùng nhau nhóm lửa bằng những que củi nhỏ. Trại hè năm đó tôi tham ra diễn ra đúng như vậy. Kiểu sẽ ngồi ăn kẹo dẻo và bánh quy bên đống lửa cùng với socola các thứ, các thứ ấy. 

Ôi cái món S’mores (món ngọt gồm kẹo marshmallow và bánh quy). Nó thật tuyệt vời.

Ở đó không có điện thoại, cũng không có wifi luôn. Tôi hoàn toàn ở một mình tại một đất nước mới và cố gắng kết bạn với những người tôi gặp. Khi tôi bắt đầu thốt ra “Xin chào, tôi là Rodrigo. Tôi đến từ Madrid.” là tôi biết có người ở Man City cười tôi rồi đấy. Tôi luôn cố gắng nói bằng thứ tiếng Anh bập bẹ của mình khi ở đó để rủ mọi người đi chơi, kiểu: “OK, các bạn, khi nào chúng ta chơi bóng đá nhỉ?”

Sau đó các bạn ở đó trả lời: “Tất nhiên là chơi rồi, Rodrigo. Nhưng chúng ta sẽ chơi môn đó sau. Giờ chúng ta sẽ chuẩn bị chơi ném da lợn quanh khu này."

Lúc đó tôi nghĩ: “Ném da lợn ư??”. Lúc đó trông tôi có vẻ hơi băn khoăn nên mọi người đã giải thích ngay cho tôi về bộ môn đó: “Thôi nào, anh bạn. Chúng ta chơi bóng bầu dục như trong NFL thôi”

Thực lòng, tôi cũng khá thích môn đó. Nó thật sự vui. Nhưng tôi cứ nói mãi với mọi người rằng: “Tôi muốn chơi bóng đá cơ (soccer), các bạn ơi.”. Và rồi họ đáp lại: “Bóng đá (Sawker) á? Chúng tôi không chơi "sawker" ở đây đâu người anh em.”

quote
 

Tệ hơn nữa, tôi đến đó đúng lúc khởi tranh World Cup 2010. Tôi thậm chí không thể lên mạng nên cảm thấy có phần bức bối lắm. Nhưng may thay trong văn phòng của căn lều chính có một chiếc máy tính nhỏ. Và mỗi ngày, tôi đều nhờ các anh chị hướng dẫn viên ở trại hè cho kiểm tra xem đội nào đã thắng trận. Nếu mọi người còn nhớ thì Tây Ban Nha đã thua trận đầu tiên trước Thụy Sĩ. Lúc nghe kết quả xong, tôi còn tưởng họ nói đùa với mình.

“Thua Thụy Sĩ á? Thật hả? Anh có chắc đã tra Google chuẩn chưa vậy?” - tôi thắc mắc.

Nhưng dù sao mọi chuyện vẫn phải tiếp tục và sau đó Tây Ban Nha cũng đã bắt đầu chơi tốt hơn. Họ đã liên tục giành chiến thắng ở các trận đấu tại vòng loại trực tiếp. Rồi đến trận bán kết gặp Đức, tôi có cảm giác như chết đi sống lại vậy. Lúc đó tôi đang đi chèo thuyền thì phải, tôi cứ hỏi liên tục người hướng dẫn của đoàn là: “Làm ơn, làm ơn, anh có thể kiểm tra tỉ số trận đó được không?”

Sau cùng, chúng tôi quay trở lại lều và có người nói với tôi rằng: “Tây Ban Nha đã vào chung kết.”

Tôi chưa bao giờ cảm thấy xa nhà đến thế, nhưng lúc đó tôi cũng có cảm giác gần như đang ở nhà vậy, nếu anh hiểu ý của tôi.

Đến trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, tôi đã nài nỉ người phụ trách cho tôi xem trên máy tính của ông ấy. Ông ấy bảo, "Thôi được rồi." Rồi sau đó ông ấy mang ra chiếc máy tính và cái máy tính đó có phần màn hình chỉ khoảng 10 inch thôi. Anh có nhớ mấy cái máy tính mini không? Cái máy tính tôi xem chung kết chính là loại đó luôn, cái màn hình nó nhỏ xíu. Nhưng sau đó tôi nghĩ: "Tuyệt vời. Tôi không quan tâm. Chỉ cần xem được trận chung kết là được".

Tôi không biết làm sao mà chúng tôi ngồi xem được trận chung kết hôm đó với cái máy tính nhỏ xíu của người phụ trách. Bởi vì lúc đó xung quanh chúng tôi chỉ toàn là rừng cây, nhưng có lẽ tôi đã tìm được một kênh phát sóng nào đó không thực sự hợp pháp để xem được trận chung kết. Lúc tôi ngồi xem trận chung kết đó, xung quanh là những người Mỹ nên họ chẳng để ý đến những gì đang diễn ra.

