Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Tác giả Minh Thư - Thứ Tư 30/10/2024 16:45(GMT+7)

Zalo

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Manchester United liệu có thể trở lại thời kỳ đỉnh cao của bóng đá Anh?

Vào thời kỳ đen tối những năm 1980, Manchester United từng chạy một quảng cáo cho chương trình thi đấu chính thức với khẩu hiệu: “Mùa giải này chúng tôi nghiêm túc thực hiện mục tiêu!”

Kể từ đó, khẩu hiệu này trở thành một trò đùa thường thấy trong cộng đồng người hâm mộ, khi nó không chỉ được dùng sau những tháng đầu tồi tệ của một mùa giải mà còn kéo dài sang cả mùa giải tiếp theo.

Nhưng luôn có một niềm tin trong giới bóng đá rằng United, sau khi sa sút kể từ khi giành chức vô địch châu Âu đầu tiên vào năm 1968, họ sẽ sớm trở lại.

Liverpool khi đó dù là thế lực thống trị bóng đá Anh, nhưng Giám đốc điều hành Peter Robinson của đội bóng vùng Merseyside vẫn luôn đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng, rằng "bọn ở East Lancs Road" sớm hay muộn cũng sẽ vực dậy.

Man United
Manchester United kỷ niệm chức vô địch lần thứ 20 - và gần đây nhất - vào năm 2013 (Andrew Yates/AFP via Getty Images)

Quả nhiên, họ đã làm được! Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, Alex Ferguson (khi đó chưa được phong tước hiệp sĩ) đã đương đầu với khó khăn bằng sức mạnh ý chí tuyệt đối. Nhà cầm quân người Scotland đã kéo United ra khỏi "vũng lầy", giành chức vô địch đầu tiên sau 26 năm và đưa CLB trở thành đội bóng số 1 thế giới, thế lực thống trị bóng đá Anh vào thời điểm bấy giờ.

Hiếm có một đội bóng nào lại “kinh doanh có mục đích” như United dưới thời Ferguson trong suốt những năm 1990 và 2000 cho đến khi vị chiến lược gia này nghỉ hưu vào năm 2013. Đây là thời điểm gia đình Glazer bắt đầu điều hành đội bóng theo cách của riêng họ, đồng thời cũng là lúc, đế chế bóng đá mà Ferguson dày công xây dựng bị phá hủy.

Man Unied trong thời kỳ hậu Sir Ferguson gặp vô vàn những khó khăn. Họ tiêu quá nhiều tiền nhưng lại có quá ít thành công, quá ít niềm vui, mất dần ý thức về đường hướng hay mục tiêu. Dù rằng, những danh hiệu thành công của họ vượt xa giấc mơ của hầu hết các câu lạc bộ, từ FA Cup dưới thời Louis van Gaal, League Cup và Europa League dưới thời Jose Mourinho đến Carabao Cup và FA Cup dưới thời Erik ten Hag, nhưng đối với một đội bóng có quy mô và bề dày lịch sử như United thì những gì kể trên là quá nghèo nàn.

Dẫu vậy, cảm giác tương tự vẫn tồn tại giữa các đối thủ của họ: Trước bình minh bao giờ cũng là màn đêm đen tối nhất, đến một lúc nào đó, “số đó” (ám chỉ Man United) sẽ cùng nhau hành động và bắt đầu tranh giành những giải thưởng lớn nhất một lần nữa.

Rồi sẽ đến lúc, các chiến lược chuyển nhượng không đâu vào đâu trong thập kỷ qua sẽ nhường chỗ cho một điều gì đó mạch lạc. Rồi sẽ đến lúc, họ tìm được một vị huấn luyện viên có thể chiếm được trái tim và khối óc và đưa các cầu thủ cũng như người hâm mộ  vào một cuộc hành trình thực sự, thay vì chỉ mới tới được trạm dừng chân đầu tiên mà đã mất phương hướng.

Đó chính là thử thách đang chờ đợi Ruben Amorim, khi nhà cầm quân người Bồ Đào Nha quyết định thay thế Erik ten Hag ngồi vào ghế nóng của Man United.

Đội chủ sân Old Trafford hiện đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng Premier League và thứ 21 tại Europa League. Tính trên mọi đấu trường mùa này, họ đã thắng bốn trong tổng số 13 trận (trước Fulham , Southampton , Brentford và Barnsley ). Trong khi ở mùa giải trước, họ thắng 21/47 trận ở Premier League, ghi được chỉ 65 bàn và để thủng lưới 69 bàn.