Khi Iniesta ghi bàn, tôi thật sự bắt đầu hét lên trong điên cuồng, tôi chạy ra ngoài và phóng một vòng quanh hồ.

“Vaaaamoooooosssss!!!!!! Aaaahahhhhhhhhh ¡¡¡¡¡jajajajajajajaja!!!! ¡Viva España!”

Người Mỹ lúc đó chắc nghĩ tôi điên rồi. Họ lắc đầu ngao ngán nhìn tôi. Họ nhìn tôi như thể muốn nói, “Khoan đã, cái thằng nhóc người Tây Ban Nha kia đang khóc à? Vì cái môn Sawker đó ư?” Họ không thể hiểu điều đó có ý nghĩa thế nào đối với tôi. Họ nghĩ tôi điên. Và có lẽ tôi thật sự điên vào khoảnh khắc đó...

1
 
doi truong
 

Cả đời mình, tôi đã sống giữa hai thế giới. Một là bóng đá, còn lại là "thế giới thực".

Đôi khi, các đồng đội hay chọc tôi là kiểu "người giản dị”. Nghe buồn cười thật vì nếu bạn hỏi vợ tôi hoặc thậm chí mẹ tôi, họ sẽ nói tôi chẳng phải giản dị hay bình thường gì đâu. Khi nói về bóng đá, tôi đúng là một người nghiện môn thể thao này. Nếu tôi có là người giản dị thì chắc chỉ vì tôi chẳng mấy quan tâm đến mạng xã hội hay những đôi giày khoảng £400. Từ khi còn bé, tôi đã chỉ theo đuổi một cảm giác duy nhất mà thôi.

Tôi không phải là kiểu người “Ồ, tôi muốn trở thành cầu thủ để có mấy chiếc xe Ferrari.” Không, tôi không phải là người như vậy. Tôi đến với bóng đá vì những gì các thần tượng của tôi đã làm trên sân khiến tôi cảm thấy như được giác ngộ vậy. Tôi nhớ khi mới 5 tuổi, có một cái hồ bơi chung ở giữa khu phố của chúng tôi và một khu vườn nhỏ. Mùa hè thì chỉ có một vòng lặp là: bóng đá, bơi, bóng đá, bơi. Đi về nhà ăn trưa. Rồi lại xuống hồ bơi rồi lại phi ra vườn để đá bóng.

Năm lên 10, nếu tôi chơi trận nào mà bản thân thể hiện không tốt, tôi không thể nào nói chuyện với bố mẹ cả ngày được. Tôi quá thất vọng với bản thân. Tôi chắc chắn lúc đó mẹ hay nhìn tôi và nghĩ: “Có chuyện gì với nó vậy? Đó chỉ là một trận đấu thôi mà.”

Nhưng với tôi, niềm đam mê dành cho bóng đá gần như một loại chất gây nghiện vậy. Thế nên tôi đã làm một thỏa thuận với bố mẹ từ rất sớm. Không biết tôi và bố mẹ có từng thực sự bàn về chuyện đó hay không, hoặc có thể là cả tôi và bố mẹ chỉ "hiểu ngầm" đó là một thoả thuận. Nó đại khái là nếu tôi muốn theo đuổi giấc mơ bóng đá, tôi cũng phải học đại học. Thế là năm 17 tuổi, tôi đã rời Madrid để đến Villarreal đồng thời đăng ký học tại Đại học Jaume I. Năm đầu tiên, tôi sống trong ký túc xá của Học viện Villarreal với đồng đội. Nhưng khi bước sang tuổi 18, bạn sẽ bị coi là người “già” trong học viện rồi. Chính vì lẽ đó mà tôi đã phải tìm cho mình một căn hộ riêng.

Thời điểm đó, mẹ tôi là người đã đưa ra ý tưởng: "Sao con không chuyển vào khu nhà ở sinh viên ở trường đại học nhỉ?". Tôi nghĩ "OK, cũng được thôi" và sau đó tôi làm theo ý của mẹ tôi là chuyển vào khu nhà ở của sinh viên đại học.

Tôi nghĩ mấy khu nhà sinh viên ở Anh cũng giống như thế. Kiểu bạn sẽ sống trong một khu căn hộ lớn, có phòng giặt đồ chung, phòng tắm và nhà ăn rồi những cánh cửa ở khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có cửa. Các hàng xóm của bạn ở sát bên nhau và bạn có một căn phòng nhỏ với giường gỗ, bàn gỗ. Tôi lúc đó không có TV hay PlayStation, chỉ có một cái laptop thôi. Buổi sáng, tôi đi tập ở Villarreal rồi buổi chiều đến lớp và buổi tối…

2
 

À nói đến chuyện buổi tối, nó hài hước lắm vì rõ ràng tôi đang là sinh viên đại học mà. Đến tối thứ Sáu, ai cũng sẽ đi bay nhảy ở bar, ở club này kia. Nhưng trước đó, họ sẽ có một lần tụ tập gọi là “pregame” như cách gọi ở Mỹ. Họ tụ tập trong mấy căn phòng nhỏ, bật nhạc, uống vài lon bia với nhau. Cái phòng tụ tập kiểu đó phải có đến khoảng 20 người trong một phòng, họ ngồi trên giường, trên sàn hoặc mọi nơi có thể đặt mông xuống ở trong phòng. Tôi cũng hoà nhập với cuộc sống sinh viên bình thường thôi và thậm chí lúc đó chẳng ai biết tôi đang theo đuổi giấc mơ bóng đá. Chính vì thế tôi sẽ xuất hiện ở buổi tụ tập đó với chai nước có gas và ngồi chơi một chút đến khi họ chuẩn bị đi bay nhảy trong bar là tôi lặng lẽ biến mất lúc nào không hay.

Sau đó, cuối cùng cũng có người phát hiện ra và nói với tôi: “Rodrigo, sao cậu chẳng bao giờ đi club với tụi tớ nhỉ? Đi đi nào, ông bạn.”

Và tôi phải giải thích: “À, tôi đang thi đấu bóng đá ấy mà. Tôi còn có buổi tập vào sáng sớm nên không thể đi được.”

Sau đó họ cứ kiểu “Chán quá, ông bạn. Chán thật đấy.” Họ biết lý do rồi nên cứ trêu tôi tới bến vì chuyện đó mãi thôi.

Khi ấy, tôi vẫn còn tập với đội hai của Villarreal. Tôi là một người vô danh vào thời điểm đó. Tôi thậm chí không có xe để tự di chuyển. Ký túc xá cách trung tâm huấn luyện Villarreal 15 phút lái xe, và tôi không đủ tiền trả tiền taxi mỗi ngày. Vậy nên tôi đã quyết định sẽ đạp xe đến trạm tàu điện rồi mang theo xe đạp lên tàu, sau đó là đạp nốt quãng còn lại đến nơi tập luyện. Mãi về sau, tôi mới có được bằng lái ô tô và rồi bố tôi nói với tôi: “OK, con có 3.000 euro để mua một chiếc xe. Bố tìm giúp con một chiếc nhé.”

Hôm sau ông gọi lại, “OK, bố đã tìm được chiếc xe tốt cho con. Có một bà cô bán chiếc xe của mình và bà ấy muốn 4.000 euro. Nhưng ngon hơn là bên trong cái ô tô đó còn cả cái máy tính nữa."

Tôi lúc đó như mở cờ trong bụng ấy, kiểu: "Wow, có cả cái máy tính luôn? Quất luôn cho nó nóng chứ còn chờ đợi gì nữa!"

Sau đó bố mua xe và mang xe đến cho tôi. Đó là một chiếc Opel Corsa. Tôi vào xe và thấy cái “máy tính” có màn hình khoảng 8 cm. Cái "máy tính" mà bà cô đó bảo chỉ cho phép tôi bấm vào bật radio và nó cũng chỉ làm được có thế thôi. Tôi ngạc nhiên đến ngớ người luôn ấy. Sau khi có xe rồi, ngày nào tôi cũng lái chiếc xe đó đi tập, trông cứ như là tay chơi thứ thiệt ấy. Các đồng đội thì cứ trêu tôi suốt thôi, nhưng tôi chẳng bận tâm! Tôi yêu chiếc xe đó!

Năm sau đó, tôi có lần đầu được ra sân ở La Liga. Lúc đó tôi nghĩ chắc bạn bè ở trường cũng phải ngạc nhiên lắm. Họ nói với tôi rằng họ đang xem một trận đấu trên TV và cái gã uống nước ngọt hay trốn đi bar ở cùng tầng đang xuất hiện trên màn hình. Gã đó cùng lớp kế toán và còn đang mặc áo số 6 trên sân.

quote
 

Họ vẫn không tin đó thực sự là tôi. Nên họ cứ kiểu: “Khoan, là cậu ấy thật sao?” - “Google đi, google đi.” - “Không, không thể là Rodrigo đó được. Có nhiều người tên Rodrigo mà. Không phải cậu ấy đâu.”