Xét về số bàn thắng kỳ vọng (xG), một chỉ số phản ánh chất lượng cơ hội mà các đội tạo ra và để thủng lưới, tổng số bàn thắng kỳ vọng của United kể từ đầu mùa giải trước, theo Opta lần lượt là 71,7 xG và 85,5 xG.

Lịch sự mà nói, không có điều gì trong con số kể trên đạt mức tốt. Bất chấp việc Ten Hag có phản hồi rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề sâu sắc hơn rất nhiều so với những lần họ hoang phí trước khung thành hay sự can thiệp không mong muốn của VAR trong trận gặp West Ham vào Chủ nhật.

Erik ten Hag theo một cách nào đó đã trở thành hình mẫu cho một nhiệm kỳ huấn luyện viên mang tính đặc trưng của United: Một kỳ chuyển nhượng đầu tiên đầy thách thức, khởi đầu là những khó khăn, một lời kêu gọi chung sức để rồi có một lối chơi cơ bản trong đội, sự cải thiện đáng kể trong thái độ làm việc.

Tiếp đó, họ gặt hái được một số thành công với danh hiệu để đưa ra tuyên bố đầy lạc quan rằng “đây chỉ là sự khởi đầu”... Và rồi bất lực khi nhìn mọi thứ sụp đổ, một nhóm cầu thủ bắt đầu thi đấu thiếu hiệu quả, để rồi một cái tên nào đó sẽ phải lặng lẽ rời đi làm êm dịu dư luận.

Ngay cả trong những thời điểm tốt nhất, tầm nhìn chiến lược của Ten Hag mang đến Man United đã bị gạt bỏ để đổi lấy sự thực dụng. Đáng ngạc nhiên là một HLV ban đầu muốn gây dựng đội bóng xung quanh nhạc trưởng của Barcelona, Frenkie de Jong, lại kết thúc với việc đi xa khỏi khái niệm đó. Ông bắt đầu bằng việc ký hợp đồng với nhiều tiền vệ và thử rất nhiều sự kết hợp nhưng không có kết hợp nào trong số đó đủ thuyết phục.

ten hag
Kỳ vọng càng cao, thất vọng mà Ten Hag đem lại càng lớn

“Lạc trôi”, đó có lẽ là từ để chỉ Man United trong thập kỷ qua khi mất quá nhiều thời gian sửa chữa mà không đi đến đâu. Tiến một bước, lùi hai bước, phá sản nhiều hơn bùng nổ, nhiều bản hợp đồng tệ hơn là tốt.

Rõ ràng Man United có những điểm tương đồng với Liverpool trong thời kỳ suy thoái những năm 1990 - không chỉ ở cách mọi thứ sụp đổ và các tiêu chuẩn tuột dốc quá nhanh mà còn ở giả định ngây thơ rằng tất cả chỉ cần một chút điều chỉnh. Để rồi, sớm hay muộn, mọi thứ sẽ trở lại đâu vào đấy, trật tự sẽ được thiết lập lại.

Cựu hậu vệ John Scales của Liverpool, một trong số những thương vụ được mua lại với bản hợp đồng khủng vào giữa những năm 1990, đã phản ánh rằng: "Ở Liverpool vẫn có cảm giác rằng vấn đề chỉ là khi nào, chứ không phải liệu họ có trở lại với chức vô địch hay không".

Steve Nicol, một cầu thủ trụ cột của Liverpool những năm 1980, nhớ lại cảm giác vào đầu những năm 1990 rằng, “Được rồi, chúng tôi không ở trạng thái tốt nhất ở đây. Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn tôi nghĩ một chút". "Trước khi bạn biết điều đó,” anh ấy nói, “đã 5 năm, 10 năm, 20 năm…”

Nghe quen không? United vẫn chưa tiến đến giai đoạn 20 năm, nhưng đã 11 năm trôi qua kể từ chức vô địch Premier League gần nhất của họ (và trong khi Mourinho và Ole Gunnar Solskjaer vẫn tự hào tuyên bố vị trí á quân của họ vào năm 2018 và 2021, thì đó là hai trong số những lần về nhì xa nhất trong lịch sử giải đấu hàng đầu của Anh). Có thể hiểu rằng con số 11 năm sẽ trở thành 12 sau cách họ bắt đầu mùa giải này.

united_league_finishes-1
Thống kê thứ hạng và điểm số của Man United kể từ mùa giải 2000-2001. Nguồn: The Athletic

Đây được cho là một mùa giải mà United “có ý kinh doanh”, được đánh giá qua vô số tuyên bố táo bạo của tỷ phú hóa dầu Sir Jim Ratcliffe, khi ông mua lại cổ phần thiểu số trong câu lạc bộ.