Khi bạn xuất hiện trên tivi trong bộ đồ bóng đá, bạn trông khác hẳn đúng không? Và có thể lúc đó tôi đã có một vẻ mặt khá nghiêm túc nên mọi người vẫn tin rằng "đó không phải là Rodri đâu".

Rồi khi tôi bắt đầu được thi đấu ngày càng nhiều hơn, họ nhận ra cầu thủ xuất hiện trên tivi đúng là tôi thật. Sau đó họ kiểu: “Ông bạn đang làm cái quái gì ở đây vậy? Ông vừa thi đấu với Barcelona tối qua mà!”

3
 

Ở Tây Ban Nha, bọn tôi chơi một trò gọi là Comunio. Nó giống như một trò bóng đá giả tưởng, nơi bạn mua cầu thủ và tự quản lý đội của mình. Mọi người trong ký túc xá đều chơi trò này, nên thỉnh thoảng khi thi đấu xong trận ngày thứ Bảy tôi sẽ có mặt ở phòng họ để uống một vài chai bia. Rồi sau đó khi nhìn thấy tôi, họ sẽ nói kiểu: “Ông bạn ơi, hôm nay có chuyện quái gì xảy ra với ông vậy? Ông chỉ cho tôi có 3 điểm trong Comunio!!! Chuyện gì vậy, giải thích đi chứ???”

Lúc đó tôi chả biết nói gì chỉ đáp lại: "Hahaha. Xin lỗi anh em! Xin lỗi anh em"

Đó là những năm tháng vui vẻ nhất trong đời tôi. Tôi không biết tại sao, nhưng khi trở lại trường đại học, não tôi như được “chuyển” sang một thế giới khác vậy. Trường học giúp tôi nhìn nhận những áp lực trong bóng đá một cách cân bằng. Điều tuyệt vời hơn nữa là tôi gặp người yêu của mình ở ký túc xá - lúc đó cô ấy đang học để trở thành bác sĩ. Để tôi nói cho mà nghe, cô ấy thậm chí chẳng quan tâm gì đến áp lực bóng đá của tôi đâu. Hahaha. Cô ấy chẳng bao giờ muốn nghe chuyện về trận hòa với đội bóng kiểu như Celta Vigo đâu.

Cô ấy là người luôn giữ chân tôi ở trên mặt đất. Cô ấy hay an ủi tôi kiểu: “Này, bình tĩnh đi nào? Bình tĩnh đi. Cũng chỉ là bóng đá thôi mà.”

4
Rodri và cô bạn gái Laura Iglesias

Và trong mắt các thầy cô của tôi, tôi cũng chỉ là “một người giống như bao người khác”. Ở Tây Ban Nha, đại học là đại học. Bạn đến đó để học, có vậy thôi. Nên khi tôi ở trong căn phòng nhỏ với chiếc laptop của mình, tôi có thể tập trung đến mức hoàn toàn quên hết mọi thứ xung quanh. Có lần, tôi đang ôn thi hay gì đó và để điện thoại ở chế độ im lặng. Đột nhiên, lúc ra nghỉ ở giờ giải lao tôi nhận ra mình có khoảng 20 tin nhắn, 50 thông báo từ WhatsApp, 10 cuộc gọi nhỡ. Tôi nghĩ: Ôi trời, có ai đó qua đời rồi sao? Có chuyện gì đã xảy vậy?

Sau đó một đồng đội gọi tôi và tôi đã nhấc máy: 

Bạn tôi: “Rodri, cậu đang ở đâu?” 

- “Tôi ở đâu à? Tôi đang ở trường đại học”

Bạn tôi: “Huấn luyện viên đang tìm cậu đấy. Mọi người đều đang tìm cậu.”

- “Cậu đang nói cái gì vậy?”

Bạn tôi: “Chúng ta đang lên đường để đấu với Valencia. Tất cả đang trên xe buýt rồi.”

Tôi lúc đó cứ nghĩ là họ nói đùa với tôi thôi nên tôi đã đáp lại “Thôi nào ông bạn, trận đấu diễn ra vào ngày mai mà……”

Ôi trời ạ. Anh có bao giờ gặp phải cơn ác mộng mình quay trở lại trường học và quên mất là đang có một bài thi khác đang chờ không? Chuyện đó chính xác đã xảy ra với tôi, nó là chuyện thật 100% luôn. Và lần này không phải là tôi quên bài kiểm tra ở trường mà là tôi quên một trận đấu ở La Liga.

Sau đó tôi nói với bạn mình: “OK, bảo xe buýt đi đi. Tôi sẽ gặp mọi người ở khách sạn.”

Tôi lúc đó đã phải mặc đồ nhanh nhất có thể rồi chạy ra xe và phóng đi như James Bond trong chiếc Opel qua các con phố. Khách sạn ở Valencia cách đó một giờ lái xe. Khi tôi đến nơi, cả đội đang họp. Sau đó tôi bước vào và trông như thể tôi chỉ bịa ra được cái lý do kiểu "chó đã ăn mất bài tập của tôi vậy"

Hahaha. Nhưng để tôi nói cho bạn nghe, lý do mà tôi bảo cũng chẳng hiệu quả trong bóng đá đâu.

Ngày hôm đó, tôi đã bị chỉ trích tơi tả. Nhưng có sao đâu vì tôi đáng bị vậy mà. Đó là một bài học lớn với bản thân tôi. Từ đó tôi đã biết phải cân bằng tốt hơn cuộc sống giữa hai thế giới của mình.

5
 
a3
 

Trong suốt cuộc hành trình của mình, tôi học được rất nhiều từ những thất bại. Mỗi lần lại góp nhặt thêm một ít, mỗi thất bại lại là một mảnh ghép để giúp tôi trưởng thành hơn. Ở Villarreal, tôi đã học được ý nghĩa của việc trở thành một người chuyên nghiệp. Không chỉ là cầu thủ, mà là một người chuyên nghiệp ở cả trong và ngoài đời sống bình thường.

Khi trở lại với Atlético Madrid trong một mùa giải, tôi đã hiểu rõ thế nào là sự cạnh tranh. Ở Villarreal, tôi chơi bóng rất tốt nhưng vẫn còn hơi mềm yếu một chút. Dưới sự dẫn dắt của Diego Simeone, tôi đã học được cách trở thành một “kẻ xấu” trên sân. Ông ấy cho tôi biết cách vào bóng quyết liệt là như thế nào và làm cách nào để đối thủ phải khổ sở suốt 90 phút. Đó là một mảnh ghép quan trọng khác trong sự nghiệp của tôi.

7
 

Khi có cơ hội chuyển sang Man City mùa hè năm sau đó, tôi nghĩ giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực. Tôi đã nói chuyện với Sergio Busquets trước khi đồng ý sang Man City, Lúc đó anh ấy bảo tôi: “Về Pep ấy hả? Ông ấy sẽ giúp cậu giỏi hơn. Nhưng ông ấy sẽ không bao giờ ngừng thúc đẩy cậu đâu. Cậu sẽ không bao giờ được phép hài lòng với bản thân mình.”

Sergio Busquets cũng từng chơi vai trò giống tôi dưới sự dẫn dắt của Pep và đạt được rất nhiều thành công. Chính vì thế tôi rất tin tưởng vào lời khuyên anh ấy dành cho tôi. Và quả thật, mọi chuyện đều đúng như Sergio đã nói. Điều độc đáo ở Pep Guardiola là ông ấy luôn đi trước một bước. Bóng đá xung quanh ông ấy thay đổi thì ông ấy đã thay đổi trước luôn rồi. Ông ấy không bao giờ hài lòng với việc giữ nguyên cách chơi như mùa trước vì các đối thủ sẽ luôn phân tích mùa giải cũ của bạn đã làm gì, đã đá ra sao. Bạn không thể vô địch Premier League 4 lần liên tiếp nếu chỉ giậm chân tại chỗ. Bạn phải tự làm mới chính mình, còn không bạn sẽ bị thải loại.

quote 4
 

Khi tôi nói về Pep, tôi luôn phải dùng tay để minh họa. Tôi phải tìm một cái bàn, hoặc một cái bảng hay bất cứ cái gì đó rồi bắt đầu di chuyển các cốc cà phê như một bàn cờ, giống như cách ông ấy hay làm.

Nó sẽ kiểu: “Anh ta sẽ đi qua chỗ này, rồi anh ta sẽ tới chỗ kia, và Bang! Cậu có mặt và di chuyển vào khoảng trống. Và Bang.”

Đối với tôi, Pep như một mảnh ghép cuối cùng trong trò chơi về tâm lý vậy. Ông ấy “Xem” trận đấu theo cách khác biệt và “Cảm nhận” nó — khi nào cần di chuyển vào khoảng trống, khi nào nên chờ. Khi nào cần áp sát, khi nào nên thả lỏng.

Niềm tin của ông ấy rất quan trọng với tôi. Hãy nhớ rằng, khi tôi đến đây vào năm 2019, tôi bước vào phòng thay đồ với Fernandinho, Agüero, David Silva, Kevin De Bruyne. Toàn là những huyền thoại thôi. Khi tôi 12 tuổi, tôi thường đến sân tập để xem Agüero ở Atlético. Anh ấy là một trong những thần tượng của tôi. Và giờ đây tôi lại ngồi ngay cạnh anh ấy trong phòng thay đồ. Thật sự là không thể tin vào những gì mình đang chứng kiến được.