Ratcliffe khó có thể chỉ trích gay gắt hơn về văn hóa tầm thường đã phát triển dưới quyền sở hữu của gia đình Glazer. Để giải quyết vấn đề đó, ông cho rằng cần phải bổ nhiệm những người phù hợp ở mọi cấp độ. Bên cạnh đó là thay đổi thái độ cùng văn hóa trong phòng điều hành, phòng thay đồ và cả văn phòng. Một số phát biểu của nhà tỷ phú người Mỹ khá khích lệ. Ông cũng có những động thái để lôi kéo Omar Berrada từ Manchester City và Dan Ashworth từ Newcastle United làm giám đốc điều hành và giám đốc thể thao CLB.

Trong bối cảnh đó, thật kỳ lạ khi sau các cuộc thảo luận với Thomas Tuchel, Roberto De Zerbi và nhiều nhà cầm quân khác, họ lại tiếp tục giữ lại Ten Hag. Kết quả là màn thi đấu kém cỏi, phong độ thường xuyên tệ hơn và không khí trong câu lạc bộ, dù không tới mức độc hại như thời kỳ cuối của Mourinho nhưng gần như là luôn ảm đạm.

Đánh bại Manchester City trong trận chung kết FA Cup là một ngày đáng nhớ, nhưng nó mang lại cảm giác như một kết thúc có hậu cho Ten Hag hơn là một khởi đầu mới.

Chien thang tai FA Cup cua United truoc Manchester City vao thang 6 da giup Ten Hag duoc gia han hop dong (Alex Livesey – Danehouse/Getty Images)
Chiến thắng tại FA Cup của United trước Manchester City vào tháng 6 đã giúp Ten Hag được giữ lại (Alex Livesey – Danehouse/Getty Images)

Sau cùng, giới chủ của đội bóng vẫn quyết định hoãn lại và cho nhà cầm quân 54 tuổi thêm cơ hội. Họ muốn cho Ten Hag làm việc trong một mô hình thể thao ưu tú.

Khi được hỏi về phong cách chơi của United, Ratcliffe nói với các phóng viên rằng, "Chúng tôi sẽ quyết định phong cách đó, cùng với CEO, giám đốc thể thao, có lẽ là những người tuyển dụng về phong cách bóng đá là gì và đó sẽ là phong cách bóng đá của Manchester United. Huấn luyện viên cũng sẽ phải chơi theo phong cách đó".

Tám tháng sau tuyên bố đó, năm tháng sau khi đàm phán với các huấn luyện viên có phong cách trái ngược nhau như Tuchel và De Zerbi, và bốn tháng sau khi quyết định kích hoạt gia hạn hợp đồng một năm với Ten Hag. Giờ đây vẫn chưa rõ phong cách mà Ratcliffe nhắc đến là gì.

Hoạt động chuyển nhượng mùa hè của United chắc chắn không mang lại nhiều sự rõ ràng về điều đó. Có lẽ Amorim, nếu nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đảm nhận công việc này, có thể hiểu rõ hơn về bản hợp đồng mới nhất của họ so với Ten Hag từng làm.

Ở một khía cạnh nào đó, ban lãnh đạo của United nên biết ơn vì kết quả kém cỏi ở đầu mùa giải. Màn trình diễn được cho là mạch lạc và có cấu trúc hơn một chút so với mùa giải trước. Kết quả không giúp Ten Hag giữ nổi ghế và buộc giới chủ Man United buộc tìm người thay thế ngay lập tức.

Điều này được đánh giá là sẽ tốt hơn nữa nếu ban lãnh đạo đội chủ sân Old Trafford sớm kết thúc thời kỳ của một huấn luyện viên đang gặp khó khăn.

Ten Hag gần đây đã nói rằng, "gần như không có câu lạc bộ nào trên thế giới mà kỳ vọng lại cao như ở Manchester United".

Với câu nói trên, liệu nhà cầm quân người Hà Lan có đang tin vào điều đó không? Ông đã được giữ lại vào mùa giải trước sau khi kết thúc ở vị trí thứ tám tại Premier League với chỉ 18 trận thắng (một số ít trong số đó là đáng khích lệ) trong 38 trận đấu, với hiệu số bàn thắng bại là âm.

Nếu là Amorim, nhà cầm quân này sẽ được trao cho thời gian, tiền bạc để mua sắm cầu thủ. Tất nhiên, người ta sẽ mong đợi một sự cải thiện, nhưng nó sẽ được yêu cầu trong bối cảnh, thời gian vừa đủ và mức kỳ vọng là không quá lớn.

CEO của Man United, Berrada đã phát biểu trước đội ngũ nhân viên của CLB rằng, mục tiêu của họ trong tương lai là trở thành nhà vô địch Premier League vào năm 2028, nhằm hướng đến kỷ niệm 150 năm thành lập United.