Agüero và Otamendi hay trêu tôi lắm. Không chỉ về cách ăn mặc mà còn vì sau mỗi trận đấu, tôi lại lên xe buýt và gọi FaceTime cho bạn gái. Tôi là cầu thủ bóng đá còn cô ấy là bác sĩ nên chúng tôi phải quen với việc yêu xa trong nhiều năm. Yêu xa thì làm gì? FaceTime thôi chứ còn làm gì khác được nữa. Đá xong trận nào, tôi cũng gọi điện cho cô ấy bất kể là thắng hay thua. Khi thắng thì không vấn đề gì vì các đồng đội ồn ào ăn mừng đến mức chẳng ai để ý đến tôi. Nhưng khi thua, tôi vẫn cứ là chính mình và chẳng ngại ngần ai trên xe để gọi điện cho cô ấy. Khi nói chuyện với bạn gái, não tôi như quay về thời làm sinh viên đại học vậy. Tôi trở lại là Rodrigo. Vì vậy, khi trên xe buýt lặng như tờ, ai cũng cúi gằm mặt và tràn đầy sự thất vọng thì tôi lại nói to: “Ừ, hôm nay bọn anh chơi dở thật, nói thật là thế. Ừ, ừ, nay bị cầm hoà. Cay lắm… blah blah. Thế còn em hôm nay thế nào?”

dl
 

Lần đầu tiên, Agüero và Otamendi kéo tôi lại và bảo: “Này, đừng nói kiểu đó trên xe buýt! Pep có thể nghe thấy đấy! Mọi người đều nghe thấy cậu nói chuyện đấy!”

Nhưng sau mỗi trận, tôi vẫn gọi cho cô ấy. Tôi chẳng ngại ngần điều gì cả. Vẫn cứ nhấc máy lên và gọi điện cho người tôi yêu thôi. 

“Ừ, hôm nay ổn. Bọn anh thắng, nhưng anh chơi tệ lắm. Em đang xem Netflix à? Em đang ăn gì đấy?” - đó câu chuyện của tôi khi yêu xa nó là như vậy đó.

Nghe buồn cười thật nhưng chúng tôi cứ như hai đứa tuổi teen vậy. Mọi người xung quanh bực bội và họ cố gắng giành lấy cái điện thoại của tôi: “Cậu ấy sẽ gọi lại cho cô sau! Rodri, cúp máy đi! Cậu ấy phải đi rồi! Bye bye!”

Trông ai cũng như kiểu muốn ăn tươi nuốt sống tôi vậy nhưng tôi vẫn không bận tâm cho lắm. Khi rời sân cỏ, mục tiêu của tôi luôn là giữ vững đôi chân của mình trên mặt đất. Đôi khi tôi nghĩ mọi người không hiểu được phần đó ở tôi đâu. Rõ ràng, khi là một cầu thủ bóng đá với quá nhiều truyền thông vây quanh và các sản phẩm từ marketing tiếp cận thì bạn sẽ dần dần trở thành một "nhân vật" nào đó do người đời tạo ra. Hình ảnh gắn liền với tôi có lẽ là một gã “mọt sách.” Tôi nhớ lần vào một lần phải chụp hình, họ bảo: “Này, biết làm gì để cậu trông ngầu hơn không? Cầm mấy cuốn sách này đi. Giả bộ như là cậu đang đi thư viện ấy.”

Khi ảnh được đăng, bạn bè từ trường đại học nhắn cho tôi: “Nào nào, anh bạn. Cậu đùa tôi đấy à? Cậu chụp ảnh cái kiểu quái gì vậy? Cậu thậm chí còn chẳng thích đọc sách! Cậu đâu phải là một đứa mọt sách đâu!”

Đó là câu chuyện của tôi thôi. Nhưng để tôi cho bạn một lời khuyên rằng: Đừng lúc nào cũng tin vào những gì bạn thấy trên mạng xã hội! Thực tế luôn phức tạp hơn thế rất nhiều.

quote 3
 
a4
 

Chúng tôi đã rất may mắn trong vài năm qua ở Man City, nhưng đó không phải là cuộc sống thực của chúng tôi Trong những khoảnh khắc tốt đẹp, bạn không học được điều gì cả. Lúc đó đơn giản chỉ là tận hưởng thành quả thôi. Còn trong những khoảnh khắc tồi tệ, khi thực sự phải chịu đựng những thất bại và đau đớn -  đó mới là lúc bạn thực sự trưởng thành. Tôi nhớ sau trận chung kết Champions League 2021 gặp Chelsea, khi bước vào khu vực gia đình, tôi đã không thể nói thành lời khi nhìn thấy bố mẹ và các anh em của mình. Khoảnh khắc đó giống như hồi tôi đá tệ rồi về nhà ngồi lại ở cái bàn ăn trong bếp của gia đình vậy. Tôi chẳng thể nói được thứ gì ra hồn. Tôi chỉ nghĩ: "Tôi không bao giờ muốn trải qua cảm giác này nữa. Tôi phải nỗ lực hơn nữa. Phải nỗ lực hơn mức tôi đang làm. Tôi phải tìm mọi cách để trở nên giỏi hơn."

Giờ đây khi chúng tôi là nhà vô địch và đứng trên đỉnh thế giới, chẳng ai nhắc tôi về khoảnh khắc diễn ra vào năm 2021 nữa. Nhưng đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong đời tôi. Đằng sau mỗi khoảnh khắc tươi đẹp là cả một chặng đường dài của sự đấu tranh và chiêm nghiệm.

Ngay cả khi tôi ghi bàn trong trận chung kết Champions League năm 2023, đó không phải là một sự "tính toán" gì cả. Đó chỉ là một cảm giác mà tôi có được sau 20 năm chơi bóng, cảm giác đó đã bắt đầu được hình thành từ khi tôi còn đá bóng trong vườn ở khu phố. Ngay trước khi Bernardo tạt bóng, thực ra tôi còn đứng rất xa khu vực tung ra cú dứt điểm. Trên màn hình phát lại tình huống đó, mọi người thậm chí còn chẳng thấy tôi xuất hiện. Chẳng có lý do gì để bóng đến được vị trí của tôi cả. Lẽ ra tôi nên đứng yên và chờ đợi mọi thứ tiếp theo diễn ra. Nhưng tôi đã ra quyết định bước một bước về phía vòng cấm. Tôi cũng chẳng biết tại sao tôi lại bước vào vòng cấm trong khoảnh khắc đó. Tôi không suy nghĩ gì về nó cả. Vì có lẽ tình huống đó mà xảy ra 10 lần thì 9 lần tôi không bao giờ bước vào vòng cấm kiểu đó, thậm chí là 99 trong 100 lần luôn ấy. Khi Bernardo tạt quả bóng đó thì bóng sẽ không đến chỗ tôi được đâu.

Nhưng có tiếng nói nào đó trong tôi bảo rằng, "Đây sẽ là một lần hiếm hoi trong 100 lần đó"

Vậy là tôi bước lên một bước. Bóng bị cản lại sau đường trả ngược của Bernardo. Nếu không có tình huống cản bóng đó, tôi đã không kịp để bước tới. Và rồi, tôi thấy bóng nảy về phía mình.

rodri quote 2
 

Lúc đó, tôi nhớ mọi thứ hiện lên trong đầu như thế này:

- Bóng đến rồi. Làm gì đây ta? Sút mạnh — boomba.

- OK, nhưng chờ đã. Cả trận có thể chỉ có một cơ hội như này thôi.

- Chỉ cần sút trúng đích là được. Sút như lúc đá ở ngoài vườn thôi.

- Cơ hội đến rồi, vụt quả bóng vào lưới thôi. Nó đến rồi, nào sút thôi!

Mọi thứ diễn ra như vậy đó - tất cả chỉ trong có tích tắc. Khi bóng vào lưới, tôi chạy đi trượt gối trước khán đài của Man City. Và sau đó một ý nghĩ bỗng loé lên trong đầu tôi: "20 phút. 20 phút nữa. Chết tiệt, còn quá nhiều thời gian."

Đó chính là tâm trí của một cầu thủ chơi ở số 6. Chúng tôi đã trải qua 20 phút căng thẳng đó và rồi tiếng còi mãn cuộc đã vang lên. Đó chính là cảm giác tôi đã theo đuổi cả đời. Niềm vui của tôi cảm nhận được lúc đó không phải vì mình là người ghi bàn quyết định. Chúng tôi đã chống đỡ cùng nhau và duy trì tinh thần thi đấu suốt 90 phút để hướng tới chiến thắng chung cuộc. Tôi cảm thấy vui vì đã mang về cú ăn ba cho các cổ động viên - những người đã ủng hộ tôi từ ngày những ngày đầu tiên khi tôi đến đây. Đó là khi thấy nụ cười trên gương mặt của các em nhỏ mặc khăn quàng City. Là khi tôi được ôm gia đình và nói, “Chúng ta cuối cùng đã làm được rồiiiiiiiiiiiiiiiiiiii”

Đó chính là thứ gây nghiện đầy ma mị đối với tôi. Đó chính là lý do bạn chơi môn thể thao này.