Đó là mục tiêu mà nghe vừa thiếu tham vọng đối với một đội bóng lớn như MU, những cũng quá lạc quan khi nhìn vào tình hình hiện tại của CLB.

Có quá nhiều thế lực lớn giàu sức mạnh và cạnh tranh như Man City, Liverpool, Arsenal và thậm chí cả Aston Villa và Chelsea. Trong khi, đội hình của United lại khiêm tốn hơn rất nhiều khi sở hữu sao số như Bruno Fernandes hay một số cầu thủ trẻ hơn, chẳng hạn như Leny Yoro, Kobbie Mainoo,  Alejandro Garnacho và Rasmus Hojlund, những người mà dưới thời Ten Hag, họ thậm chí còn không là hạt nhân của một đội hình có thể cạnh tranh cho một danh hiệu trong tương lai gần.

Chưa kể, các đội bóng khác cũng không mất quá nhiều thời gian hay khó khăn như cách mà MU trải qua. Liverpool đi từ một vị trí khốn cùng cuối năm 2015, đã vực dậy nhanh chóng dưới thời Jurgen Klopp. The Kop đã lọt vào chung kết Champions League trong vòng ba năm, giành chức vô địch Champions League trong vòng bốn năm và giành chức vô địch Premier League trong vòng năm năm.

Với Arsenal, họ đi từ vị trí thứ tám trong hai mùa giải đầu tiên dưới thời Mikel Arteta đến việc trở thành ứng viên hàng đầu cho danh hiệu ở mùa giải thứ tư và thứ năm.

Sai lầm lớn nhất của Man United đến từ chuyển nhượng. Đã có rất nhiều bản hợp đồng "bom tấn" của họ "xịt". Điều này cho thấy những sai lầm trong chiến lược, huấn luyện và cả môi trường.

Chủ mới tại Old Trafford khẳng định mọi thứ sẽ được cải thiện theo thời gian. Họ hy vọng rằng những bản hợp đồng mùa Hè Noussair Mazraoui, Matthijs de Ligt, Manuel Ugarte và Joshua Zirkzee, những người đã mang lại sự cải thiện không đáng kể cho đến nay, sẽ được tiếp thêm năng lượng dưới sự dẫn dắt của một vị huấn luyện viên mới.

Nhưng không chỉ ở mặt năng lượng mới mẻ đó. United đang rất cần bàn thắng. Trong ba mùa giải gần đây, họ đã có 57, 58 và 57 bàn tại Premier League. Để hiểu rõ hơn, bảy đội xếp trên họ mùa giải trước đều ghi được ít nhất 74 bàn.

Zirkzee, Garnacho và Hojlund là những sao trẻ đầy tiềm năng nhưng đội chủ sân Old Trafford lại dành nhiều sự bận tâm trong việc đầu tư vào những cầu thủ ghi bàn và kiến tạo một cách khó hiểu.

Ban hop dong He 2024 cua United truoc tran dau dau tien cua mua giai (Ash Donelon/Manchester United qua Getty Images)
Bản hợp đồng Hè 2024 của United trước trận đấu đầu tiên của mùa giải (Ash Donelon/Manchester United qua Getty Images)

Trước mắt Man United còn rất nhiều việc phải làm. NHM Quỷ đỏ đang hy vọng rằng một huấn luyện viên mới sẽ có thể "mở khoá" điều gì đó. Như cách mà các vị chiến lược gia được bổ nhiệm giữa mùa giải như Klopp, Arteta và Emery đã phát huy được nhiều hơn từ đội hình mà họ thừa kế ở Liverpool, Arsenal và Villa.

Nếu đó là Amorim, công việc của nhà cầm quân này tại Sporting truyền cảm hứng cho sự tự tin nhất định. Hy vọng rằng ông có thể nâng cao hiệu suất, cả về cá nhân lẫn tập thể, trong 12 tháng đầu tiên tại Man United.

Dẫu vậy, đây là là điều gần như được coi là hiển nhiên khi một HLV tiếp quản một câu lạc bộ lớn đang ở giai đoạn khó khăn.

Thách thức lớn hơn tại United là đảm bảo rằng bất kỳ sự cải thiện nào như vậy có thể được duy trì sau một hoặc hai năm đầu tiên, và thoát khỏi vòng luẩn quẩn thời hậu Sir Alex Ferguson - quãng thời gian đã đưa Man United sa sút một cách nhanh chóng để rồi khiến con đường trở lại đỉnh cao của đội bóng ngày một xa vời hơn.

Theo Oliver Kay (The Athletic)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại sao những ngôi sao bóng đá lại đầu tư vào Esports?

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

X
top-arrow