8
 

Tại giải Euro, mọi chuyện cũng diễn ra theo một cách tương tự. Đó là một khoảnh khắc thật đẹp đối với bản thân tôi vì tôi đã phải ngồi bên ngoài sân theo dõi hiệp hai của trận chung kết. Lần đầu tiên trong đời, tôi không thể kiểm soát được mọi thứ sẽ xảy ra như thế nào. Trước khi giải đấu bắt đầu, tôi đã đặt ra thử thách cho bản thân để trở thành người vượt ra khỏi tầm của một người thủ lĩnh. Tôi không phải là người lớn tuổi nhất trong phòng thay đồ, nhưng chúng tôi có những chàng trai trẻ (rất rất trẻ! Trẻ đến đến phát sợ luôn ấy). Họ đến từ một thế hệ mới và tôi cảm thấy mình có thể giúp họ đối diện với áp lực trong một khoảnh khắc lớn lao như vậy. Khi tôi nghĩ về những gì Lamine và Nico Williams đạt được mùa hè này, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bước lên sân khấu của trận chung kết EURO khi cả đất nước đang dõi theo ở độ tuổi 17 và  22 - điều đó thực sự là không thể tin nổi. Nếu mấy đứa em tôi biết tôi đã sống như thế nào ở độ tuổi của của chúng nó, chắc hẳn tụi nhỏ sẽ shock lắm.

Khi tôi ngồi ngoài đường pitch trong hiệp hai của trận chung kết, cảm giác duy nhất mà tôi có thể so sánh là tôi đang được ngồi trong một chiếc xe chạy với tốc độ 200 km/h. Khi bạn là người cầm lái, bạn sẽ không cảm thấy gì cả. Nhưng khi bạn ngồi ở ghế bên cạnh người lái, bạn sẽ cảm thấy mình như đang có mặt trên một chiếc tàu lượn siêu tốc.

Khi chúng tôi ghi bàn ở phút 85, tôi nghĩ rằng mình đã chạy ra chỗ của Mikel Oyarzabal nhanh hơn cả khi tôi chạy trên sân trong hiệp một.

Khi bạn chiến thắng vì đất nước mình, đó là một cảm xúc hoàn toàn khác so với khi ở CLB. Trong khoảnh khắc đó tôi lại nhớ về cội nguồn của mình: nhớ về lúc tôi chơi đùa trong hồ bơi, rồi lại chơi bóng trong vườn, rồi sau đó lại phi xuống hồ bơi. Tôi nhớ cả về khoảnh khắc tôi đạp xe lên tàu điện để đi tập luyện mỗi ngày. Nhớ về những khoảnh khắc chạy quanh khu rừng tại Connecticut và oà khóc trong vui sướng vì đội tuyển Tây Ban Nha đã trở thành nhà vô địch của World Cup.

rodri quote
 

Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ nhận ra không chỉ làm cho một thành phố trở nên vui sướng mà nó là niềm vui cho cả một đất nước to lớn. Rất nhiều con người từ già trẻ, lớn bé, trai gái,... rất nhiều thế hệ khác nhau đã được trải qua cảm giác vui sướng ấy. Với những chàng trai trẻ ở thế hệ mới, đó cũng là lần đầu tiên họ được sống và cảm nhận niềm vui của một nhà vô địch. Có bao nhiêu đứa trẻ đã chạy khắp nơi trong đêm Lamine Yamal ghi bàn vào lưới đội tuyển Pháp? Có bao nhiêu người đã vỡ oà cảm xúc khi Mikel Oyarzabal ghi bàn quyết định vào lưới tuyển Anh? Con số đó có thể là hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu người.

“¡¡¡¡¡jajajajajajajaja!!!! ¡Viva España!” - Tôi hiểu cảm giác ấy - một thứ niềm vui thuần khiết.

Mặc dù tôi rất tôn trọng tri thức, kinh tế học và cả môn kế toán... thì tôi vẫn phải cho rằng chỉ có một điều duy nhất giúp con người ta cảm nhận được niềm vui theo cách đó mà thôi. Chỉ có bóng đá mới làm người ta cảm nhận được thứ niềm vui mang tính thuần khiết đó.

Cảm ơn Chúa và ba mẹ đã cho chúng tôi học hành đầy đủ. Cảm ơn Chúa đã giúp chúng tôi nuôi dưỡng những giấc mơ bóng đá...

Dịch từ: Thank God for Football - Rodri (The Players' Tribune)

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

top-arrow
X